Nhà thơ người Dao đỏ Triệu Kim Văn

733

11.9.2017-10:45

 Nhà thơ Triệu Kim Văn

 

Nhà thơ người Dao đỏ Triệu Kim Văn

 

HUY THẮNG

 

NVTPHCM- Năm 1957 nhà thơ Bàn Tài Đoàn là một trong những người tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là nhà thơ người dân tộc Dao duy nhất khi đó. Đúng 40 năm sau, năm 1997 một nhà thơ người Dao thứ hai là nhà thơ Triệu Kim Văn mới được kết nạp, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Ngày nhà thơ Bàn Tài Đoàn trở thành một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam thì Triệu Kim Văn mới 11 tuổi vẫn sống nơi quê nhà, xã vùng cao Cao Sơn huyện Bạch Thông tỉnh Bắc Cạn, và còn chưa biết nói tiếng Kinh. Vốn liếng văn thơ ngấm vào máu thịt của Triệu Kim Văn là các làn điệu hát ru dân tộc (Láu ton).

 

Và đến nay, sau 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam vẫn chỉ có đúng 2 hội viên là người dân tộc Dao.

 

Tôi quen biết nhà thơ Triệu Kim Văn vào năm 1971 lúc chúng tôi cùng công tác tại Sở văn hoá khu tự trị Việt bắc, thành phố Thái Nguyên. Tôi đến từ Hà Nội còn Văn từ trường Dân tộc nội trú vùng cao Việt Bắc. Tôi với anh được phân cùng một gian phòng, cả nơi ở và chuyên môn… Mỗi gian phòng dành cho những người sống trong tập thể, vừa để ở vừa làm việc, mỗi người được trang bị một bàn làm việc và một giường cá nhân. Sách vở, tài liệu của ai thì xếp gọn trên bàn còn quần áo, tư trang thì cho cả vào trong cái hòm đóng lọt ở giữa giường. Ngày đó mỗi cán bộ chỉ hai, ba bộ quần áo ngoài ra chẳng có đồ đạc gì khác..

 

Nhưng chúng tôi cũng chỉ ở với nhau được đúng hai năm vì đến năm 1973 Văn lại được tổ chức chọn cử đi học tiếp đại học tại Hà nội. Năm 1974 tôi chuyển về Bộ Văn hoá. Sau năm 1975, khu tự trị giải thể nên tôi mất liên lạc với anh. Chúng tôi có thư từ sau đó, nhưng mãi đến năm 2011, nghĩa là phải sau gần bốn mươi năm chúng tôi mới được gặp lại. Tôi được biết anh đã kinh qua nhiều cơ quan, nhiều chức vụ, đã trở thành một nhà thơ tên tuổi, nay cũng đã nghỉ hưu.

 

Nhân có dịp lên Bắc Kạn, tra sổ ở  phòng thường trực biết số điện thoại của anh, tôi bấm gọi. Thì chỉ nửa tiếng sau đã thấy anh có mặt. Lúc bấy giờ đoàn chúng tôi còn đang đông đủ ở phòng tiếp tân nhà khách thì anh đi vào, không hỏi ai, quan sát một thoáng rồi anh đến ngay trước mặt tôi.  Tôi cũng  nhận ngay ra anh.Vẫn cái dáng lom khom cao, gầy, mắt một mí, khuôn mặt hiền lành, ít nói, ít cười.  Tôi giới thiệu anh với những người có mặt:Đây là nhà thơ Triệu Kim Văn, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn”. Nhưng lập tức anh đỏ mặt, vội vàng cải chính như sợ người ta nghĩ mình gian dối:

 

– “Khóa đầu  thôi, giờ nghỉ rồi”.

 

Cảm giác Triệu Kim Văn vẫn không thấy gì khác so với thời gian của những năm trước, dù cuộc sống của anh mà tôi biết đã có nhiều thay đổi. Không còn là một học sinh người dân tộc thiểu số vùng cao ít tuổi mới ra công tác, Văn đã  tốt nghiệp đại học ra trường và từng làm việc ở Ban dân tộc tỉnh uỷ Bắc Thái. Khi tỉnh Bắc Thái tách thành hai tỉnh thì anh về quê Bắc Kạn phụ trách ban tuyên giáo huyện ủy Ngân Sơn, lên  tuyên giáo  tỉnh ủy Bắc Cạn… rồi được các nhà văn, nhà thơ trong tỉnh tín nhiệm bầu làm chủ tịch Hội văn học- nghệ thuật  Bắc Kạn ngay khi tỉnh có quyết định thành lập hội..Văn đã có tới hơn 10 tập thơ riêng được xuất bản, trở thành hội viên hội nhà văn Việt nam.từ năm 1997. Thơ anh còn xuất hiện đều đặn trên các báo và tạp chí văn học hàng đầu của đất nước như Tạp chí Thơ, báo Văn nghệ, tạp chí Văn hoá các dân tộc… và có mặt trong hầu hết các tuyển tập văn học. Vậy mà lúc này đây thấy anh vẫn như một học sinh mới ra trường. Lành hiền, giản dị.

 

Tôi vẫn nhớ một đoạn trong thư  anh viết cho tôi cách nay đã mấy năm, lời lẽ rất rành rẽ: … Biết tin anh đã hưu, vẫn khoẻ, thế cũng là được. Mấy năm trước về Hà Nội biết anh ở Bộ Văn hoá, vẫn đọc bài của anh trên báo nhưng vào tìm thì ngại. Đành vậy, biết tình hình nhau là mừng rồi. Khi có điều kiện gặp nhau sẽ nói chuyện nhiều.

 

Tưởng cả hai sau mấy chục năm mới gặp lại hẳn sẽ có nhiều chuyện để hỏi, để nói vậy mà khi gặp cũng chẳng thấy anh nói gì nhiều. Hỏi gì thì anh trả lời đấy.Vẫn rất kiệm lời. Ngưòi miền núi nói chung vốn ít nói, Triệu Kim Văn còn ít nói hơn. .Không ai nghĩ con người này là một nhà thơ tên tuổi, từng là người lãnh đạo đã nhiều năm, nhiều cơ quan. 

 

 Cả buổi sáng hôm ấy Văn chủ động đèo tôi bằng xe máy, anh được cậu con cho, bảo cũng mới tập xe, và trước tiên đưa tôi về nhà, anh nói để cho tôi biết nhà. Khi ấy anh còn bà mẹ già trên 90 tuổi nhưng đã lẫn (bà đã mất sau đấy một thời gian) mà hàng ngày vẫn chỉ một mình tự anh chăm lo cơm nước, vệ sinh, thuốc thang cho mẹ. Mọi việc lớn nhỏ đều một tay anh, vì vợ anh mất sớm,con cái làm việc ở xa..Bảo sao không thêm người đàn bà cho đỡ vất vả, thì mặt anh lại đỏ lên, lúng túng bảo một mình quen rồi.

 

Sau khi cho mẹ ăn uống, thuốc men Văn đưa tôi đi lòng vòng quanh cái thị xã miền núi này ý tứ là cho tôi biết giờ  đã bề thế ra sao. Tôi có băn khuăn, sao thị xã miền núi cao mà chẳng thấy khác các thị x ã đồng bằng nhưng không biết có nghe thấy không hay ý tứ gì khác mà tôi không thấy anh trả lời. Rồi anh không quên đưa tôi tới thăm nhà văn người Tày Nông Viết  Toại, em ruột cố nhà thơ  Nông Quốc Chấn, người mà trước đã có thời gian cùng một cơ quan với chúng tôi ở Thái Nguyên. Ông Toại cũng đã tuổi chín mươi, già lắm rồi nhưng còn khá nhanh nhẹn, vẫn nhận ra nhau. Tôi nghĩ, hình như những người sống ở miền núi thường có một trí nhớ đáng nể. Gặp, nghe ông Toại ôn lại những chuyện cũ làm tôi càng thêm nhớ về những ngày xa xưa ấy, mãi những năm đầu thập kỉ sáu mươi của thế kỉ trước,bấy giờ cuộc sống vật chất còn khó khăn nhưng sao tình cảm người với người sao ấm cúng thế.. Lại nhắc đến Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu, Bế Dôn, đến Hoàng Tuấn, Nông Ích Đạt, Hoàng Quyết, Vi Kiến Minh… những nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhạc sĩ ,đạo diễn, nghiên cứu văn học dân gian, hoạ sĩ… người cùng một cơ quan Sở Văn hóa, rồi tham gia lãnh đạo chi hội văn học – nghệ thuật Việt Bắc, là những gương mặt tiêu biểu của văn học- nghệ thuật các dân tộc thiểu số  của Việt Nam từ những ngày ấy, nay đã chẳng còn một ai.. Lúc anh Toại nói chuyện, cả khi anh Toại rót rượu vào ba cái chén để cùng uống thì Văn chỉ chăm chú xem báo, không hề tham gia vào câu chuyện.

 

Hồi làm việc, tiếng là cùng phòng nhưng tôi cũng không rõ nhiều riêng tư của Văn, hỏi gì anh mới nói, lại nhát gừng, thành ra ngại.  Nhưng rồi gần thì hiểu. Triệu Kim Văn là người  không giỏi nói, khoản xã giao không khéo.. Chân tình, cặn kẽ , chi tiết, không thừa lời. Giúp ai việc gì cũng vậy  Một chuyện rất nhỏ nhưng vẫn làm tôi nhớ. Một chiều, hết giờ làm việc tôi đi đánh bóng bàn nhưng mải chơi khi xuống nhà bếp thì hết giờ, nhà bếp đã đóng cửa. Tưởng phải nhịn đói  nhưng về phòng đã thấy phần cơm của mình để trên bàn. Thì ra Văn thấy tôi còn mải chơi, biết qui định nhà bếp nên chủ động giúp mang về. 

 

 Tối tối tôi không thấy Văn  như không đi đâu mà chỉ thường hì hụi cắm cúi viết gì rất nhiều. Mãi sau tôi mới biết. Thì ra anh làm thơ. Anh làm thơ từ khi còn học ở trường dân tộc nội trú..Năm 1970 anh đã có thơ đăng trên báo Việt Nam Độc Lập, cơ quan của đảng bộ khu tự trị  Việt Bắc. Và đó là lí do sau khi Văn tốt nghiệp, mới ngoài hai mươi tuổi, người ta phân công anh về Sở Văn hoá.

 

 Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Việt Bắc/ Những nụ cười/ Những nét mặt hân hoan/ Ông với cháu rạng rỡ mùa xuân/ Cây đa xoè tán nắng/ Bên ông những mắt thơ trong sáng/ Tày, Nùng, Cao Lan, Dao, Mông/…Sáng năm này/ Tròn bốn mươi nhăm xuân/ Bác đến thăm trường/ Như bất chợt ông tiên phơ phơ mái tóc / Chiếc khăn quàng đỏ bạn Lô Lô quàng cho Bác/ Cùng reo vui/ Áo bạc ka ki thắm mắt Bác cười/  Tình  yêu của  Bác / Lặn  vào  trái  tim.( Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Việt Bắc )  Bài thơ ấy viết rồi in trong tập “Về trời”của Triệu Kim Văn để nhắc lại ngày bản thân anh cùng các bạn thiếu nhi các dân tộc vùng cao học trường nội trú được đón Bác Hồ đến thăm, rồi được chụp ảnh chung. Văn lại được ngồi gần bên Bác.Và đó là năm 1960, một kỉ niệm sâu sắc không thể nào quên mà như anh viết, Bác Hồ như đã :”Lặn vào trái tim “anh. Bức ảnh đó hiện nay vẫn trang trọng treo trong phòng khách nhà trường.

 

Cũng đã có nhiều người Dao làm thơ nhưng chỉ có hai người là hội viên hội nhà văn Việt Nam, một ngưòi là nhà thơ Bàn Tài Đoàn , thành viên sáng lập hội nhà văn Việt nam từ 1957 đã nổi tiếng.  Người còn lại là Triệu Kim Văn. Cùng là người một dân tộc, nhưng khác ngành, khác địa phương, Bàn Tài Đoàn ngưòi Dao Tiền Cao Bằng còn Triệu Kim Văn người Dao Đỏ Bắc Kạn, tuy vậy cuộc đời và thơ ca của hai nhà thơ khác nhau.. Bàn Tài Đoàn thường viết bằng giọng văn kể lể, mộc mạc nói lại cảnh quá nghèo khổ của bản thân, gia đình, và của dân tộc mình trước cách mạng đã được chính Triệu Kim Văn sau này có những nhận xét rất chính xác, rất chững chạc về cuộc đời và thơ của bậc tiền bối, bài viết in trong “tuyển tập thơ – văn Bàn Tài Đoàn”:  Nhà thơ Bàn Tài Đoàn ngày nhỏ  không được đi học, và chỉ tự học được ít chữ  để làm hành trang vào đời và làm thơ. Nhưng ông trở thành nhà thơ nổi tiếng vì được tắm mình trong ba dòng suối mát, đó là mạch nguồn dân tộc sinh ra ông, giao du với những nguời cùng trang lứa, rồi lễ hội, hát giao duyên, tất cả như ngấm vào ông rồi thành thơ. Cho nên dù không nhiều chữ ông vẫn có nhiều thơ. Thứ hai là cách mạng  Chính quê hương Nguyên Bình, Cao Bằng của ông là cái nôi cách mạng từ khi còn trứng nưóc.  Các đồng chí của ông đã dạy ông, đã dìu dắt ông làm thơ trong suốt cuộc đời của mình. Và ông đã làm thơ để tuyên truyền cách mạng.Và phương tiện chữ nôm Dao giúp ông tự bồi đắp thêm.

 

 Còn Triệu Kim Văn là một thế hệ khác.Anh được học hành, được đào tạo cơ bản.Anh sinh ra và trưởng thành khi đất nước đã sang trang. Ngày nhỏ anh mới bập bõm tiếng Kinh anh đã được chọn vào trường nội trú vùng cao. Ra công tác mấy năm lại được học tiếp đại học. Được học, được đọc nhiều, được gần với văn minh thành phố, tiếp xúc với nhiều thành phần người. Đọc thơ Văn nhiều nhà nghiên cứu nhận xét, thơ anh so với những nhà thơ người dân tộc thiểu số lớp trước và ngay cả những nhà thơ cùng trang lứa thơ anh hiện đại, trí tuệ hơn, chắt lọc và cô đọng :

 

  Đất nói lời mùa xuân / Bằng hạt mầm tách vỏ/  Cây nói lời mùa xuân/  Bằng chồi non khẽ nhú/  Suối nói lời mùa xuân/  Bằng rì rào khe đá/  Mây nói lời mùa xuân/ Bằng những làn mưa bui/  Em nói lời mùa xuân/  Bằng long lanh mắt đợi  ( Lời mùa xuân ).

 

 Bài thơ được chọn in trong tuyển tập văn học các dân tộc thiểu số Việt nam.

 

Thơ Triệu Kim Văn thường đi vào triết lí, chiêm nghiệm: :

 

 Tôi từ núi đi quành xuống bản/ Từ bản đi ra phố thị thành/ Từ thị thành mà đi ra biển/ Rồi lại trở về với núi xanh/ Đi từ lẫm chẫm cho tới lớn/ Từ lớn khôn đến lúc suộm già/ Nay chân yếu lưng còng tóc bạc/ Tôi vẫn là tôi của ngày qua ( Hạnh phúc )

 

Nói tới những người con em các dân tộc thiểu số được về sống nơi thủ đô lâu ngày đã dần như quên mất cội nguồn, anh viết để nói lên suy nghĩ, đọc mà như thấy có cả tiếng thở dài :

 

 Thế là người đã thành người Hà Nội / Hà Nội từ bước đi/ Hà Nội từ tiếng nói/  Hà Nội từ cách ăn/  Không còn dấu vết núi/ Không còn dấu vết rừng/ Không còn dấu vết bản/ Đến chút hơi chàm cũng không/ tât cả đã là người Hà Nội/  Nhưng làm người Hà Nội thế cũng buồn ( Làm người Hà Nội như thế cũng buồn )

 

 Và nữa:  Được khen / Chớ vội cho mình tài năng xuất chúng / Trái mua kia cũng đủ ngọt đất đồi /Mỗi mùa vụ có quả to quả nhỏ / Nhỏ to đều là quả / Chỉ khác giá mà thôi.  ( Giá ).

 

 Có nên tự hào khi tôi mới được biết rằng , năm 2014 một nghiên cứu sinh tên Nguyễn Thị Hồng Nhung ở trường cao đẳng sư phạm Việt Bắc đã hoàn thành xuất sắc luận văn tốt nghiệp thạc sĩ văn học với đề tài nghiên cứu : Thơ Triệu Kim Văn. Cả buổi sáng ấy đi chơi về, Văn mời tôi về nhà anh ăn cơm, nhưng tôi nói đã hẹn cả đoàn rồi. Anh không nài mà chỉ cười: Hội nghị chắc có chiêu đãi nhiều thịt gà thịt lợn lắm, nhà tôi không có rau gì nên anh chê rồi.

 

Tính cách và con người Triệu Kim Văn sau bao nhiêu năm tôi thấy  như vẫn thế. Mộc mạc, dung dị, đôn hậu, đúng như anh tự nhận trong câu thơ:“vẫn là tôi của ngày qua”     

 

VĂN NGHỆ, 33/2017

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…