Nhà thơ Trần Thắng ẩn ức “Dốc im lặng”

304

Nguyễn Linh Khiếu

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Dốc im lặng” là tập thơ thứ hai của nhà thơ, họa sĩ Trần Thắng. Cùng với thơ, trong tập này, anh in nhiều bức tranh nổi tiếng của mình. Thơ Trần Thắng ở “Dốc im lặng” không dễ đọc. Không phải nó phức tạp hay quá thâm hậu, cao siêu mà thực ra là rất khó nắm bắt tâm thế của thi sĩ.

Tập thơ Dốc im lặng 

Trần Thắng là một nhà thơ có sinh quyển thơ riêng biệt. Vì thế, không dễ gì bước vào thế giới thơ anh. Bởi trong đó có quá nhiều trầm tích, bí mật và ẩn ức. Ở đây chỉ thử truy tìm một khía cạnh nhỏ – những ẩn ức nào đó chi phối nhà thơ Trần Thắng được hé lộ trong “Dốc im lặng”.

Trần Thắng may mắn được sinh ra ở một làng quê châu thổ sông Hồng. Một vùng đất mới màu mỡ, dồi dào sinh sôi nảy nở. Một làng quê bé nhỏ, xa khuất nơi cửa sông Hồng. Ở đó, ta bắt gặp không chỉ những tín ngưỡng dân gian bản địa, mà còn chất chứa biết bao tư tưởng cao siêu của các tôn giáo lớn chi phối đời sống nhân loại như Nho, Phật, Lão và Thiên Chúa. Chỉ có điều những tư tưởng cao siêu của các tôn giáo này không tồn tại với tư cách là những giáo lý, những giới thuyết siêu hình, trừu tượng mà bao giờ cũng được “đồng hóa” thành những triết lý dân gian hết sức sinh động, nôm na, dân dã.

Cái làng quê nơi Trần Thắng sinh ra và suốt tuổi thơ tung tăng ở đó, thực ra là một hệ sinh thái tự nhiên trù phú hòa quyện cùng không gian tâm linh phức hệ đa tầng. Không gian tâm linh ấy được kiến tạo bởi sự tích tụ của văn hóa cổ truyền và hòa đồng cùng các giá trị phổ quát ngoại biên với quá nhiều trầm tích chồng lấn. Nó tạo nên môi trường sống lý tưởng cho con người. Thế rồi, bằng cách nào đó nhà thơ đã thấm nhuần một cách sâu sắc những giá trị của sinh quyển làng quê mình.

Dấu viết của thiên nhiên nguyên bản, của văn hóa bản địa, triết lý dân gian ấy hiển lộ thật phong phú, đa dạng và vô cùng sinh động trong thơ anh. Trần Thắng dù sinh ra ở làng quê, nhưng khi trưởng thành anh không sống ở làng quê. Anh là một nghệ sĩ, một nhà thơ sống ở nơi đô hội. Vì thế, những triết lý dân gian, những cảm thức văn hóa truyền thống cổ truyền của làng quê đã khúc xạ qua lăng kính của người nghệ sĩ đương đại.

Bảng lảng khắp “Dốc im lặng” là một cái nhìn thế giới xa xăm vô biên và cái nhìn nhân sinh muôn kiếp chan chứa nhân tình. Nhà thơ vì một ẩn ức nào đó nên luôn bị ám ảnh về hình bóng con người vô cùng nhỏ nhoi, mong manh trong một thế giới vô thường, một thiên hà khôn cùng vần vũ bất thường. Đó là, “Hữu hình vừa cõi nhân duyên/ Thoát vô hình cõi vô biên chạnh buồn/ Rượu như lẫn ánh hào quang/ Người vương sương bụi lang thang thiên hà/ Dừng chân đâu cũng là nhà/ Buông tay cũng cỏ trùm qua phận người” (Xuân vẫn qua đây); hay, “Thánh nhân khuất đỉnh sa mù/ Đất ôm xương trắng hời ru công thành/ Ngàn năm chợt thoáng mong manh/ Một ngày giặc giã cỏ xanh ngút trời” (Tĩnh lặng mong manh); “Nguyện cầu những linh hồn vụt qua và tan biến/ miền cực đầu thai kiếp sinh linh/ thêm tỏ tường giới hạn của mình/ âm thanh cuối cùng lột xác…/ mong manh… mong manh…” (Tháng ngày mong manh). Và, “Tóc in tuổi trắng mong manh…” (Tết của mẹ); “Ngủ trong một tiếng lá rơi/ Chợt lìa hai cõi mẹ ơi! Vô thường” (Buông); “Giấc mơ dương gian nhỏ nhoi lóe trắng/ Ngát vòm trời thanh sạch lặng sương/ dâng hiến trọn linh hồn thể phách/ có hay không một cõi vĩnh hằng? (Cúc họa mi)… Những câu thơ làm ta giật mình phản tư, ngơ ngác về thân phận con người chả khác gì hạt bụi mong manh trong một thế giới bất toàn vô tận.

Họa sĩ, Nhà thơ Trần Thắng

Đó có thể là bừng ngộ về sức mạnh tiên thiên của định mệnh nào đó đối với số phận con người. Cứ như thể mỗi con người khi sinh ra đã có một bàn tay vô hình xếp đặt, lập trình sẵn. Con người chỉ là một hình nhân di động trong trò đùa của lực lượng siêu nhiên. Đời người được dẫn dắt bởi một ai đó: “Định mệnh nổi trôi xướng lên giai điệu/ Thanh sạch linh hồn thoát xác hoan ca// Những bóng hình nhân gian chen chúc/ Đi về gió cuốn vô biên” (Thiên sứ); “Chuyện hợp tan đành rằng duyên phận/ Ta vẫn phủ sen trắng giấc xưa” (Xuân gọi) “đã yêu cần gì hối hận/ cuối đường chắc gì đã cùng nhau// Trinh nguyên viết nỗi niềm lên đá/ bao nhiêu mùa sương gió ngẩn ngơ” (Cúc họa mi); “Kiếp người mắc nợ đồng lần/ Xác xơ cũng trả lại phần cõi dương/ Oan hồn vảng vất mù sương/ Đắng cay là thực thiên đường là mơ” (Lời người dở hơi). Thơ Trần Thắng trong những tình thế thơ này là thơ giãi bày, thơ xác quyết. Anh không muốn, không cần ai đối thoại. Thơ nói những điều anh tin hay anh băn khoăn mà không cần ai phản hồi, không cần ai luận bàn, chia sẻ. Thơ như thế cứ như thể người thơ đã thấu hiểu những lẽ huyền hoặc. Hay dường như đã được ai đó mách bảo những mật mã của số kiếp con người.

Đó là cảm quan nhân sinh về sự thoáng chốc, ngắn ngủi của kiếp người: “Biết đâu mây khói phù sinh/ Cõi tạm mời đến cạn mình chẳng buông/ Chén này đời ngược về suông/ Đằng nào cũng quẩn một đường càn khôn/ Chén này nhẹ bẫng sinh tồn/ Xa nhau chợt ngấm nỗi buồn cố nhân” (Tạm Thương cạn mình); “cõi mênh mông mộng mị mơ hồ này có gì ràng buộc/ có cả trăm năm, có cả nghìn năm trong một kiếp người/ chuyện ngàn năm trước, ai biết về nghìn năm sau// Tiễn đưa nhiều thứ trôi vào cát bụi/ để ngộ ra rằng ta đang nương nhờ một cõi/ cõi tạm/ thân xác này tày mấy tấc gang” (Vĩnh hằng); Hay, Chuyện đời thoáng mây bay/ Chốn nhân gian nương náu phép màu/ Ngỡ an nhiên lại bời bời/ Hương trầm luẩn quẩn mắc lời hẹn nhau” (Nương náu). Và, “Lá buông về cội giấc vàng/ Mong manh gió lật trắng tang kiếp người” (Buông); “miền cực đầu thai kiếp sinh linh/ thêm tỏ tường giới hạn của mình”/ âm thanh cuối cùng lột xác/ ta trở về lẩy bẩy chồi xuân” (Tháng ngày mong manh). Vì ẩn ức nào mà ám ảnh nhà thơ rằng cuộc đời chỉ là cõi tạm, cõi nhân gian chỉ là phù sinh. Dẫu đời người mong manh, thoáng chốc mây bay gió thổi trong “chốn nhân gian” nhưng nhà thơ không buồn. Thơ không bi lụy, hoảng hốt mà an nhiên tự tại. Hơn thế, nhà thơ còn tự mình tin rằng rời cõi tạm rồi một ngày sẽ “trở về lẩy bẩy chồi xuân”. Phải chăng nhà thơ tin vào sự luân hồi, tin vào sự đầu thai ở kiếp sau của mọi sinh linh, của chính mình. Thơ ấy nghe ra có mùi “an ủi”, “vỗ về”. Nhưng khi nhận chân được con người nhỏ bé bơ vơ giữa “thiên hà”, sự sống quá “mong manh”, nhân gian là “cõi tạm”, cuộc đời là “tấc gang” thì sự “an ủi”, “vỗ về” ấy hình như đã truyền cho mọi sinh linh một năng lượng, một cảm hứng sống nào đó. Hay đó lại chính là xác tín về sự bất diệt của linh hồn con người.

Với cách nhìn thế giới, cách nhìn cuộc đời một cách khác biệt như thế, nên thơ Trần Thắng viết về quê hương, viết về cha mẹ những gì thật gần gũi, thân thương, mến yêu cũng rất đặc biệt. Nỗi nhớ trong thơ Trần Thắng về quê hương thời thơ bé là nỗi nhớ cụ thể, từng chi tiết về con đê, vạt cỏ, dòng sông, mưa bụi… hết sức chân thực, đẹp đẽ dịu dàng. “Triền đê tung hứng bụi mưa/ Cải ngồng lại đến hẹn xưa thắp vàng” (Xuân khai nét cũ); “đang cuộn sóng trong tôi/ sông ơi!/ lúc lênh đênh ngoảnh đầu nhìn lại/ tuổi thơ thật đẹp thật gần sau khúc uốn mềm mại kia” (Sông chân trời); Đó là nhớ về những ngày tết ấu thơ với củi lửa ấm nồng và bánh chưng xanh: “Khói loang đẫm ướt vạt đê/ Nồi bánh chưng ủ bốn bề nhớ thương/ Củi lửa ấm chuyện cố hương” (Tất niên). Không hiểu sao các nhà thơ bao giờ cũng mang theo bóng hình một người con gái thuở thiếu thời và thi vị hóa họ với những đóa hoa đồng quê: “Những đóa sen ngủ quên trên ngực/ thức một miền ngan ngát đồng quê” (Lang thang sen); “Thôn nữ giấu hoa chanh trong ngực/ Dụ trai làng thiêu thân” (Tháng mười quê).

Nỗi nhớ quê của thơ Trần Thắng, còn dựng dậy cả một đời sống tín ngưỡng dân gian linh thiêng rất đỗi thân thương, gần gũi nhưng vô cùng hư ảo, lạ lùng. “Ai giã gạo âm âm cối đá/ Ai húp cháo sột soạt lá đa/ Ai gõ cửa lào thào canh vắng/ Ai chổi tre loẹt quẹt guốc sân vườn?// Vàng mã ngựa xe lờ vờ mặt đất/ Khói hương quẩn bàn tay/ Ai chạm sởn da góc không người/ Chén rượu đầy chưa uống đã vơi// Mẹ cha xa gọi tên nhắc nhở/ Sao trong mơ cha mẹ chẳng nói gì/ Con đuổi theo cháy bùng quần áo giấy/ Tranh cỗ cô hồn lướt thướt mưa Ngâu// Chuông chùa mênh mang tâm nguyện chúng sinh/ Nến lụi vào ngọn khói/… Bóng ai đợi ấm hơi nhà rồi tan” (Vu lan). Chỉ với mấy câu thơ, nhà thơ Trần Thắng đã phục dựng không khí “đại lễ” rằm tháng bảy. Thơ cho ta thấy một đời sống văn hóa tâm linh tích hợp và liên thông vô cùng huyền bí: Tết trung nguyên – Lễ vu lan báo hiếu – Tục xá tội vong nhân – Lễ cúng cô hồn chúng sinh. Đó là cả một đời sống tâm linh lúc nào cũng ngập tràn tâm tưởng đầy hoan hỉ của người Việt. Nhất là những người sinh sống ở làng quê châu thổ sông Hồng.

Cha mẹ là nỗi ám ảnh luôn trở đi trở lại ở “Dốc im lặng”. Nỗi ám ảnh ấy không biết khởi nguyên từ ẩn ức nào. Trong sự nặng lòng với quê cha đất tổ, hình bóng cha mẹ đã khuất núi luôn xuất hiện trong thơ anh. Dù cha mẹ đã đi xa nhưng trong sâu thẳm thế giới tinh thần của nhà thơ, cha mẹ vẫn luôn trở về hiện hữu trong đời sống của anh, trong ngôi nhà thơ ấu của gia đình. “Mẹ về trĩu gánh xa xăm/ Cha về lặng lẽ dáng đằm gió sương” (Tất niên); “Đêm qua mẹ khóc bơ vơ cha về// Thắp hương thầm khấn thầm nghe/ Bướm đêm vảng vất đèn hoe cạn dầu” (Tết của mẹ); “Mẹ cha xa gọi tên nhắc nhở/ Sao trong mơ cha mẹ chẳng nói gì” (Vu lan); “Lạy mẹ con tỏ bến bờ/ Lạy cha con lấm giấc mơ đồng làng” (Sang đò). Và, “Dâng hương con khóc mẹ cười/ Khói hương dẫn mẹ về trời gặp cha// Ngát thơm mở cánh cửa riêng mẹ về/ Từ nay nhòa nhạt nẻo quê/ Từ nay con lớn dãi dề mồ côi” (Buông).

Trong “Dốc im lặng”, nhà thơ Trần Thắng có nhiều bài viết về cha mẹ khi các bậc sinh thành không còn nữa. Không thể cắt nghĩa tình cảm giữa con cái với cha mẹ bởi đó là mối quan hệ thiêng liêng. Đó còn là mối quan hệ quá cá biệt của từng người con với cha mẹ mình ẩn chứa nhiều riêng tư, bí ẩn. Đọc những câu thơ này ta có cảm giác nó vụt hiện từ vô thức tập thể. Chỉ những tài năng thật sự về văn chương, nghệ thuật, vô thức tập thể mới can dự vào quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhà thơ Trần Thắng may mắn có được thiên phú này. Anh đã khẳng định tài năng của mình trong hội họa và bây giờ là trong thi ca.

Đọc “Dốc im lặng” ta linh cảm rằng có một ẩn ức bí mật nào đó luôn ám ảnh, chi phối đời sống nhà thơ. Những ẩn ức ấy bao giờ cũng đánh động, giày vò tâm can anh. Những ẩn ức ấy bao giờ cũng được phát lộ trong những tác phẩm văn chương, nghệ thuật. Chính nó bằng cách nào đó, đã giúp anh tạo lập được tư thế đàng hoàng, “thẳng thớm” hành trình làm người, hành trình sáng tạo dâng hiến trong cõi nhân sinh muôn kiếp. “Cả đời mẹ hứng liêu xiêu/ Mong con thẳng thớm giữa điều ngả nghiêng” (Buông); “Từ nay con gọi cha bằng hương ngát/ Hiểu lẽ đời mà thương nhớ khôn khuây.// Học làm người bao dung thật khó/ Bạc đầu mới biết cách lặng im/ Con tâm niệm điều cha trăn trối/ Về cõi nào cũng phải tốt cõi nhân gian” (Cõi lòng cha). Thực vậy, con người ta mai sau về cõi nào không biết, nhưng trên tất cả, trước hết, phải sống tốt ở cõi nhân gian.

N.L.K