Nhà thơ Trần Trí Thông: Mang tiếng gà gáy trong ba lô đi khắp chiến trường

1302

Xuân Trường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiến tranh đã lùi xa dần, nhưng âm vang hào khí của nó ngày càng thấm sâu vào lòng dân tộc. Những nỗi bi hùng vẫn làm xao xuyến trong lòng chúng ta mỗi khi đọc thơ của những người lính trở về hay còn ở lại, mãi mãi tuổi đôi mươi với chiến trường xưa hun hút gió mưa, chưa được quy tập về nghĩa trang.

Nhà thơ Trần Trí Thông 

Trần Trí Thông sinh ra ở Thành phố Cảng Hải Phòng, miền đất “Bút sinh hương”, mà hơn năm trăm năm trước đã xuất hiện một tài hoa ưu việt lẫy lừng đó là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đúng vậy miền đất này đã toả hương thơm lan xa trên mọi miền đất nước bởi những cây bút tài hoa: Đồng Đức Bốn, Thi Hoàng, Thanh Tùng, Nguyễn Thị Thuý Ngoan, Phạm Xuân Trường, Trung Trung Đỉnh, Đình Kính, Nguyễn Đình Thi, Phan Vũ, Thế Lữ, Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Ngọc Phách v v… còn nhiều nhà thơ, nhà văn khác, có thể tôi chưa biết chưa quen.

Tuổi mười tám Trần Trí Thông đã khoác chinh y theo tiếng gọi của Tổ Quốc lên đường ra trận, từ giã ước mơ riêng để thực hiện ước mơ chung của quốc gia dân tộc, thống nhất đất nước non sông, anh là người trai của thế hệ dấn thân yêu đời, đạp lên gian khó mà đi, giữ vừng niềm tin mà sống. Những cảm xúc dạt dào từ trong gian truân, bảo vệ đất nước đã nân lên trong những nhà thơ lính cái thi vị của thời đánh giặc, gìn giữ  thanh bình cho quê hương dẫu biêt rằng: “Cổ lai chinh chiến kỹ nhân hồi”. Bắt đầu cho hành trình ấy Trần Trí Thông đã giới thiệu mình:

Con đi nhập ngũ sớm mai

Vườn cau thức đếm khóm nhài nở bông

Ngân hà sao vượt qua sông

Buồng trong mình Mẹ nỗi lòng ai hay?

Quê nghèo mưa nắng từ nay

Chuyển mùa tóc mẹ lay phay gió vờn

Thoắt thoi mười tám năm tròn

Trường Sơn gọi… Mẹ tiễn con lên đường

Chợt nghe cót két cửa buồng

Ngoài hiên guốc mộc khẽ nương xuống thềm

Đền sau chênh chếch hạ huyền

Dưới sân mấy vạt sương mềm lướt qua

Bập bùng lửa bén rơm xa

Gạo khuya Mẹ đãi thơm ra tháng mười

Lung linh một dáng Mẹ ngồi

Giật mình. Thấy bóng Mẹ vời vợi cao

Bầy gà giục sáng nôn nao

Mùi thơm nếp cái rước vào cánh hoa

Vum tròn tay mẹ nết na

Mo cau nắm cả tiếng gà sang canh

Ngày mai mỗi bước quân hành

Ba-lô con có màu xanh cánh đồng

Có thao tức một tấm lòng

Có ò… o… dậy hừng đông tiếng gà

Trên đây là toàn thể nội dung của bài “Tiếng gà gáy trong ba-lô” cũng là tựa đề của tập thơ, một trong sáu tập thơ anh đã xuất bản. Ban đầu tôi muốn trích vài câu, nhưng rồi tôi không thể ngắt mạch cảm xúc của anh, anh đã công phu cho ký ức chụp hình lại giờ phút chia ly rưng rưng này, thật là quý hóa, anh đã nói hộ cho bao nhiêu cuộc chia ly thời ấy có cả nước mắt và nụ cười, và tôi cũng muốn cho những thế hệ sống trong thời bình nhìn lại một dấu ấn lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, xin các bạn hãy chia sẻ sự dông dài này của tôi.

Trần Trí Thông đã nhuần nhuyễn với thể thơ lục bát, anh đã thổi hồn hiện đại vào truyền thống bằng những hình tượng, những thi ảnh, qua những ngôn từ riêng anh, nhẹ nhàng mà bóng bẩy sâu xa, cách nói nhỏ nhẹ dễ gần, dễ nghe, lôi cuốn người đọc muốn đi từ câu này đến câu khác, bài này sang bài khác, tập này sang tập khác. “Quê nghèo mưa nắng từ đây/ Chuyển mùa tóc mẹ lay phay gió vờn/ Thoắt thoi mười tám năm tròn/ Trường Sơn gọi… Mẹ tiễn con lên đường” bi mà hùng, tâm trạng mà dứt khoát, nhẹ nhàng mà dai dẳng, làm nao lòng người. “Vum tròn tay Mẹ nết na/ Mo cau nắm cả tiếng gà sang canh” thật là đẹp và hiện đại biết bao, hình ảnh tay Mẹ nắm xôi vào mo cau và mo cau lại nắm luôn cả tiếng gà sang canh. “Ngày mai mỗi bước quân hành/ Ba-lô con có màu xanh cánh đồng/ Có thao thức một tấm lòng/ Có ò… o gáy hừng đông tiếng gà” – Ba lô mà mang cả màu xanh cánh đồng và tiếng gà gáy hừng đông chính hai thứ này đã làm nhẹ đi bao nhiêu là vất vả, gian truân của đời Lính, “Bập bùng lửa bén rơm xa/ Gạo khuya mẹ đãi thơ ra tháng mười/ Lung linh một dáng Mẹ ngồi/ Giật mình thấy bóng mẹ vời vợi cao”. Mùi thơm của gạo Mẹ đãi đã bay rộng ra cả tháng Mười, ở đây chúng ta thấy như thời gian của nhà thơ đang chậm lại, cuộc chia ly dài ra để đủ người đi kẽ ở nói hết những gì muốn nói với nhau, và người Lính yên tâm “Gieo Thái Sơn nhẹ hồng mao”.

Qua bài thơ trên chúng ta có thể nhận biết khả năng thượng thừa về thơ lục bát của Trần Trí Thông, thơ của lính luôn luôn phản phất mùi hương đồng nội, quê hương, hăng hái xung phong, vững chắc nhịp chân ra trận tiền, tất cả cho một ngày về. Thật là công phu và ý nghĩa vô cùng nếu có ai đó sưu tầm tập hợp được những lá thư hành quân của những người lính gửi về cho gia đình, làm cho chúng ta hiểu thêm sự hy sinh vô cùng to lớn của một dân tộc để đòi lại hòa bình thống nhất non sông. Ngày nay chúng ta đi trong phố xá thị thành, thỉnh thoảng bắt gặp những chiếc cổng làng có khi nó là ranh giới của các tổ dân phố mà ít ai để ý, điều đó cũng tỏ rõ rằng thành thị cũng bắt đầu từ nông thôn, người phố cũng còn bao dáng dấp của người quê, chúng ta hãy còn những gương mặt của văn minh lúa nước. Với tốc độ đô thị hóa đến choáng ngợp hôm nay làm cho nhiều người thương nhớ cảnh cũ làng xưa đã lắng đọng trong tâm hồn họ bao nhiêu ký ức của tuổi thơ. Không dưng mà nhạc sĩ Y Vân lại viết “Tôi thương miền quê nhớ hoàng hôn trên đất xưa / nghe tiếng tiêu mơ màng chiều hè…”. 

Nếu Nguyễn Bính đã lưu giữ vào tâm hồn mọi người cái tình quê êm đềm mà dữ dội qua nhiều thế hệ thuộc nằm lòng và Anh Thơ đã phát họa cái cảnh quê làm cho chúng ta không biết bao giờ mới thôi lưu luyến thì Trần Trí Thông lại mang được cả cảnh quê lẫn tình quê đi đánh giặc khắp chiến trường và ngày về lại thấy thấp thoáng phía sau cổng làng “May mà quê vẫn còn tre/ Đầu làng còn quán nước chè nghỉ chân/ Tam quan mông mốc phong trần/ Người làng chưa khoác áo dân thị trường”, hoặc là “Bao đời thếch tác rạ rơm/ Bao người lớn bởi hạt cơm chiêm mùa/ Về làng gặp những cơn mưa/ Ềnh oang nghe ếch ao chùa gọi đôi”. Trần Trí Thông đã trải nghiệm gì sau hành trình sương gió trở về: “Gió bấc sao cứ hẹp hòi/ Buốt vào thiên hạ làm vơi nghĩa tình”, hoặc là: “Ước mơ thay sắc đổi màu/ Em quên thuở mặc áo nâu ra thành”. Ngày xưa nhà thơ tài hoa Yến Lan đã dùng “chiều bồ câu” để nói cái đẹp, nó nhẹ nhàng, thanh tao, lay gợi quá cho một không gian thơ, thì hôm nay Trần Trí Thông lại dùng “chiều vuông”, buổi chiều vốn nó mênh mông của đất rời của tạo hóa thế mà anh nắn lại vào không gian của anh có kích thước nghe ra như ta cầm nắm được phải chăng anh muốn khuôn lại hai đôi mắt, hai tia nhìn gặp gỡ và chia ly của một nữa kia tồn tại rồi không tồn tại trong anh: “Em về qua buổi chiều vuông/ Mắt ai chạy dọc con đường đón em/ Hẹn hò chưa kịp tàn đêm/ Đã nhàu nát hết một thềm trăng suông” và rồi: “Bây giờ cũng buổi chiều vuông/ Có đôi mắt cũ nhường đường em đi”.

Tôi tâm đắc với Trần Trí Thông với những cặp lục bát như thế nầy: Nỗi niềm hỏi dưới đất sâu/ Còn bao đồng đội nằm đâu chưa về, Bê hai in đậm dấu đời/ Tuổi hai mươi đỏ tôi thời chiến tranh, Đêm làm thơ dưới chiến hào/ Và tương tư một nhánh đào vườn quê, Giữa bao la giữa điệp trùng/ Bầy chim gõ kiến mổ rung tiếng cồng, Từ trong thăm thẳm nhớ quên/ Chợt soi gương thấy tuổi lên tóc ngồi, Em ngồi vá gió thành lời/ Hải âu gắp nắng đánh rơi khắp chiều, Khói đồng quấn quýu chân say/ Cỏ may khâu nắng cuối ngày vào sương, Vườn khuya cách một tiếng gà/ Vầng trăng mất ngủ trên tà áo em, Nghiêng gàu em múc ca dao/ Cái ong thẩn mẩn đậu vào dáng thon, Nết na con gái tại trời/ Chung chiêng em gánh tháng mười lên đê, Siêu thị án ngữ cổng đình/ Gậy bà nhầm ngõ… giật mình cầu thang v.v… và còn nhiều cặp lục bát nữa nhưng trang viết đã quá dài.

Người ta nói thơ lục bát là kể lể, quanh co tôi nghĩ không phải vậy đâu chính người làm thơ quanh co vì nghèo từ bí vận lênh đênh tìm đường chuyển ý mà thôi, có phải thơ lục bát dễ làm mà khó hay không? Trần Trí Thông tĩnh lặng trốn vào câu sáu của anh để rồi bung ra câu tám để đời, anh ít thích ra phía trước, không thể hiện mình trước đám đông, không cầu danh vọng gì. Tôi ví anh như một bông hoa súng nở bên một góc trời không động chạm đến vạn vật cỏ cây, nhưng sẳn sàng tím biếc mênh mông lòng người nếu ai đi ngang qua đó. Bao giờ anh cũng luôn giật mình với tiếng gà gáy trong ba lô, có lúc anh nghe tiếng gà gáy nghiêng mới lạ chứ. Dữ dội của chiến trường, đa đoan của áo cơm, thao thiết nhớ quê hương đã làm nên một Trần Trí Thông khi thì vô vi lúc thì kiêu bạc nghĩa là anh còn duyên nghiệp với thơ. Trần Trí Thông giàu từ ngữ, nên ít gượng vận, nhiều cách nói cho vừa lòng người. Anh có nụ cười hơi nghiêng đôi khi làm cho nửa kia của anh cũng bẽn lẽn và hụt hẫng. Dòng sông, bến nước, con đò, cây đa, sân đình, chợ quê, mẹ hiền, ca dao, tục ngữ, những cô láng giềng, tiếng chim, tiếng gà, tiếng ếch, có những thứ âm thanh chỉ riêng anh nghe được, có những hình thù chỉ anh mới nhận ra. Tất cả đã làm thành một thứ chất liệu trong quá trình thơ của anh. Xin giới thiệu cùng quý vị có một nhà thơ quê Hải Phòng đang lặng lẽ tỏa hương bên dòng sông Vàm Thuật thành phó Hồ Chí Minh.

X.T