Nhà văn Tô Hoài dưới chân núi Xà Phìn

686

20.02.2018-17:45

 Nhà văn Tô Hoài

 

>> Một cách viết tiểu thuyết lịch sử

 

Nhà văn Tô Hoài dưới chân núi Xà Phìn

 

VÕ BÁ CƯỜNG

 

NVTPHCM- Trong cánh nhà văn đi “cắm bản” ở Tây Bắc năm ấy duy nhất có Tô Hoài nói được tiếng Mông. Bàn chân ông để thương để nhớ cho những sạn đá gan gà dưới các con suối, những cụm mây sớm, mây chiều trên đỉnh Lương Chư, để rồi mùa xuân, khi ông trở lại miền xuôi, vợ chồng A Phủ tiễn nhà văn tới khỏi dốc Tà Súa vẫn còn vẫy tay dặn: “Chéo lù. Chéo lù” (Trở lại. Trở lại).

 

Cái sự nhớ nhung vu vơ trong mưa núi, mây chiều buồn vui trong lời hẹn, khiến Tô Hoài chợt muốn trở lại Xà Phìn vào mùa xuân năm tuổi đã 83. Nơi ông “cắm bản” để đẻ ra tác phẩm Miền Tây nổi tiếng trong văn học cho đến tận bây giờ. Tiếc thay chuyến đi ấy cho dù đã được chuẩn bị khá kỹ, nhưng đến phút chót thì ông lại không tham gia được do sức khỏe không đảm bảo. Trước lúc chia tay để đoàn lên đường, nhà văn còn nói “với” theo một câu nửa đùa, nửa thật: “Trên ấy tớ có cô con nuôi lẫn con đẻ”… Nói xong cụ cười bằng đôi mắt đầy hóm hỉnh và thân thiện, rồi ngồi thu vai lại…

 

Cuối năm 2016, tôi mới có dịp lên tới Xà Phìn, đến nhà bà Lý Thị Chở, là con nuôi của nhà văn Tô Hoài. Xà Phìn cũng là nơi bán thứ rượu ngô đặc biệt của vùng cao, loại rượu bà vẫn thường gửi cho Tô Hoài khi ông còn sống. Đứng trước quán hàng nhìn ra dãy núi Vân Chải mơ màng ngủ trong rét buốt mùa đông, tâm trạng tôi chợt thấy buồn buồn. Thôn Há Hơ, Xà Phìn đem lại cho tôi sự hấp dẫn hiếm có quang cảnh miền Tây. Nó vẽ ra núi non miền sơn cước trong không khí sáng tạo. Không trách Tô Hoài “cắm bản” ở đây là phải…

 

Tôi quay lại nói với ông Thanh, người Dao đỏ, cho tôi mượn thêm cái áo Tà Phủ đắp cho ấm, rồi nói cả đoàn cứ về Đồng Văn ăn cơm trưa. Thấy vậy ông Thanh hỏi:

 

– Nhà văn cũng “cắm bản” sao?

 

– Không “cắm bản” mọc rễ như Tô Hoài sao lấy được tài liệu từ bà Chở.

 

Vậy là ông Thanh kéo bà Chở vào góc nhà, nói câu gì đó bằng ngôn ngữ Mông, rồi ông leo lên xe “tút” về Đồng Văn.

 

Ông Thanh đã “ném” tôi ở lại, sống trong heo hút làm khách độc hành miền Tây như vậy.

 

Trưa ấy, tiếng bát đũa khua, tiếng kéo bàn ghế, vẻ thân thiện đầm ấm bên bếp lò. Bà Chở cho tôi uống một chén rượu ngô. Bà bảo “rượu này ngon như rượu tôi thường gửi xuống cho bố Tô Hoài ở Hà Nội”. Tôi ăn hai miếng mèn mém. Thơm lạ, húp theo bát canh đậu phụ nóng cho ấm bụng.

 

Vững dạ rồi, tôi liều đánh vạ xuống chiếc giường tre, thường ngày bà vẫn ngả lưng. Cũng là việc chẳng hay ho gì? Nhưng đến nước này cũng phải nhắm mắt làm liều sau mấy ngày quăng quật bên Xín Mầm, Thượng Thùng. Lơ mơ trong giấc ngủ, thấy có người vào nhà. Lại nghe loáng thoáng bà Chở nói đến hai chữ Nhà Văn. Tôi biết cô giáo Chở ngày xưa đang thanh minh cho tôi điều gì.

 

Mưa bay trắng núi. Tôi dậy ngồi vào bàn. Bà Lý Thị Chở, cô giáo Chở ngày xưa, đã chiên ấm chè ngon. Với cái giọng thật dễ nghe cô nói:

 

– Tôi tuổi Nhâm Thìn (1952) chồng tên là Sùng Nỏ Có. Nó công tác ở Quân khu 2, vợ chồng được 5 con. Hai đứa dạy học, con lớn Sùng Thị Mai công tác ở Ban Dân tộc Trung ương, thằng Sùng Chí Minh ở Ban Dân tộc tỉnh, còn mình Sùng Xú Mìn nhà với mẹ.

 

– Cô giáo gặp nhà văn năm nào?

 

– Năm 1967, cũng vào mùa hoa tam giác mạch…

 

***

 

Qua câu chuyện của bà Chở, có thể hình dung lại câu chuyện của mấy chục năm về trước. Một buổi sáng, có ông đội mũ phớt, chống ba toong, mặc áo Tôn Trung Sơn, đội mũ bịt tai, một ông cao to hơi mập. (Sau này biết là các ông Nguyễn Tuân và Nguyễn Văn Bổng), cùng Tô Hoài mặc áo sợi chiếc áo bông cũ khoác ngoài, cũng đội mũ bịt tai. Ba ông đeo ba bình toong nước. Nghe đâu từ Lũng Cú đi bộ về trường Vân Chải tìm gặp anh hùng tiễu phỉ Sùng Dúng Lù bàn cách thuyết phục tên phỉ Vàng Lản Chi quy hàng… Họ uống rượu với nhau cả đêm. Trong cuộc rượu này có cả bác Vù Mí Kẻ, trước chăm ngựa cho họ Vương (vua Mèo). Khi đặt mâm, thấy không có gì, một anh thanh niên Mông chạy vào bảo: “Chờ tý đã”, anh khoác súng vào chân núi, lúc sau từ hỏm núi xa mù sương, vang lên tiếng nổ. Ông Tuân mới nhắp xong hớp chè thơm, còn đang chép chép miệng đã thấy cậu ta xách con cầy hương về nói to đầu ngõ “đi làm ngay chúng mày”. Cả vùng rừng thơm lên mùi thịt cầy. Đũa bát xô chậu vang lên những tiếng động có hồn hơn. Mồi ấy, rượu ấy ngồi cho tới sáng cũng được.

 

Ở được vài hôm, ông Tuân, ông Bổng “tút” về Hà Nội, ông Tô Hoài cứ thơ thẩn vào ra, vì quang cảnh núi rừng lôi kéo. Có lúc ông đã “nhãng” đi mùa sấu rụng Hà Nội, và gió bấc cuối năm thổi vào đầu ô.

 

Nhà văn vốn hiếu tĩnh, nói với thầy giáo Lê Đức Tăng và thầy Hỉ bố trí cho ông vào sâu trong núi hơn nữa, để chắt lọc được cái thanh khí miền rừng. Ông muốn nghe sâu hơn, hiểu kỹ hơn sinh hoạt và giọng nói của người Mông trước quê hương họ. Lý do ấy đã đẩy ông vào phân hiệu trường Xà Phìn ở chung với thầy Chá Mí Lô, dạy chữ Mông, người Xà Phìn. Từ đó cơm ăn, nước uống, tiếng nói, đến kiểu áo vắt vai, chân đi lên dốc của anh Mông, nhà văn đều thấm đến tận cùng nó. Kể cả hơi thở của người dân cố thổ lúc vác được chiếc gộc củi to về đốt lửa sưởi… Có lẽ được ở với Chá Mí Lô mà vốn liếng tiếng Mông của ông giàu có.

 

Trong ngôi nhà vách ghép bằng cây, liếp đan tre cài dặm. Bốn chung quanh rào tre để cả cây. Chái nhà cây mận nở hoa trắng thơm ngạt ngào. Một cây lê quả thơm. Cây đào hoa đỏ. Mùa xuân mời khách vào nhà bằng màu của hoa, và mùi thơm thanh dịu của lê chín… Nhà văn nằm trên chiếc dát tre, cũng là bàn viết. Hai đầu dát được đặt lên hai ghế, bốn chân chôn sâu xuống đất. Chiếc chiếu lúc nào cũng được cuộn lên, trong là tấm mền bông chần, thưa thếch thưa thác, nặng gần ba ký. Thầy hiệu trưởng bảo trường chạy mãi chưa ra tiền để mua cái vỏ chăn hoa tiếp khách.

 

Căn nhà ngăn đôi, một đầu là Chá Mí Lô, một đầu Tô Hoài giữa ngăn tấm vải hoa thả thõng xuống đất. Chá Mí Lô làm giúp nhà văn một cái chạn treo bát đũa ăn. Còn xô chậu, ăn xong tuốt tuột đưa sâu vào gầm giường một cách kín đáo. Sau giờ làm việc, nhà văn cùng xuống bếp với thầy giáo, các món ăn và mùi vị cuộc sống của người Mông, nhà văn đều được trải nghiệm như một thực khách sang trọng. Một thời gian sau, cô Nguyễn Thị Phương Mai, người Vĩnh Phú, cùng cô Máy, dân tộc Cờ Lao ở Xín Lủng được tuyển dụng về nấu cơm cho trường. Phân hiệu xóm Xà Phìn, nay thêm thầy Đắc, thầy Tăng, thầy Hỉ, lại nuôi thêm ông khách nhà văn, thành ra đông đúc.

 

Tô Hoài, vốn dĩ tỉ mỉ về cuộc sống, để cảm nhận hết được sinh hoạt của người Mông, ông thường đi khắp mọi nơi. Có hôm ông chống gậy, lội bộ đi dự sinh hoạt ở chi bộ Đảng sâu trong núi. Bữa ấy, khi Đảng viên đến đông đủ, Bí thư chi bộ lên ghế chủ tọa, hỏi vọng xuống: – Có chào cờ không nhỉ? – Có chứ. Thế thì “chào cờ chào”… sau lại hỏi tiếp: Có hát không nhỉ? – Có chứ. Thế thì “Đoàn quân Việt Nam đi…”. Câu hát cuối cùng vừa hết Bí thư lại bảo: – Thế thì chúng mày ngồi cả xuống…

 

Tô Hoài cứ ám ảnh mãi về buổi sinh hoạt chi bộ ấy, cùng với gương mặt của các đồng chí người Mông. Ông mường tượng thấy tất cả cuộc sống người Mông trên tít mít núi cao, trong cái hủm thuộc thôn Lũng Thàu, Xã Pìn, nơi ở của ông Vù Mí Kẻ chăm ngựa cho vua Mèo đã cho ông một cảm hứng để sau này viết lên những câu: Dù đi cùng trời/ Dù đi khắp núi /Đường đi cùng trời/ Đường đi khắp núi/ Chỉ có hai người/ Hai người yêu nhau…

 

Có trưa Chở ở lại ăn cơm với các thầy giáo, Chá Mí Lô, nháy nháy đuôi mắt nhìn Chở bảo: “Đây là nhà văn Tô Hoài”. Chở ngước nhìn nhà văn và đống giấy trắng trên bàn viết…

 

Hàng tuần Chở được thầy hiệu trưởng cử cõng quẩy tấu mang gạo và thức ăn vào Xà Phìn, có lần tay xách theo chai dầu hỏa để nhà văn thắp đèn, cô thấy ông ngồi thu lu trùm chăn viết…. Có lúc Chở tự hỏi “Sao ông nhà văn lắm chữ thế, viết mãi vẫn không hết…”.

 

Tuần sau cô cuốc bộ hết đoạn đường rừng lội qua con suối nước đến cổ chân mới tới trường Xà Phìn. Người đầu tiên Chở trông thấy là nhà văn. Rét quá, ông khoác cả cái chăn chiên đỏ đứng nhìn ra núi non xám xịt. Thấy Chở ông gật đầu rồi mủm mỉm cười “Bé thế này mà cũng đi dạy học à?”. Ngẫm nghĩ thế nào, ông thong thả nói thêm: “Chở bằng tuổi con thứ hai Tam Thanh của tôi. Vậy Chở làm con nuôi tôi nhé?”. Chở hơi cúi đầu, im lặng ngước nhìn ông vẻ cảm ơn, rồi khoác quẩy tấu chạy nhanh xuống bếp.

 

***

 

Nhà văn đi Mèo Vạc, Chở giới thiệu chị Mỉ là Phó Chủ tịch Phụ nữ huyện. Chị Mỉ kể cho Tô Hoài nghe chuyện cuộc đời mình bị gia đình chồng đánh đập, đuổi ra khỏi nhà giữa đêm khuya thế nào? Chuyện đời chồng cũ gả bán Mỉ cho người khác thế nào… cảnh nào cũng đầy nước mắt.

 

Từ Mèo Vạc về qua chợ Đồng Văn, chợ họp trong mây sớm, sương chiều. Nhà văn chen chân nghển cổ chỗ mua bán súng nổ đùng đoành, rồi cùng ngồi chen chúc với trai gái Mông ăn bát thắng cố, nước trong chảo sôi ùng ục. Thế nhưng ông vẫn có vẻ gì đó không vui. Gặp Mỉ rồi, nhà văn Tô Hoài buồn hơn, sau này mới biết qua Mỉ nhà văn đã tìm hiểu sâu bản chất của lớp thanh niên mới lớn đi theo cách mạng.

 

Chia tay Mỉ, rời khỏi Mèo Vạc về gặp con gái nuôi, mắt nhà văn buồn thiu. Sau đó đến một ngày vai ông khoác chiếc túi bên trong đầy những trang bản thảo viết về miền Tây ra khỏi Xa Phìn. Tô Hoài bảo: “Cái ba lô chỉ có giấy mà mỗi câu mỗi chữ lưu giữ bóng hình cuộc đời chị Thào Mỉ, và đời con nữa…”

 

Tay Tô Hoài vặt quả ớt ở đầu dốc (cua chóc) bỏ vào túi cuốc bộ ra đường cái bắt xe về Hà Nội.

 

***

 

Chở nhận được thư có dấu bưu điện từ Hà Nội gửi lên. Chở ngồi dưới gốc cây dương xỉ, đọc thư Chở khóc, thấy thương mình, nhớ bố. Thư bố viết kín trang giấy. Đọc đi đọc lại mãi mới hiểu. Có chữ phải đánh vần. Bố bảo: “Chuyện chị Mỉ bố viết đăng báo rồi…”. Từ ngày ấy thi thoảng bố gửi lên cho con 100 đồng theo đường bưu điện. Đấy là một số tiền lớn vì lương Chở lúc đó chỉ có 36 đồng.

 

Năm 1968. Chở đủ 16 tuổi, bố xin cho đi học ở Liên Xô cùng Tam Thanh. Nghe tin bố nuôi cho Chở đi học ở nước Nga xa lắm, mỗi người một ý. Chở nghĩ đơn giản thôi: Mình đi học xa, nếu chết không gặp được bố mẹ nên cứ ở Xà Phìn dạy chữ Mông là hơn. Bố lại gửi thư lên, không trách oán gì đứa con nuôi. Ông lại xin cho con về đoàn Kịch nói Trung ương. Giấy tờ đã chuyển lên phòng giáo dục, Chở đến nhận, lúc quay về Xà Phìn, ngồi nghỉ ở đầu dốc, nhìn về dãy núi quê hương trong mưa bụi, mấy đứa bạn gái từ núi xuống gặp Chở nó quấn quýt, nó muốn Chở nhận em nó vào học chữ Mông, tự nhiên cô thấy nặng lòng với quê hương, quay lại trả giấy phòng giáo dục…

 

***

 

Năm 19 tuổi Chở lấy chồng, rồi có con. Thằng Sùng Mí Hà được 8 tháng, Chở cõng con về Hà Nội thăm bố và mẹ Cúc. Khi để chiếc quẩy Táu xuống nền nhà, cô lắp bắp: “Con mang cho bố mẹ năm cân thịt bò khô, ít mật ong”. Bố tủm tỉm cười hỏi lại:

 

– Không mang rượu. Sao vui được?

 

Bố kéo bạn bè đến vui lắm. Mẹ Cúc cũng quý đứa con gái từ núi xuống, dắt đến cơ quan chơi, cầm tay giới thiệu: Đấy là đứa con gái nuôi của tôi, anh Tô Hoài mới nhận. Mọi người đều khen…

 

Đến ngày về, bố ngồi bàn viết quay nhìn hai mẹ con xắp xiếm đồ đạc trước khi ra bến. Lát ông nghiêng người nhẹ nhàng bảo: “Bà cho mẹ con nó ít tiền”. Mẹ Cúc chạy vào buồng lấy ra gói tiền đã chuẩn bị trước đưa cho Chở, cô xua tay nói: “Con không dám lấy đâu, đây là tiền để bố mẹ dưỡng già…”. Bố nói thong thả: “Tiền bố lao động viết văn mới có, như viết chuyện Miền Tây, Vợ chồng A Phủ… không phải tiền của Nhà nước. Con cầm lấy. Nghe tin vợ chồng con sắp làm nhà. Việc lớn, tốn kém nhiều, bố mẹ không lên giúp con được…”

 

Về tới nhà, dở gói tiền mới biết bố mẹ cho những mấy trăm bạc. To quá! Bằng cả mấy tháng lương của Chở.

 

Năm 2004, Sùng Thị Mai đẻ đứa con đầu, cô giáo Chở ra chăm cháu. Bố mẹ từ Hà Nội đáp tàu lên thăm. Năm ấy bố đã yếu nhiều. Ông bà chỉ ở lại với con cháu được một ngày, ăn bữa cơm chiều rồi đêm đó xuôi tàu Hà Nội. Bà cho cháu một triệu, bỏ trong cái phong bao nhỏ. Ông chờ lúc vắng người, thế nào cũng dúi thêm tiền cho con cháu. Bữa cơm hôm đó bố có hỏi số sách con mang từ Hà Nội về còn không? Chở nói thực, bao nhiêu sách bố cho mang về Xà Phìn; năm Tàu đánh, lính tráng đạp cửa khuân ra giữa sân đốt, trong đó có cuốn Miền Tây.

 

Tháng 7 năm 2014 mưa nhiều Chở nằm nghe tiếng mưa rơi. Buồn quá. Bỗng có tiếng điện thoại giữa khuya vắng. Tiếng gọi gần gũi thân thiện của mẹ Cúc: – Chở ơi con về đi. Bố mất rồi…

 

Lặng đi ở đầu giây. Sau đó là tiếng khóc. Mẹ nói tiếp: – Con cứ từ từ mà đi không phải vội… Hôm sau mới làm tang lễ cho bố…

 

Chở nằm vật xuống giường. Sau đó điện cho từng đứa con về Hà Nội làm tang bố…

 

***

 

Cả đời Tô Hoài nặng lòng với Tây Bắc. Không trách lúc sống ông thường nói: “Viết miền Tây như viết quê hương mình”. Ông để thương để nhớ cho con người và cảnh sống miền Tây. Sau ngày Bách nhật nhà văn, một đoàn hơn chục người, trai, gái, dâu, rể của ông đã làm một chuyến hành hương về miền Tây theo di nguyện của ông. Trong một buổi chiều sương rơi tịch mịch, dưới chân Tà Súa, nơi Tô Hoài có nhiều kỷ niệm, những người con, người cháu của ông, trong đó có Chở, đứng dưới dốc nhìn lên chóp núi. Chiều đi sương nặng, mưa rơi, lòng ai cũng nặng trĩu nhớ tới nhà văn đã gửi cả tâm hồn mình vào xứ sở này…

 

VĂN NGHỆ XUÂN 2018

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…