Nghệ sĩ thành phố tham dự Đêm nhạc tiễn đưa danh cầm, nhạc sĩ Văn Hải

387

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đêm 28/10/2022, tại tư gia gia đình Danh cầm – nhạc sĩ Văn Hải, nhạc sĩ Văn Cường, người học trò yêu quý của Danh cầm Văn Hải đã tổ chức đêm nhạc để tiễn đưa ông về nơi đất mẹ.

Nhạc sĩ – Danh cầm Văn Hải

Đêm nhạc diễn ra trong không gian hẹp, nhưng có hàng chục nghệ sĩ tên tuổi đến viếng và tham gia biểu diễn. Những bản tân cổ giao duyên nổi tiếng mà trong đó tiếng đàn của danh cầm Văn Hải từng một thời góp phần làm nổi lên những gương mặt, tên tuổi quen thuộc của bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử cải lương khiến cho đêm nhạc tiễn đưa ông như trở thành một sân khấu thu nhỏ, đầy ấp tình người, tình thầy, nghĩa bạn.

Từ trái qua: NSƯT Minh Minh Tâm, Nhà báo, nhà thơ Phùng Hiệu, NSƯT Phượng Hằng, NNƯT Lương Hồng Huệ, NS Hoài Thanh 

Trước Linh cửu danh cầm Văn Hải, những câu hát mang đầy ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, tri ân đồng nghiệp được thể hiện bằng sự tôn kính, tiếc thương qua những giọng ca ngọt ngào, mềm mại từ các nghệ sĩ: NSƯT Phượng Hằng, NSƯT Minh Minh Tâm, NNƯT Lương Hồng Huệ, Ns Hoài Dương, Ns Châu Vương, Ns Hoài Thanh (Huy chương vàng Trần Hữu Trang), Chuông Bạc Vọng Cổ Đỗ Ngọc Huyền, Quán quân Bông Lúa Vàng Phương Thúy,  Ns Tuấn Vương, Ns Hà Mỹ Anh, Ns Lâm Hà Hén, Ns Tạ Thiên Tài …và các nhạc sĩ tên tuổi, trong đó có hàng chục học trò của danh cầm Văn Hải thành danh đều có nghệ danh bắt đầu từ chữ  “Văn” như thầy của mình như; Văn Của, Văn Đại, Văn Sơn, Văn Lê, Văn Cường, Văn Phượng, Văn Dũng, Văn Hòa, Văn Thuật, Văn Nam, Văn Hảo, Văn Thanh, Văn Liêm, Văn Sự….

NSƯT Phượng Hằng và NSƯT Minh Minh Tâm cùng hát bản tân cổ giao duyên để tiễn đưa đồng nghiệp về nơi vĩnh hằng

Danh cầm nhạc sĩ Văn Hải tên thật Nguyễn Văn Cư – sinh năm 1954 tại TP.HCM. Văn Hải theo học đờn guitar cổ từ năm 9 tuổi và được nhiều danh cầm như Văn Vỹ, Bảy Bá, Năm Cơ, Hai Thơm, Chín Trích… truyền nghề. Trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật, Văn Hải đã dành hàng chục năm rèn luyện kỹ năng để sáng tạo ra những ngón đờn, chữ đờn độc đáo góp phần làm phong phú cho bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử cải lương Việt Nam. Sau khi thành danh, Văn Hải đã tham gia nhiều đoàn cải lương như đoàn Văn công Thành phố, Phước Chung, Minh Tơ, Huỳnh Long, Thanh Nga … và làm nhạc công cho nhiều vở diễn. Lúc sinh thời, Văn Hải từng  tham gia đàn cho hơn 4.000 vở cải lương trên sân khấu, cải lương video và audio ăn khách. Ngoài ra, ông cũng người thầy dành nhiều thời gian tham gia giảng dạy và đào tạo ra hàng chục nhạc sĩ cổ nhạc tên tuổi ngày nay như; Lữ Đạt, Hoàng Dũ, Văn Thuật, Văn Đại, Văn Hảo, Văn Liêm… Từ năm 2020, ông bị mắc bệnh suy thận mãn tính, tiểu đường và cao huyết áp… Dù gia đình đã chạy chữa cho ông trong suốt thời gian 2 năm, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm và ông đã qua đời vào ngày 25/10/2022.

Đêm nhạc với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ

Trong đêm nhạc, NSƯT Phượng Hằng chia sẻ: Nhạc sĩ Văn Hải qua đời là một sự mất mát lớn đối với sân khấu cải lương nói chung và bộ môn đờn ca tài tử cải lương nói riêng. Thật sự tôi khá bất ngờ và đau buồn khi anh qua đời ở tuổi 68, cái tuổi mà đáng lý ra anh còn có thể phục vụ cho âm nhạc nhiều hơn nữa, dẫu biết rằng công sức đóng góp của anh cho bộ môn này khá là đồ sộ. Vĩnh biệt anh, nhưng tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng đàn của anh trong những Audio mà tôi đã thu từ hơn 20 năm trước.

NSƯT Minh Minh Tâm chia sẻ những kỷ niệm một thời với danh cầm Văn Hải

Nói về danh cầm Văn Hải, NSƯT Minh Minh Tâm tiếc nuối: Anh đi quá sớm. Với tôi và nhiều đồng nghiệp, anh xứng đáng là một danh cầm, một tài hoa hiếm có của nền cổ nhạc Việt Nam mà chúng tôi ngưỡng vọng. Tôi còn nhớ mãi, ngày xưa, khi tôi mới lên Sài Gòn thu âm Audio tôi được hát chung với NSND Lệ Thủy và may mắn làm sao, qua lời giới thiệu của nhạc sĩ Trung Hiếu, tôi mời được nhạc sĩ Văn Hải đến đờn. Và rồi tại phòng thu, bằng sự nắn nót, bằng những chữ đàn điêu luyện của anh, đã thổi được những giai điệu ngọt ngào nhưng cũng rất bay bỗng vào trong từng câu hát, để từ đó những bài hát của tôi như; Mưa trên phố Huế, Người điên yêu trăng, trích đoạn Máu nhuộm sân chùa được thính giả đón nhận và đi vào lòng người. Hôm nay tôi hát lại bài Mưa trên phố Huế xem như là kỷ niệm một thời gắn bó, một sự tri ân chân thành dành cho anh.

“Việc các học trò của ông lấy chữ “Văn” đầu tiên để đặt nghệ danh cho mình đó được xem như là một trường phái mà trong đó có sự tôn sùng, kính trọng dành cho ông”, NSƯT Minh Minh Tâm cho biết.

Quán quân Bông lúa vàng Phương Thúy và Chuông bạc vọng cổ Đỗ Ngọc Huyền tham dự đêm nha với nhiều trích đoạn cải lương làm xúc động khán giả

Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, phong trào tân cổ hơi dài được khởi xướng bắt đầu từ những nghệ sĩ Châu Thanh, Phượng Hằng, Cẩm Tiên, thì chính danh cầm Văn Hải là một trong những người đầu tiên tìm ra những giai điệu, những ngón đờn, chữ đờn phù hợp để hòa vào trong những câu tụng, những câu vọng cổ dài đến cả trăm chữ. Điều đó đã góp phần làm nổi lên những tên tuổi nghệ sĩ hơi dài như Châu Thanh, Phượng Hằng, Nhã Phượng…được khán giả đón nhận và yêu thích. Và cho đến ngày nay, nhiều khán giả vẫn thích nghe các nghệ sĩ hát cải lương hơi dài mà trong đó lời nhạc của Văn Hải vẫn còn vang mãi.

NS Châu Vương kể về kể về quá trình hoạt động và cống hiến to lớn cho bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử cải lương của danh cầm Văn Hải

Trao đổi về vấn đề này, nghệ sĩ Châu Vương cho biết; Tôi không được anh Văn Hải trực tiếp đờn cho tôi hát, nhưng tôi học hỏi được rất nhiều điều bổ ích từ anh hướng dẫn và chỉ dạy. Tôi còn nhớ vào những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi khi nhạc sĩ Văn Hải đờn cho Châu Thanh tập hát hơi dài, tôi đều ngồi bên cạnh lắng nghe vàghi chép, học hỏi. Tôi nhớ có nhiều lần trong lúc tập, Văn Hải đã nói với Châu Thanh rằng, Kiệt à, (Tức Tuấn Kiệt, nghệ danh trước kia của Châu Thanh) chú phải hát và tuân thủ theo làn điệu, chữ đàn của tôi thì mới có thể thành công với chất giọng hơi dài của chú. Và đúng như những gì Văn Hải dự đoán, Danh ca Châu Thanh đã thành công và nổi danh qua những bài tân cổ, những trích đoạn hơi dài được khởi đầu từ danh cầm Văn Hải, dù sau đó Châu Thanh còn học thêm ở một vài nhạc sĩ khác. “Hôm qua, nghe tin anh đã ra đi tôi không muốn tin vào điều đó. Tôi điện thoại cho lãnh đạo Hội Sân khấu TPHCM để xác nhận và rồi bậc khóc khi biết điều đó là sự thật, dẫu biết đời người là vô thường. Với tôi, anh mãi là bậc đàn anh, một nhạc sĩ tài hoa, hiếm có sau Văn Vĩ và Văn Giỏi. Và tôi nghĩ rằng, trong tương lai bộ môn đờn ca tài tử cải lương sẽ khó có được người nhạc sĩ thứ 2 nào có được những kỹ năng và ngững ngón đờn độc đáo và sáng tạo như anh”, Ns Châu Vương chia sẻ.

NSƯT Phượng Hằng và NNƯT Lương Hồng Huệ tham gia nhiều trích đoạn cải lương để tiễn đưa người anh đồng nghiệp thân yêu

Chia sẻ cảm xúc trong đêm nhạc tiễn đưa ông, NNƯT Lương Hồng Huệ trãi lòng: “Ngày tôi sinh ra thì nhạc sĩ Văn Hải đã thành danh từ lâu. Tôi yêu thích tiếng đàn của ông và mong muốn một ngày nào đó được chính ông đờn để thu âm cho những trích đoạn hơi dài của tôi. Và rồi tôi cũng có cơ hội được gặp ông trong những lần đi diễn, tuy nhiên khi tôi chưa thực hiện được dự án của mình thì ông đã vĩnh viễn ra đi để lại trong tôi niềm kính thương và sự tiếc nuối”, NNƯT Lương Hồng Huệ nghẹn ngào.

Hình ảnh Các nghệ sĩ, nhạc sĩ tham gia và biểu diễn trong đêm nhạc

Vĩnh biệt Danh cầm, nhạc sĩ Văn Hải, một tài năng của sân khấu cải lương trong lĩnh vực đờn ca tài tử cải lương, tôi nghe lòng mình còn mãi dấy lên sự cảm thương và nuối tiếc.

Phùng Hiệu