Đã từ lâu, dịch văn học đã trở thành một đầu việc không thể thiếu ở các nhà xuất bản, các báo và tạp chí. Những nơi ấy chủ yếu là dịch văn học nước ngoài vào Việt Nam, còn dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài thì còn rất hạn chế, mới chỉ có Nhà xuất bản ngoại văn cùng với Ban đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam làm việc này, và cũng chỉ giới thiệu được một số tác giả tên tuổi của văn học cách mạng, văn học kháng chiến chống Mỹ và một số rất ít của văn học thời kỳ đổi mới.
Những năm gần đây, cơ chế thị trường đã thấm sâu vào từng tế bào xã hội, dường như nguồn bảo trợ của nhà nước để làm việc này không còn thường xuyên như trước nữa. Với các nhà xuất bản làm kinh doanh thì tác phẩm nào bán ra tiền thì họ dịch. Còn tác phẩm của Việt Nam dịch ra nước ngoài thì hình thành một lối đi gọi là “tiểu ngạch”, ai biết mánh nào đào mánh ấy. Vậy nên mấy năm liền Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, có khách văn của nhiều nước đến dự, chi phí khá tốn kém, nhưng về phía nước chủ nhà thì lần hội nghị nào cũng loanh quanh một số gương mặt, không phản ánh thực chất tiềm lực của văn chương đương đại Việt Nam. Trước hiện trạng đó, một số cá nhân và nhóm tác giả có khả năng dịch thuật đã tự tìm ra được những lối đi riêng.
Các nhà văn (từ trái sang): Đỗ Mai Hòa, Kiều Bích Hậu, tác giả bài viết, Phạm Vân Anh và Khánh Phượng.
Kiều Bích Hậu là một nữ tác giả văn xuôi, thuộc thế hệ đầu 7x, đã xuất bản 10 đầu sách (tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tản văn), nhưng bạn đọc ấn tượng nhất là mảng truyện ngắn. Chị từng lĩnh nhiều giải thưởng về thể loại này, tiêu biểu như: giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2007, hai lần giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân đội (2009 và 2015). Khoảng 4 năm nay, chị được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng chị không làm việc theo kiểu “thiên lôi chỉ đâu đánh đấy”.
Với vốn Anh ngữ vững chắc, chị thường giữ vai phiên dịch mỗi khi có khách ngoại đến làm việc với Hội Nhà văn. Gần đây bạn đọc còn biết tới chị trong vai một dịch giả năng động. Chị lập ra một nhóm dịch giả, không kể người ấy có chân trong Hội Nhà văn hay không. Lâu nay, chúng ta thường giao dịch với các quốc gia có nền văn học lớn như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý… thì bây giờ nhóm của Kiều Bích Hậu “khai phá” ở cả những quốc gia khác nữa và không chỉ dịch tác phẩm của họ sang tiếng Việt mà còn dịch tác phẩm của các tác giả Việt Nam sang ngôn ngữ nước họ nữa.
Từ năm 2019, Kiều Bích Hậu cùng nhóm đã tổ chức dịch, xuất bản được khoảng 10 tác phẩm văn học Việt Nam sang các quốc gia: Italia, Hungary, Ấn Độ, Romania… Ngoài các nhà văn, nhà thơ đã từng có tác phẩm được dịch trước đó còn có những tác giả lần đầu xuất ngoại như Nguyễn Thanh Kim với tập thơ “Thế giới của những giấc mơ” được xuất bản tại Romania; Vũ Trọng Thái với tập thơ “Bông hồng và chiếc bình cổ” xuất bản tại Hungary; hay một số tác phẩm đã chuyển ngữ xong đang chờ đại diện phía đối tác để xuất bản như tập thơ “Bay trong mơ” của Trần Quang Đạo, tập thơ chọn của Bàng Ái Thơ (sẽ xuất bản tại Hungary), tập thơ của Lê Thanh My (xuất bản tại Italia) và tiểu thuyết “Người không mang họ” của Xuân Đức (dự kiến xuất bản tại Romania)… Đương nhiên, cơ chế thị trường thời 4.0 không thể giải quyết những việc ấy bằng “tiền chùa” được nữa. Các tác giả muốn chuyển ngữ và in ấn tác phẩm ở nước ngoài đều phải bỏ tiền túi. Thơ thì vài chục triệu đồng. Tập truyện ngắn, tiểu thuyết thì vài ba chục triệu đồng. Thì cũng giống như xuất bản tác phẩm trong nước vậy thôi. Có còn mấy nhà xuất bản bao cấp cho tác giả nữa đâu.
Ngoài ra, gần đây, trên không ít tờ báo, tạp chí văn học quốc tế như tạp chí Neuma, tạp chí Thơ tuyển, tạp chí VIP Press (Romania), tạp chí Sahityapost (Nepal), báo văn học Sindh Courier (Pakistan), tạp chí văn học đa ngôn ngữ Archer (Bangladesh), Trang thơ tương lai Farapoesia (Ý), trang thơ của Hội nhà văn thế giới, báo văn học Kitob dunyosi (Uzbekistan), tạp chí Demo Gog (Nga),… đăng tải thơ và truyện ngắn của các tác giả Việt Nam, ấy là công của nhóm dịch giả này. Đấy chính là “quả ngọt” từ sự chăm chỉ “mối mai” những tác phẩm văn học Việt tới các dịch giả là người Việt hoặc người bản xứ, cùng các biên tập, hiệu đính tác phẩm của Kiều Bích Hậu. Nhóm của Kiều Bích Hậu còn kết nối được với nhiều nhà thơ, biên tập viên, chủ nhà xuất bản nước ngoài để hợp tác lâu dài với họ.
Họ kết lại với nhau thành một nhóm vì cùng chung một ước mơ.
Bên cạnh Kiều Bích Hậu là Khánh Phương, một thạc sĩ ngành Quản lý môi trường đô thị. Khánh Phương cũng viết văn xuôi. Các tập đã xuất bản của Phương mang thể loại truyện ký, nghĩa là trong quá trình sống và công tác, gặp chuyện gì thấy hay, có ý nghĩa thì ghi chép lại với tâm niệm viết cho riêng mình. Nhưng khi nghe lời “tư vấn” của bạn bè, Phương cũng cho xuất bản, như các tập “Tình nhân và những truyện khác”, “Đàn ông và những cuộc phiêu lưu tình ái”, “Làm gì khi bị tình phụ”, “Cảm xúc và tình yêu”, “Đừng gọi Anh là Em”… Nhưng tôi thích những bản dịch văn học của Khánh Phương. Tôi đang có trong tay hai tập bản thảo mà Khánh Phương mới dịch, chuẩn bị tìm nơi xuất bản: tập truyện ngắn “Sự hóa thân của Casanova”, của nhà văn Attila F.Balazs, người Hungary, và tuyển tập truyện ngắn của nhà văn người Uzbekistan sinh năm 1985, tên là Sherzod Artikov. Những tác phẩm Khánh Phương dịch đăng báo gần đây đáng chú ý như truyện ngắn “Cái chết của nhà văn” của Nodirabegim Ibrohimova, người Uzbekistan đăng báo Văn nghệ số 9/10; chùm thơ của nhà thơ người Mỹ Adrian Sangeorzan, đăng Thời báo Văn học nghệ thuật…
Nhà thơ – dịch giả Đỗ Mai Hòa, cũng thuộc thế hệ 7x, một người con của thành phố Hoa phượng đỏ Hải Phòng, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp hai ngôi trường danh giá: Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Khoa tiếng Anh (nay là Đại học Hà Nội – HANU), 1994; Đại học Ngoại thương (FTU), khoa kinh tế đối ngoại, 2003, văn bằng 2. Nhưng học cao lên chút nữa thì lại là cái ngành tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến văn chương: Đại học La Trobe – Úc, với văn bằng Thạc sỹ quản trị kinh doanh. Ra hành nghề thì chị làm khá nhiều công việc và cũng không liên quan gì đến thơ phú: Phiên dịch – biên dịch cho công ty nước ngoài trong lĩnh vực ôtô; Giám đốc Trung tâm tư vấn Vật liệu xây dựng – Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam; Phó tổng biên tập Tạp chí Vật liệu xây dựng đương đại Hội VLXD Việt Nam. Và hiện tại chị vẫn đang điều hành doanh nghiệp xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng.
Đỗ Mai Hòa tự nhận mình là một người viết tự do. Chị đã xuất bản ba tập thơ cho riêng mình: “Hoa Cúc Biển”, 1999; “Vài lời với Biển”, 2010; “Thương nhớ vốc đầy tay”, 2019. Và cái mảng dịch của chị cũng đáng ghi điểm. Nhiều bài thơ của các tác giả nước ngoài do Đỗ Mai Hòa chuyển ngữ được đăng trên báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và nhiều báo, tạp chí khác. Hiện nay, ngoài công việc của nhóm, chị đang hoàn thành bản thảo Tập thơ song ngữ Anh – Việt tập hợp một số tác giả thơ nước ngoài.
Trong “bộ tứ” nữ văn sĩ này thì Phạm Vân Anh trẻ nhất – sinh năm 1980 tại thành phố Hải Phòng. Từng có một tuổi thơ khá vất vả, nhưng bằng nghị lực và tài năng, chị đã từng bước vượt lên và trưởng thành. Chị viết nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, trường ca, kịch bản phim tài liệu… Lĩnh vực nào cũng có những thành công nhất định. Năm 21 tuổi Phạm Vân Anh đã xuất bản tập truyện ngắn “Ngón hoa” thắp lên hy vọng về một ngòi bút văn xuôi có phong cách; 24 tuổi chị xuất bản tập thơ “Tôi chào tôi” và nhận được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc VHNT Việt Nam.
Phạm Vân Anh hiện mang quân hàm Trung tá bộ đội biên phòng. Cái phẩm chất xông xáo, năng động của chị khá phù hợp với vị trí chị đang nắm giữ. Chị đã đi suốt chiều dài biên cương và nhiều vùng biển đảo tổ quốc, nhờ đó tác phẩm ngồn ngộn vốn sống về người lính quân hàm xanh và nhân dân các dân tộc dọc đường biên giới đã ra đời như tập bút ký “Đường biên cương dệt màu xanh”, trường ca “Sa mộc” (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam về biên giới – hải đảo, 2020). Mảng dịch văn học của Phạm Vân Anh cũng có những tín hiệu rất đáng để hy vọng.
Xin trích bài thơ của nhà thơ Hàn Quốc Janggeon-seob Phạm Vân Anh dịch mới đăng báo: “… Khi vợ tôi vắng mặt/ Dẫu chỉ trong một ngày/ Căn nhà tôi bé xíu/ Hóa sân vận động ngay/ Hôm qua bản tin sáng/ Thông báo tuyết lạnh rơi/ Cô ấy ngồi ngơ ngẩn/ Trong nỗi nhớ bùi ngùi/ Là muốn nhìn thấy tuyết?/ Hay mong về cố hương?/ Hay nhớ thương tình cũ?/ Giục vợ tôi lên đường/ Trong hoàng hôn trĩu nặng/ Cô ấy lên chuyến tàu/ Sân ga dần loang bóng/ Bơ vơ chiều Seoul…”.
Bốn tác giả – dịch giả chưa thể đại diện cho cả một lĩnh vực dịch thuật của một quốc gia, nhưng là những tín hiệu mới, tốt lành trong đời sống văn học của xứ sở chúng ta.
Theo Lê Hoài Nam/VNCA