Nơi ấy là rừng – Truyện ngắn của Bích Xoan

516

(Vanchuongphuongnam.vn) – Y Tắc ngồi trầm tư, mắt đăm đăm nhìn về bên kia núi. Mặt trời chói chang rọi lên những quả đồi trọc tạo nên khối màu đỏ u u như tổ mối khổng lồ. Lâu lâu, một cơn gió xoáy làm đất bay lên cuộn vòng vòng tạo nên những đám bụi mù mịt cuốn vào không gian.

Ảnh minh họa 

         Nơi ấy từng là cánh rừng đại ngàn với vô số cây lớn cao vút tận trời, cây bé xâm xấp cái đầu người đã chứng kiến tuổi thơ của anh lớn lên cùng dân làng Buôn Tia.

          Đã ba mươi mùa rẫy trôi qua. Ngày đó Y tắc là cậu bé  mười tuổi, đen nhẻm, có nụ cười như ánh nắng mặt trời với đôi mắt đen nhánh, lanh lợi như con nai rừng. Mỗi ngày cậu tung tăng vừa đi vừa nhảy chân sáo theo ama lên rừng hái măng, hái nấm, bẫy con chim rừng về bỏ vào cái lồng nuôi cho nó hót.

          Vậy mà!

          Bất giác anh thở dài rồi bật lên những tiếng ho khô khốc làm cho con Vàng đang nằm gác mõm lên bàn chân của chủ ngủ ngon lành bật đứng dậy, nó ve vẩy cái đuôi ra chừng lo lắng, đôi mắt ngước lên như muốn dò hỏi ông chủ của nó bị đau ở đâu hay có điều chi muộn phiền mà bỏ cả giấc ngủ trưa ngồi trầm ngâm như thế.

          Hiểu điều đó, anh khẽ đưa bàn chân ra, lắc lắc cái đầu; chú Vàng lại sà vào cái gối quen thuộc mắt nhắm lim dim.

           Khẽ rung rung bàn chân ru con Vàng ngủ, đôi mắt Y Tắc lại dõi về phía núi. Ký ức theo đó ùa về như cơn lũ cuốn từ trên núi mỗi đợt mưa rừng tràn về cuồn cuộn, cuồn cuộn…

          Đó là những buổi bình minh trong trẻo, Chim rừng líu lo, cậu bé Y Tắc cùng lũ bạn đeo gùi đi hái nấm, hái măng,… Những tiếng ồ lên sung sướng khi bắt gặp những cành cây khô mọc đầy nấm, những ụ đất nhú lên chùm măng tre, măng nứa sau cơn mưa đêm qua. Đôi chân nhanh nhẹn, bàn tay thoăn thoắt hái những nụ mầm thiên nhiên ban tặng. Thi thoảng ngước đôi mắt trong veo dõi theo chú sóc nâu đang chuyền cành với vẻ mặt đầy thích thú.

          Những đôi chân trần vòng qua những thân cây to, cây nhỏ; những tán cây dương xỉ, cây duối, cây Lim xẹt, sấu đỏ ướt khổng lồ đẫm sương và mưa khiến người đi rừng như lạc vào thế giới khác. Có những gốc cây dầu bảy người ôm không xuể. Hay những cây sấu đỏ sum sê cành, lá xanh tươi hứng nắng mặt trời.

Lâu lâu bắt gặp cái cây to sừng sững cao vút lên tận trời cả bọn lại hò reo đan tay vào nhau đứng thành vòng tròn. Phải đến mười sải tay giang ra lũ trẻ mới ôm được cây gỗ. Rồi thì thi nhau xuýt xoa sờ thân cây. Đứa thì thầm hỏi ông cây đã chứng kiến bao nhiêu mùa trăng trên núi, đứa lại nhặt hòn đá vạch ngang đầu mình lên thân cây như lời ước mình sẽ cao lớn, vững chãi như đại thụ giữa rừng…

          Đến trưa, khi những cái gùi đã được bỏ đầy những nấm, những măng, cả bọn xúm nhau về Bến nước cởi bỏ áo quần, phơi thân hình đen nhem nhẻm tắm trong dòng nước trong mát từ suối nguồn về…

          Một cơn gió cuộn về. Y tắc bất giác nhìn lên trên vách chỗ cuốn lịch chợt hiểu ra là đã tháng hai.

          Tháng hai Tây nguyên, khi cây Pơ Lang trổ bông, trời hanh hao nắng, mùa vụ thu hoạch đã xong khi những cơn gió nổi lên trong lồng ngực đại ngàn sâu thẳm cũng là mùa Ning Nơng tới. Ning Nơng là thời gian của lễ hội, vui chơi và giao đãi. Đây là thời điểm mà tâm hồn con người rộng mở, thoải mái nhất. Mọi người có thể vui chơi, uống rượu và ca hát “ ăn năm, uống tháng”.

          Đêm lễ hội, những đống lửa thi nhau cháy lên khắp nơi, chiếu sáng cả khoảng không dưới những tán cổ thụ cạnh buôn. Không gian náo nhiệt bởi dòng người nườm nượp kéo về. Trong khi già làng làm lễ cúng thì dân làng đánh cồng chiêng, nhảy múa ở bên ngoài nhà Rông. Đội cồng, chiêng vừa đi vòng tròn quanh đống lửa vừa biểu diễn. Già trẻ, trai gái cũng nhảy thành vòng tròn quanh đội cồng chiêng theo điệu nhạc. Các ché rượu cần được buộc thành hàng vào những cây tre và được chia thành từng khu. Càng về khuya, các đống lửa càng rực sáng và cuộc vui càng đông người, càng sôi động.

          Nhưng, trong ký ức của Y Tắc thì tháng hai năm ấy thật không thể quên được.

          Sáng sớm, khi cơn gió trong lành mang hương thơm tràn về khắp miền cao nguyên, bầy ong rủ nhau đi hút mật, con voi xuống suối nguồn uống nước,… Y Tắc theo chân ama vào rừng thì không thể tin vào mắt mình nữa:

Cả cánh rừng rộng mênh mông cái chân đi mất cả ngày không hết ngan ngát cây đã bị đốn gục chồng chéo lên nhau. Rất nhiều người đang dùng những chiếc máy cắt cành, ngọn; tiếng cưa máy dội vang thành một âm thanh réo rắt, rùng rợn chia thân cây thành những khúc gỗ dài, ngắn, những chiếc xe có cái cần vươn lên cao đang nhấc bổng những thân cây gỗ bỏ lên những cái xe dài ngoằng. Sau khi gỗ được xếp ngay ngắn trên xe thì họ dùng tời quay sợi dây xích sắt to bằng thân hình con trăn quấn quanh giữ chặt không cho gỗ rơi xuống. Quang cảnh ngổn ngang như một bãi chiến trường.

          Hai bố con như chết sững trước cảnh tượng bày ra trước mắt. Bố anh, mắt đỏ ngầu, nắm đôi bàn tay rắn chắc đấm thùm thụp vào ngực, hai hàm răng nghiến chặt. Ông chạy ào xuống con suối nhỏ cạnh rừng dang tay chém liên tục vào dòng nước.

          Trong cái đầu non nớt của Y Tắc hiểu rằng bố anh đang rẩt tức giận. Thế là từ nay dân làng sẽ không còn nơi để hái, lượm, săn bắt; để gửi gắm ước mơ nhờ cây nói với ông mặt trời trên đỉnh núi; để hò hẹn khi trai gái đến tuổi yêu nhau muốn nói điều thầm kín. Hôm đó, lần đầu tiên Y Tắc thấy bố mình bỏ cơm. Ông cầm chai rượu lên tu ừng ực. Mắt đục ngầu như mắt con hổ rừng giận bạn. Ami ngồi lặng lẽ, lâu lâu lại trút tiếng thở dài.

          Những ngày sau đó, Y Tắc cùng lũ bạn trong buôn rất nhiều lần vào rừng, lặng lẽ đứng nhìn những người thợ đang cần mẫn từng ngày chặt hạ đi niềm mơ ước của chúng. Bến nước cũng không còn trong vắt, rộn rã tiếng cười của người dân trong buôn. Hình như mạch nguồn cũng biết đau nên dòng nước cứ cạn dần mệt mỏi. Suốt những tháng năm dài sau đó, cứ đêm đêm tiếng ì ầm của những đoàn xe chở gỗ không ngừng cứa vào tâm trí của người dân buôn Tia. Những con đường oằn mình trước sức nặng của những chuyến xe chất đầy gỗ. Giấc ngủ bị giằng xé bởi tiếng cưa máy, tiếng còi xe, tiếng đất vỡ trước sức mạnh của những con hung thần mà người dân làng gọi là Kama.

Người lớn bảo: Gỗ đang về xuôi.

Gỗ về xuôi để dựng nên nhà cửa. Còn người dân buôn Tia thì bữa cơm lại ngày càng thiếu đi hương vị của núi rừng. Người lớn uống rượu nhiều; ít đánh Cồng, Chiêng hơn. Trẻ con thì túm nhau lại ôn những chuyện xưa. Có đứa còn du nhập trò bò cua tôm cá, bài bạc để quên đi những buổi đi rừng tuyệt vời trong ký ức…

Gió cũng nổi giận!

 Những cơn gió ngày xưa cứ thổi dài mơn man trên đỉnh núi, qua triền đồi, qua mép sông, qua bầu thác; Gió lan tỏa lên mặt đất tất cả những chất chứa ngàn năm trong lồng ngực đại ngàn sâu thẳm; Gió hoang dại và phóng túng đặc trưng của mùa xuân nay trở mình vật vã, có lúc bùng lên thành những trận cuồng phong, làm tơi tả cỏ cây tốc cả mái nhà sàn.

Cứ thế, rừng mỗi ngày lại lùi xa tít tắp. Thay vào đó là những quả đồi cà phê, những rẫy bắp, đậu, những cái trụ gỗ cà chít đen trũi được họ dựng lên để trồng tiêu,…

Dần dà, già, trẻ trong buôn đôi chân cũng quên dần lối lên rừng, họ từng ngày tập quên đi tiếng chim hót líu lo, tiếng thác nhảy, tiếng lá rừng xào xạc… Mối thâm giao từ ngàn đời giữa con người với rừng xanh trở thành câu chuyện amí, ama ngồi ôn lại mỗi khi trời mưa gió cả nhà tụ tập quanh bếp lửa.

Đường vào buôn cũng bị băm nát với những vệt lốp xe giày xéo lên nhau tạo nên những vũng bùn như cái ao khi cơn mưa ùa về. Lũ trẻ con tới trường hôm nào quần áo cũng lấm lem. Có đứa ngã nhào xuống toàn thân dính bê bết bùn đành bỏ cả buổi học. Vậy nên, lớp học cũng thưa dần khi mùa mưa về. Cô giáo phải xuống tận buôn vận động lũ bạn của Y tắc đến trường.

Đám thanh niên, sau những phẫn nộ trước việc Lâm trường tổ chức khai thác rừng cũng lại chấp nhận việc gia nhập vào đội quân làm thuê khi họ cần thêm nhân công khai thác gỗ, hoặc đào hố trồng cà phê, dọn cỏ trên những mảnh đất từng là rừng xanh thân thiết của dân làng buôn Tia để kiếm tiền lo cho cuôc sống của gia đình. Bố Y Tắc thì nhất quyết không cho vợ con tham gia làm thuê mướn gì trên cánh rừng đó dù cho cuộc sống có khó khăn thì ông vẫn lặng lẽ gồng gánh nuôi con ăn học. Hiểu được tính chồng, mẹ Y Tắc chịu khó xuống suối bắt con tôm, con cá; nuôi thêm đàn gà, đàn lợn cho lũ trẻ được ấm cái bụng.

Lửa từ điếu thuốc bén vào tay lúc nào không hay, Y Tắc giật mình, thảng thốt; rừng tàn rồi, sông suối cũng cạn khô, lá phổi thiên nhiên cũng không ưu đãi cho sức khỏe của con người như trước nữa.

Cái hình ảnh đã lóe lên hy vọng trong tâm trí của Y Tăc là năm anh mười tám tuổi, là một trong số rất ít thanh niên của buôn Tia vừa tốt nghiệp cấp ba. Trời vừa hưng hửng sáng, có mấy cán bộ lâm trường tới nhà vận động anh công nhân vào làm ở lâm trường. Họ bảo anh sẽ được trả lương, được hưởng các chế độ khi nghỉ hưu.

Vừa nghe xong ông cụ đứng phắt dậy xua tay:

– Con tôi không đi giúp các ông phá rừng đâu. Từ bao đời cha ông chúng tôi coi rừng là nhà, vui buồn cùng tiếng chim, tiếng suối vậy mà nay rừng gần như đã chết.

Nói xong bố anh cầm các mác giơ cao lên như một lời tuyên thệ sẽ không thay đổi ý mình đã quyết.

Hiểu tính bố, Y Tắc cũng lặng lẽ gật đầu.

Cán bộ lâm trường đành đứng dậy ra về vẫn không quên nói vớt lại: – Nếu gia đình có thay đổi quyết định thì hãy tới văn phòng lâm trường gặp chúng tôi nhé.

Đêm đó, anh trằn trọc mãi không ngủ được. Đang miên man suy nghĩ bỗng dưng nghe tiếng bố anh cất lên:

-Bố biết con buồn khi gia đình mình cứ mãi thiếu cái ăn, cái mặc trong khi các nhà khác làm công nhân cho lâm trường có cuộc sống khá giả hơn. Nhưng cứ nghĩ đến rừng là cái bụng lại đau lắm. Cả một đời gắn với rừng mà nay…

          Nói đến đó ông cụ im bặt rồi bật lên những tiếng ho khô khốc. Dạo này đêm về bố anh lại có những cơn ho khiến mẹ anh và cả nhà lo lắng.

          Im lặng một lúc, Y Tắc lên tiếng:

– Con sẽ xin vào làm công nhân lâm trường ạ. Con muốn trồng lại những cánh rừng mà họ đã chặt đi. Rừng sẽ lại xanh tươi nếu con người biết tái tạo lại bằng cách trồng lại lứa cây con và chăm sóc chúng. Cây cũng như con người, con cháu sẽ tiếp bước cha, ông. Mai đây, thế hệ con cháu của chúng ta sẽ lại được ôm những cây đại thụ, được hái nấm, hái măng, tắm mát nơi con suối đầu nguồn, được rừng che chở khi giặc đến, lũ về,…

Sau hai ngày suy nghĩ, cuối cùng bố anh cũng đồng ý cho con trai vào làm công nhân lâm trường.

Ngày đầu tiên Y Tắc đi làm ông cụ chỉ nói độc một câu:

          – Con hãy làm theo những gì con cho là đúng. Hãy vận dụng cái chữ mà con được học để giữ rừng, giữ buôn làng nhé.

          Anh xin vào đội trồng rừng ngay từ khi vừa bước chân vào lâm trường. Đội trồng rừng có mười tám công nhân; một đội trưởng, một đội phó; cả hai đều có bằng kỹ sư lâm nghiệp. So với tổng số hơn hai trăm người cán bộ, công nhân Lâm trường thì biên chế đội trồng rừng quá ít, nó chênh lệch như cây rừng với số cây trong vườn của buôn anh vậy.

          Mỗi ngày, Y Tắc đều cần mẫn với công việc ươm cây giống: nào là Đàn Hương Trắng, Gáo Vàng, cây Sưa, cây Dổi Hạt, Sao Đen, Cẩm Lai, Lim Xẹt,… và nuôi hy vọng sẽ lại được ngồi dưới những tán cây sum suê nghe gió hát Trường ca Đam San…

          Cứ thế, qua hai mươi mùa cây rừng thay lá; khi hai đứa con của Y Tắc lần lượt chào đời; Ama, Amí đã không còn đủ sức bước chân lên nương lên rẫy nữa mà ước mơ của anh cũng vẫn xa xôi tận phía chân trời…

          Với số lao động quá chênh lệch giữa bộ phận khai thác với đội trồng rừng thì diện tích   rừng tái tạo lại quá ít ỏi, chẳng thấm vào đâu so với cơn lốc xoáy của máy cưa, máy cắt; Cây rừng ngày càng lùi xa tít tắp cái chân đi không đến nữa; Rừng cứ mờ dần trong ký ức dân làng Buôn Tia; Rừng thành câu chuyện huyền thoại trong đầu óc non nớt của con trẻ.

          Qua nhiều nổ lực vận động, đội của anh bắt đầu nhận giao khoán với trách nhiệm thực hiện việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và đất rừng được giao đúng ranh giới, đúng mục đích theo các quy định của Nhà nước. Bảo tồn và phát triển vốn rừng được giao, thực hiện các biện pháp tái tạo rừng.

          Nhưng những vườn cây Cà Phê, vườn Tiêu, rẫy Bắp, Đậu,… lại xuất hiện ngày càng nhiều trên những khoảng đất rừng của Lâm trường. Đội quân trồng rừng ít ỏi không địch lại với số lao động hộ gia đình của dân di cư vào làm nhà xung quanh và kinh tế hộ gia đình của cán bộ, công nhân Lâm trường…

          Mùa khô đến là lúc khó khăn nhất trong việc bảo vệ rừng. Chỉ sau một đêm, sáng ra cả một quả đồi rừng bốn, năm năm tuổi đã bị lửa thiêu rụi chỉ còn trơ gốc cây bị cháy nham nhở, vằn vện   … Rồi chỉ đợi vài cơn mưa xuống lại mọc lên những rẫy bắp, đậu tươi tốt và những cái lều, ngôi nhà làm bằng gỗ rừng được xây dựng nhanh như thể từ dưới đất chui lên vậy.

          Đời sống của công nhân lâm trường, của dân làng buôn Tia đang có những bước khấm khá lên trông thấy: nhà nhà mua xe máy; Trẻ con đến trường được ngồi trên những chiếc xe đạp; Những ngôi nhà mới được xây theo kiểu của người kinh dưới xuôi mọc lên ngày càng nhiều thay thế dần cho những ngôi nhà sàn làm bằng gỗ truyền thống của buôn làng,…

          Mọi thứ đang tốt lên dần, thị trường cung cầu, trao đổi đang phát triển như chồi non sau cơn mưa đầu mùa, Những cuộc ngã giá mua bán rẫy, vườn khai hoang từ đất rừng, những gian nhà làm bằng gỗ được người dân thành phố ưa chuộng,… Cứ thế, lớp người trẻ tuổi đang bị cuốn đi trong cái tươi mới, nhộn nhịp như chợ phiên nơi trung tâm phố. Không ít những gia đình bán luôn cả căn nhà Dài ở buôn Tia để đổi lấy mấy trăm triệu mua những đồ dùng xa xỉ về trưng trong nhà, đi đến nhà hàng, quán rượu để uống bia quên cả lối về. Kết cục, khi tiền hết lại dẫn nhau đi vào đám rẫy chụm cái nhà từ những tấm bìa gỗ ở cho tiện việc khai khẩn rẫy nương, gieo hạt bắp, hạt lúa sống qua ngày.

          Cứ thế, Gỗ cứ về xuôi. Rừng ngày càng cạn kiệt. Người dân trong buôn Tia cứ lùi dần vào thế chỗ những cánh rừng. Buôn làng ngày càng thưa thớt. Những trận lũ quét ùa về từ trên núi sau những đợt mưa to, giông bão đã lật tung nhiều mái nhà tôn quẳng ra xa hàng chục mét, để lại cảnh hoang tàn. Nhà Y Tắc cũng bị chung số phận vì cả nhà sáu miệng ăn chỉ dựa vào dồng lương công nhân ít ỏi của anh và số tiền vợ anh đi làm công cuốc cỏ, thu hái cà phê cho họ.

          Bố anh đã lâu không còn bước chân ra khỏi nhà. Ông cụ ngồi như cái bóng, đôi mắt mở to nhìn xa xăm, lâu lâu lại ôm ngực rũ rượi với những cơn ho.Y Tắc đã nhiều lần thú nhận với bố là mình đã không thực hiện được lời hứa giữ rừng với ông khi xưa mặc dù đã cố gắng từng ngày trồng cây, ươm giống và cùng nhóm bạn cùng chí hướng tận lực bảo vệ mấy héc ta rừng giao khoán. Sau đợt nhà bị lốc xoáy tốc mái không lâu bố anh cũng qua đời vì bệnh phổi.

Trước khi mất ông cụ vẫn cố nói không thành lời:

– Bố tin con trai của bố làm được. Nói xong ông về với núi rừng.

          Sau những nổ lực không mệt mỏi, nằm cạnh những khu rừng bị phá trụi phía Nam, phía Tây, phía Đông thì sau gần ba mươi năm trồng đổ mồ hôi và cả máu để giữ gìn thì nay hơn mười tám hecta rừng Sao Đen của đội anh cùng sự giúp sức của Già làng cùng cán bộ xã, thôn, buôn cũng đã cao lớn sừng sững, có cây đã vừa đủ vòng tay anh; mặc dù đã không ít lần rừng Sao Đen suýt bị lửa thiêu rụi…

          Một con ong vo ve bay quanh người Y Tắc rồi bất ngờ đốt vào chân anh khi anh mải mê thả hồn theo cái nắng như thiêu giữa trưa nghĩ về kế hoạch nhân rộng mô hình phủ xanh những đồi đất mênh mông phía Nam bỗng thấy nhột khẽ giơ tay phủi khiến nó nổi giận tấn công anh.

          Chợt như hiểu ra điều gì, Y Tắc đứng lên lấy các mác đeo  vào vai rồi vội vã leo lên chiếc xe máy được cấp trong dịp Hội nghị tổng kết nhân rộng điển hình của tỉnh mà anh vinh dự được giao sử dụng để linh hoạt trong công tác bảo vệ rừng nổ máy chạy đi dưới cái nắng gay gắt làm nước da anh vốn đen lại càng bóng lên mặc kệ tiếng gọi với theo của chị H nhung vợ anh.

          Chị nhìn theo anh lẩm bẩm: – Thấy ong bay về nhà lại lo đám Lâm tặc lên phá rừng chứ gì; Có cái mũ cũng không kịp đội; Người đâu mà…

          Ánh mắt người phụ nữ tảo tần lộ rõ sự lo lắng!

Mấy đứa nhỏ đi lấy nước và tắm ở Bến nước về ngang ngõ thi nhau hỏi:

          -Bác Y Tắc lại vào rừng rồi hả amí?

          Chị gật đầu!

Cơn gió từ bên kia núi thổi về mơn man trên mái tóc người phụ nữ. H Nhung khoác chiếc gùi quen thuộc rảo bước theo anh về phía rừng. Đôi chân thoăn thoắt đi về phía đại ngàn. Chị muốn tiếp sức cho anh trong cuộc chạy đua với lũ lâm tặc để giữ lấy núi rừng, giữ lấy bản trường ca Đam San đã đi vào huyền thoại.

B.X