‘Phố vẫn thức’ cùng ‘Thu ẩn’

1028

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong cái se lạnh cuối mùa, khi Thu chập chùng những bước chân cuối cùng để phía bên kia, sương non dằng dặt nhớ và những hạt mưa đa mang ghé ngang phố, là lúc ta trở lại với chính mình, chính cái bản ngã của một người yêu thơ hằng đêm ngồi ngóng phố.

Phố oằn mình với những bão giông, phố hờn lẫy với những cơn mưa lá, phố buồn hoài nhớ một tình xa. Và rồi “Phố thức”!

Vâng, phố của em lộng lẫy sắc màu, xôn xao lụa mới.  Phố của tôi trầm mặc ly cà phê nơi góc vắng để đợi chờ một cái gì xa vắng. Còn với Thu Ẩn, Phố vẫn thức như chưa hề ngủ.

Thu Ẩn đã nhìn phố bằng

“Phố nghiêng về phía lạnh đông 

Còn mang ký ức vô cùng thu ơi

Đêm qua mùa rụng  xuống đồi

Tình thu hun hút  lũng trời  xanh  xao”

(Mùa rụng)

Và để rồi nàng thơ lại tự dằn vặt mình

“Tôi bỏ túi một nỗi buồn   

đồng lõa buổi chiều theo cánh gió đi hoang

Sài Gòn yêu đương đại lộ thênh thang

Những thành cầu áo kẻ cặp kè áo hoa 

… nhoang nhoáng

Những góc phố nhân tình dung dăng 

 những công viên hẹn hò  

những cà phê tối sáng

(Tự khúc đông sang)

Phải chăng trong thẳm sâu của người cô phụ, phố thênh thang nhộn nhịp không đủ vui để người cười, không đủ tình để người yêu? Không, không phải vậy. Nhà thơ đang yêu và đang nhìn phố xôn xao dưới con mắt của một người đã dốc cạn lòng mình để yêu và được yêu, để được khắc khoải từng đêm và thức cùng với phố. Cũng trong “Tự khúc sang đông” nàng đã thú nhận rằng:

“Ký ức xanh rì    

có những hẹn hò

chẳng gông  xiềng nổi đời nhau

Không biết ai vò mà nát cả chiều đau

Mặt trời hoảng hốt 

chui sâu vào bóng tối

Sao Hôm thức dậy lẻ loi

Sâm Thương ngàn đời chịu tội

Ừ  ! Khúc dư âm đã đứt rồi 

đêm dỗ khẽ  trăng côi”  

Chỉ những người không ngủ mới thấy mặt trời hoảng hốt khi chiều đau và sao Hôm trở giấc. Ừ nhỉ, đêm đã ru giấc trăng côi. Sao không là ru em, ru tôi hay ru phố? Không thể nào như vậy, khi người vòng vọng nỗi nhớ, kí ức ùa về thương tiếc một khoảng trời đã cháy hết mình để yêu mà sống và sống vì yêu.

Và cũng chỉ bởi vậy nên trong bài “Phố tĩnh lặng”, Thu Ẩn đã viết rằng:

“Tĩnh lặng phố nghe niềm mơ chợt khởi

Đánh rơi sầu trôi cánh sóng ngàn khơi

Nằm im nghe tiếng lá mục khua mời

Tim lóng ngóng trở lại miền tình tự”

Đọc “Phố Thức” mới thấy người không ngủ. Giấc trằn trọc đã đủ cho nhà thơ chiêm nghiệm, đủ độ chín để thấy trong cái tĩnh lặng của phố có một cái gì đó ầm ào, cháy khát. Phải chăng là do “Tim lóng ngóng trở lại miền tình tự”? Tôi không có câu trả lời. Tôi cũng không muốn đi tìm đáp án. Chỉ có em, tác giả “Phố thức” và phố chạy dài suốt bốn mùa thương nhớ mới trả lời được mà thôi.

Tôi nhớ rằng, đâu đó tôi đã nói với Thu Ẩn rằng hãy thở bằng chính trái tim mình.

Văng vẳng trong tôi, Trịnh Công Sơn đã hát: “Có đường phố nào vui cho ta qua một ngày. Có sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi” để cho Thu Ẩn phải thốt lên:

“Đêm nay tôi về soi lại bóng mình 

qua những phố phường lặng thinh

Một vệt đen đuổi hình  xao  xác

Nghe trái tim bất trị  rung rinh”

Và tự thú nhận rằng :

“Hạnh phúc tôi ngày ấy nửa vời

Đã treo ra ngoài nỗi nhớ

Ngọn lửa khổ đau rồi tàn lụi

Lòng nghe sóng lặng ngật ngờ

Muốn sống thật nhiều  tận dụng từng tiếng thở

Thà đi và té còn hơn

Mãi vô vị  ngồi một chỗ

(Soi bóng)

Cái u uẩn của đêm với nỗi chờ và khát vọng yêu đã không làm nhà thơ bi lụy. Biết là đau đấy, biết là dở dang đấy, như ai đó đã nói rằng “chuyến đò đã sang sang, em giật mình nuối tiếc” nhưng với Thu Ẩn thì đứng dậy và đi. Dù có vấp ngã, dù giẫm chông gai…. Chợt nhớ câu thơ của Phùng Quán: “Có những phút ngã lòng, Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Vâng, và Thu Ẩn đã đứng dậy!

Với “Phố thức”, nhà thơ đã trải lòng mình bằng những gì chân chất để yêu thương, để tha thứ. Thu Ẩn đã:

Những bận lòng ơi tôi sẽ quên!

Từng bao dung dỗ ngọt ưu phiền

Rồi có lúc một mình góc khuất

Tim bật cười ngộ những bình yên

(Thoáng bình yên)

để được quên, được nhớ và được nhận những bình yên mà trong mỗi góc khuất của mỗi con người hằng khát khao và đợi. Sự hoát ngộ của đêm, của một tâm hồn luôn mong mỏi một bình đẳng tương phùng đã dẫn Thu Ẩn đến một cảnh giới mà trong thẳm sâu nhà thơ thơ biết:

Tháng Bảy thập thò sau mái hiên

Đêm chớm thu vỗ giấc mơ thiền

Cảnh huyền không an nhiên tìm đến

Cội tình nương nhẹ gót du miên.

Cái an nhiên tự tại của Thu Ẩn là một sự trải lòng đầy chất thơ ngây và đĩnh ngộ. Sự an nhiên nằm trong tầm với. Hãy nghe nhà thơ giải bày:

Chẳng thể cùng anh đi giữa thị phi

Em tìm vỏ ốc trốn mùa giông bão

Ngược miền trăm năm cuộc tình dạt ra hoang đảo

Chuyến lữ hành dài muôn thập kỷ cô đơn.

(Trốn)

để

 “Giấu trái tim nồng sau nét mặt trơ thinh

Nghe từng nỗi nhớ tung trời dậy đất

Miền ngực trái ẩn vô vàn góc khuất

Xõa vạt tóc phai về đi biển một mình”

Người đã viết như thở, người đã yêu như ăn cơn, uống nước hằng ngày, người dung dị đến độ bần hàn, biết giấu mình giấu người bằng tất cả những đớn đau có thể để còn lại sau rốt là những yêu thương òa vỡ chỉ chỉ có người tri kỷ mới nhận ra, ngộ ra. Nhưng hỡi ơi, tìm đâu một tri âm giữa li loạn cuộc đời…

Tôi đã đọc “Phố Thức”, và cố tìm bài thơ mang tên “Phố thức”. Thế nhưng tuyệt nhiên không hề có một tựa nào như vậy. Phải chăng phố đã không ngủ cùng nhà thơ, phố đã đồng hành cùng những đêm đợi trăng nơi thị thành với người thơ và phố đã đồng điệu cùng tâm hồn người viết.

Phố thức của Thu Ẩn không chỉ là đêm, là thức. Phố của người dằng dặt từ bình minh đến tận bình minh và từ Thu đến tận Thu sau. Với phố, Thu Ẩn chỉ là người ở trọ:

“Tháng ngày ở trọ thế gian

Tôi đi nhặt hết những yêu thương rơi vãi

Khi nằm uống xin một vài thân ái

Một ít giọt buồn và một thánh địa hoa…”

Vâng, ít thôi những giọt buồn để thương yêu và cuối cùng cũng chỉ xin “một vài thân ái” mà thôi, không ích kỷ, không tham lam; tôi hy vọng khi đọc xong “Phố thức”, mỗi một độc giả sẽ biết thánh địa hoa hoa dành cho Thu Ẩn đang ở chỗ nào…

Đấy nhé, nhà thơ nữ đã thú nhận rằng:

Em cố tình ngụp lặn khúc sông mê

Bao nhiêu năm chẳng chịu lên bờ giác

Lận đận nhớ , lận đận thương phờ phạc

Những hoàng hôn phơi bát ngát nỗi buồn

(Nguyện)

cũng chỉ để “Quá nửa phận đời.Ừ thôi trót đã /Còn chút hoàng hôn vẫn nguyện trao người.”

Không biết tự lúc nào và khởi điểm ở đâu, tôi nhận ra trong “Phố thức” có chút gì của người được giải thoát, âm hưởng Thiền môn đã nhuốm những câu thơ. Cái cảnh giới giác ngộ này của một nhà thơ nữ thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao.

Trăm sông đâu bến tịnh đời?

Nghìn dâu bể … lắm cuộc người hơn thua

Chữ tình đâu chỗ bán mua?

Muôn ngờ nghệch…  chút lọc lừa ăn theo

Tầng không phiến mộng còn treo

Sao niềm thương nhớ tong teo những chiều

Nghiêng đời thu rụng tiêu điều

Một phần ngực trái đã rêu lạnh rồi.

(Nghiêng)

Có lẽ với “Nghiêng”, nhà thơ đã bộc bạch đến độ làm cho người đọc chênh chao không biết chân giả phía nào mà tìm xem ngờ nghệch hay lọc lừa phiêu du cùng trăm sông thì với “Cám ơn” , người viết:

Ta phải cám ơn ai đây?

Mẹ? Tạo hóa? Hay là Thượng đế?

Đã mang ta đến thế giới này

Đã cho ta những tháng ngày đáng sống

Với một ít hân hoan … và lắm đau lòng…

Với tâm thế một người đã cùng phố đi dọc những tháng ngày buồn vui xen lẫn, những thăng trầm trong cuộc sống, cái cuối cùng của sự giải thoát là Thu Ẩn đã biết cám ơn. Cám ơn những hoa hồng và nước mắt, cám ơn những bình minh, những hoàng hôn và cả những giờ khác không thuộc ngày nào để tồn tại, để yêu và để được yêu.

Một tập thơ nhỏ nhoi, hầu hết được viết bằng thể tự do, xen lẫn đôi bài Đường thi và lục bát của một nhà thơ nữ không đủ để nói toát lên những nỗi niềm. Đan xen với những trăn trở tình, đời và những bài viết về Mẹ, về bạn bè, cho con và cho cả tha nhân. Chưa đủ để ta đọc hết mọi góc khuất của nhà thơ, nhưng cũng vừa vặn để nói với Thu Ẩn rằng, dù Phố có thức trọn đời mình thì đâu đó vẫn có những thăng hoa cho những nỗi buồn rất riêng của thơ.

Xin cám ơn nữ thi nhân và trân trọng giới thiệu cùng bạn bè tập thơ “Phố thức”.

Lê Nghị