Rộn ràng thơ online hưởng ứng Ngày Thơ Việt Nam

726

Dù hoãn tổ chức trên cả nước, Ngày Thơ vẫn rôm rả trên mạng xã hội và các cuộc thi thơ online. Có lẽ hoạt động nổi bật hơn cả trong Ngày Thơ năm nay trên không gian mạng chính là cuộc thi thơ online do Hội VHNT Thái Nguyên và Diễn đàn văn chương “Quán Chiêu Văn” phối hợp tổ chức. Nhờ có sự chuẩn bị từ khá sớm, đề phòng dịch Covid quay trở lại mà cuộc thi này tỏ ra đắc địa trong điều kiện Ngày Thơ cả nước phải dừng lại không thể tổ chức theo cách truyền thống. Nhưng qua đó, cũng thấy một cách làm mới, một không khí thơ ca mới mẻ và hợp thời trong Ngày Thơ Việt Nam.


Chủ trì Diễn đàn văn chương “Quán Chiêu Văn” – nhà văn Trịnh Hoàng Nghi giới thiệu thành phần Ban Giám khảo cuộc thi thơ online “Tổ quốc và Mẹ” trên trang cá nhân.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, năm nay Hội có đã có công văn hướng dẫn các hội VHNT địa phương tổ chức Ngày Thơ với chủ đề “Tổ quốc và Mẹ”. Đa số các địa phương đều có kế hoạch tổ chức Ngày Thơ theo cách truyền thống, còn riêng Thái Nguyên cùng với kế hoạch chính đã có phương án dự phòng. Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp trước dịp năm mới, dự đoán khó mà có thể tổ chức như mọi năm, phương án dự phòng nhanh chóng được Thái Nguyên chuyển thành phương án chính. Bám sát chủ đề do Hội Nhà văn Việt Nam hướng dẫn là “Tổ quốc và Mẹ”, Thái Nguyên đã tổ chức cuộc thi thơ online chỉ vẻn vẹn trong 40 ngày, bắt đầu từ 13/1/2021 và kết thúc vào trước Ngày Thơ Việt Nam.

Có lẽ đây cũng là cuộc thi thơ đầu tiên mà một Hội VHNT bắt tay cùng một Diễn đàn văn chương mạng tổ chức. Nói về điều này, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh – Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên cho biết, đây không phải lần đầu tiên Hội VHNT tỉnh cộng tác với các hội, nhóm văn chương mạng, bởi từ năm 2018, Hội VHNT Thái Nguyên đã mời một số nhóm, trang thơ mạng có hoạt động chính ở Thái Nguyên tham gia Lễ hội thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên cùng với các CLB thơ truyền thống. Năm nay Thái Nguyên vẫn tiếp tục cách làm như các năm nhưng có mời thêm Diễn đàn văn chương “Quán Chiêu Văn” cùng tham gia như một đối tác chính. Về lí do cộng tác với “Quán Chiêu Văn” nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh nói rằng, vì “đó là một cộng đồng lớn và có uy tín văn chương”.


Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh – Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên – Đơn vị tổ chức Ngày Thơ Việt Nam 2021 theo hình thức online với các hoạt động sôi nổi, kết hợp với tổng kết cuộc thi thơ online chủ đề “Tổ quốc và Mẹ”.

“Lễ hội thơ Thái Nguyên năm nào cũng có một số cuộc thi cho các đối tượng, có cuộc diễn ra trước thời gian tổ chức chính thức, có cuộc đến Ngày Thơ mới tổ chức. Năm nay, chúng tôi chọn một cuộc online vì, thứ nhất, nó phù hợp với người dự thi ở mọi miền, cả người Việt ở nước ngoài; thứ hai là, dự phòng khả năng dịch bệnh tái bùng phát, Ngày Thơ bị hủy như năm ngoái thì mình vẫn còn có hoạt động chứ không bị dừng hết như tổ chức tại một địa điểm cụ thể” – Nữ Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên giải thích. Và việc lo xa của Hội VHNT Thái Nguyên đã diễn ra, nhờ sự chuẩn bị sớm phương án, Thái Nguyên đã gần như thành địa phương duy nhất tổ chức được Ngày Thơ rôm rả. Trong tình thế “tất cả đều dừng lại” bỗng nhiên, các tác giả thơ cả nước dồn sự quan tâm về cuộc thi cũng như Ngày Thơ online này như một địa chỉ hiếm hoi. Điểm nhấn của Ngày Thơ online Thái Nguyên là lễ tổng kết và trao giải cuộc thi thơ online “Tổ quốc và Mẹ”. Cuộc thi đã thu hút khá đông công chúng theo dõi cũng như các tác giả, những vị khách mà lẽ ra họ sẽ có mặt ở sân thơ nào đó nếu như không có dịch, cùng tham dự và chia sẻ, hưởng ứng.

Bên cạnh đó, với việc tổ chức thi thơ online nhằm vào cộng đồng thơ trên mạng, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh cũng không giấu giếm lí do hướng tới việc đổi mới hình thức hoạt động văn chương của Hội VHNT địa phương nhằm thích ứng với xu thế của cộng đồng. Diễn đàn “Quán Chiêu Văn” hiện có trên 30 nghìn thành viên đọc và theo dõi, đó quả thực là một cộng đồng yêu văn chương lớn, những “khách thơ thực sự”. Việc bắt tay cùng diễn đàn này có thể nói đã tạo nên một sự cộng hưởng tốt cho sự lan tỏa thơ ca.

Có lẽ lợi thế lớn nhất của cách làm này là đã xóa nhòa khoảng cách địa lí. Thời gian vỏn vẹn 40 ngày nhưng cuộc thi đã thu hút lượng người viết cả chuyên và không chuyên, cả của Thái Nguyên và cả nước tham gia đông đảo và rất sôi nổi. Theo nhà thơ Đào An Duyên, một tác giả dự thi hiện ở Gia Lai có tác phẩm lọt vào chung kết, ngoài việc thích hợp với bối cảnh dịch bệnh, cuộc thi rất phù hợp với thời đại 4.0 là đã phát huy được vai trò của công nghệ, nhất là mạng xã hội; thời gian diễn ra cuộc thi ngắn cũng khiến người tham gia thi tập trung hơn, vì thế, dù ngắn nhưng lại có sức lan toả tốt.

Còn nhà thơ Văn Công Hùng – Người được mời làm Trưởng Ban Giám khảo của cuộc thi cho biết, cuộc thi đã làm được một việc là thổi bùng âm hưởng thơ, năng lượng thơ đối với khá nhiều người. Chia sẻ với VNQĐ anh nói rằng, hiện ngay trên các diễn đàn mạng, có rất nhiều nhóm thơ đang hoạt động, và khá rôm rả. Cuộc thi này nằm trong dòng chảy chung ấy của thơ. Thông qua cuộc thi có thể thấy vẫn có một đời sống của thi ca chảy trong đời sống rộng lớn này, và thơ không hẳn đang lâm nguy như có người cảnh báo.


“Đã làm thơ, đọc thơ, yêu thơ… thì chắc chắn con người sẽ sống đẹp hơn, tử tế hơn, lương thiện hơn”. (Nhà thơ Văn Công Hùng)

– Thưa nhà thơ Văn Công Hùng! Điều gì đã khiến anh nhận lời làm Trưởng Ban giám khảo cho cuộc thi thơ online “Tổ quốc và Mẹ”?

Nhà thơ Văn Công Hùng: Trước hết là sự uy tín của nơi tổ chức, là “Quán Chiêu Văn”, nơi rất đông người sáng tác và yêu văn chương nghệ thuật tham gia, một cách rất trong sáng và chuyên nghiệp và hội VHNT Thái Nguyên, một hội mạnh trên cả nước. Tôi nói mạnh bởi nó là hội VHNT đúng nghĩa, có nhiều hội viên giàu khả năng sáng tạo và nó hoạt động vì văn chương nghệ thuật. Và còn vì cá nhân người chủ trì, là nhà văn Trịnh Hoàng Nghi – người chủ trì “Quán Chiêu Văn” và nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên. Sau nữa, vì tôi là nhà thơ, cứ có gì liên quan tới thơ là tôi sẵn sàng. Dẫu, nói thật, ban đầu cũng hơi ngại…

– Vâng! Điều ngại ngần đó có phải như anh chia sẻ trên facebook về định kiến với “thơ câu lạc bộ” gắn với môi trường mạng? Anh có cảm nhận gì về tâm thế hưởng ứng cuộc thi này của những người làm thơ?

Nhà thơ Văn Công Hùng: Quả là trước đấy, tôi có bị cái ám ảnh thơ câu lạc bộ nó ảnh hưởng, nhưng vì tôi đã biết hoạt động của “Quán Chiêu Văn” từ trước, từng tham gia làm giám khảo cho họ trong một cuộc thi viết trước đó, hiểu những gì họ tâm huyết, họ cống hiến cho xã hội, cho cuộc đời và cho văn chương nên tôi nhận lời, nhưng cũng vẫn… phân vân. Tới khi bắt tay vào đọc thì… vỡ òa niềm vui, vì đa phần thơ đúng là thơ. Nó vượt qua cái giới hạn mà lâu nay ta mặc định là “thơ câu lạc bộ”. Nó đĩnh đạc và nghiêm ngắn, nó tự tại. Các tác giả dự thi bên cạnh lực lượng không chuyên có những tác giả cũng rất “hoành tráng”.

Đây chỉ là cuộc thi online, thời gian ngắn của hội VHNT một tỉnh với một nhóm văn học mạng, nhưng với việc có trên 500 tác giả dự thi, trong đó có 168 tác giả lọt vào chung khảo và 11 tác giả có giải là một tín hiệu rất mừng cho giới làm thơ và độc giả. Nhiều tác giả là những lãnh đạo các hội VHNT tỉnh bạn cũng tham gia dự thi như nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung, nguyên Chủ tịch hội VHNT Vĩnh Phúc, nhà văn Vũ Thảo Ngọc, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh. Ngoài ra có một số nhà thơ đã từng đoạt giải cao ở các cuộc thi uy tín trước đấy, như cuộc thi thơ của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội cũng dự thi, chứng tỏ đây là cuộc thi thơ nghiêm túc, và có sự lan tỏa trong giới làm thơ, dù rằng đây là lần đầu tiên có cuộc thi phối hợp giữa một hội VHNT chính thống cấp tỉnh, của nhà nước, với một diễn đàn văn chương online.

– Vâng! Và như thế, liệu có thể nhìn nhận là cuộc chơi văn chương đã đổi chiều, mọi diễn đàn văn chương đều bình đẳng không thưa anh? Và môi trường mạng sẽ phát huy sức mạnh với thơ ca nếu như chúng ta biết tận dụng nó?

Nhà thơ Văn Công Hùng: Đúng rồi, ít nhất là cái “Quán Chiêu Văn” này nó sẽ làm nhiều người thay đổi cách nhìn với… câu lạc bộ. Nó cũng như các hội VHNT địa phương ấy, có phải hội nào cũng giống hội nào đâu. Nó phụ thuộc vào các tác giả chứ. Nhiều nơi không có tác giả nhưng vẫn cứ cố thành lập. Có tác giả rồi lại phải có người cầm chịch. Đấy cũng phải là người có tài, có tâm. Ví dụ, nếu không phải nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh cầm chịch ở Thái Nguyên, liệu người khác có dám “bắt tay” với một câu lạc bộ online để tổ chức thi chung không? Bởi các hoạt động của hội VHNT nhà nước còn phải xin ý kiến chủ trương các loại từ cấp trên, rồi còn phải thông qua BCH nữa, nếu không dũng cảm, không quyết đoán, không nhìn ra vấn đề, ít người dám làm. Nên tôi đánh giá cao chị Quỳnh khi đã cùng anh Trịnh Hoàng Nghi tổ chức cuộc thi này. Và qua đây thấy thêm một điều nữa, là những tác giả tham gia cuộc thi này, họ rất vui và vô tư, hầu như không bị áp lực và có tham vọng đoạt giải bằng mọi giá. Họ tham gia vì vui, vì được góp mặt vào cuộc thi, coi đấy chính là nơi gửi gắm nỗi lòng, gửi gắm thơ của họ, một chỗ gửi mà họ yên tâm, thoải mái và cả tự hào nữa.

– Anh đánh giá thế nào về chất lượng thơ tham dự nếu so sánh tương quan với một số cuộc thi của các cơ quan văn nghệ khác?

Nhà thơ Văn Công Hùng: Phải rõ ràng thế này, nếu so với những cuộc thi tầm cỡ như của Văn nghệ Quân đội chẳng hạn, thì không thể được. Vì thứ nhất Văn nghệ Quân đội là môt lâu đài văn chương của cả nước lâu nay rồi. Thêm nữa các cuộc thi của Văn nghệ Quân đội thường kéo dài, tầm 2 năm. Thứ nữa, Văn nghệ Quân đội có cách chăm tác giả dự thi rất hay là mở trại sáng tác, v.v… nhưng nếu so với các cuộc thi cấp tỉnh thì tôi thấy chất lượng cuộc thi này hoàn toàn không thua kém, dù nó được tổ chức chỉ trong… 40 ngày. Chủ đề rất lớn, nhưng lại quen và rất dễ lặp, thế mà nhiều người viết rất hay, vượt qua những thói quen thường thấy. Cuộc thi này, ban tổ chức địa phương là Thái Nguyên cũng sẽ mát mặt mà thơ cũng được thăng hoa để vượt qua những câu nệ thường thấy như tính địa phương, sự cả nể khi đọc tên tác giả, cả sự khoanh vùng không gian thơ và tác giả nữa. Tóm lại là một cuộc thi địa phương, câu lạc bộ nhưng tôi thấy nó đã vượt qua để mang một tầm vóc lớn hơn, rộng hơn, sự lan tỏa vì thế cũng mở biên độ lớn hơn… Một cách khách quan nhất, mọi người sẽ thấy chất lượng cụ thể qua từng bài thơ, chùm thơ được giải, nhưng tôi cho rằng có thể mừng với những gì cuộc thi đã mang lại, cũng như mừng với những bài thơ được giải.

– Cám ơn anh đã chia sẻ!

Liveshow mini giao lưu và đọc thơ

Trên không gian mạng mà chủ yếu qua kết nối Facebook, từ kêu gọi của Chủ tịch Hội Nhà văn, nhiều nhà thơ cũng đã hưởng ứng Ngày Thơ bằng cách post những sáng tác thơ mới nhất của mình lên trang cá nhân. Một cuộc đọc thơ livestream cũng đã được tổ chức tại sân tòa soạn Báo Nhân Dân do nhà thơ Hữu Việt khởi xướng thu hút một số nhà thơ tham gia như Lữ Mai, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Thị Kim Nhung, Đoàn Văn Mật, Khúc Hồng Thiện, Hoàng Đăng Khoa, Nguyễn Văn Học… Các nhóm hội khác cũng tổ chức các hoạt động sôi nổi trên trang, nhóm của mình để hưởng ứng Ngày Thơ Việt Nam.

Trong khi lễ tổng kết cuộc thi thơ “Tổ quốc và Mẹ” diễn ra tại Thái Nguyên lúc 15 giờ chiều thì Liveshow mini tại Báo Nhân Dân (71, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bắt đầu ngay từ 9 giờ sáng ngày Rằm tháng Giêng, 26/2/2021, thu hút khá đông các nhà thơ và bạn yêu thơ theo dõi qua facebook.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tham dự và đọc thơ tại buổi giao lưu online.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có mặt để hưởng ứng hoạt động thơ ca online này. Ông đã có những chia sẻ với bạn đọc qua mạng xã hội và được đề nghị đọc một bài thơ. “Hôm nay, các nhà thơ đã đưa rất nhiều thơ lên facebook. Tôi biết trong dịp này có rất nhiều sinh hoạt thơ ca, những chia sẻ về thơ và mong muốn về Ngày Thơ trên mạng xã hội, điều đó rất cần thiết cho Ban chấp hành khóa mới lắng nghe để tổ chức những Ngày Thơ trong tương lai. Sáng nay tôi cũng đã dậy rất sớm để đưa một bài thơ lên facebook và nhận được rất nhiều chia sẻ”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói. Sau đó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã hưởng ứng buổi giao lưu thơ online bằng cách đọc một chương trong trường ca “Những người lính của làng” ông viết năm 24 tuổi, khi chiến tranh vừa đi qua được 5 năm. Chương thơ có tên “Trở về”, là linh hồn của người lính nói với người yêu mình. “Tôi đọc đoạn thơ này để bày tỏ sự biết ơn những người lính, sự biết ơn bằng tư cách, bằng văn hóa. Những người lính ra đi và hi sinh, nhưng họ vẫn trở về trên tinh thần, bằng linh hồn của họ”, ông nói.

Sau đó các nhà thơ tham dự đã đọc những sáng tác mới nhất của mình về chủ đề năm mới, về chủ đề biến động, về những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chống covid qua và rất nhiều các chủ đề khác.

Tất cả đã tạo nên một không khí thơ ca rộn ràng cho Ngày Thơ ngay trong những ngày cả nước phải thực hiện các biên pháp hạn chế giao tiếp để ngăn ngừa dịch bệnh.


Các nhà thơ cùng đọc thơ và giao lưu với khán giả qua hình thức livestream. 

Theo Huy Bảo – Thảo An/VNQĐ