Thăm ngôi đình Phú Ốc nơi nhiều tục lệ lạ

356

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đoạn đường nội thị chạy ngang qua đình làng Phú Ốc thuộc tổ dân phố (TDP) 3, phường Tứ Hạ (TX Hương Trà-TT Huế). Tất cả người dân nơi đây đều khẳng định: từ xưa đến nay không đám tang nào “đủ can đảm” phá lệ đi băng qua đoạn đường này.

Đình Phú Ốc

Tục lệ quan tài người chết phải “né” đoạn đường cấm

Cụ bà tên Hường sống cạnh đình làng chỉ tay hướng về phía khu nghĩa địa cách đó chừng 2km giải thích cặn kẽ hơn: “Nếu đi tắt theo tuyến đường chạy qua đình làng khoảng cách sẽ được rút ngắn đáng kể. Tuy nhiên, ai nấy đều phải đưa quan tài đi đường vòng lên nghĩa địa”. Khi được hỏi tại sao lại kiêng cữ điều này, bà Hường lắc đầu bảo rằng đó là quy định của làng tồn tại hàng trăm năm nay. Cụ Hoàng Ngọc Cạnh, 86 tuổi, nguyên trưởng ban tổ chức lễ hội làng Phú Ốc xác nhận thêm: “Trong bản hương ước có nhắc đến quy định cấm đưa linh cửu người chết đi ngang trước mặt đình. Từ xưa đến nay chưa ai dám vi phạm. Ngôi đình nằm ở vị trí giữa TDP 3 và TDP 4, bởi vậy làng đặt ra “luật” rằng lấy hai tổ dân phố trên làm mốc. Tất cả các gia đình khi có người qua đời không được đưa quan tài xâm phạm vào đoạn đường nối liền hai TDP 3 và 4”.

Cụ Cạnh trình bày rành mạch rằng làng chỉ cấm di chuyển quan tài chứa thi thể người chết, chứ không hoàn toàn cấm đoàn lễ tang đi ngang trước mặt đình: “kiệu triệu tổ, nghi lễ đến thông báo danh tính người vừa qua đời tại nhà thờ dòng họ vẫn đi được. Tuy nhiên, người ta luôn dùng lộng che chắn phía đường hướng vào đình làng”. Lí giải tục lệ lạ của làng mình, cụ Cạnh cho hay xuất phát từ lòng tôn kính sâu sắc đối với đấng thần linh nên dân làng hành xử như vậy. Ông Nguyễn Thanh Khiêm, thành viên ban tổ chức lễ hội làng Phú Ốc bổ sung thêm dân làng quan niệm rằng việc đưa tiễn linh cửa người chết đi ngang trước đình làng là hành vi phạm thánh. Bởi vậy linh hồn người quá cố sẽ bị thần linh quở trách, khó bề siêu thoát: “Ai cũng muốn người đã khuất được an nghỉ đàng hoàng, từ đó người ta rỉ tai nhau và ngầm hiểu phải né tránh đình làng trong lúc đưa tiễn linh cửu người chết”, ông Khiêm nói. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng tại đoạn đường này có nhiều công trình tâm linh toạ lạc gồm đình làng, am Thánh thờ Quan Công và chùa Từ Vân từng được vua Tự Đức phong sắc, nên “lực lượng âm linh” hội tụ đông. Do đó, linh hồn kẻ phàm tục nếu lọt vào “vùng cấm” sẽ bị níu giữ khó bề về tới chốn thiên đường.

Về lịch sử tục lệ, ngay cả những bậc cao niên trong làng Phú Ốc đều không biết được tục cấm quan tài người chết đi ngang đình làng xuất phát từ bao giờ. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này được đặt ra kể từ khi làng Phú Ốc hình thành, khoảng từ những năm 1558 đến 1600. Khi được hỏi từ trước đến nay đã có trường hợp nào vi phạm lệ làng chưa, cả cụ Cạnh lẫn ông Khiêm đều lắc đầu khẳng định chắc chắn: “phép vua thua lệ làng, chưa ai dám phá lệ tổ tiên đặt ra. Đây không phải mê tín mà do dân làng chúng tôi tôn trọng đáng siêu nhiên, tôn kính chốn tôn nghiêm”. Cụ Cạnh mỉm cười cho hay hình phạt đối với ai dám “phạm thượng” là mâm cau trầu rượu đồng thời gia đình vi phạm phải đứng ra xin lỗi trước toàn thể dân làng. Tuy nhiên do chưa có tiền lệ nên đến nay hình phạt trên chưa một lần áp dụng. Trong kí ức của mình, người dân Phú Ốc nhớ rõ mồn một trước đây bất kể ai đi ngang qua đình làng đều cúi đầu thể hiện thái độ tôn kính. Thậm chí đến bậc vua chúa cũng phải hạ kiệu khiêm nhường tôn thần.

Cụ Cạnh và cụ Khiêm (cao niên làng Phú Ốc)

Những điều luật lạ lẫm

Về lịch sử đình làng, người làng Phú Ốc truyền tai nhau đã có từ xa xưa, trong lịch sử từng được đại tu dưới thời vua Minh Mạng thứ 6. Gần đây nhất, vào năm 2003 đình làng lần nữa được trùng tu khang trang như hiện tại: “Nghe nói rằng toàn bộ gỗ để xây dựng ngôi đình được chuyển vào từ Cao Bằng, Lạng Sơn. Không rõ thực hư thế nào, nhưng đến nay sau hàng trăm năm tồn tại toàn bộ phần gỗ trong đình làng vẫn nguyên vẹn như xưa. Dưới thời phong kiến, triều đình tổ chức tế thần đất tại đàn Xã tắc, tế trời tại đàn Nam giao và cầu mưa ở đình làng Phú Ốc chúng tôi” – cụ Cạnh “khoe”.

Ngoài quy định “đoạn đường cấm quan tài”, người đến thăm làng Phú Ốc sẽ còn ngạc nhiên với nhiều “điều luật” lạ lẫm khác nữa. Cụ Hoàng Ngọc Cạnh thuộc nằm lòng những điều dặn cha ông truyền lại cũng là những quy định hiếm thấy nơi khác: “Bất thú Phú Lễ thê, bất giao hữu Cổ Bi, bất thực kê Cổ Tháp, bất ẩm thuỷ Cao Ban”. Cụ cắt nghĩa cụ thể như sau: Thứ nhất con trai Phú Ốc tuyệt đối không được lấy con gái làng Phú Lễ (thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, TT Huế) và ngược lại, hai làng là anh em, nên: “Làng Phú Lễ bao giờ cũng tổ chức lễ thu tế sau làng chúng tôi và thường sang làng Phú Ốc học tập mọi lễ nghi. Có điều băn khoăn rằng chúng tôi chưa tìm thấy mối quan hệ họ hàng giữa hai làng, mỗi làng đều có những họ tộc hoàn toàn khác hẳn nhau” – cụ Cạnh chia sẻ nỗi trăn trở lâu nay. Tuy không có văn bản nào quy định chính thức “điều cấm” trên, nhưng hầu như thanh niên thuộc thế hệ cụ Cạnh trở về trước đều “khắc cốt ghi tâm” trong tiêu chuẩn chọn vợ. Ngày nay, dẫu vấn đề yêu đương được tự do, thông thoáng hơn nhưng vẫn rất hiếm trai, gái làng Phú Ốc lấy trai, gái Phú Lễ làm vợ, chồng. Nhiều người còn dẫn chứng một số thanh niên làm trái điều răn đều không gặp hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân.

Chưa hết, người làng Phú Ốc còn được “khuyến cáo” hạn chế kết giao bằng hữu với người làng Cổ Bi (thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền – TT Huế), tuyệt đối không ăn thịt gà do người làng Cổ Tháp (Quảng Vinh, Quảng Điền – TT Huế) nuôi và không uống nước lấy từ làng Cao Ban (Phong Sơn – Phong Hiền – TT Huế). Cụ Hoàng Ngọc Cạnh tiếp lời giải đáp thắc mắc: “Toàn thị xã Hương Trà chỉ có làng Phú Ốc và làng Cổ Bi (Phong Sơn – Phong Điền) mới có đền thờ 12 vị tộc trưởng khai canh, từ xưa cha ông đã răn dạy phải giữ bản sắc riêng, không kết giao nhằm tránh bị người Cổ Bi thôn tính. Tương tự người xưa truyền lại gà ở Cổ Tháp thường ăn thức ăn bẩn, nước ở làng Cao Ban có độc nên phải né tránh”. Nói đoạn, những bậc cao niên đều thừa nhận đến nay những điều cấm trên không còn khắt khe như trước nữa. Dẫu vậy trong thâm tâm bất cứ người dân Phú Ốc nào cũng thuộc nằm lòng những lời răn dặn thế hệ tiền bối đúc kết nên.

Riêng tục lệ quan tài người chết phải “né đoạn đường cấm” vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn 100%. Có lẽ khắp Việt Nam hiếm ở miền quê nào người ta lại tôn thần đến mức đặt ra hẳn “đoạn đường cấm” như ở Đình làng Phú Ốc. Tuy có phần lạ lẫm nhưng phải thừa nhận để lưu giữ một lệ làng suốt hơn 400 năm không phải nơi nào cũng làm được.

                                                              Bài, ảnh: Xuân Trường