Thanh Kim Huệ – búp bê sân khấu

983

Tương Như

(Vanchuongphuongnam.vn) – Không gian mênh mông của sân khấu cải lương Nam bộ, từ ngày được hình thành, lấp lánh không ít những ngôi sao nghệ thuật chói sáng mà tên tuổi còn lưu lại đến hôm nay.

Thời kỳ hoàng kim của bộ phận ca nhạc dân tộc nơi miền đất mới trong khoảng hơn hai thập niên, bắt đầu từ năm 1950 đã xuất hiện như trăm hoa đua nở nhiều nghệ sĩ tài danh mang những dấu ấn đặc thù. Công chúng cao tuổi hâm mộ nghệ thuật sân khấu, lớn lên trong những năm bản lề giữa thế kỷ trước, hẳn không bao giờ quên nhiều khuôn mặt nghệ sĩ nổi tiếng, mỗi người một vẻ của một thời vang bóng: Út Trà Ôn, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Hương, Thanh Nga, Phượng Liên…

Nhưng một giọng ca nữ rất đặc biệt, ai chỉ mới nghe qua một đoạn ca vọng cổ, cũng có thể dễ dàng nhận ra được người hát đó là NSƯT Thanh Kim Huệ.

Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ

NSƯT Thanh Kim Huệ (sinh năm 1955), tên thật Bùi Thị Huệ, gốc người Sài Gòn, là một ngôi sao nổi tiếng hàng đầu trên sân khấu cải lương thuộc thế hệ tiếp sau của sầu nữ Út Bạch Lan, kỳ nữ Kim Cương… Lúc Thanh Kim Huệ còn bé, cha mẹ làm nghề cho thuê dụng cụ âm thanh cho các đoàn hát nên chị sớm bén duyên với nghệ thuật cải lương. Nhờ làn hơi thiên phú, Thanh Kim Huệ đã lân la đến với làng ca hát từ lúc mới lên mười. Năm 14 tuổi, chị chính thức gia nhập đoàn Hoa Phượng của Bầu Trung và cũng từ bối cảnh không gian thời gian được xem như một cơ duyên này, Thanh Kim Huệ quen biết với nghệ sĩ Thanh Điền.

Sau thời gian đó không bao lâu, trong một lần đi lưu diễn (1969) bằng đường sông, đoàn hát chẳng may bị lật ghe tại gần bắc Vàm Cống, may nhờ có nghệ sĩ Thanh Điền mà Thanh Kim Huệ và các thành viên trong đoàn được thoát nạn. Khi đoàn Hoa Phượng tan rã, chị và nghệ sĩ Thanh Điền cùng gia nhập đoàn Kim Chung 2. Nhờ vào thinh sắc lưỡng toàn bẩm sinh cộng với lòng tha thiết yêu nghề, chỉ ba năm sau (1972), nghệ sĩ Thanh Kim Huệ nổi danh ngay qua các đĩa vọng cổ: Yêu lầm, Biển tình, Thà như giọt mưa… Năm 1974, nghệ sĩ Thanh Điền lập gánh hát Xuân Liên Hoa, chính thức mời Thanh Kim Huệ về làm đào chánh. Trong thời gian gần gũi, tình cảm nồng thắm mỗi ngày thêm hun đúc giữa hai tâm hồn cùng chung một lý tưởng nghệ thuật,Thanh Kim Huệ cùng nghệ sĩ Thanh Điền kết mối lương duyên ngay trong năm nước nhà được thống nhất. Từ năm 1975, trong hoàn cảnh khách quan không mấy thuận lợi cho văn nghệ sĩ của một đất nước mới vừa hòa bình, vợ chồng nghệ sĩ Thanh Kim Huệ – Thanh Điền vẫn hăng hái phục vụ nghệ thuật, tiếp tục tham gia vào các đoàn cải lương: Sài Gòn 2, 3,1 , Văn công Thành phố Hồ Chí Minh, Nhân dân Kiên Giang.

Người ta nhớ lại, thật vô cùng độc đáo, khi thủ vai Thị Hến trong vở chèo chuyển thể sang cải lương “Ngao Sò Ốc Hến” (1982), cùng nghệ sĩ ưu tú Thanh Điền, Thanh Kim Huệ đã nhiều phen gây nên những  trận cười vỡ bụng cho khán giả, mang lại danh tiếng lẫy lừng cho chị cùng phu quân. Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Kim Huệ được chú ý như một “cặp đôi nghệ sĩ” trên sân khấu cải lương thời bấy giờ. Vở tuồng “Ngao Sò Ốc Hến” do chị cùng chồng thủ diễn đã trở thành một vở diễn kinh điển cho các nghệ sĩ khác nghiền ngẫm, mỗi khi trình diễn lại vở hát này.

Lúc sân khấu cải lương thoái trào do gặp hoàn cảnh không thuận lợi, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ cùng chồng tạm quay sang mở tiệm nhiếp ảnh để sinh sống mà vẫn tỏ ra không có ý định bỏ nghề. Tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc năm 2003, “cặp đôi nghệ sĩ” Thanh Kim Huệ – Thanh Điền đều vinh dự được tặng huy chương vàng trong vở “Khúc ly hương” của tác giả Thanh Kim Huệ, với vai trò diễn viên chính Thanh Điền.

Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Kim Huệ.

Thực ra, trong cuộc đời dấn thân vào con đường nghệ thuật, ban đầu khi chưa nổi tiếng, nghệ sĩ nào cũng không tránh khỏi vương mang những vui buồn trăn trở cả những lúc gặp khó khăn gần như muốn bỏ nghề đến từ nhiều tình huống khách quan. Trường hợp nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ cũng không nằm ngoài định lệ khắc nghiệt ấy.

Chị kể lại: “Lần đó, tôi cùng gánh hát ‘Hằng Xuân – An Khương’ đi diễn ở Tây Ninh. Khi qua ngả tư Bảy Hiền (nay là quận Tân Bình TP Hồ Chí Minh), chiếc xe đò dừng lại đổ xăng. Bất ngờ, nghệ sĩ Phi Hùng quẹt lửa, châm thuốc hút, khiến vòi đổ xăng bắt lửa. Lửa bùng lên rất nhanh rồi lan vào trong xe. Nữ nghệ sĩ Hằng Xuân, con gái của ông bà bầu Sáu Đặng bị phỏng nặng và tử vong sau đó. Tôi may mắn thoát nạn nhưng tai nạn đó đã trở thành nỗi ám ảnh suốt nghiệp diễn của tôi”. Trong một lần, vẻ mặt không vui, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ ngậm ngùi tâm sự: “Sống với sân khấu từ nhỏ nên tôi cũng từng bị nhiều người trong nghề chèn ép, nói xấu. đã nhiều lần tôi tính bỏ nghiệp diễn vì nghĩ nó không hợp với mình. Nhưng may mắn, cũng chính trong những lúc như vậy, tôi được nhiều anh chị chân thành yêu thương, an ủi khuyên bảo nên có thêm nghị lực để vượt qua”.  

Với khuôn mặt búp bê đặc biệt quyện với giọng kim cao vút hiếm có, cung cách buông bắt, nhẩn nha rõ ràng từng ca từ khi khoan khi nhặt cộng với âm hưởng giọng ca hào sảng như tiếng hót lảnh lót của chim chìa vôi, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ đã sở hữu được một tài năng riêng biệt, ít gặp ở đa phần nghệ sĩ cùng thế hệ. Ở đoàn hát nào, từ lúc trở thành sao cải lương thượng thặng trên sân khấu, nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ luôn giữ vai trò đào chính, và đóng cặp với những kép nổi tiếng như: Thanh Sang, Thanh Tuấn,Trọng Hữu, Thanh Điền, Minh Tâm… Đời sống tinh thần nghệ sĩ vốn phong phú và nhạy cảm nhưng nghệ sĩ Thanh Kim Huệ là hình mẫu hiếm thấy của một người vợ thủy chung đối với người chồng cùng là nghệ sĩ, là chân dung người mẹ đích thực của hai người con thành đạt (Đăng Quang và Hồng Loan) dù không đi theo nghề của cha mẹ. Biết nhạy bén xoay trở trong cuộc sống kinh tế gia đình, khi cải lương gặp khó khăn, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ đã quay tạm sang làm một nghề không xa mấy với nghệ thuật sân khấu là nhiếp ảnh – nghệ thuật thứ bảy – để có điều kiện nuôi dưỡng nghiệp dĩ chính thống mà hai vợ chồng nghệ sĩ đã theo đuổi từ lúc vào đời.

Với bạn bè đồng nghiệp và công chúng của Thanh Kim Huệ, chưa nghe dư luận than phiền, trách móc về chị. Nghệ sĩ cũng thể hiện đức khiêm tốn, lòng tôn trọng và biết nghe lời khuyên của thế hệ nghệ sĩ cao tuổi đời và tuổi nghề đi trước mình như: Thanh Nga, Thành Được,… Sau ngày thống nhất đất nước, khi đã là đào chính nổi tiếng qua các vở Lan và Điệp, Mái tóc người vợ trẻ… có lần thu chung bài vọng cổ Người mẹ đào hầm” với nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ kể lại: “Thu xong, thấy chị nói khô cổ quá, tôi liền chạy đi lấy nước cho chị uống, vậy mà chị Nga rưng rưng cảm động: Trời! Em nổi tiếng vậy mà còn đi rót nước cho chị sao? Chị tưởng khi người ta đã nổi tiếng thì không ai hạ mình? Tôi cầm tay chị nói ‘Tại em mến, trân trọng chị nên làm vậy thôi. Chị uống đi cho em vui’. Chị Thanh Nga trong từng vai diễn luôn toát ra sự đài cát trang trọng. Tôi học hỏi và ảnh hưởng ở chị trên sân khấu và ở ngoài đời về tấm gương yêu thương và vị tha cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn cố gắng không để lại tỳ vết nào như lời chị đã dạy: Nghệ sĩ cần có một cái tâm trong sáng”

Hơn thế nữa, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ đã từng khẳng định như lời tuyên thệ của một tín đồ nghệ thuật là “Cải lương là tình yêu và là cuộc đời của tôi”.

Tóm lại, chưa nói đến có lúc là tác giả soạn tuồng, với khuôn mặt búp bê dễ thương và giọng kim hào sảng thiên phú kết hợp cùng phong cách luyến láy độc đáo lời ca, nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ là một vì sao nghệ thuật sân khấu đặc biệt.

Ở nghệ sĩ, người ta rất dễ cảm nhận ra sự nổi trội tính cách của người vợ thủy chung trong một cặp đôi nghệ sĩ hoàn hảo trong đời thực và trên sân khấu, biết lo cho gia đình, của hình ảnh người mẹ hiền đúng nghĩa với các con. Và trước công chúng, NSƯT Thanh Kim Huệ được xem là biểu tượng đích thực của một nghệ sĩ tài hoa, giàu đức tính, đáng ngưỡng mộ trong xã hội.

T.N