(Vanchuongphuongnam.vn) – Má tôi kể hồi xưa ông bà nội của má bơi xuồng về đây khai khẩn thì dòng Thầy Qươn đã ngoằn ngoèo vậy rồi, dừa nước đã mọc đầy hai bờ và bần de tán rộng với những chùm ổ dòng dọc treo phất phơ trên những nhánh cao. Dòng sông là dòng nước tự nhiên do voi đi mà thành.
Ảnh minh họa
Khi tôi đủ hình dung không gian thì tôi thấy sông giống một con rồng có vạn bàn chân. Mỗi cái chân của nó bò vào tận chái bếp. Xuồng ba tôi đi ruộng, đi giỗ chạp trong xóm, xuồng mấy anh em tôi đi học về cặp bến là có thể thấy chị ba ngồi rửa chén bên sàn lản hoặc má đang hớt bọt cho nồi canh chua lá giấm bên bếp củi nhà sau. Con sông là tự nhiên nhưng những cái bến là nhân tạo, khoét từ sông rồi sâu hàng trăm thước vào tận hiên nhà. Bến sâu, bến dài để đậu ghe xuồng và song song đó là bắc cái cầu tắm cũng như cầu rửa chén.
Người xưa mở đất phương này bằng xuồng rồi bám đất cũng bằng xuồng. Nước óc ách trước nhà, nước tí tách hông nhà, nước mưa lóng lánh trong những hàng lu hàng kiệu dành để ăn uống cả năm. Những con nước lé đé vuốt ve những cái bến được cuốn gọn gàng bằng tràm chỉ. Tôi hay gọi lé đé vì nước chỉ cách nền nhà chừng năm ba tấc. Những cơn triều cường, nước tràn tận bếp. Tràn một chút cho vui rồi lui về phận sự lé đé vỗ nhẹ bờ bến mỗi ngày.
Dòng sông mặn đắng mùa hạn hoặc lờ lợ ngọt mùa mưa, dòng sông đỉa lội như bánh canh đó không phải là thiên đường lặn lội tắm táp. Nhưng nó vẫn là mạch sống. Nơi đó ba tôi quăng chài xuống kéo lên những túi chài đầy tép bạc trong vắt bằng ngón chân cái của tôi, túi chài còn có cả những con cá trê dừa thịt dai ngọt lịm. Em tôi thì quảy rọng cặp theo bến một buổi về là đầy những con cá bống dừa thụt được trong những bụi bập bè dừa nước. Đêm đêm anh tôi bơi xuồng đón con nước từ vàm chảy vô, giở những khúc bập bè trôi trên nước, anh vớt đầy thau những con ghẹm mềm như những con cua lột.
Những ngày hè về nhà, tôi thèm nhất là bơi xuồng ven sông thử dừa nước. Mãi tới bây giờ tôi vẫn thèm những trái bần chua lụm được trên bờ sông kẹp con mắm rô đồng ăn với tô cơm nguội trong những buổi đói bụng giữa mưa dầm.
Dòng sông – nơi ánh sáng văn minh len lỏi tìm về
Dòng sông chạy ven vùng đệm U Minh u tịch giữa miên man cỏ cây hoang dại như cái tên của nó. Đêm đêm ngồi nhà nhìn ra bến, thấy đôi mái dầm té nước, những dòng nước mặn xẹt trong đêm thứ ánh sáng ma mị. Những câu chuyện ma từ cây bần quỳ cho tới đám lá dừa nước tràn vào nhà, tràn vào tâm trí trẻ con. Chỗ nào cũng ma. Ma tồn tại của những ngày mở đất. Ma của vạn vạn ánh đóm lập lòe trên những tán bần nhiều tuổi. Ma của sự tưởng tượng bởi đất U Minh là đất của những huyễn hoặc gợi lắm hình dung. Có cảm giác như chiều vừa xuống giơ tay ra là đã chạm phải ma mẹ ma con, ma bạn ma bè.
Nhưng bóng đêm ma mị của U Minh không cản được những bước chân tìm đến ánh sáng văn minh. Đôi ba nhà cùng xóm tối tối lại rủ rê nhau xuống xuồng bơi về ngã ba. Chỗ đó có tivi. Chỗ đó có chút ánh sáng điện từ những bình ắc-quy cỡ nhỏ. Và hạnh phúc vun đầy trong những màn cải lương khóc cười mê mải.
Những cái ghe hàng cũng lần theo nước vào tận bến mỗi nhà. Những chuyến đò theo sông đưa người đi học phương xa. Những chuyến đò đưa từng phần nhỏ của chợ tỉnh về với ruộng vườn hẻo lánh. Những chuyến đò chạy cả ngày chưa tới nhà là cả một giấc mơ tuổi thơ tôi.
Năm tuổi như một kiểu bốc thăm may mắn, trong đàn con tôi được ba chọn mình tôi đưa về sống với nội, như bậu bạn cùng nội và thuận lợi chuyện học hành. Mới học mẫu giáo năm ba ngày, cô bé con còn khóc tu tu khi lạc giữa đường quê thì phải lìa nơi chôn nhau cắt rún. Những má ba, anh chị em và những người bạn nước, bạn cỏ cây hoa trái cũng rời xa.
Tôi nhớ mải miết cái bến sông nhà tôi lấp ló sau những bụi dừa nước. Tôi nhớ gốc dừa ăn trái ông ngoại trồng hồi má lên năm. Nó mới có trái vài lứa đầu ông ngoại đã hy sinh. Nó mọc nghiêng mé nước. Những vết đạn chiến tranh xuyên thân nó đã rộng ra như những cái hang. Bộ rễ nó trùm lên bến. Phần dưới của rễ bị nước sông ăn mòn gần phân nửa. Chiều chiều tôi với chị ba ngồi trên đó đón ghe hàng, tôi nhìn thấy những con còng lửa lấp ló trong mé nước. Bộ rễ dừa như một thắng cảnh lúc tôi ngồi đó đón ghe hàng. Bộ rễ dừa như người bạn cuối cùng tiễn tôi khi tôi lên đò về nhà nội.
Tôi nhớ dòng sông những chuyến đò bắt đầu từ gốc dừa kỷ niệm ven sông. Từ nhà nội ở Châu Giang, sau một ngày dài đi xe đò với những chen lấn giá cả đỏ đen thì rạng sáng hôm sau tôi gặp được chuyến đò thân thuộc ở bến Rạch Giá. Vừa bước xuống đò đã nghe hơi hớm của nhà. Bởi trên đó là những người sống dọc theo Thầy Qươn đi ra chợ khám bệnh, thăm con hay mua sắm gì đó cho lễ hỏi lễ cưới của người nhà. Họ nhắc nhau về những ngã ba Bộ Lợi, ngã ba Chín Niềm hay chợ Sân Gạch, chợ Nhà Ngang.
Quê Thầy Qươn rõ mồn một trong từng câu chuyện dẫu đò vẫn đang miệt mài phía sông Cái Lớn. Cảm giác tới nhà rồi càng mạnh mẽ hơn khi đò quẹo vào vàm. Vàm như cái cổng làng. Ngồi trên đò lướt từ từ qua dòng sông nhỏ tôi nhìn thấy những chái bếp, những hàng lu nước dưới mái hiên, những đống củi bình bát trên sân, như nghe được cả tiếng gà mẹ tục tục dắt con, nghe được cả mùi cơm chiều trong từng mái lá.
Đò dường như tất bật hơn khi chạm bến mỗi nhà. Tôi thích cảm giác đò ghé lại từng bến. Nhìn mấy đứa con nít mừng người thân với giỏ lớn giỏ nhỏ. Tôi thấy vui khi chút nữa đây mình cũng được mừng như vậy dù chẳng có chút quà cáp gì. Bởi sự hiện diện của tôi đã là món quà lớn cho anh em trong nhà và những đứa trẻ cùng xóm.
Nhưng tôi không thích cảm giác đò cứ ghé trả khách dọc đường. Đường về nhà cứ dằng dặc như đi vòng thêm hàng trăm cây số nữa. Giá như nó chỉ chạy duy nhất một đường từ bến rồi ghé thẳng nhà tôi. Giá như con đò của chỉ riêng tôi, đi về một con đường và vèo một cái bến sông quen đã hiện ra trước mắt.
Giấc mơ dịu dàng đẫm mồ hôi đã lùi xa mãi
Dòng Thầy Qươn trước nhà như một thứ tiện ích tối thiểu để duy trì sự sống nơi này. Có cảm giác không có dòng sông nơi này không có sự sống. Vậy mà khi sự tiện nghi tràn vào ngày càng nhiều thì một dòng Thầy Qươn ngoằn ngoèo mặn đắng trở thành một cái gì đó vô cùng bất tiện. Trước những tiện nghi theo kiểu “vèo một cái” là có thì dòng sông như một người bạn già rù rì rỉ rả. Quá chậm cho những ham muốn vội vàng. Cầu và đường trở thành thiết yếu. Những bến nước sâu bò tận bếp bị san lấp. Dòng sông xa dần cho tới một ngày men theo dòng sông con người tìm về những cánh đồng máy móc, những đô thị xa xôi. Nơi đó mặt trời cũng không có dẫu hơi nóng mặt trời hầm hập cướp từng khối mồ hôi.
Nỗi nhớ một dòng sông bất tiện không còn là của riêng tôi. Những đứa con của Thầy Qươn ở giữa vùng tiện nghi bắt đầu sống trong mơ ước “vèo một cái” là quê nghèo hiện ra trước mặt.
Dòng sông quê trong ký ức bỗng nhiên đẹp như một chốn thiên đường mà những kiến trúc sư cảnh quan kỳ tài chưa dựng nổi. Trở về lại thiên đường đó được không? Xin thôi, đâu ai còn đủ sức với những xuồng ghe, với những ánh đóm lập lòe mờ mịt. Thì thôi hãy coi như đã từng được trải nghiệm một chốn ăn chơi trong lành thân thiện nhất suốt những năm dài thơ ấu, giờ an phận với thực tại khói bụi. Dòng Thầy Qươn vẫn còn đó dẫu đã biến dạng hình hài. Nếu hỏi ai đó có muốn lấp sông không. Chắc chắn không. Bởi nó không còn vai trò nuôi sống từng thể chất với những cá thịt cua còng nhưng nó mang một vai trò vô cùng mới mẻ cũng rất đỗi thiêng liêng. Ấy là lưu giữ giùm ai những nhớ những thương một thời xa thẳm.
V.D.T