Thèm một giao thừa

1108

Ninh Giang Thu Cúc

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi hình dung những ngày cận Tết, những đêm 30 Tết của thời con gái mà nhớ thương mẹ đến thắt lòng, nhớ làm sao thời khắc nghiêm trang mọi người đứng xếp hàng theo thứ tự trước áng thờ dâng hương cung đón giao thừa. 

Tết sum vầy bên cha mẹ – Nguồn ảnh: Internet

Kể từ độ vai mang khăn gói sang sông với hai nhiệm vụ là theo chồng và thực hiện đúng bản cam kết trong hồ sơ đào tạo chuyên ngành: “Phục vụ bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam”. Tôi những tưởng chỉ xa mẹ hai năm lại được cùng chồng quy cố quận, bởi chồng tôi là hậu thân của gã láng giềng.

Viễn cảnh của ngày trở về không lúc nào tôi không phát họa trong cái đầu bé nhỏ và trái tim đa cảm của đứa con gái đầy mộng mơ vừa hóa thân thành thiếu phụ đang mang vác gói hành trang thương nhớ trên đất khách dặm trường.

Thế nhưng, ở cái cõi nhân nhan đầy hệ lụy này không ai là không bị cái chữ nhưng tai quái và độc địa như một mụ phù thủy lắm phép màu đánh gục bao dự định, bao ước vọng chính đáng, bao hoài bão tốt đẹp của mỗi con người chúng ta, vì thế riêng tôi – tôi chẳng hề đồng cảm với người Tây phương khi họ bảo:

Vouloir c’est pouvoir

Tôi bị mang tính di truyền đông con của Mẹ Âu Cơ nên cứ sòn sòn năm một, đứa nầy ăn “thôi nôi” là chuẩn bị áo khăn tã lót hành quân đến nhà bảo sanh đế đón đứa khác chào đời, cứ mỗi lần ì ạch mang vác cái hạnh phúc sắp làm mẹ và nỗi khổ sở thấy một triệu ông trời trong những cơn đau chuyển dạ là tôi lại dặn lòng: Sứ mạng sinh nở ơi, xin chào vĩnh biệt! Thế mà nào có được, sau năm 1975, công nhân viên chức toàn ăn sắn khô với bo bo nhiều hơn gạo, mẹ chồng tôi còn phán một câu xanh rờn: “không kế hoạch chi hết, trời cho mấy đẻ mấy, lương tiền bây nuôi không đủ đem cháu về mạ nuôi cho” được lời như cởi tấc lòng “ông trời” con của mẹ tôi cười đắc ý! Khi đứa con thứ sáu của tôi vừa biết gọi mẹ ơi và đi chập chững là tôi phải nhập viện bởi kiệt sức và ho ra máu, do cứ phải thức đêm tròn một năm vì cháu cứ khóc suốt đêm mà không ai bồng ẵm được ngoại trừ mẹ nó. Nếu có ai khen phụ nữ Huế với cụm từ: Mình hạc xương mai thì xin thưa có lẽ Ninh Giang Thu Cúc là đại diện xuất sắc nhất với 36kg thịt xương sau sáu lần sinh nở…

Cho nên chằng hề ngoa ngữ tí nào khi tôi viết bài thơ “Tôi mừng sinh nhật tôi” có hai câu;

… Sáu lần sinh đối mặt với tử thần
Được làm mẹ tôi phải đổi bằng máu xương và những dòng nước mắt…

Cứ thế, và cứ thế, biết bao trở ngại nội tại, khách quan từ công việc gia đình và xã hội tôi bị quay như cái chong chóng trước bao cơn gió chướng… Thời kỳ ấy (1966-1975) Bình Định Quy Nhơn là trung tâm gây tội ác của lũ Mãnh Hổ Đại Hàn, ngày nào Bệnh viện tỉnh Bình Định (dạo ấy có tên là Trung tâm y tế tàn khoa Bình Định) cũng đầy ắp bệnh nhân là nạn nhân chiến tranh từ các quận huyện do máy bay trực thăng tải thương mang về. Cả tập đoàn thầy trò Y, Bác sĩ Việt Nam và Tân Tây Lan bù đầu với các ca cấp cứu trầm trọng làm việc 24/24 giờ một ngày, chồng tôi là chuyên viên gây mê hồi sức nên ở phòng mổ bệnh viện nhiều hơn ở nhà.

*

Nhớ ngày từ giã gia đình sau đám cưới một tháng, chúng tôi vào Quy Nhơn nhận nhiệm sở, tại phi trường Phú Bài, tôi ôm mẹ đẻ mình và nói trong nước mắt: Mẹ ơi! Tết con về… Trời ơi, một lời hứa hẹn đã 14 năm qua vẫn chỉ là lời hứa hẹn, nhưng giả dụ bây giờ tôi có về Huế trong ngày 30 tết thì phỏng được gì khi mẹ tôi không còn hiện hữu bằng thịt xương sinh động trong ngôi nhà ăm ắp một trời hạnh phúc của tuổi ấu thơ tôi.

Dạo ấy hằng năm mẹ vẫn vào Quy Nhơn thăm con và cháu ngoại vài ba bận, ở được dăm ba bữa lại về bởi sợ bỏ nhà hương khói lạnh và hằng năm tôi vẫn âm thầm ước nguyện:

… Lòng lại hẹn lòng mong tết đến
Về bên gối mẹ lạy mừng xuân.

Tôi hình dung những ngày cận Tết, những đêm 30 Tết của thời con gái mà nhớ thương mẹ đến thắt lòng, nhớ làm sao thời khắc nghiêm trang mọi người đứng xếp hàng theo thứ tự trước áng thờ dâng hương cung đón giao thừa. Cái không gian, thời gian tĩnh lặng tinh khôi ấy sao mà trang trọng ấm áp và thiêng liêng đến thế – bàn thờ nến sáng choang, hương hoa quả và hương khói quyện vào nhau, đỉnh trầm vương tỏa nhẹ những sợi thơm mảnh như tơ trời. Tất cả hương thơm ấy lan nhẹ man man trong không gian thờ phượng tạo thành một mùi hương, một không khí nửa tinh khiết đoan nghiêm, nửa phiêu diêu huyền hoặc, những lúc ấy tôi thấy mình muốn khóc và nổi da gà trên hai cánh tay trong tư thế khoanh trước ngực.

Trong khi mọi người thành kính lễ lạy tôi vòng tay chờ đến lượt mình, đó là giây phút hạnh phúc vô vàn của tôi bởi được đắm mình trong bối cảnh tuyệt diệu, đầy cảm xúc trong phút giao thoa của đất trời trong niềm kết nối tâm linh giữa người còn kẻ khuất, tôi có cảm giác là anh linh của tổ tiên ông bà đang ngự trị trên cao nhìn xuống con cháu bằng tình thương, bằng sự phù trì bảo bọc…

Hai bốn mùa xuân con gái dưới gối mẹ cha, 24 phút giao thừa êm đềm như thế, 24 buổi sáng mồng một Tết tôi nhận được những đồng tiền lì xì với những lời thương yêu của mẹ đã cho tôi viết thành thơ:

Lì xì mẹ chúc con vui nhé
Mừng mẹ chén trà con kính dâng

Mẹ ơi! 14 năm từ khi thành gia thất, 14 phút giao thừa con không được về bên mẹ. Mùa đông năm 1983 mới rạng sáng tụng kinh xong mẹ ra vườn định hái hoa vào thay ở bàn Phật thì bị trượt ngã ở bậc thềm, vết thương làm độc nhiễm trùng nặng, mụ Khá, người giúp việc của gia đình điện tín khẩn vào Quy Nhơn. Tôi tất tả ra bến xe chờ xếp hàng mua vé với tờ điện tín trên tay vẫn không mua được chiếc vé, lại phải chạy đến nhà cậu bạn đồng hương nhờ cậu ấy xòa thẻ nhà báo ra mới lấy được tấm vé. Về nhà nhìn vết thương sưng phù trên mu bàn tay mẹ, tôi đau như cắt từng khúc da thịt mình, dạo ấy cái gì cũng khó khăn, tôi chạy vạy đến hụt hơi mới đủ thuốc men điều trị… Tôi liều mạng giao nhà cửa chồng con cho cô em nuôi để ở với mẹ được hai mươi ngày vừa điều trị cho mẹ vừa nhờ các bác ở Khuôn Hội Kim An tụng Phổ Môn Cầu An, tụng luôn Lương Hoàn, Thủy Sám. Nhìn mẹ ngồi thanh tịnh nghe như uống từng câu kinh mà các bác tụng ở nhà trên tôi sung sướng vì thấy nét hạnh phúc trong mắt mẹ.

Ngày tôi vào lại Quy Nhơn mẹ dặn: “Tết đem các cháu về với mẹ nghe con”, tôi dạ cho mẹ yên lòng nhưng biết là không thể thực hiện được điều không tưởng ấy. Bởi giai đoạn những năm 80, công nhân viên chức cả nước khó khăn vô cùng rồi xe cộ cũng chẳng dễ dàng, làm sao trong tháng 11 và tháng chạp mà thực hiện được hai chuyến đi với cả bầu đoàn phu tử kia chứ. Tất nhiên là tết ấy (1984) vợ chồng tôi không về được, và trời đất ơi! Vừa hết tháng Giêng tôi được điện báo mẹ từ trần, chao ôi! Đất trời đảo lộn, vợ chồng con cái đùm túm, lại xếp hàng, lại chầu chực một ngày mới mua được mấy cái vé xe chạy bằng than… Chúng tôi về đến nhà thì quý thầy và gia đình gia tộc đã cử hành xong phần nhập liệm song chưa đóng nắp quan tài chờ tôi về nhìn mẹ lần chót. Tôi đau đớn đến tê dại vừa thương mẹ vừa hối hận là tại sao không đem chồng con về hôm Tết như lời mẹ dặn – bởi tôi một phần chủ quan về sức khỏe mẹ, một phần là sự khó khăn về mọi mặt nên dự định hè về luôn một thể, ai ngờ đó lại là lời dặn dò cuối cùng của mẹ.

Mẹ ơi! Tại sao con vẫn hằng ao ước được về ăn một cái một cái Tết đoàn tụ, đón một giao thừa bên mẹ như thuở ấu thơ, con thèm khát đến cháy bỏng mà không thực hiện được ước mơ cho đến ngày mẹ nhắm mắt xuôi tay.

Tại sao mẹ lại vội vàng ra đi khi cả đất nước đang gặp phải khó khăn của thời hậu chiến, nhà nhà khó khăn, người người khó khăn, sự khó khăn riêng chung ấy đã làm thui chột ước mơ của bao đứa con xa mẹ như con, có bao đứa con như con đã phải:

Thèm một giao thừa vang tiếng pháo
Mẹ con ta hát khúc sum vầy
Mẹ ơi mơ mãi không là thật
Nhắm mắt trào tuôn ngấn lệ đầy.

Mẹ ơi! Mãi mãi con vẫn thèm một giao thừa bên mẹ.

N.G.T.C