Thiên sứ của tình thương và cái đẹp

1094

Võ Tấn Cường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thi ca xoa dịu, chữa lành vết thương tinh thần của con người. Thi ca dẫn dắt, hướng tâm hồn con người đến thế giới của cái đẹp và sự bình an. Lịch sử thi ca đã chứng minh, những nhà thơ tài năng chính là thiên sứ của tình thương và cái đẹp. Thi ca của họ giúp con người xóa nhòa ranh giới giai cấp, chủng tộc và quốc gia để xích lại gần nhau, cùng hướng đến thế giới của tình thương và cái đẹp.

Nhà thơ Võ Tấn Cường

Anh bạn thân công tác ở lĩnh vực khoa học công nghệ nói: “Thời chiến tranh người ta bảo rằng ra ngõ gặp anh hùng. Bây giờ ra ngõ gặp nhà thơ. Nhà thơ nhiều nhan nhản như… nhân viên tiếp thị”. Câu nói ví von của một người bạn gợi cho tôi sự suy tư, chiêm nghiệm về thiên chức và thân phận của nhà thơ giữa thời kinh tế thị trường.

Nhà thơ – anh là ai? Câu hỏi không chỉ ngân vang trong tâm trí nhà thơ trong quá trình sáng tạo thi ca mà còn vang vọng trong tâm hồn bạn đọc trong quá trình cảm nhận bài thơ. Từ xưa đến nay nhiều người cho rằng nhà thơ là người có khả năng mộng mơ và có trí tưởng tượng phong phú, có tầm tư duy triết học và có tài chế tác ngôn từ. Trong thực tế xã hội đã có thời người ta cho rằng nhà thơ là những kẻ bất đắc chí hoặc vô công rồi nghề. Một số nhà phê bình thơ và nhà thơ thì lại coi nhà thơ như người cõi trên. Bây giờ, thời kinh tế thị trường có nhiều người coi nhà thơ như những kẻ rao bán sự mộng mơ. Cái nhìn và quan niệm như vậy hoàn toàn có cơ sở thực tế bởi vì trên thị trường đã xuất hiện một số cỗ máy sản xuất thơ. Điều lạ lùng là có nhà thơ tỏ ra tự hào vì mỗi dịp tết đã sản xuất và in báo mấy chục bài thơ. Như vậy, nhìn ở góc độ thị trường, thi ca đã trở thành một thứ hàng hóa đặc biệt. Đã là hàng hóa thì bao giờ cũng có hàng thật và hàng giả. Thơ cũng có thơ giả và thơ thật.  Nhìn ở góc độ chủ quan, các nhà thơ đang tự đánh mất mình khi họ bỏ quên thiên chức của nhà thơ và quan niệm thơ như một thứ hàng hóa như bao thứ hàng hóa khác.

Thế giới hiện đại đầy rẫy sự bất an và đổ vỡ. Sự xung đột giữa các thể chế chính trị và tôn giáo đang diễn ra từng giây từng phút đã đẩy con người vào những tình thế hoang mang và sợ hãi. Thi ca không thể cứu chuộc được bi kịch, số phận của con người nhưng lại có thể tạo dựng được thế giới của tình thương và cái đẹp. Thi ca xoa dịu, chữa lành vết thương tinh thần của con người. Thi ca dẫn dắt, hướng tâm hồn con người đến thế giới của cái đẹp và sự bình an. Lịch sử thi ca đã chứng minh, những nhà thơ tài năng chính là thiên sứ của tình thương và cái đẹp. Thi ca của họ giúp con người xóa nhòa ranh giới giai cấp, chủng tộc và quốc gia để xích lại gần nhau, cùng hướng đến thế giới của tình thương và cái đẹp.

Nhà thơ là người có trái tim và tâm hồn dễ rung động, nhạy cảm trước nỗi đau của đồng loại. Sự day dứt, nỗi ám ảnh về thân phận của con người trước cái chết và hư vô chi phối thường xuyên đến qúa trình sáng tạo thi ca của nhà thơ. Dù nhà thơ có ý thức hay không thì điều này cũng ảnh hưởng đến động lực sáng tạo của nhà thơ và thế giới hình tượng của bài thơ. Thiên chức của nhà thơ chính là sự khai phá, thám hiểm một thế giới khác và tìm ra mối liên hệ với thế giới con người đang sống. Thiên chức của nhà thơ không phải là lẽo đẽo chạy theo hiện thực hoặc nhai lại hiện thực. Nhà thơ tạo dựng một thế giới của ngôn từ lung linh và huyền ảo, hàm chứa, ẩn giấu sự mênh mang của tình thương và cái đẹp. Sự xung động và bộc phát của những cảm xúc dồn nén, mãnh liệt trong thế giới siêu cảm của nhà thơ hòa quyện và tan chảy vào thế giới của cái đẹp được thăng hoa trong hình tượng của bài thơ. Nhà thơ sáng tác theo trường phái phong cách nào đi nữa mà không tạo dựng được thế giới của tình thương và cái đẹp thì xem như thi ca chỉ là trò chơi vô tăm tích. Đối với một số nhà thơ, thi ca có thể là trò chơi ngôn từ nhưng đối với bạn đọc thi ca không bao giờ là trò chơi cả. Bạn đọc có vô số trò chơi để chọn lựa. Họ đọc thơ không chỉ để giải trí mà còn để thanh lọc, thăng hoa tâm hồn, hướng về thế giới của cái đẹp và tình thương.

Thiên chức của nhà thơ và sứ mệnh của thi ca chi phối, tác động đến sự ứng xử và quá trình sáng tạo của nhà thơ. Vì vậy, sự thể nghiệm, dấn thân của nhà thơ trên con đường thi ca là vô cùng, vô tận. Tấm lòng và tâm thế của nhà thơ thì mãi luôn đau đáu những buồn vui, đau khổ và hạnh phúc của con người nơi trần thế và cả cõi vĩnh hằng.

V.T.C