Thương về một miền quê

695

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Phạm Thị Mai Khoa là Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Thương về một miền quê là tập thơ thứ ba của Mai Khoa (NXB Hội Nhà văn 2013) sau Sóng pha lê (NXB Văn Nghệ 2011) và Thu Hà Nội (NXB Thanh Niên 2010).

Nhà thơ Mai Khoa

Nhà thơ Mai Khoa

Đọc tựa đề tập thơ tôi thấy lòng mình nao nao nhớ về quê hương của một thời bé dại với những hoài niệm thuở ấu thời thật đẹp thật yêu thương giờ chỉ còn là ký ức. Trong tập thơ này nhà thơ Mai Khoa đã chia thành hai khúc. Khúc 1 “Tĩnh lặng” đó là tất cả những xúc cảm nhà thơ đã dành cho ông bà cha mẹ. Khúc 2 “Khát vọng” nhà thơ viết về quê hương tình cảm bạn bè bằng tất cả nỗi lòng mình.

Tôi khẽ hát thầm lời bản nhạc “Bóng tre xanh”: “Nơi đó đã một lần tôi được sống. Nơi đó đã một lần tôi biết yêu, nơi đó bóng tre xanh ôi tuyệt vời, mẹ ru con ru vào đời…”.  Có lẽ đó cũng là tiếng lòng của nhà thơ Mai Khoa đã “Thương về một miền quê” với bao nhiêu là kỷ niệm thật thà vụng dại. Và, đề tài mẹ đã được nhà thơ Mai Khoa thể hiện nhiều nhất ở tập thơ này trong từng cung bậc khác nhau.

– Giờ đây tóc mẹ gội nhòa bóng trăng…/ mẹ tôi gói cả đầy vơi sớm chiều (Mừng tuổi mẹ).

– Tình mẹ yêu con âm thầm lặng lẽ (Lòng mẹ)

– Mái tóc mẹ như vạt sương mai/ Mỏng manh theo thời gian gần cạn/ Con lo ngày mẹ đau, tơ vò nứt cạn.(Ngày của mẹ).

Người mẹ nào không lăn dòng nước mắt khi đọc được những điều lo lắng của con?  Cho đến một ngày nhà thơ đã hiểu được lòng mẹ, sự hy sinh của mẹ cho dành cho con.

Rồi ngày con trở thành người mẹ / Càng thương mẹ thật nhiều/Cuộc sống như món nợ đồng lần /Cứ luân hồi chưa dứt (Món nợ đồng lần).

Nhạc sĩ Y Vân đã viết:
“Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào,
Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào”.

Nhà thơ Mai Khoa cũng đã có những xúc cảm như vậy. Người sợ mẹ đau, sợ mẹ sẽ rời xa con. Nhưng quy luật là lẽ sống ở đời. Chúng ta không làm sao níu kéo cha mẹ ở mãi bên mình cho dù mình có yêu thương cha mẹ đến thế nào chăng nữa.

Con đi qua những vùng đồi / Rát bàn chân mẹ cả đời trên non (Một nửa câu ca). Mẹ đã đi / mang nặng tình thương (Phù sa Sông Hồng).

Mùa Xuân của yêu thương của những mái gia đình được đoàn tụ. Vậy mà cha mẹ đã ra người thiên cổ. Còn chua xót nào hơn ngậm ngùi nào hơn khi trên cõi đời này nhà thơ đã không còn cha mẹ.

Nhang vẽ vòng nhung nhớ / Thỉnh ba mẹ dùng cơm
Trong giây phút thiêng liêng / của chiều ba mươi Tết. (
Chiều ba mươi tết)

Mai Khoa đã viết về cha mẹ thật thấm đẫm như câu ca dao : “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Những ngôn từ ngắn ngủi mà ông bà cha ta đã  diễn đạt  được hết  công cha và nghĩa mẹ.  Biết nơi chín suối cha mẹ có về thừa hưởng không? mà chỉ thấy nhang vẽ vòng nhung nhớ thế này.

Khúc 1 của tập thơ Mai Khoa đã dành trọn yêu thương cho bà, cho cha, cho mẹ bằng những vần thơ tâm huyết.

Cuộc đời chằng chịt dâu bể / Chưa một lần khép lại phải không cha? (Tiếng thầm). Hương hồn cha nhang khói dâng đầy / Cha lại về trong vòng tay mẹ và các con đây (Như mỗi ngày – cha về). Ba đi bộ đôi em còn nhỏ dại / Không nhớ mặt cha / biền biệt tháng ngày / Mẹ công tác ngành y vât vả / Lo toan tần tảo lên ngược về xuôi(Khói lam chiều).

Những câu thơ mộc mạc và giản dị của tác giả như đưa người đọc về một miền thâm u. Tiếng thầm của nhà thơ đã dứt ruột ra những câu thơ mà người đọc đã lắng lòng cùng nỗi nhớ của nhà thơ. Đâu phải những mỹ từ cao siêu mới diễn đạt hết nỗi lòng của người con khi viết về cha mẹ để người đọc mới cạn hết lòng mình.

Chị dắt tay em qua những tháng năm / Trở về thôn cũ / Bà đã ra đi về nơi thiên cổ / Những đường chằm còn mãi mãi vươn xa (Chiếc nón). Ba chị em sống với ngoại  / bên lũy tre xanh (Khói lam chiều). Ông nội đã đi theo tổ tiên / Người khuất núi khi cha đi tập kết..
…Họ tộc đời đời bền vững / Nơi thiêng liêng con cháu đi về
(Về quê nội).

Đọc kỹ tập thơ chúng ta sẽ không phải thắc mắc gì thêm. Nào là ông bà , cha mẹ. Người đã viết hết bằng bút lực của mình trong khúc 1 “Tĩnh lặng” mà tôi nghĩ người đọc chỉ còn dấu chấm hỏi về tình yêu và hạnh phúc của người và phải “tò mò” đọc tiếp xem khúc 2 “Khát vọng” – Để hiểu hơn một chút về “tình cảm lãng mạn” của nhà thơ.  Và khi cầm tập thơ Mai Khoa trên tay tôi cũng đã thắc mắc khi đọc như bạn vậy.

Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ những “Khát vọng” của nhà thơ trong “Khúc 2”. Mai Khoa lại viết về cha …nỗi nhớ lại đeo đẳng đến khúc 2!

Canh cánh ngày cha đi biển không về (Biển không bình yên)
Có một ngày lòng biển tan vỡ / Trên hành tinh vọng nỗi xót xa (Sóng thần).

Chút tình sâu lắng của nhà thơ đã dành cho nhân loại yêu thương không biết có vang vọng đến một hành tinh nào đó trên bầu trời ái oan ngày sóng thần đã cướp đi bao nhiêu là sinh mạng trên cõi đời này.

Ví như khi thác đi những người cầm bút vẫn còn được người đời nhắc nhở xót thương. Đó là điều mà tôi nghĩ rằng ai cũng mong muốn được như vậy. Hẳn thi nhân Hàn Mặc Tử chắc cũng mỉm cười nơi chín suối khi được nhà thơ Mai Khoa ghé thăm mộ.

Nơi anh nằm bây giờ / cao dần con dốc đứng / Sỏi dưới chân thì cứng /  Cỏ đan mềm lối đi../Người thì đã ra đi / Trăng thì luôn ẩn hiện / Vì sợ trăng phiền muộn / Gió thì thầm đọc thơ (Thăm mộ Hàn Mặc Tử).

Những thoáng mây bay se sắt thì thầm của tuổi học trò cũng làm mềm lòng thi sĩ họ Phạm.

Mùa hạ tuổi học trò…/ Kỷ niệm nào chia xa / Lửa hóa thành tro bụi / Than hóa thành nguồn cội / Đất nuôi mầm lên xanh (Bốn mùa).

Ai trách nhà thơ khéo tưởng tượng thương vay và khóc mướn? Bởi vậy mà Phạm Thị Mai Khoa đã không nén xúc động:

Gần bốn chục năm khoảnh khắc qua nhanh / Thời khắc điểm tiếng chuông chùa vừa dứt / Phủ hoàng hôn một mảng màu thao thức / Thiếu phụ ủ mình trong nỗi cô đơn (Gửi người thiếu phụ).

Nhà thơ không quên gởi đồng đội của mình của những năm tháng khoác áo màu chinh chiến khi nhớ về những người bạn đã hy sinh.

Tôi đọc thơ anh cho đồng đội tôi nghe / Âm vang tiếng cười, tiếng khóc / Thế kỷ sang trang lật từng trang ước / Kỷ niệm nào cũng thấm đẫm yêu thương (Gửi đồng đội)
Nơi anh đến và đi chiều xưa / …Đã lâu rồi khi trời nặng hạt mưa / Giọt nước lăn trên tóc em bối rối / Bờ vai lạnh thoáng một thời nông nổi (Niệm khúc xưa)
Mây không còn là ngũ sắc mây hồng / Chỉ còn ta và hoàng hôn huyết dụ (Chiều)
Cuộc sống là gì mà con người bất lực (Bạn tâm giao)

Những vui buồn vu vơ trong thơ mà Mai Khoa đã nhọc lòng khi thấy hoàng hôn chỉ còn màu huyết dụ. Tình yêu thật thầm lặng trong thơ nhà họ Phạm, nhưng có thầm lặng đến đâu rồi cũng vỡ òa..

Lần nào về anh cũng trách / Chẳng ở lại chơi ăn bữa cơm cà / Mảnh vườn nhỏ hoa cau chưa kịp rụng / Nải chuối già giấm mãi vẫn còn xanh..
Em không khóc trước muôn vàn khó khăn trước mắt……
Ai cũng một lần trong đời vấp ngã / Cái ngã sau không giống trước bao giờ
.(Tạ lỗi)

Tình yêu trong thơ Mai Khoa thật nhẹ nhàng và hiền hòa như đưa người đọc về một miền  quê thân thương. Và điều đó đã đúng như tựa đề tập thơ mà nhà thơ đã chọn cho riêng mình.

Một chút yêu thương lãng mạn của một buổi chiều vu vơ nhung nhớ Mai Khoa đã viết:

Chiều hoang- đổ nắng / …Dã quỳ ngu ngơ – mặt trời xế bóng / Thời gian thầm lặng /….Mây phủ mặt người(Hoa Dã quỳ)
Hạnh phúc khi được sống / Giữa bạn bè thân yêu / Anh cứ cho thật nhiều / Cứ bâng khuâng ngóng đợi (Hạnh phúc ở quanh ta)
Tháng ba rồi em vẫn nhớ anh / Hoa xoan tím giữa hoàng hôn ngan ngát (Tháng ba)
Anh bấm máy ghi nhanh / Gửi cánh sen ngan ngát (Tin nhắn chiều)

Tin nhắn vu vơ nhưng cảm nhận một mùi hương dìu dịu từ đóa sen. Nhưng nỗi nhớ thương dành cho đồng đội thì giăng đầy, cho mây cho gió cho tất cả mênh mông trời đất những khuất xa. Như những bài thơ Mai Khoa đã viết: “Nắng / Nắng qua vòm lá / Hồ Than Thở / Người thợ xây lăng Bác Hồ / Ru mùa /Khát vọng ánh sáng.

Không có gì đắng cay, không có gì đau khổ… Không có gì tiếc nuối và hụt hẫng trong tình yêu. Thơ của Phạm Thị Mai Khoa là vậy. Nó êm ả như đề tựa THƯƠNG VỀ MỘT MIỀN QUÊ . Và bạn, và tôi sẽ không còn “tò mò” tình yêu cháy bỏng của nhà thơ ở khúc 2 “Khát vọng” nữa. Mà chúng ta hãy cùng Mai Khoa sống một cuộc sống với trách nhiệm của một người vợ yêu chồng.

Phận em dâu hiền gái đảm / Thay chồng gánh vác việc nhà /…Từ ngày em về nhà chồng /Quên mình phận con côi cút../ Ngày xưa em là con một / Bàn tay trắng ngọc trắng ngà….(Chỉ có thế thôi).

Vâng, Chỉ có thế thôi…Chúng ta đã hiểu không ít thì nhiều về nhà thơ họ Phạm này. Mà cứ thoang thoảng một tình yêu..Đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ… Đôi khi… có mưa giữa khuya hồn tôi bỗng vu vơ….như Trịnh Công Sơn đã viết.

Saigon, tháng tám-2013
Nhà thơ Dung Thị Vân