Tiếng gọi – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc

1092

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiều nay, sau thời công phu tịnh độ Hạnh Niệm xếp y hậu vào ngăn tủ đầu giường và nhẹ nhàng đi xuống nhà trù lo buổi tiểu thực dâng lên Sư bà, bởi hôm nay đến phiên cô làm thị giả.

Nhà thơ Ninh Giang Thu Cúc

Hạnh Niệm cố nhiếp tâm giữ an tịnh bằng cách quán chiếu công việc đang làm, nhưng sao không như những ngày vừa qua trong nếp thanh lương đạo pháp mà cô thanh thản sống? Ý tâm vọng động buông lung. Cô lẩm nhẩm đếm: một, hai, ba, bốn, và cứ chừng ấy mà lộn lui, lộn tới chẳng thể nào đếm được đến mười. Hạnh Niệm lắc đầu mạnh đuổi xua các tạp niệm đang tung tác, song kỳ chưa, nó cứ mãi lãng vãng chẳng rời, hầu Sư bà xong Hạnh Niệm đi thơ thẩn ra ngọn đồi trước chùa, nắng thu vàng như những giọt mật ong chiếu xuyên từng sợi qua tàng lá thông trên cao, gió mát rượi thổi lào xào trên ngàn cây nội cỏ, không gian trong vắt, bình yên như một thời cổ tích của chuyện thần tiên. Hạnh Niệm hít thở bầu không khí trong sạch của chốn già lam quen thuộc, hướng tầm mắt về một cõi xa tít tắp và nhẹ thở dài lẩm nhẩm:

– Thời gian như bóng câu, mới đó mà…

– Chị Hạnh Niệm!

Dòng tư tưởng bị đứt đoạn, Hạnh Niệm quay ra sau:

– Hạnh Hòa hả, gió mát quá, ngồi xuống đây! Tối nay em thỉnh chuông phải không?

– Không ngồi được đâu, Sư bà cho em đi gọi chị về cho người dạy việc. Sư bà hỏi em chị có đau ốm gì không?

Nhìn nét an lạc hồn nhiên của cô sa di trẻ, và nghĩ đến sự quan tâm của vị sư trưởng, Hạnh Niệm thấy ấm áp bởi tình sư đệ. Cô bước theo Hạnh hòa.

Nhìn thẳng vào đôi mắt buồn u ẩn của Hạnh Niệm vị lão sư ân cần thăm hỏi:

– Con có điều gì bất an?

– A Di Đà Phật! Con xin sám hối với Tam bảo, với thầy!

– Có gì con cứ trình bày.

– Bạch thầy, nhờ ơn thầy dìu dắt phổ độ mà con từ một chúng sinh mê muội trong biển vô minh đã có được đời sống yên vui thanh tịnh gần hai mươi năm nay, nhưng…

– Nhưng sao hở con?

– Nhưng sau lễ trai tăng trưa hôm qua con đã đánh mất đi niềm thanh tịnh ấy.

– À! Lễ trai tăng của gia đình giáo sư Hoàng Huy, Việt kiều từ Pháp về, hai cô con gái ông ấy xinh đẹp và giống nhau như hai giọt nước.

– Dạ bạch thầy, chính hai cô gái ấy là nguyên nhân sự bất tịnh trong con.

– A, có phải con nhớ lại thời trẻ trung xinh đẹp của mình?

– Thưa thầy không phải vậy.

– Vậy thì sao hở con?

– Dạ, con xin trình bày cùng thầy tất cả chi tiết mà lâu nay con không có dịp để thưa cùng người.

– Thầy nghe con nói đây.

– Dạ, từ khi con vào chùa trải qua bao giai đoạn tu tập hành trì và đến bây giờ thầy và đại chúng chỉ biết rằng trước đây con là cô giáo dạy văn, vì ý thức giáo lý Phật Đà nên xuất gia tìm giải thoát.

– Thì con nói như thế và ta cứ tin thế, con đã hiểu cửa Phật có bao giờ từ chối một ai.

– Thưa vâng, phần con, con cố khẳng định đó là nguyên nhân chính, bởi có nghĩ vậy con mới quên được mọi oan trái của thế trần hệ lụy – hơn một lần con đã vướng.

Tay vẫn nhẹ lần tràng hạt, vị Sư bà phước tướng đoan nghiêm, nhân hậu, nhẹ đổi hai chân trong thế ngồi “bán dà” im lặng đợi chờ.

Hạnh Niệm cung kính dâng ly nước lên thầy mình và nhỏ nhẹ:

– Trước khi làm một người độc thân để vào chùa thì con đã là vợ, là mẹ của hai cháu bé song sinh mới tròn bảy tuổi, gia đình chúng con sống rất êm đềm hạnh phúc, chồng con là giáo sư dạy vật lý của trường Đại học, và là con của một sĩ quan cấp tá trong Bộ tham mưu của Quân đội Sài Gòn. Khi biết thị xã Ban Mê Thuột đã vào tay quân đội cách mạng, gia đình chồng của con thu xếp di tản sang Mỹ. Chồng của con là con trai duy nhất nên cha mẹ bắt buộc vợ chồng con cái cùng đi. Riêng con, con không muốn lìa bỏ quê hương đất nước, nơi cắt rốn chôn nhau với ngàn kỷ niệm; nhưng quan trọng hơn là con đang nuôi hy vọng gặp lại cha đẻ của con nếu nước nhà được hoàn toàn thống nhất. Vì thế con từ chối chuyến đi ấy, và trình bày lý do chính đáng với nhà chồng. Từ bao lâu nay cha mẹ chồng của con chỉ biết con là con gái cưng của vị lão quan hàm nhất phẩm của triều đình Huế, chứ nào ngờ con còn một người cha đẻ là chiến sĩ Vệ quốc đoàn chống Pháp…

Cả gia đình chồng con, không ai muốn con ở lại Việt Nam nên đưa nhiều lập luận thuyết phục để con cùng đi. Chồng của con rất thông cảm nguyện vọng mà con ấp ủ,

nhưng anh ấy quá khó xử nên rạc cả người vì suy nghĩ. Con thì nhất quyết không đi nhưng lấn cấn vì hai cháu bé, tình hình xã hội dạo ấy như thầy đã thấy là quá căng thẳng, sẽ rất không an toàn nếu con giữ hai cháu bé lại, thương chồng thương con vô hạn, nhưng niềm khao khát được gặp lại người cha máu thịt quá mạnh, nên con không ngần ngại tự ý viết đơn xin ly hôn. Nhà chồng con quá bất ngờ, năn nỉ mãi không được họ quá bực tức nên đồng ý với điều kiện bắt hết cả hai đứa bé đem đi, ông bà nội cháu không biết là con mừng như thế nào với cách giải quyết ấy. Ngày mọi người lên máy bay, con có cảm tưởng rằng mình đã đánh mất một tài sản lớn! Những ngày sau đó hình ảnh hai cháu bé cứ ám ảnh con từng giây, phút, đến trường con chỉ ra bài tập cho học sinh làm rồi ngồi im chờ hết tiết, với lại giai đoạn dầu sôi lửa bỏng ấy, chẳng ai ham học hành làm ăn gì, mà tất cả cứ ngong ngóng chờ tin chiến sự. Gia đình con sang Mỹ được 25 ngày thì miền Nam hoàn toàn giải phóng. Con bỏ thành phố lớn về quê, ở tại ngôi nhà ông bà nội con với nỗi háo hức đợi chờ, con hình dung phút gặp mặt người cha yêu kính đã vì sứ mệnh “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà con phải xa cha khi còn măng sữa, và vẫn xa biền biệt sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.

Một buổi sáng, con đang đi thơ thẩn trước sân nhà thì có tiếng gọi cổng, linh tính báo cho con biết có chuyện bất thường, đứng bên cổng là một người đàn ông ngoài sáu mươi tóc bạc trắng bận áo quần dân sự, nhưng mũ cối cầm tay và chân đi dép lốp, ba lô căng phồng sau lưng. Thấy con đi ra ông ấy chăm chú nhìn từ đầu đến chân và reo lên:

– Minh Duyên phải không? Anh đây, anh Bồng con bác cả đây!

Con như quên mình đã là thiếu phụ, chạy bổ nhào đến đánh đu lên cổ người anh con nhà bác, mừng, tủi, khóc, cười:

– Anh Bồng, anh Bồng, em nhớ rồi, anh về hồi nào, anh về bằng gì, ba em đâu, ba em đâu, sao anh gầy thế nầy em nhìn mãi mới ra.

– Còn anh thì chẳng hề quên được cô bé có đôi mắt buồn diệu vợi, nhưng vào nhà đã nào, mà em hỏi tới tấp thế anh trả lời sao kịp.

Bạch thầy, hay để hôm khác con xin kể hầu thầy, con sợ thầy mệt.

– Không sao, con cứ kể tiếp, thầy thật là vô tình, thì ra con phải chịu đựng nhiều quá, thầy nghe tiếp đây.

– Dạ, sau lần gặp lại người anh thân thiết và cũng là người cháu, người đồng đội của ba con, con đau đớn và tuyệt vọng cùng cực, anh ấy cho biết ba con chẳng bao giờ về nữa bởi đã đóng góp xương máu cho chiến trường Điện Biên lịch sử.

Thế là hết! Con trắng tay! Chiến tranh dang vòi bạch tuộc quấn hết bao người thân yêu. Cha mẹ nuôi con bỏ mình dưới hầm trong biến cố Mậu Thân. Mẹ đẻ con đau buồn trước bao gia biến cũng qua đời. Chồng, con thì làm kiếp “thiên di” ở bên kia đại dương vời vợi. Ngành nghề không thu nhận một giáo viên có cha mẹ nuôi là quan lại, cha mẹ chồng là sĩ quan cao cấp của chế độ Sài Gòn, mặc dầu địa phương xác nhận cha đẻ là chiến sĩ Vệ quốc đoàn đã hy sinh vì đất nước.

Mỗi số phận khi đã quá bế tắc ở cuộc đời thì cứu cánh của họ là tôn giáo, con là một chúng sanh không nằm ngoài quy luật ấy.

Phật pháp là chiếc phao cứu nạn khi con đang chới với trong biển đời ngập ngụa khổ đau và tuyệt vọng, thầy đã dang tay cứu độ kẻ trầm luân: một thiếu phụ mất hết cha mẹ chồng con, thiếu phụ ấy là con, là sư cô Hạnh Niệm ngày nay.

Sư bà T.H. đưa nhẹ bàn tay nửa hình hoa sen lên chùi hai dòng nước mắt trên má Hạnh Niệm, ôn tồn – vẻ ôn tồn tự tại của bậc xuất thế cảm thương nhưng không bi lụy – cất giọng khoan hòa:

– Vậy, nếu ta không hồ đồ thì giáo sư Hoàng Huy và các cô gái hôm qua là người thân của con.

– Thưa vâng, trưa hôm qua lúc đại chúng “quả đường” con đã gặp cả gia đình, cô em gái của Hoàng Huy cho con biết: Sau khi ổn định đời sống tại Mỹ, gia đình đã tìm mọi cách để liên lạc với con, bởi cả nhà ai cũng hiểu chuyện con xin ly hôn chỉ là một cách làm để được ở lại Việt Nam đợi ba con nên rất thương và lo cho con lắm, song không thể liên lạc được dù đã tìm mọi cách, hai cháu Phước Duyên, Thiện Duyên nhớ mẹ quay quắt. Ông bà nội và các cô thay nhau dỗ dành chăm sóc, lần lần các cháu bớt buồn, song luôn nhắc mẹ. Hoàng Huy vẫn gà trống nuôi con, ai cũng tưởng con chết rồi. Cách đây sáu năm Hoàng Huy được mời qua Pháp dạy và anh ấy đã gặp những người bà con của con cùng dạy một trường. Qua họ, Hoàng Huy đã hiểu tường tận mọi việc và đời sống tu hành của con bên này. Cả nhà vui mừng và yên tâm, Hoàng Huy đợi hai con gái tốt nghiệp đại học xong mới đưa về nước để mẹ con gặp lại nhau. Con quá bất ngờ nên không khỏi bối rối và xúc động, sự xúc động thường tình, đáng ra không nên có ở một người đã ra ngoài thế tục. Mong thầy chỉ giáo cho con phải làm gì để được thấu tình, đạt lý; đời, đạo hài hòa. Ngày mai ba cha con, cô cháu sẽ lên đây sau khi đi thăm quê nội.

Vị lão ni đứng lên đặt bàn tay từ ái lên đôi vai nhỏ bé của người đệ tử:

– Mọi việc đã, và sẽ được chi phối theo luật nhân quả, và lý nhân duyên giả hợp, con nên tĩnh tâm an trú trong hiện tại. Có an tịnh thì trí tuệ mới phát sinh – để giải quyết mọi vấn đề trong tinh thần Bát chánh của người con Phật. Đã đến giờ chấp tác, không vì một lý do gì để ta dựa vào đó mà giải đải công việc và chương trình tu học con ạ.

– Con xin vâng lời dạy bảo của thầy, Hạnh Niệm đảnh lễ rồi lui ra.

Cả gia đình giáo sư Hoàng Huy đồng loạt đứng dậy khi thấy Sư bà ni trưởng bước ra nhà khách của ni viện.

– A Di Đà Phật! Chúng con xin vấn an Sư bà và đại chúng.

– A Di Đà Phật! Bần ni xin cảm ơn, mời các tín thí ngồi dùng nước, nhà chùa đã chuẩn bị cơm trưa để sư cô Hạnh Niệm cùng gia đình dùng chung bữa cơm đoàn tụ.

Hoàng Huy cố nén cảm xúc, cúi đầu:

– Cảm tạ Sư bà, công ơn Sư bà đối với gia đình chúng con cao sâu như trời biển, biết đến kiếp nào chúng con mới báo đáp cho xong!

Nụ cười nhân ái nở trên môi, vị sư trưởng khiêm tốn:

– Giáo sư đừng nói thế, hoằng pháp độ sanh là trách nhiệm của kẻ tu hành. Giáo sư nói chi điều ân huệ, ông bà cụ ở bên ấy như thế nào?

– Dạ, ba má chúng con đời sống vật chất thì sung túc, song nỗi buồn xa xứ sở quê hương lúc nào cũng canh cánh bên lòng nên đau ốm hoài…

Hai cô gái Phước Duyên, Thiện Duyên đang ôm vai Hạnh Niệm tìm lại hơi hớm của người mẹ hiền bỗng cất giọng:

– Sư bà ơi! Ông bà nội con nhớ Việt Nam và nhớ mẹ tụi con lắm, bà nội con biểu ba con và cô Hoa phải bằng mọi cách làm thủ tục đưa mẹ con sang Pháp sống với gia đình. Sư bà cho mẹ con đi nhé!

Vị ni trưởng nhẹ nhàng đến bên hai cô gái đưa tay vuốt làn tóc óng ả của Thiện Duyên, bà nói khẽ:

– Sư cô Hạnh Niệm – mẹ con sẽ quyết định việc ấy, lão ni xin kiếu vào phương trượng.

Hai tay ôm hai con gái, người phụ nữ ngẩng đầu với thái độ cương quyết, song lời lẽ rất dịu dàng:

– Hai con ạ, trước hết mẹ xin muôn vàn cảm tạ tình thương của ông bà nội và cả gia đình đã dành cho mẹ. Với ông bà nội và ba cha con, mẹ là một người không tròn đạo làm dâu, làm vợ, làm mẹ, với các cô mẹ không đáng là người chị dâu tốt, mẹ đã và đang sám hối trọng tội ấy.

Hoàng Hoa chận lời người nữ tu, người chị dâu mà cô hằng thương kính:

– Chị ơi! Ba má, anh Huy và chúng em chưa hề phiền trách gì chị, lòng hiếu hạnh của chị là tấm gương sáng cho tụi con gái bọn em. Từ chối một nơi ấm no sung túc, với hạnh phúc bên chồng con êm ấm để ở lại đối đầu với bao cam go thử thách trong buổi giao thời của hai chế độ, để mong gặp lại cha già, đâu phải người đàn bà nào cũng làm được việc ấy. Sự lựa chọn của chị đáng kính vô cùng, chẳng ai được kết tội chị, có chăng, chỉ là niềm thương yêu và sự cảm thông, nếu chị biết ba má và anh Huy đã đau buồn như thế nào khi biết sự chờ đợi của chị không có phản hồi, và càng trân quý hơn khi biết chị đã chon nếp sống tu hành khi tuổi đời và nhan sắc đang ở độ chín muồi viên mãn. Niềm hiếu hạnh và đoan trinh của chị là sự tự hào khi hai cháu Duyên nghĩ về mẹ chúng.

Phước Duyên nghiêng đầu nhìn Hoàng Hoa:

– Eo ơi! Sao hôm nay cô hùng biện thế, chả bù lúc ngồi với chú Hưng cứ mà im thin thít.

Hạnh Niệm hỏi con:

– Chú Hưng nào hở Duyên?

– À, thưa mẹ, ôi, nhưng không được, chuyện này không nói được với người xuất gia, hì hì!

Hoàng Huy ngồi nhấp nhỏm muốn góp chuyện mà cứ lúng túng ở cách xưng hô. Vẻ trang nghiêm thánh thiện trong màu áo nâu sòng vẫn không giấu được nét kiêu sa quý tộc của người đàn bà mà Hoàng Huy đã dành một đời để thương yêu quý trọng. Hoàng Huy thèm khát được gọi: Em ơi!

Thiện Duyên sà vào lòng cha nũng nịu:

– Ba ơi! Sao ba cứ làm thinh hoài vậy? Ba nói chuyện với mẹ đi, vậy mà trước khi về ba bảo…

Phước Duyên chận lời em:

– Khó nói quá chứ bộ, chẳng lẽ ba nói: Dạ bạch sư cô. Vì biết vậy ông bà nội mới cho cô Hoa đi để nói thay cho ba đó em biết không.

Mọi người phì cười trước sự hồn nhiên của hai cô gái đáng yêu nầy

Một tháng trời sống trên quê hương đất nước sau hai mươi năm xa cách đau đáu nhớ thương, Hoàng Huy đã hoàn toàn thay đổi ý định – mà trước khi về nước cả nhà đã cùng bàn bạc. Chuyện đưa Hạnh Niệm trở lại đời sống trần tục không dễ gì được, tuy không từ chối bằng lời, song đạo hạnh và thái độ của nàng đã là câu trả lời dứt khoát, những cám dỗ thế trần đều vô tác dụng, thôi hãy để nàng với hạnh nguyện vì lợi ích quần sanh. Hoàng Huy chợt bừng lên một ý nghĩ: “À! Vậy tại sao ta lại không thu xếp đưa cả đại gia đình hồi hương? Tại sao ta phung phí chất xám ở đâu đâu mà chẳng phụng sự cho Đất Mẹ.”

Hoàng Huy tự nhủ: Về đi, về đi, đất nước hôm nay đang cần những bàn tay khối óc để xây dựng. Nếu cả nhà ta về nước, cha mẹ ta sẽ sung sướng khi được chết trên đất tổ, hai con ta sẽ được gần gũi mẹ hiền, ta sẽ được đóng góp công sức cho quê hương. Viễn cảnh tốt đẹp ấy làm Hoàng Huy náo nức.

Vị lão ni tay vẫn lần tràng hạt, gật đầu cười vui vẻ:

– Giáo sư bảo là bị tác dụng ngược à? Giáo sư về nước để đưa Hạnh Niệm đi, thì lại bị thuyết phục để giáo sư đưa gia đình về à? Hạnh Niệm nói đúng đấy ông ạ.

Đất nước nầy hôm nay không còn sự hận thù phân biệt là Ngụy, là Ta mà chỉ cần những tấm lòng, những khối óc để xây dựng, để tin yêu.

Ai xây dựng người ấy có công cùng Tổ quốc.

Ai phá hoại kẻ ấy có tội với muôn dân.

Bởi suy nghĩ như vậy nên Hạnh Niệm trình bày với bần ni nguyện vọng của mình, và gởi cho gia đình bức thư để giáo sư để trình lên ông bà cụ. Ngày mai giáo sư cùng tiểu gia đình lên máy bay qua Pháp, bần ni và đại chúng chúc toàn thể an lành và hẹn ngày gặp lại.

Ngôi trường PTTH dân lập tọa lạc thật bề thế trên một vùng đất rộng cạnh bên ngôi cổ tự lừng danh của đất Cố đô, với tường vôi mái đúc, với cửa chớp khang trang, sân chơi rộng rãi tha hồ cho các em chạy nhảy và chơi những môn thể thao hữu ích. Với đội ngũ giáo viên và công nhân viên tận tình phục vụ – bởi thế rất được sự tin cậy của phụ huynh và học sinh, sáng nay sau buổi chào cờ đầu tuần bác bảo vệ đưa vào văn phòng Hiệu trưởng hai người khách, pha trà xong bác lui ra sau khi xin lỗi và dặn khách chịu khó ngồi đợi vì Ban giám hiệu đang đi kiểm tra các lớp đầu giờ. Khách vừa cạn tuần trà – cửa văn phòng sịch mở, hai vị khách bồi hồi nhìn người vừa bước vào đang mỉm cười chào họ và kéo ghế ngồi đối diện – cất giọng ân cần:

– Xin lỗi đã để quý khách chờ đợi.

Vừa rót trà vào tách vị hiệu trưởng vừa tâm sự:

– Sáng nào chúng tôi cũng đi thăm từng lớp của ba khối xong mới qua nhà mẫu giáo và các lớp học tình thương rồi mới về văn phòng làm việc.

Hai người khách ngồi im lặng như lắng nghe, song kỳ thực họ đang ghìm mình để tránh niềm xúc động vỡ òa.

Bà hiệu trưởng – vâng, bà hiệu trưởng nói tiếp:

– Hai vị đến thăm trường hay có điều chi chỉ dạy, góp ý cùng Ban giám hiệu xin cứ trình bày.

Một trong hai người khách vụt đứng lên:

– Chị Minh Duyên, à không – Sư cô Hạnh Niệm, bộ cô quên chúng tôi rồi sao?

Không khí chùng xuống trong phút giây hồi tưởng, Hạnh Niệm – đúng, Sư cô Hạnh Niệm hay bà hiệu trưởng trường PTTH Triệu Thị Trinh cũng thế, từ tốn đứng dậy ánh mắt và chất giọng đầy ắp reo vui:

– A Di Đà Phật, em nhớ rồi, Thục Đoan và Diệu Hạnh.

Người đàn bà im lặng từ đầu cuộc gặp giờ mới lên tiếng:

– Dạ phải, Thục Đoan, Diệu Hạnh, hai người bạn gái chí thiết của Minh Duyên ngày xưa. Nhưng với hai mươi hai năm xa cách liệu tình bạn, tình đồng nghiệp của chúng ta có còn đằm thắm khi đôi bên đã có khoảng cách đạo, đời phân định.

Hạnh Niệm bước đến ôm chầm hai bạn:

– Em xin lỗi, em xin lỗi – bởi mãi nghĩ bao công việc nên chưa kịp nhận ra các bạn – chứ làm chi có khoảng cách với lãng quên, chỉ có Diệu Hạnh lúc nào cũng ưa hờn lẫy…

Ba người phụ nữ ôm nhau vừa khóc vừa cười – niềm vui gặp gỡ làm họ hồn nhiên như thời son trẻ thuở nào, bây giờ Diệu Hạnh là người nói nhiều nhất:

– Thôi, thôi, không khóc nữa – phải ăn mừng ngày nầy mới được, Minh Duyên muốn ăn gì nào?

Thục Đoan lừ mắt:

– Diệu Hạnh ơi! E đến chết bồ cũng không bỏ được cái tật lanh chanh, bồ phải nhớ Minh Duyên bây giờ là tu nữ – ăn uống chay tịnh và có giờ giấc đàng hoàng, giới luật phân minh, đâu có dễ dàng như ngày xưa kéo nhau để lên quán o Lạc đớp bánh bèo húp nước mắm chanh ớt cay đỏ lựng mắt môi cho nước mắt nước mũi chảy ròng ròng.

 Hạnh Niệm ngắt lời bạn:

– Không sao Thục Đoan à, mời hai bạn về chùa, trưa nay chúng ta vẫn được ăn bánh bèo.

Thục Đoan, Diệu Hạnh đồng thanh:

– A! Bánh bèo chay – tuyệt vời hí – nhụy đậu xanh vàng rộm, ruột bánh mì chiên giòn “chầy” dầu phụng phi củ kiệu lên bánh, rắc nhụy với “tóp mì chiên” chan đẩm xì dầu chua ngọt với ớt xanh, chao ôi! Sư cô Hạnh Niệm ơi, mới hình dung rứa thôi là hai chúng sanh nầy đã ứa nước miếng rồi, hì hì!

… Dậy, dậy đi hai bạn ơi, chiều rồi – Hạnh Niệm còn phải sang nhà mẫu giáo nữa đó.

Thục Đoan và Diệu Hạnh lồm cồm ngồi dậy:

– Bọn mình thật là vô tích sự chỉ biết ăn và ngủ, à mà Hạnh Niệm kể đến đâu rồi hè?

Diệu Hạnh hồ hởi:

– Thì tới đoạn anh Huy về năn nỉ đưa Hạnh Niệm sang Pháp.

Thục Đoan:

– Ừ, rồi sao nữa chị Hạnh Niệm?

– Như hai bạn biết – đi thì mình làm sao đi, đã hai mươi năm quen cảnh đạm bạc tu trì, mình hết mê đắm chuyện thế trần, danh, tướng, nhưng tình mẹ con mình quá nặng, rồi cả nhà chồng nữa, sao đời mình lúc nào cũng đứng trước sự lựa chọn – thế rồi sau nhiều đêm suy nghĩ mình bạch với Sư bà ước vọng của mình, rất may là Sư bà rất đồng cảm và đồng tình với đứa học trò bà đã dìu dắt từ lâu, thế là mình đánh bạo viết cho gia đình và chồng, con bức tâm thư. Ngày chia tay mình lánh mặt đứng sau cửa nhìn chồng và hai con gái mình khóc nức nở với Sư bà mà đau thắt ruột.

Diệu Hạnh nôn nóng:

– Vậy Hạnh Niệm viết gì cho cả nhà?

Người nữ tu đưa mắt nhìn bao quát khuôn viên ngôi trường trước khi trả lời:

– Thì Hạnh Niệm trình bày với gia đình về đời sống thực tế của đất nước mình sau ngày thống nhất. Rằng quê hương luôn dang rộng vòng tay chờ đón những người con, những công dân biết cống hiến sức người sức của để góp phần xây dựng. Rằng có những người mẹ đợi con, những người con đợi bố trong cảnh đoàn tụ vui vầy để bù lại bao tháng năm vì khói lửa cơ hàn – tình phụ tử gia đình quê hương ly tán… Vậy là sau hai tháng mình nhận được thư của cha mẹ chồng báo tin hồi hương và sẽ làm tất cả những gì mình ao ước.

Về đến Việt Nam cả nhà bắt tay vào việc – Cha mẹ mình tập trung hết vốn liếng của cả nhà dựng lên ngôi trường phân làm hai – cơ sở một dạy cấp ba và một nửa làm nhà Mẫu giáo và lớp học tình thương như hai bạn thấy. Trường mở ra với mục đích phụng sự chứ không kinh doanh, đội ngũ giáo viên thì cả nhà ngoại trừ ông cụ ai cũng là dân sư phạm, mẹ chồng mình vận động được một số đồng nghiệp của cụ đến nhận dạy với mức lương tượng trưng, tất cả một lòng tận tâm tận lực, ông cụ là cố vấn, tùy người giao việc, tuy già nhưng năng nổ lắm, mọi người làm việc với tinh thần “Vì tương lai của con em”, học phí của ba khối cấp ba đủ trang trải cho nhà Mẫu giáo, lớp học tình thương (nhà Mẫu giáo hoàn toàn miễn phí) và trả lương cho công nhân viên chức…

Thục Đoan đưa mắt nhìn Diệu Hạnh và nhận được tín hiệu thôi thúc, cô phấn chấn cất giọng:

– Hạnh Niệm à, hai đứa mình đã biết hết mọi việc làm tốt đẹp của gia đình, của Hạnh Niệm và của cả tập thể các thầy cô ở đây. Vì thế hôm nay đến đây xin được đóng góp chút công sức. Hạnh Niệm cứ phân công theo chuyên môn của bọn mình nhé, một tuần mấy buổi cũng được bởi bây giờ các con bọn mình cũng đã thành đạt, bọn mình khá rảnh rang.

Hạnh Niệm không kềm nổi vui mừng reo lớn:

– Thật ư, em mừng quá mấy bạn ơi, em thay mặt Ban giám hiệu xin cảm ơn hai chị, chao ôi – tuyệt quá. Thục Đoan, Diệu Hạnh tuyệt vời!

Diệu Hạnh nhìn bạn rưng rưng:

– Hạnh Niệm tuyệt vời thì có, nói thiệt – tui mê hạnh nguyện “nhập thế” của một người xuất thế như bạn – Hạnh Niệm là niềm tự hào cho bọn mình, bạn biết không? À, anh Huy ngoài giờ dạy ở đại học ảnh có dạy ở đây không?

– Có chứ, cả hai cháu Duyên và các cô nó đều có giờ dạy và nhiều công việc ở đây mình vô cùng biết ơn mọi người và hai con gái, bởi các cháu là tác nhân quan trọng trong sự trở về của gia đình mình – sự trở về theo Tiếng gọi của tình mẫu tử thâm sâu, tình đạo php1 vi diệu và tình Tổ quốc thiêng liêng.

Ninh Giang Thu Cúc

Truyện được giải thưởng báo Giác Ngộ với bút hiệu Võ Phạm Trí Nhân – 1989.