‘Tôi lẫn vào đồng bào tôi’ giữa đại dịch!

780

Lương Duy Cường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những ai từng yêu mến mục “Nhàn đàm” đều đặn xuất hiện trên báo Thanh Niên cuối mỗi tuần, hẳn đã yêu thích những đoản văn thấm đẫm tình đời, tình người của tác giả Trần Thanh Bình.

Các bạn yêu thơ cũng đã từng dành nhiều tình cảm trân quí cho tập thơ dày dặn mang tên Uống rượu nhớ người (Nhà xuất bản Văn Nghệ, 2007) của Bình Nguyên Lang – tên ghép của ba gã đàn ông tuổi trung niên, đều có quê gốc miền Trung, trên bước đường tha hương nơi phương Nam nắng gió: Trần Thanh Bình, Hà Đình Nguyên, Trần Bá Lang.

Nói thế để thấy, trên báo chí và sân chơi của thi ca phương Nam, tuy chưa làm được gì to tát nhưng Trần Thanh Bình đã có chỗ đứng nhất định trong tấm lòng độ lượng của độc giả. Đồng nghiệp cũng đủ thời gian để nhìn thấy ở anh là một người cầm bút tử tế.

Nhưng nói về văn xuôi, kể từ dạo rời giảng đường Đại học Sư phạm Huế vào năm 1987 đến nay, dù đã công bố không ít truyện ngắn, bút ký, ghi chép, mà nếu cần thì mỗi thể loại chí ít cũng đủ ra một cuốn sách, thì Trần Thanh Bình vẫn là người kín tiếng, kiệm lời. Cho đến những ngày cuối năm 2021, anh mới cho ra mắt cuốn Sài Gòn – Nhật ký cách ly (Nhà xuất bản Lao Động tháng 12/2021).


Cuốn “Sài Gòn – Nhật ký cách ly” của Trần Thanh Bình.

Với cuốn văn xuôi lần đầu tiên cho ra mắt độc giả này, ngoài một số ít trang là giành để ghi lại cảm xúc như thường khi viết nhàn đàm, một ít nữa là nhật ký bằng thơ, còn lại gần như trọn vẹn trên 300 trang in được anh dành cho thể loại thường gặp là nhật ký bằng văn xuôi.

Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân trong cuốn Từ điển văn học (bộ mới) cho rằng nhật kí là “Loại văn ghi chép sinh hoạt thường ngày. Trong văn học, nhật kí là hình thức trần thuật ở ngôi thứ nhất số ít, dưới dạng những ghi chép có đánh số ngày tháng… bao giờ cũng chỉ ghi lại những gì đã xảy ra, những gì đã nếm trải, thể nghiệm, nó ít hồi cố, được viết ra cho bản thân người ghi chứ không tính đến việc công chúng tiếp nhận.

Nhà lý luận văn học – Giáo sư Phan Cự Đệ thì xem nhật kí như một tiểu loại của loại hình kí khi ông viết trong cuốn Văn học Việt Nam thế kỷ XX: “Nhật kí ghi chép những sự việc và cảm nghĩ về bản thân, về cuộc đời diễn biến theo ngày tháng. Nhật kí thiên về tâm tình hơn là sự kiện. Một tập nhật kí có ý nghĩa văn học khi thể hiện được một thế giới tâm hồn, qua sự việc và tâm trạng cá nhân toát lên những vấn đề xã hội rộng lớn”.

Nhưng những nhận xét mang hàm ý định dạng như thế e là vẫn chưa nói hết những đặc thù của nhật ký, nhất khi soi chiếu dưới góc độ chân xác của một thể loại văn học. Điều này có thể thấy qua thực tiễn đời sống, khi hai cuốn nhật kí của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc được giới thiệu.

Nhật ký có là hình thức trần thuật ở ngôi thứ nhất số ít, dưới dạng những ghi chép có đánh số ngày tháng không? Có. Có thiên về ghi chép những sự việc và cảm nghĩ về bản thân? Có. Nhưng vì sao nhật ký của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc vẫn không khô khan, vẫn được công chúng của văn chương đón nhận một cách nồng nhiệt? Là bởi những cuốn nhật ký này đã vượt qua khỏi khái niệm thô mộc ban sơ của 2 chữ NHẬT KÝ; bởi chính lợi thế của thể loại nhật kí khi có đặc tính chân thực cao đã tạo ra khả năng lay động lớn và lan tỏa mạnh mẽ, tác động trực tiếp vào cảm xúc con người. Tất nhiên, những điều đó chỉ làm được khi tác giả có một vốn liếng và khả năng cảm thụ nhạy bén với chữ nghĩa.

Nhưng nói thế để thấy là viết nhật ký mà viết hay thì hoàn toàn không dễ. Người viết không chỉ có nghề, mà phải giỏi nghề mới biến được ti tỉ con số, những tư liệu, ngày tháng thường xuất hiện nhiều trong thể loại nhật ký, trở thành thứ ma lực cuốn hút độc giả. Ở nhật ký của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc đã làm được điều đó, rõ rồi, và bây giờ ở Sài Gòn – Nhật ký cách ly Trần Thanh Bình cũng đã làm được điều ấy. Dĩ nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Vì Trần Thanh Bình là người cầm bút đã hàng chục năm, lại là một nhà báo chuyên nghiệp, nên cách cảm, cách nghĩ, và cả cách thể hiện, phải có dấu ấn của một người có nghề là không có gì lạ.

Sài Gòn – Nhật ký cách ly là toàn cảnh về những ngày Sài Gòn – TP HCM căng thẳng nhất trước áp lực khủng khiếp của “cuộc chiến” chống đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Đó là khỏang thời gian tháng 7 và 8 của năm 2021, khi Sài Gòn hết lần này đến lần khác giãn cách. Một Sài Gòn sôi động bỗng chốc rơi vào “vực thẳm” đáng sợ của sự của im ắng khủng khiếp. Không còn một Sài Gòn lung linh hoa lệ. Phố xá im lìm đến lạnh lùng. Xuyên màn đêm là những chuyến xe cấp cứu liên tục hụ còi.

Giãn cách rồi phong tỏa, cách ly. Bắt đầu từ chính ở quận Gò Vấp – nơi tác giả đang cư ngụ, rồi bùng phát ra toàn thành phố. Đứt gãy chuỗi cung ứng nhu yếu phẩm. Quá tải bệnh viện, quá tải cả nơi hỏa táng bệnh nhân xấu số. Những tiếng kêu cứu, tin nhắn từ các hẻm dân cư, những khu nhà trọ đã bị rào chặt, vì không tìm được xe đưa người bệnh đi cấp cứu. Tình cảnh không khác gì thời chiến.

Nhưng người Sài Gòn sau những ngày bàng hoàng, có cả hoảng loạn, đã dần bình tâm trở lại, chấp nhận đối diện với những khó khăn để tháo gỡ từng vấn đề. Rồi những bao gạo, thùng rau, hộp cá, gói măng được người dân từ khắp các miền quê gửi vào giúp dân Sài Gòn. Những đoàn y bác sĩ tăng cường, những đoàn cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng vũ trang tiếp nhau vào với tâm dịch. Tất cả đã cộng hưởng trong bài ca đoàn kết, tạo nên sức mạnh giúp Sài Gòn gượng dậy.

Những điều đó cứ như những thước phim quay chậm, chân thực, trải ra trên các trang viết của Sài Gòn – Nhật ký cách ly. Và cũng trong chừng ấy trang sách, một “Sài Gòn nội lực và hồn nhiên”, một “Sài Gòn nghĩa tình” (góc nhìn của Trần Thanh Bình) hiện lên rõ dần qua cách ứng xử của người dân với nhau, của chính quyền với người dân, của người Sài Gòn với dân tứ xứ bị kẹt lại ở đây trong những ngày khó khăn nhất.

Sống ở giữa tâm dịch, mỗi người chọn cho mình một cách để tồn tại, để hồi hộp đếm từng từng giờ, từng phút biết mình vẫn chưa là F0, F1. Nhưng trong ranh giới mong manh sinh tử ấy, không ít nhà báo, nhà văn vẫn chấp nhận hiểm nguy để lao mình vào những điểm nóng của “cuộc chiến”. Vì chỉ có ở đó họ mới ghi nhận được những thông tin sớm nhất, chân thực nhất phục vụ cho độc giả và cho cả lực lượng chống dịch.

Trần Thanh Bình cũng vậy, “lẫn vào đồng bào tôi” là cách anh lựa chọn trong những ngày gian khổ nhất của “mùa Covid”. Lẫn vào đồng bào không phải để ẩn nấp, mà để biết đồng bào khổ lụy thế nào trong dịch giã, để biết đồng bào đã làm gì để cùng Chính phủ chống dịch, để hiểu được tình người trong hoạn nạn.

Tôi thích cách mà Trần Thanh Bình lý giải về sự lựa chọn của anh: “Phải sống qua thời gian ấy, quả là một nhọc nhằn. Ở giữa cuộc chiến không súng đạn nhưng cái chết vô hình rình rập với tiếng xe cấp cứu hụ còi suốt hai tư giờ trong ngày khiến ai cũng phải căng mình chịu đựng. Trong tình cảnh ấy, tôi lẫn vào đồng bào tôi”.

L.D.C