Trần Ngọc Phượng – Thơ mang hồn lính

1335

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tiếng vọng là tập thơ thứ tư của nhà thơ Trần Ngọc Phượng sau các tập thơ Vầng trăng ký ức, Nắng và GióHồn tóc.


Nhà thơ Trần Ngọc Phượng

Có vẻ như anh đến với “nàng thơ” hơi muộn màng so với tuổi tác. Lý giải điều này, chỉ có thể khi đọc qua “mạch thơ” của anh. Có thể thấy, thơ anh như được tích tụ, dồn nén tự khi nào, với tình yêu thương thiết tha ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột, bạn bè, với quê hương – “nơi chôn nhau, cắt rốn”, với đồng đội thương yêu – nơi chiến trường khốc liệt… Đã qua đi cả nửa thế kỷ, nhưng những ký ức đó vẫn như đang hiển hiện rất gần gũi, thân thương ngay trước mặt của “nhà thơ của lính” – cái tên thân thương mà đồng đội vẫn trìu mến gọi anh.

Như bao làng quê Việt Nam khác, làng quê anh cũng có cây đa, giếng nước, mái đình,…có con sông tuổi thơ: ”Chảy suốt đời tôi/ Niềm thương, nỗi nhớ”… là nơi: ”Cha tôi cất vó/ Dầm mưa ngoài đồng”… ”Mới mười lăm tuổi/ Chị tôi đi làm”… ”Tôi bơi ra sông/ Nô đùa, vớt củi”… Ở đó có ngôi nhà: “Nhà tôi ở phía đầu làng/ Nhìn qua khóm trúc, nhìn sang cánh đồng”… Đặc biệt, thành phố Nam Định quê hương  đã hằn sâu trong trí não: ”Thành phố như bàn tay/ Ta ấp vào lồng ngực/ Đường phố như chỉ tay/ Dọc ngang trong ký ức.”…

Những ký ức về chiến tranh, với sự khốc liệt của nó, nhiều năm tháng gian khổ, đã luôn là “nỗi ám ảnh” trong thơ của anh về đồng đội? Khi anh “cùng đồng đội” vượt qua mưa bom, bão đạn, trên những cung đường “Dốc 5 cua” dựng đứng, với những hiểm nguy rình rập cùng bom đạn thù, đưa vũ khí, lương thực cung cấp cho tuyến đầu: “Đất quê ta đèo, dốc chon von/ Đường phía trước bom cày, đạn xới/ Cánh hậu cần xòe ra rộng mãi/ Từ con đường vận chuyển dốc 5 cua”. Ngày đó, dù gian khó, ác liệt của chiến trường “luôn thường trực” với bộ đội ta, nhưng tinh thần lạc quan thật dễ thương trước sự sống và cái chết: ”Chúng mình dễ gì chết!/ Nếu chết rồi, thì dễ gì mất xác/ Mất xác rồi, còn nấm mộ vô danh” (Bên nấm mộ vô danh)… Sự lạc quan, hồn nhiên ấy, các anh không gợn chút riêng tư trước cái chết, cũng không hề “tiên liệu được” nỗi đau của người mẹ già khi đau đáu ngóng tin, sau khi tiễn con trai ra trận. Bởi chúng ta biết rằng, người đã mang thai chín tháng, mười ngày rứt ruột đẻ ra và lòng thương con như trời, như biển của mẹ dành cho con! Vì thế, có nỗi đau nào có thể đong đếm được khi mẹ “đón con về” chỉ là một “cái ba lô con cóc”: “Cái ba lô bạc màu/ Lỗ chỗ vài vết đạn/ Có một chiếc khăn tay/ Bạn gái nào thêu tặng/ Có quyển sổ tay/ Con tặng Mẹ bài thơ”…

Mỗi khi tháng tư về, nhìn hoa tím bằng lăng nở, người lính chiến trường xưa, trong niềm vui kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4, lại dành những giây phút ngậm ngùi để nghĩ về những đồng đội đã hy sinh. “Ngày Thống nhất vỡ òa trong hạnh phúc/ Khắp phố phường đỏ rực cờ hoa/ Người ôm người, khóc cười trong nước mắt/ Nén trong lòng những vết cắt thương đau.”

Cái cảm xúc mà nhà thơ, khi viếng đồng đội ở nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, là động lực thổi bùng ngọn lửa đấu tranh vì tự do, hòa bình, chủ quyền Tổ Quốc, trong anh: “Tàu ngư dân bị đâm từ tàu lạ/ Anh nằm đây có khi nào yên ả/  Sóng biển Đông rung động chỗ anh nằm/ Hương khói bay lồng lộng gió ngàn/ Đang bật dậy những linh hồn bất tử!”…

Phải nói ngay rằng, thơ Trần Ngọc Phượng không hề “khô cứng”, chỉ nói về hồi ức của chiến tranh. Có ý kiến cho rằng, nếu một người không có tình yêu trai gái thì cũng sẽ không thể có tình yêu sâu đậm với quê hương, đất nước. Hoàn toàn đúng! “Chiến trường quen thuộc” của anh là Nam bộ, nên khi “Về quê em”, trở lại với cuộc sống thanh bình, đã gợi nhớ những ngày xưa: ”… Tóc em xỏa, áo bà ba thon thả/ Khói đồng bay trong nắng hòang hôn/… Em hay đùa, thách anh ngày cưới/ Có dám qua cầu khỉ rước dâu?/… Và, nếu như không có chiến tranh, thì có thể đã không có câu thơ này:.. ”Khi về, em đã sang sông/ Chăn bông ai đắp, lửa hồng ai khơi?”. Hay là:” Anh về, trở lại bến sông/ Em đi lấy chồng, vọng tiếng ầu ơ/ Hắt hiu, chiều vắng con đò/ Lục bình hoa tím, ngỡ vừa qua đây?”…

Trở lại với thực tại, hạnh phúc sum vầy bên người vợ yêu thương cùng con cháu. Anh nghiệm ra, đã “nợ” vợ mình: “ Mượn em một chút bờ vai/ Anh thành con nợ, trả hoài không xong/ Trả sao môi thắm, má hồng?/ Nhạt phai năm tháng, long đong phận đời?”.

Chúc mừng anh chị, khi có hai cháu đặt tên là Nắng và Gios, như một triết lý tự nhiên – sự sống, sự trải nghiệm: “Hạnh phúc lúc tuổi già/ Chan hòa cùng NẮNG, GIÓ”… Cùng những lời nhắn nhủ với cô cháu ngoại xinh, ngoan và dễ thương, hãy luôn hướng về nguồn cội: “Ngày mai khôn lớn bay xa/ Cháu ơi hãy nhớ quê nhà thân yêu!”…

Đất nước hòa bình – thống nhất đã gần nửa thế kỷ, cùng với sự phát triển, thay đổi của cuộc sống xã hội. Nhưng theo đó cũng có biết bao thăng trầm, biến cố, nạn tham nhũng đang trở thành mối nguy hại nghiêm trọng cho đất nước! Nó đang tác động hằng ngày lên đời sống xã hội, nỗi long trăn trở của bao người, để khi nhớ lại “Ngày xưa” nhà thơ phải thốt lên: ”… Bây giờ lắm của, nhiều tiền/ Lương tâm đổi chác, chức quyền bán, mua/ Nên nhớ, còn nợ ngày xưa?/ Cốt xương liệt sỹ vẫn chưa tìm về/… hay ”Đời còn chìm đắm bể dâu/ Hồn thơ lặn ngụp đi đâu bây giờ?/ Hay là nắng, gió, mây mưa/ Nhạt phèo câu chữ, bơ vơ cõi lòng?” Có lúc: ”… Nỗi lòng ai sẻ cho vơi?/ Cô đơn ngay giữa những người mình thương”… Nhưng rồi, tâm hồn, bản lĩnh của người lính vẫn luôn vững vàng, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc:” Mặc cho thế sự xoay vần/ Trái tim người lính trong ngần trước sau”.

Sĩ Bình

Dốc năm cua
(Tặng anh em đồng đội Đại đội vận tải Đoàn 814 –B2)

Nào xong chưa
Ta vượt dốc năm cua
Hơi thuốc cuối sáng mặt người bình thản
Dốc dựng đứng che vầng trăng sáng
Xe ta vào khoảng tối đêm trăng

Hồi hộp rồi sẽ qua nhanh
Đừng ngợp mắt trước độ cao chót vót
Khi xe vào cua Một
Máy reo ta hiểu sức mình hơn

Mới cua đầu mà sao chênh vênh
Xe mấy lần leo lên trượt xuống
Ánh đèn quét trên vũng lầy loang loáng
Vết xe ai tụt dốc còn hằn

Cua Hai chẳng kém gian nan
Nhưng  quen rồi sẽ không còn khó nữa
Bàn tay anh lái xe như múa
Qua khung sàng nhẩy nhót những hạt sao
Có gì yên đâu?
Cái yên tĩnh trong nhịp tim ta đó

Khi xe nghiêng qua miệng hố bom nham nhở
Khoảng cách hai vực sâu là sự sống con đường
Từ trong đêm mênh mông
Thơ bật sáng trăm ngàn ý đẹp
Còn anh lái xe
Chỉ nhìn lên phía trước
Nơi những bánh xe tự tin gan góc
Đang lăn qua  điểm chạm chí anh hùng

Trên đỉnh đầu thoáng ánh trăng soi
Qua cua Ba rồi xin đừng sốt ruột
Cơn gió lạnh kéo dài đỉnh dốc
Tỉnh táo xe ơi!
Từng nấc bám dần lên

Cua Bốn cua Năm
Vòng ngoặt sát liền
Nhớ chỗ này, tăng ga sang số
Xe chồm lên dập dồn hơi thở
Như tung mình trong tư thế xung phong

Chỉ chút nữa thôi
Niềm vui như ánh trăng rực rỡ
Sẽ ùa ra từ anh mắt thâm quầng

Đất quê ta đèo dốc chon von
Đường phía trước bom cầy đạn cấy
Cánh hậu cần xòe ra rộng mãi
Từ con đường vận chuyển dốc Năm Cua

Tháng 11/1974

Cái ba lô con cóc

Mười năm đợi con
Mẹ nhận về tờ báo tin
Và cái ba lô con cóc
Kỷ vật cuối cùng
Của đứa con độc nhất

Chiếc ba lô
Mẹ nhớ
Ngày tiễn con
Mẹ chạy theo nhét vào trong đó
Nắm xôi gà, quả trứng luộc, hộp dầu
Mẹ nhìn con
Khuất rặng  hàng cau
Cái ba lô chồm lên
Trên vai con vạm vỡ
Mẹ bỗng giật mình
Tưởng tay con bá cổ
Nhún nhẩy trên lưng
Đòi Mẹ cõng ra đồng

Cái ba lô bạc mầu
Lỗ chỗ vài vết đạn
Có chiếc khăn tay
Bạn gái nào thêu tặng
Có quyển sổ tay
Con tặng Mẹ bài thơ

Con biết rằng
Cả đời Mẹ mong chờ
Có cháu nhỏ để bồng để bế
Mẹ ôm chiếc ba lô vào lòng
Như ôm con trẻ
Nỗi buồn tuổi già
Vắng vẻ cô đơn

2018

Hồn tóc

Còn đâu mái tóc năm xưa
Bồng bềnh sóng lượn, gió lùa mây bay
Còn đâu ngày tháng đắm say
Bên em tóc quyện, ngất ngây hương nồng

Đã qua cuộc sống bão giông
Tóc nay bạc trắng như bông giữa trời
Mỗi ngày tóc lại rụng rơi
Nghe từng cọng tóc nói lời tâm giao

Tuổi xanh lăn lộn chiến hào
Tóc bê bết đất lẫn vào máu xương
Thương em tóc rụng mặt đường
Hương thơm bồ kết vấn vương gió ngàn

Nhớ khi đánh giặc chống càn
Mong manh sống chết dưới làn pháo bom
Như con ngựa chiến tung bờm
Tóc tai dựng đứng như gươm tuốt trần

Hòa bình tưởng tóc hồi xuân
Bát cơm manh áo gian truân chuyện đời
Giấu trong tính toán đầy vơi
Nụ cười sợi tóc chia đôi nỗi buồn

Trắng đêm vợ gối tay chồng
Nghe con sâu tóc luồng tuông trên đầu
Đời còn ngang trái thương đau
Buồn chi tóc sớm bạc mầu Em ơi!

1/2017

Tháng tư về
(Thân tặng anh Nguyễn xuân Khảm vá các bạn đồng đội Đoàn 814 Long Khánh Bà Rịa)

Tháng Tư về
Rừng cao su thay lá
Đất trời oi ả
Đang khát khao
Cơn mưa mát đầu mùa
Để nơi bạn tôi nằm.
Nở tím cánh hoa mua

Tháng Tư về
Gọi nhau họp mặt
Lính già ơi !
Tóc bạc trắng hết rồi

Có đứa nào năm nay vắng mặt ?
Có đứa nào, phải chống gậy đến không?

Tháng Tư về
Áo lính bạc mầu
Ngồi bên nhau
Không kể chuyện chiến công
Hương khói bay
Con heo quay cúng bạn
Chỉ thương nó
Một thời bom đạn
Ngày ra đi chưa được bữa ăn no

Tháng Tư này
Khác tháng Tư xưa
Vẫn cờ hoa , sắc mầu rực rỡ
Đốt cháy niềm tin
Khơi lên ngọn lửa
Để tháng tư về
Trọn vẹn ước mong

4/2019

(Thơ: Trần Ngọc Phượng)