Trên những giọt mưa – Tản văn của Lê Ngọc Minh Hoàng

516

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi nhìn ra đường, con phố vắng không bóng người và xe. Gió quật cong những cành cây, bứt phăng mấy chiếc lá già, lá non bay theo chiều của nó. Đèn đường bật lên, ánh sáng xuyên qua những giọt mưa bay xéo, bay nghiêng, tạo nên một màn nước dày che dãy phố. Hạ đón cơn mưa đầu tiên trắng trời, trắng đất lúc đầu hôm.

Nhân dân đoàn kết đẩy lùi dịch covid – Nguồn internet

Hơi nóng bốc lên, hăng hắc mùi nhựa đường, mùi đất nồng nồng cánh mũi. Không có đứa trẻ nào hò reo. Không có bàn tay nào xòe ra hứng mưa trút xối xả từ mái hiên như bao trận mưa đầu mùa các năm trước. Không có cánh cửa nào của hai dãy nhà đối diện nhau trên con phố này mở ra. Thế nhưng tôi nghĩ, đâu đó sau những khe cửa chính, khung cửa sổ tưởng chừng như im ắng kia sẽ có ít nhất một người như tôi đang lặng lẽ ngắm mưa. Cơn mưa đầu tiên trút xuống giữa những ngày hạn mặn, cạn kiệt nước của miền châu thổ này. Tôi tin, khi ai đó bước ra khỏi những con phố cửa đóng then cài này thì sẽ thấy niềm vui, niềm hân hoan của rất nhiều người đang dầm mưa hứng nước ở phía ngoại ô và những vùng quê mà cả tháng qua bà con phải vất vả đi mua từng thùng nước ngọt. Tôi bước ra thềm gạch vỉa hè trước nhà mình, nhìn về hun hút lối đi của con phố vàng vọt ánh đèn lấp loáng trong mưa, tôi thấy những điệu múa say mê của hai hàng cây không còn trẻ. Chúng cũng mong mưa và chờ cơn gió hất lên để những chiếc lá va nhau tạo nên một bản nhạc hòa tấu rất riêng của thiên nhiên.

Điện thoại trên tay tôi cũng có âm thanh vang lên. Tin nhắn của cô bạn viết rằng: “Sau những ngày oi nóng, thì bữa nay “ổng” cũng trút nước rồi. Mừng quá!”. Vậy là không chỉ con phố nơi tôi đứng, mà mưa đã về đến nơi cách tôi cả trăm cây số rồi. Tôi mở facebook, ngập tràn những con chữ, những hình ảnh, video của bạn bè chia sẻ với một tâm trạng vui vẻ, phấn khích vô cùng. Giữa mùa nắng ran, giữa những ngày yên vắng chưa từng xảy ra bởi dịch bệnh Covid-19 này thì cơn mưa lớn đầu hôm đã làm dịu mát đi rất nhiều những cảm giác ngột ngạt trong những ngày qua. Mấy tháng ròng của trận đại dịch hoành hành trên khắp trái đất này, mà điểm dừng của chúng vẫn khi nào thì vẫn còn là câu hỏi dở dang phía trước.

Tôi dừng lại khi đọc một dòng bình luận của anh: “Chỗ anh mây đen giăng kín trời mà không rớt nổi hột nào. Trời oi bức lắm!”. Cái dấu chấm than cuối dòng là cả một nỗi mong chờ cơn mưa trút xuống, giải hạn cho xứ nhãn quê anh. Tôi lại nhớ đến những tia nước bay lên trên đầu ống nhựa nối dài từ cái máy bơm nước dưới sông lên mà đứa con của anh đã lia một vòng quanh mái nhà để xua bớt đi phần nào không khí oi nồng đang ụp xuống mỗi chiều dẫu hoàng hôn đã tắt. Con người khi đương đầu với những vất vả, khó khăn thì tự khắc sẽ có cách để thích nghi, dung hòa cuộc sống. “Trong khổ đau người đẹp hơn nhiều!”. Lẽ đó mà những ngày gian khổ này tôi đã gặp được nhiều nét đẹp giữa đời được xuất phát từ những thiện tâm.

*

Nhớ những ngày đầu tiên khi thực hiện cách ly toàn xã hội, giãn cách giữa người với người, giữa nhà với nhà, tôi đã có hai lần tháp tùng theo đoàn của các anh lãnh đạo đến thăm những nơi cách ly tập trung phía biên giới hai nước Việt Nam – Campuchia. Biết rằng chút quà mọn đóng góp của mình không thấm vào đâu, nhưng tôi nhớ đến câu nói của anh hay thủ thỉ rằng: “Trăm tay thì vỗ nên kêu. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi lâu thì đi cùng tập thể”. Do vậy, khi nhìn những cái vỗ vai, những lời thăm hỏi, động viên, nhắc nhở của các anh bằng tất cả trách nhiệm, tình thương và sự đồng cảm sâu sắc trước bao bộn bề công việc, vất vả của những chiến sĩ “vòng trong, vòng ngoài” đang ngày đêm tận tâm, tận lực cho cuộc chiến với tất cả sự quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh mà tôi thấy hổ thẹn với chính mình, bởi một hai ngày trước đó thôi tôi đã có chút chần chừ, e ngại khi quyết định đi lên vùng biên giới. Giờ thì tôi hiểu vì sao, đứa em Út (con cậu Sáu tôi) dù không công tác trong ngành quân đội, công an nhưng vẫn một hai xung phong vào tâm điểm của trận chiến này. “Cưới vợ thì từ từ cưới cũng được ba má ơi. mạng sống và sự bình yên của mọi người bây giờ là trên hết!”. Em đã nói như thế trước khi xin phép cậu mợ Sáu hoãn lại ngày cưới để lên khu vực cách ly, và suốt thời gian từ ấy đến nay em chưa về thăm nhà dù chỉ một lần.

Lần đi thăm khu vực cách ly đó, tôi ngồi trong khu bếp cùng em và các bạn đoàn viên, thanh niên khác. Mỗi người một việc, tập trung cho bữa cơm trưa với gần cả trăm suất ăn sẽ được chuyển đến từng phòng đằng kia. Tôi nhìn sang chiếc máy rửa tay tự động với dung dịch sát khuẩn mà khâm phục sự sáng tạo tuyệt vời của những người tuổi trẻ. Hình ảnh chiếc bếp Hoàng Cầm của các anh bộ đội hậu cần trong những ngày chiến tranh gian khổ ngày xưa bất chợt hiện về trong tôi. Tôi lại nhớ sự di chuyển chính xác đến từng li của chú rô bốt ở bệnh viện của một bác sĩ chế tạo dùng để đưa thuốc, vật dụng, thức ăn đến từng khoa phòng cách ly, rồi tự động sạc pin mà không cần bàn tay của con người chạm vào. Ngưỡng mộ trí thông minh của những con người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm và sẵn sang dấn thân ấy, nên với tôi một lời cảm ơn là không bao giờ đủ, bởi nhìn những đóa sen luôn tỏa ngát hương thơm này tôi thấy được đức tính khiêm cung, âm thầm cống hiến sức lực, trí tuệ của mình khi cuộc sống cần, quê hương cần, tổ quốc cần. Dẫu biết rằng “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, nhưng tôi vẫn thấy mình kém cỏi. Nhìn lại những việc làm của gia đình mình trong mấy ngày qua, có là gì đâu khi sự sẻ chia đôi khi còn phải cân đong thế này, thế khác.

Tôi cho những khay thức ăn vào bọc xốp cùng các bạn trẻ, chất lên những chiếc xe đẩy cho các anh bộ đội chuyển vào khu vực cách ly. Tôi không được phép vào mà chỉ đứng từ xa nhìn màu áo xanh của các bạn hối hả chia nhau đi về từng dãy phòng. Những cái gật đầu, những nụ cười nhanh, những lời nói rất xa mà tôi không thể nghe được kia cũng đủ ấm lòng tình quân dân trong những ngày gian nan chống dịch. Tôi bước vòng ra phía sau láng trại, nơi nghỉ ngơi của những người biết “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Tôi bắt gặp trên chiếc bàn nhỏ có quyển tập học trò đang úp xuống. Lật quyển tập ngửa lên nơi trang giấy đã mở sẵn, tôi đọc được những câu thơ này.

Mai nữa là em sẽ xa anh

         Xa căn phòng cách ly khi 14 ngày đã hết

         Em sẽ nhớ, sẽ thương nơi này nhiều nhất

         Có những con người hơn cả những người thân

         Mai nữa là em sẽ xa anh

         Xa tiếng hỏi thăm, xa nụ cười, ánh mắt

         Xa những yêu thương, những lời chân thật

         Thao thức đêm này, mãi mãi em thương.

         Quyển tập nhỏ này con chữ vụn, vấn vương

         Mai chuyến xe đưa em về thành phố

         Anh có nhớ em, như em đã nhớ…

         Đồng Tháp ân tình, hoa nở ngát tình yêu

Tôi mỉm cười nghe tim mình cũng vừa trỗi lên một nhịp. Nhìn về phía dãy phòng khu cách ly đằng kia, tôi thầm ước có ai đó lúc này cũng đang ngồi viết những dòng nhật ký, những cánh thư, những bài thơ tương tự. Thương biết bao những con chữ ấm áp nghĩa tình mà không phải ai cũng có trong đời một lần được trải. Tôi định lật tiếp trang sau, nhưng kịp dừng lại vì biết rằng mình cần phải trân trọng tình cảm của người nhận, người trao. Có lẽ người chiến sĩ nơi này sẽ rất vui khi nhận món quà như một lời hẹn ước. Tôi chợt liên tưởng đến một ngày không xa, có đoàn xe rước dâu từ Đất Sen Hồng chạy về Thành phố Hồ Chí Minh mà không phải cách ly bất cứ một con đường.

*

Cơn mưa trút một trận lớn rồi lát đát rơi, như dừng lại nghỉ ngơi một chút rồi đi tiếp cuộc hành trình của nó. Đường phố vẫn vắng, và tôi vẫn đứng một mình với bao câu chuyện kéo về trong mấy ngày qua. Chúng kết nối như những bàn tay sẵn sàng giúp đỡ nhau đi qua những ngày gian truân chống dịch. Tôi lại nhớ đến Út, không biết giờ này nơi em đóng quân có mưa không? Những cái láng trại có che chắn được từng cơn gió lốc? Mưa có tạt vào ướt đẫm chỗ nghỉ lưng?

Tôi liền gọi điện cho em, nhưng chưa kịp hỏi thăm câu nào với những gì đang nghĩ trong đầu thì em nói lớn: “Em đang tháp tùng các anh biên phòng đi tuần tra đêm. Mưa lớn lắm, nói không nghe được đâu anh”.

Cái chấm xanh trên màn hình điện thoại vụt tắt. Trong tiếng gió rít, tiếng ràn rạt của mưa, tiếng bọt sóng tung lên, hòa lẫn trong tiếng máy nổ đành đành của chiếc tắt ráng lọt vào điện thoại phía em, tôi thấy được những giọt mồ hôi rơi vào con sóng, thấy được những ánh đèn pin lấp loáng lia khắp mặt sông, thấy được những ánh mắt chứa đựng cả sự dấn thân, quên mình cho cuộc chiến. Một cuộc chiến bình yên không tiếng súng trên khắp hành tinh những ngày này, và sự ra đi hay ngã xuống của bất kỳ ai cũng nặng lòng người ở lại. Tôi chắp hai tay mình như một búp sen, mong tất cả qua nhanh.

Ngày mai nắng sẽ lên!

L.N.M.H