Trong giãn cách – Truyện ngắn của Đỗ Anh Thư

742

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tiếng còi xe cứu thương thi thoảng lại phá tan bầu không khí tĩnh lặng buổi trưa của con phố vốn đã hoang vắng đìu hiu kể từ ngày giãn cách.

Dung ngồi trên giường lần giở từng chiếc váy áo thời trang style đủ kiểu, đủ màu sắc sặc sỡ. Cô nhìn ngắm, chọn lựa theo từng loại (dạ hội, tiệc nhẹ ngày, đêm) rồi xếp gọn vào chiếc va-ly cỡ lớn, đút xuống gầm giường. Xong phần quần áo, cô đến bên bàn trang điểm, chậm rãi sắp lại những thỏi son, hộp phấn hồng, lọ nước hoa lăn lóc trong ngăn kéo, món nào hết hạn sử dụng thì bỏ vào sọt rác dưới chân bàn.

Dung thẩn thờ ngắm mình trong gương, một khuôn mặt không son phấn với những nét giản dị hồn nhiên của thời thiếu nữ. Từ khi dịch Covid lan tràn trên trái đất, thế giới riêng của cô (vốn đã nhiều biến động) giờ lại càng thêm đảo lộn. Mọi thứ hoàn toàn trái ngược với cuộc sống của Dung trước kia, làm cho cô như chững lại, lúc nào cũng trong trạng thái trầm lắng, ngơ ngác đến tội nghiệp!

***

Dung và Tuấn là đôi vợ chồng trẻ dân miệt sông nước miền Tây, cưới xong thì đưa nhau lên Sài Gòn lập nghiệp. Học hành chỉ mới hết cấp ba, nhưng đầu óc thông minh, tính tình lại tháo vát nhanh nhẹn nên Tuấn nhanh chóng hội nhập được ngay với dòng chảy sinh kế ở chốn phố phường trăm công ngàn việc này. Tuấn học một khóa may công nghiệp theo yêu cầu tuyển dụng của công ty may Hàn quốc, sau đó từ công nhân may, anh lần lượt lên chức chuyền trưởng rồi quản lý chỉ trong vòng 5 năm. Mức lương đủ đảm bảo cho Tuấn và Dung yên tâm sinh con dù vẫn phải thuê nhà trọ… Và một bé gái kháu khỉnh đã chào đời trong tình yêu thương ngập tràn hạnh phúc của đôi uyên ương trẻ. Tuấn yêu vợ, thương con nên để Dung ở nhà chăm bé Khánh, không cho làm lụng vất vả như những người vợ khác.

Dung là con một, từ bé sống với cha mẹ dưới quê, được cưng chìu cho ăn học, khi lấy chồng lại được chồng nâng niu cho nên cô sống như một nàng công chúa được thần Hạnh phúc ban ơn, cứ nghĩ mọi thứ trên đời chỉ cần muốn là được!

Sau khi cha Dung qua đời vì bệnh già, mẹ cô bán hết điền sản ruộng đất dưới quê, đưa trọn số tiền cho vợ chồng Dung mua miếng đất ngoại thành Sài Gòn để an cư lạc nghiệp. Bà lên ở với con gái, chăm sóc Dung lúc sinh nở và lo cơm nước, giặt giũ trong nhà để Tuấn yên tâm đi làm kiếm tiền lo cho vợ con.

Từ khi mua được đất, Tuấn càng nỗ lực làm việc, anh nhận thêm việc về nhà làm đêm như thiết kế mẫu, lên khung rập cho các công ty khác, với khao khát mau chóng xây được căn nhà trên miếng đất đã mua từ tiền của cha mẹ vợ. Dung cũng muốn chung tay với chồng kiếm tiền, nhưng cô chẳng biết phải làm việc gì cho phù hợp. Tuấn bảo Dung vào công ty, Tuấn sẽ nhờ người kèm cặp cho cô thành thợ, cô không chịu vì “lương công nhân bèo quá”.

Rồi cô cứ sang hàng xóm đánh bạn với mấy cô gái làm việc ở quán bia ôm. Ban đầu họ rủ rê Dung hát hò karaoke cho vui, sau cả bọn phát hiện cô có giọng ca rất hay, nhất là ca vọng cổ thì “mùi mẫn không chê vào đâu được”. Dung soi gương thấy mình thật xinh đẹp, cô bắt đầu lén chồng tập tành phấn son, chưng diện.

Trong lúc chồng miệt mài làm việc ở công ty, có khi phải sang Hàn Quốc để tham gia trải nghiệm những cuộc thi thiết kế mới, thì Dung mặc sức bay nhảy trong các quán bar, karaoke cùng đám bạn cave, gái làm nghề “tay vịn” cho những gã mang danh “đại gia” lắm tiền nhiều của. Dung biến thành “gái bao” từ khi nào không biết, cô cũng chẳng quan tâm đến điều đó, chỉ biết thích thú với những đồng USD, những miếng vàng bốn số tích lũy được sau mỗi cuộc bán mua thân xác, với ý nghĩ sẽ nhanh chóng xây nhà mấy tấm mà không cần đến đồng lương chắt chiu chật vật của chồng. Cô hãnh diện, cô tự hào về “vốn tự có” của mình mà không biết rằng thần Hạnh phúc đang dần dần rời khỏi cuộc đời cô.

Tuấn lúc đầu chỉ nghĩ vợ ở nhà buồn nên giải trí cho vui, lại tin tưởng có mẹ vợ bên cạnh thì chắc hẳn không để con gái sa đà hư hỏng. Sau này khi biết Dung bắt đầu có những chuyến đi “du lịch xa với bạn gái” và những đêm gần sáng mới về đến nhà trong trạng thái say khướt thì Tuấn hiểu sự việc đã trầm trọng hơn anh nghĩ. Mẹ vợ anh cũng đôi lần rầy la con gái trước mặt anh, nhắc nhở cô ấy về trách nhiệm với chồng con, những lúc đó Dung lại mang số tiền vàng tích cóp được ra cao giọng ra điều cô ấy cũng “đang kiếm tiền” chứ không chơi bời vô ích.

Tuấn đau khổ trong lòng không thể thổ lộ cùng ai, anh bắt đầu giải sầu bằng men rượu, ngập chìm trong những cuộc vui tăng hai, tăng ba với các em chân dài bốc lửa. Anh không còn tha thiết với những dự định ấp ủ trước đây về một mái ấm gia đình, một ngôi nhà hạnh phúc. Họ bắt đầu cãi nhau thường xuyên, không khí gia đình luôn căng thẳng. Nhiều lần cũng đã xảy ra chuyện xô xát và đập vỡ đồ đạc trong nhà, những lúc như vậy mẹ Dung bất lực chỉ biết dắt cháu ngoại ra công viên tìm sự yên tĩnh cho hai bà cháu.

Tuấn chua chát nghĩ tại sao ông trời làm ra chuyện trớ trêu như thế với anh: Bây giờ tiền, vàng trong nhà rủng rỉnh dư thừa, muốn xây mấy căn nhà cũng được thì Dung không còn là của anh nữa. Cô ấy bây giờ là Dung của thế giới ăn chơi sa đọa, linh hồn trong trắng của cô gái quê thùy mị ngày nào giờ đang nằm trong tay quỷ dữ. Tuấn đã viết sẵn đơn ly hôn, anh sẽ trả Dung cái tự do mà cô mong muốn.

Nhưng ở đời làm việc gì cũng phải có một kết quả, gieo nhân nào gặt quả đó! Trong một lần Dung và các cave đang du hí cùng những “đại gia ” ở Vũng Tàu thì không hiểu sao bị lộ tung tích. Dù họ đã đóng giả các cặp vợ chồng thuê khách sạn ở khu nghĩ dưỡng nhưng đêm đó, khi đang thác loạn trong một phòng VIP thì họ bị Công an sở tại ập vào bắt quả tang, lập biên bản tại chỗ với danh sách họ tên, địa chỉ đầy đủ của cả bọn. Lúc bị tạm giữ để xử lý hành chính, Dung sợ hãi cuống cuồng gọi về cho Tuấn (may cô dùng 2 điện thoại nên giấu được một chiếc bên trong túi quần đầm). Tuấn nhận tin mà lòng không biết buồn hay vui, anh phải muối mặt nhờ người anh của một cô bạn đồng nghiệp (là sĩ quan Công an của sở Công an TP.HCM) giúp bảo lãnh Dung về giùm.

Ngày Tuấn đi đón Dung từ trại tạm giam Công an Vũng Tàu, suốt đoạn đường dài ngồi trên xe không ai nói với ai lời nào. Thi thoảng Dung lại trộm nhìn Tuấn bằng ánh mắt ăn năn, hối lỗi. Cô biết ơn Tuấn vì đã không bỏ mặc, dù nhiều lần anh bị Dung chà đạp lên lòng tự trọng. Dung hiểu Tuấn còn yêu cô rất nhiều dẫu rằng tình yêu đó ngập chìm trong đắng cay và căm giận.

Nhiều ngày sau đó Tuấn luôn tìm cách tránh mặt Dung. Có hôm đêm anh không về nhà mà vào khách sạn với một cô gái ngẫu nhiên nào đó vừa mắt anh trong quán bia ôm. Dung rất ân hận, cô tìm mọi cách để hâm nóng tình cảm vợ chồng, nhưng lần nào cũng va phải bức tường băng giá do Tuấn dựng lên.

***

Rồi một biến cố xảy ra!

Dịch bệnh tràn lan, Covid hoành hành khắp chốn. Lệnh giãn cách, phong tỏa ban bố khắp nơi đến mấy tháng liền. Mọi công việc đình trệ, các công ty đóng cửa, các dịch vụ vui chơi giải trí triệt để cấm hoạt động. Xe cứu thương, người chết, ca nhiễm lây lan trên diện rộng, những hoạt động thiện nguyện cứu đói, lực lượng y bác sĩ cả nước đổ về TP.HCM dồn sức chiến đấu ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh… Những biến động đó đã đánh tan cơn bão của gia đình nhỏ Tuấn – Dung.

Chính trong những ngày thực hiện lệnh giãn cách triệt để “ở yên trong nhà”, họ đã có dịp tự nhìn lại mình và nhìn lại nhau. Khi cái chết ngoài kia rình rập mỗi ngày, họ bắt đầu lo sợ,dù vẫn chưa nối lại được tình cảm vợ chồng nhưng mỗi người vẫn thầm cầu mong bình an cho người đối diện.

Tuấn thường xuyên cập nhật tình hình Covid tại thành phố mình sinh sống. Con số các ca lây nhiễm và tử vong cứ tăng dần mỗi ngày, lệnh giãn cách càng lúc càng siết chặt đến độ phải thiết lập đội ngũ “đi chợ hộ” từ tổ dân phố, khu phố (nhằm hạn chế tối đa lượng người dân ra đường).

Tuần rồi ở ngay bên kia đường, trước cửa nhà trọ của họ có một ca tử vong vì Covid, đội mai táng miễn phí đã đến giúp đỡ tẩn liệm và đưa thi hài người quá cố đi thiêu. Nhìn cảnh xác người được cột chặt trong mấy lớp ni lon khiêng bỏ lên xe cấp cứu, Tuấn thấy cay mắt và nhói ruột gan. Người đàn ông vừa chết đó đã có nhiều buổi sáng ngồi đầu hẻm uống cafe với anh bàn chuyện thời sự trên trời dưới đất. Bây giờ ra đi lặng lẽ, vợ anh ấy khóc chết ngất bên vệ đường, chị chỉ kịp vái lạy mấy cái tiễn chồng lên xe đi hỏa táng, rồi ở nhà chờ họ mang trả tro cốt đã được thiêu hủy.

Càng chứng kiến những đau thương mất mát quanh mình vì Covid, Tuấn càng lo lắng khi nghĩ đến những người thân ở quê nhà, anh gọi điện thoại về dặn dò các em và cha mẹ kỹ lưỡng, tuyệt đối tuân thủ biện pháp 5k phòng chống và hạn chế tối đa việc ra đường. Rồi nhìn lại vợ con, bất chợt anh mềm lòng nghĩ đến một ngày nào đó có thể sẽ không còn được trông thấy nhau nữa. Có thể một trong hai vợ chồng, người này cũng sẽ phải đứt ruột vĩnh biệt người kia trong viễn cảnh đoạn trường như vậy…

Tuấn nhắm mắt, lắc đầu cố xua đi những ám ảnh ghê rợn đó. Bất chợt anh thấy tiếc nuối khoảng thời gian vừa qua. Lẽ ra họ đã rất đầm ấm hạnh phúc bên nhau, lẽ ra anh đừng quá say mê kiếm tiền mà xa rời Dung, để cô một mình lạc bước vào cám dỗ. Lẽ ra anh phải kiên quyết chặn đứng ngay khi lần đầu tiên vợ mang tiền triệu về nhà và bảo “Chỉ cần hát một bài và uống vài ly bia với bạn bè”. Anh thấy mình cũng có lỗi khi đã bỏ mặc Dung vì cơn ghen hờn, tự ái. Và Tuấn nghĩ đến mẹ Dung, người đã cầm tay đứa con gái cưng, núm ruột duy nhất của mình, tin cậy trao vào tay anh với một niềm hy vọng rạng ngời trong ngày hôn lễ. Người mẹ ấy cũng đã không ngại ngần bán hết điền sản ruộng vườn để giúp vợ chồng anh thoát khỏi cảnh nhà thuê phòng trọ. Một người mẹ đã dành trọn sự tin tưởng vào anh như vậy có nên bị nỗi đau nhìn hạnh phúc con gái mình tan vỡ không? Còn bé Khánh, kết tinh của tình yêu nồng thắm giữa cha và mẹ, đứa con gái bé bỏng ngây thơ của anh có đáng phải chịu cảnh tan đàn xẻ nghé vì những lỗi lầm do cha mẹ nó gây ra không? Những câu hỏi cứ xoáy vào đầu Tuấn như những chiếc lưỡi câu sắc cạnh móc vào suy nghĩ của anh, treo lơ lửng như một lời kết tội….

Giờ đây cuộc sống không còn bình yên nữa, tử thần đang rình rập mỗi ngày. Tại sao những người đang còn diễm phúc được ở bên nhau lại không mở lòng tha thứ để yêu thương, chăm sóc cho nhau? Bỗng dưng Tuấn như thấy nhẹ lòng, đầu óc trở nên thanh thản lạ. Anh hiểu ra một điều rằng, biết tha thứ cho người cũng chính là đã tìm được cho mình niềm vui và hạnh phúc.

Và tiếng cười con trẻ lại vang lên trong những ngày giãn cách, không khí trong nhà họ đã thay đổi một cách tích cực. Dung tiếp tục chăm sóc gia đình bằng trái tim một người vợ, người mẹ dành trọn vẹn cho chồng con. Mỗi bữa cơm cô nấu đều ngọt ngào gia vị của yêu thương. Tuấn cũng không còn những cơn say xỉn, đập phá đồ đạc, anh sử dụng thời gian rỗi vào việc sửa chữa những vật dụng trong bếp, trong nhà như vòi nước, ổ cắm, công tắc điện. Đôi khi vừa thay chiếc bóng đèn bếp cho vợ, vừa nhìn Dung luôn tay nấu nướng, Tuấn như thấy lại hình ảnh cô thôn nữ nhút nhát e thẹn ngày nào cùng anh lặn lội từ quê lên Sài Gòn lập nghiệp.

Mâm cơm chiều nay có món canh chua cá lóc rất ngon, Dung đưa tay sang Tuấn khi thấy chồng vừa và miếng cơm cuối rồi nói

– Ăn thêm đi, cơm em nấu nhiều lắm.

Mẹ Dung tủm tỉm cười giả lả câu chuyện:

– Mai bây coi nhờ tổ “đi chợ hộ” mua con gà và mớ nấm, con nhỏ Khánh cứ đòi ngoại nấu món gà nấu nấm con ăn đó.

Có tiếng còi xe cấp cứu vút qua ngõ phố giăng dây, nhưng Tuấn nghe trong lòng không còn nỗi niềm ngắc ngoải nữa. Hôm qua anh đã xé bỏ đơn ly hôn bởi vì sự sống đã nẩy mầm trở lại trong mái ấm của anh. Rồi anh nghĩ về những dự định còn dang dở cùng một ngôi nhà đầy ắp tiếng cười hạnh phúc.

Tuấn như không tin vào tai mình khi Dung vừa rửa chén bát vừa nói với anh:

– Mong cho hết giãn cách, anh đưa em vào công ty học việc nghe…

Tuấn vòng tay ôm Dung từ phía sau, áp mũi vào hít thật sâu mùi hương xả nồng nàn trên mái tóc người vợ trẻ.

Đâu đó ngoài đường, tiếng còi xe cấp cứu vẫn liên tục hú lên từng hồi vang vọng…

Đ.A.T