Trúc Linh Lan với Người đàn bà ngồi nhặt ký ức 

1194

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ta bắt gặp đâu đó trong Người đàn bà ngồi nhặt ký ức hình ảnh nhân vật trữ tình đầy cá tính với nỗi đam mê, những dằn vặt cá thể trong góc khuất tư duy, những xáo động trong tâm cảm, ngọn lửa bùng cháy khát vọng được sống, yêu thương, hạnh phúc như một cá nhân độc lập, một chủ thể sáng tạo bản lĩnh, tự soi rọi mình, không lệ thuộc hoặc bắt chước rập khuôn ai.

Nhà thơ Trúc Linh Lan  

Cách đây hơn ba năm, nhà thơ Trúc Linh Lan ghé thăm và ký tặng tôi tập thơ Người đàn bà ngồi nhặt ký ức (NXB HNV, 2015) Tôi vui lắm và nâng niu cất giữ tác phẩm như cất giữ một báu vật.

Tôi không muốn nói gì nhiều về Trúc Linh Lan, bởi đã có nhiều tác giả viết về nhà thơ “Thương nhớ đồng bằng” ấy, chỉ xin phép mượn một từ duy nhất để nói về tính cách chị: giản dị! Và cũng chính từ sự giản dị ấy mà ranh giới ngăn cách đã được xóa nhòa, coi như cuộc đời ban tặng tôi một người bạn thơ tuyệt vời.

Người đàn bà ngồi nhặt ký ức bao gồm hơn 50 bài thơ, được Trúc Linh Lan viết trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2015. Đây chính là giai đoạn mà các nhà thơ Việt ra sức hiện đại hóa thi ca, từ nội dung, thi pháp, biến tấu ngôn ngữ để bắt nhịp với sự biến chuyển của xã hội.

Thơ của nhà thơ Trúc Linh Lan cũng không đứng ngoài xu hướng ấy. Ta bắt gặp đâu đó trong Người đàn bà ngồi nhặt ký ức hình ảnh nhân vật trữ tình đầy cá tính với nỗi đam mê, những dằn vặt cá thể trong góc khuất tư duy, những xáo động trong tâm cảm, ngọn lửa bùng cháy khát vọng được sống, yêu thương, hạnh phúc như một cá nhân độc lập, một chủ thể sáng tạo bản lĩnh, tự soi rọi mình, không lệ thuộc hoặc bắt chước rập khuôn ai. Nhà thơ như “sống tận cùng cái tôi của mình mới nhìn được tận cùng cái ta của tha nhân” (Lâm Thị Mỹ Dạ).

Đi sâu vào bài thơ “Những bia mộ buồn”, nàng thơ của thi nhân bị ám ảnh “đời cứ quạnh hiu” với “bao tiếng khóc cười”. Con người hiện đại ấy đứng nhìn cuộc đời với đôi mắt ngấn lệ. Chồi non tinh khôi bị bụi đời dập vùi được ẩn dụ kín đáo: “Bao vóc ngọc đi qua như một dây tơ lấp bụi”. Và trong từng vệt sáng tối nhập nhòa đó, cảm thức họ bùng vỡ, là “đêm thổn thức”, “đêm tình yêu”, “đêm ái ân”, “đêm mặn nồng chăn gối” để rồi tất cả mù chìm trong “lạnh lùng sương rơi”. Nhà thơ  biểu đạt thi ý với những dấu chấm điêu luyện khiến không gian tâm tưởng trở nên đa chiều, rộng mở sau mỗi lần vắt dòng, cho phép người đọc tha hồ đoán định, để những hạt giống nhà thơ vừa gieo sẽ rạo rực nảy mầm tư duy. Ngôn ngữ thơ trong Người đàn bà ngồi nhặt ký ức cũng không cần phải úp mở, dấu diếm thẹn thùa như sương phụ ngày xưa chốt cửa phòng the, mà thi nhân xé toang vuông lụa che mặt, để hiện hình những “đêm ái ân”, “đêm mặn nồng chăn gối”, cho thấy giờ đây, thi ngôn không còn bị bó chặt bởi những rào cản xã hội đã cũ.

Người đàn bà trong thơ Trúc Linh Lan còn là hình ảnh người phụ nữ hiện đại, nhận diện được bản thân như một cá thể bị tha hóa, phải tự tát vào mình để tìm lại chính mình, người phụ nữ ấy tự tin vào nhân phẩm, ý thức được trách nhiệm chính bản thân, đầy bản lĩnh, không cần ai chỉ bảo: ”Tôi tát vào tôi/ Để tâm hồn trong trẻo/ Để giận hờn trôi qua/ Để lợi danh tan thành cát bụi”.

“Người đàn bà ngồi nhặt kí ức” là hình ảnh đắt giá, chủ đề của tập thơ, phải chăng được nhà thơ khắc họa bằng chính máu thịt và sương gió đời mình: “Người đàn bà ngồi đếm lá rơi/ Đếm sương/ Đếm gió/ Đếm tuổi xuân rụng dần/ Sợi tóc thở dài/ Ngọn nến rơi lệ/ Ba mươi con trăng rằm”. Chắc hẳn đây là khúc đoạn trường có thật, nhưng tôi không nghĩ nhà thơ chỉ viết những dòng tự bạch cho riêng mình: “Giọt đông rơi…/ Người đàn bà run run nhóm lại ngọn lửa”… “Sao bỏng rát ngón tay/Bỏng rát trái tim yếu đuối/ Những giọt nước mắt/ rơi… /Sợi tóc hoàng hôn/ rơi/ Người đàn bà ngồi nhặt/ Kí ức”. Bài thơ với những câu thơ xé lòng, ngôn từ đẹp, lắng sâu đến tận cùng của thổn thức, chiếu rọi tia sáng đến những vùng tâm tư chìm khuất nhất mà con người có thể dấu kín. Ngôn ngữ thơ được sáng tạo, nâng tầm vóc, rồi chắc lọc để chọn ra chất liệu trong như ngọc, như những hạt lệ trong, xây dựng nên thi phẩm trong suốt, lóng lánh. Đó chính nét đẹp không lời, của sự cô đọng, cái còn giấu kín, chìm sâu, cái bỏ ngỏ đầy dụng ý của thi nhân mà ta tìm thấy trong bài thơ. Bên cạnh đó, phải chăng nhà thơ muốn khắc họa, điểm danh nỗi đau thầm lặng về số phận bi thương thiếu phụ, đem những tia hy vọng mong manh trả lại cho những mất mát mà người đàn bà thời đại vẫn còn đang phải chịu nhận?

Trong cuộc hành trình tìm kiếm chân lý, nhà thơ đã bao lần không khỏi ngạc nhiên tự hỏi: “Tôi cầm nụ cười trên tay/ Tặng những ai buồn bả/ Mà sao ai đó không vui?/ Niềm vui xin đừng ngã giá/ Bóng hạnh phúc vô thường”. Ngay cả với bản thân mình, nàng thơ cũng  không tìm được được chổ đứng vững chắc trên “bãi đời quạnh hiu”: “Bóng con còng gió liêu xiêu/ Xây lâu đài cát những chiều vàng thu/ Sóng xô giấc mộng sa mù/ Bạc đầu chưa biết thực hư thế nào”. Ngay cả khi chắp tay hướng tâm về với triết lý nhà Phật, nhà thơ cũng chưa thấy an lòng: “Cõi phiêu bồng thì rộng/ Dang tay đón hết mọi sinh linh/ Cát bụi cuộc đời thì mênh mông/ Thuyền Bát Nhã làm sao chở hết”. Bởi lẽ, theo tôi, bị áp lực xã hội sống cuồng sống vội xô đẩy, mỗi con người chúng ta luôn giữ tâm thế hoài nghi và lạc mất phương hướng, rồi cuối cùng nhiều người cùng cất lên một hợp âm quen thuộc: đời là cõi vô thường.

Tình yêu trong thơ Người đàn bà ngồi nhặt ký ức là những cung bậc cảm xúc trong sáng, tinh khôi mà cháy bỏng: “Đời người quá nửa ngây thơ/ Yêu là yêu hết câu thơ cháy lòng”. Tình yêu của nàng thơ đằm thắm, chín chắn, không mơ hoang, không phù phiếm, mà đích đến là trái tim, khi nàng thỏ thẻ cất lên: “Anh ơi!/ đừng khắc em vào những nơi không anh/ Bởi sông sẽ cạn, đá cũng sẽ mòn/ Mây bay, gió thổi/ Biển có sâu cũng một bờ dịu vợi/ Trăng có rằm vẫn trừ tịch cuối năm/ Anh hãy khắc em vào trái tim anh/ Mỗi nhịp đập/ thăng hoa thành nổi nhớ”. Và khi tình yêu vỗ cánh bay đi, chỉ còn lại một mình vò võ cô đơn thì: “Tôi gói tình yêu vào đêm/ Huyễn hoặc và chung tình/ Giấu nước mắt vào gối/ Giấu nụ cười vào ánh đèn khuya/ Ăn cắp chút hương quỳnh ướp trong kỉ niệm”.  Tôi bỗng ghen tỵ với ai đó đã chiếm lĩnh và ngự trị vĩnh hằng trong trái tim nàng thơ chung thủy ấy.

Là người con lớn lên từ phù sa sông Hậu hiền hòa, nền thơ của Trúc Linh Lan thấm đẫm những nét đẹp mộc mạc mà ma mị của vùng đồng bằng châu thổ chín nhớ mười thương. Ta hãy lắng nghe điệu lý thương hồ bồng bềnh trong nhịp chèo đặc hữu miền sông nước: “Ta đã thấy gì trong cơn mơ/ Số phận những con người bồng bềnh/ Vầng trăng đong đưa điệu lý thương hồ/ Tiếng đờn ai dạo khúc bi ai”. Hoặc hình ảnh chợ nỗi Cái Răng trên sông Hậu ẩn khuất bập bềnh rất quen thuộc trong lòng thi nhân mà nỗi lòng thì cứ cắn đắn ray rứt: “Làng nổi bập bềnh trong khói trong sương/ Ai đứng đó thèm một vòng tay ấm áp/ Câu vọng cổ bên kia sông nỗi đời lạnh rát/ Gió thổi vọng phu buồn một khúc lìa nôi”. “Khuya châu thổ” không là những nét đặc tả ngợi ca gạo trắng nước trong, mà trong bài thơ, vùng đất phù sa màu mỡ ấy vẫn còn mang nặng bao nỗi nhọc nhằn chưa vượt thoát: “Bỏng rát da thịt đón mùa đông về/ Lá treo đời oằn mình sinh nở/ Con sông Hậu đỏ phù sa châu thổ/ Biếc cánh lục bình chở kiếp mưu sinh”. Phải chăng châu thổ Cửu Long giàu tiềm năng trong mắt nhà thơ chưa mang về no ấm vẹn toàn mà nhân dân đáng được thụ hưởng, đâu đó vẫn còn dập dềnh bao phận người nổi nênh cùng sông nước phù sa?

Là Chủ tịch HNV TP Cần Thơ, Trúc Linh Lan có nhiều cơ hội rong ruổi khắp các vùng miền của tổ quốc. Đến đâu, đậu lại đâu, nhà thơ cũng ghi lại được cái hồn cốt của địa danh, khiến nơi đến bỗng nở nụ hoa của đất. Một chiều, nhà thơ dừng chân Tam Đảo, với ánh mắt sắc sảo, thấu suốt, nhìn cái nhìn từ bên trong, hòa lẫn với cái say say trước thiên nhiên kì vĩ, nhà thơ thốt lên: “Ta về Tam Đảo chiều nay/ Dốc quanh co quá ta ngây ngất tình/ Núi cao núi đứng một mình/ Ta cô đơn đứng giữa chừng đèo mây”. Chắc hằn không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ mượn điệu vần lục bát để thổ lộ cảm xúc trước bóng núi sừng sững mây mờ ấy. Một sự lựa chọn tuyệt vời, khôn ngoan và uyên bác… Từ Tam Đảo, nàng thơ lên Sapa và nắm bắt ngay cái thần thái của vùng đất trong mây, với chợ Tình huyễn hoặc: “Sapa sương bay là đà theo tiếng hát/ Cô gái Dao khăn đỏ say điệu khèn/ Chàng trai H”Mông mắt nhìn mê đắm/ Con gái H”mông cười làm quen”. Những nét khắc họa tài hoa từng nét đặc trưng vùng miền tạo cho mỗi địa danh mà nhà thơ đi qua một dáng dấp đặc thù về thiên nhiên và văn hóa, con người… Và đây nữa, khi trở lại quê hương Đất Đỏ, về qua lối cũ với kỉ niệm dấu yêu một thời hò hẹn, nay người xưa đã trở thành cố nhân, nàng thơ vẫn viết lên những vần thơ dung dị, ấm áp biết bao: “Đã là cố nhân… ừ thì cũng vui/ Nếu gặp lại mời nhau li rượu ấm/ Đọc nhau nghe câu thơ chắc là da diết lắm/ Đất Đỏ! Còn không chiếc lá hẹn hò”. Tôi thán phục cái tâm thế ứng xử vững vàng, độ lượng của thi nhân.

Khép lại tập thơ, tôi cảm thấy mình chưa nói gì cả về những nét son tâm huyết mà nhà thơ  gởi gắm vào mỗi câu chữ, trong từng trang sách trong tập thơ Người đàn bà ngồi nhặt ký ức. Nội dung triết luận, khát vọng ẩn tàng trong lớp lớp ngữ nghĩa của thơ Trúc Linh Lam thật khó mà trình bày theo lối cưỡi ngựa xem hoa như thế này. Ngưỡng mộ và nghiền ngẫm chưa đủ, ngòi bút tôi thật sự bối rối khi viết về thơ của một nhà thơ đã có những thành công nhất định trong sự nghiệp văn chương.

Chúc nhà thơ Trúc Linh Lam tiếp tục sáng tạo, xuất bản thêm những tác phẩm có giá trị, xứng tầm như tập thơ Người đàn bà ngồi nhặt ký ức.

Bà Rịa, 16/4/2020

Nguyên Bình