“Xóm bãi cát” – Truyện ngắn của Trần Thị Bảo Thư

1214


Tác giả Trần Thị Bảo Thư.

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hồi nhỏ tôi là một đứa con gái vô cùng quậy phá, mẹ tôi bảo thường con gái là hiền nhưng phải đứa nghịch thì con trai còn thua.

Ở cái xóm lao động nghèo ven sông Cấm có tên là “Xóm Bãi Cát” ngày đó, trẻ đi học một buổi, không cần phải học thêm mà vẫn lên lớp đều, nếu vì mải chơi quá bị “lưu ban” cùng lắm lũ trẻ con hàng xóm bu trước cửa xem bố mẹ nó vừa gào hét kể lể vừa quất túi bụi, cứ mỗi câu “sao mày học hành thế hử” là lại nhịp mấy phát. Ấy là những nhà gia phong nề nếp từ quê lên thôi, chứ những nhà như nhà con Dung bạn tôi cha mẹ nó chẳng biết trong lũ con bảy đứa của ông bà đứa nào còn đi học, đứa nào đã bỏ học…

Lại nhắc con bạn thân “chanh quất” tiếng nổi như cồn của tôi, ngày nhỏ nó phải mập hơn tôi chục ký lô, cả vùng khiếp sợ vì con này không nói nhiều, nó dành sức để đánh người ta thôi. Hồi đó thiếu thốn lắm nên bọn trẻ chúng tôi thèm đủ thứ, người lớn lo miếng cơm còn không xong lấy đâu ra quà bánh cho con cái.

Vì thiếu chất nên vớ cái gì ăn được là ăn, sáng sáng đợi bố mẹ đi khỏi cửa, chúng tôi dẫn nhau về nhà ăn vụng cả dưa muối, mắm tôm, mì gói. Mì gói chỉ nhà cái Dung mới có, bố nó được tiêu chuẩn bồi dưỡng cho thủy thủ, mẹ nó cất giấu để dành, thỉnh thoảng nấu gói mì với rau chan cơm để cải thiện cho cả nhà, vậy mà thèm quá nó lôi ra cho cả bọn xì xụp với cơm nguội…

Thời bao cấp điện nước đều khổ, điện yếu không quay nổi cái quạt “con cóc” mùa hè, buổi tối bóng điện tròn (loại bóng tóc) đỏ như đom đóm đực. Nước phải gánh từ những nguồn máy nước công cộng chảy đúng kiểu “dện đái”.

Xóm tập thể thợ thuyền ven sông của chúng tôi có một cái máy nước, nó chảy mạnh đến nỗi bà con phải đào cho nó một cái hầm để hạ thấp đầu vòi nước mới ra, vậy nên nhà nào nhà nấy không trẻ con thì bà già xếp hàng hứng nước suốt ngày mới có đủ nước dùng, đi hứng nước mà đều đặn đúng giờ y như đi làm công sở vậy. Ai muốn tìm ai cứ ra máy nước là gặp.

Nơi này hội tụ đủ thứ buôn chuyện trên trời dưới đất, nhà quê thành phố ai ra ai về, nhà nào ăn ngon ăn dở, cô nào yêu ai bỏ ai, cô nào hình như ốm nghén mà chưa chồng… vân vân đủ loại. Thời đó chẳng có điện thoại, internet nhưng gặp nhau dễ hơn bây giờ, người không gánh nước cũng ra ngồi hóng chuyện, chị cõng em, bà bế cháu, những đứa trẻ lớn tướng còn bưng bát cơm đi ăn rong dưới gốc cây gạo gai cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm, cây gạo gai có chùm hoa hình tháp đỏ, mùa đông rụng những quả khô cứng có bảy, tám múi như múi cam màu nâu.

Dân ở mãi ngoài xóm Chùa đồn cây gạo xóm tôi có ma Tây đen, lời qua tiếng lại thành câu chuyện rùng rợn lắm, rằng có một lính Tây đen thời đánh Pháp không hiểu vì đâu mà treo cổ tự tử, rồi tại sao cây gạo quanh năm tốt um thế, vì sao nhà bà Toản ở kế giếng nước có thằng con út rất đẹp trai tự nhiên phát bệnh điên, rồi những đêm sáng trăng ma Tây đen ra gốc gạo ngửa mặt nhìn trời… Kệ, tôi với cái Dung vẫn giặt quần áo ở sân giếng mỗi tối, chẳng thấy ma mãnh gì, có lẽ tôi với nó khiến “ma chê quỷ hờn” là vậy.

Cái Dung luôn thủ hai túi quần chanh quất với muối ớt rủ tôi đi gánh nước để ăn cho đỡ buồn mồm. Nó lấy trộm của mẹ nó, nhà Dung bán hàng vặt tỏi hành ớt, trà tàu thuốc lào dưa muối cho công nhân đi làm về lỡ chợ, không dám bán kẹo bánh và thuốc lá sợ đoàn tàu há mồm bảy chị em nó và ông chồng của bà hút như ống khói nhà máy Xi- măng. Ấy vậy mà nó cũng tìm được thứ ăn được là chanh quất, hậu quả của việc ăn vụng đó là bệnh dạ dày viêm loét bây giờ của đa số thế hệ chúng tôi.

Cả ngày hai đứa có khi chỉ được hai hay ba gánh nước còn thì toàn trêu chọc bà già trẻ con cho đỡ buồn, chỉ là để đỡ buồn thôi ấy mà.

Một hôm, mẹ tôi đi làm về bà ra máy nước gọi tôi, tự nhiên tôi thấy hơi lo vì chẳng bao giờ bà nghiêm thế. Vừa về tới nhà bà hỏi tôi “mày làm gì mà cả xí nghiệp người ta bảo mày với con Dung nhà chú Lượng là hai con giặc cái?”…

Tôi có làm gì đâu nhỉ? thần mặt ra nghĩ ngợi một hồi rồi mới lí nhí, “con có làm gì đâu? Không tin mẹ hỏi cái Dung xem…” nghĩ mãi chả hiểu làm giặc cái là làm gì. Mẹ quay đi cố làm mặt nghiêm nhưng tôi thấy ánh mắt mẹ lấp lánh nhịn cười. Mẹ đe “mày liệu liệu đấy đừng để người ta gọi mẹ mày ra mà mắng”… Sự cố đó đến giờ tôi vẫn không biết ai mách gì để mẹ răn đe tôi.

Nhớ hồi đó tôi chỉ thích đùa vui, sự đùa nghịch ấy phần nhiều quá trớn, chỉ tụi nhóc là khoái còn người lớn làng trên xóm dưới sợ hai đứa tôi lắm, như cái lần tôi với cái Dung đứa ở dưới đứa ở trên treo cái thùng gánh nước của một lão mà chúng tôi ghét lên cây gạo lúc lão xếp thùng rồi tranh thủ về đi chợ. Hôm đó lão tìm quanh quất hai ngày mới thấy, cả xóm chẳng ai dám chỉ cho lão.

Cùng xóm có một mụ “tắc ta” rất dị đoan, mụ ấy ra cổng mà gặp gái là quay về miệng còn lẩm bẩm chửi người ta. Hôm nao mụ cũng đi chợ sáng, sáng đó hai đứa tôi kê dép xuống đất ngồi sát cổng nhà mụ, mụ vừa ra đến đầu cổng, bực tức dắt cái xe đạp quay ngoắt vào.

Hai đứa tôi cười ầm lên, khoảng chốc sau mụ mở cổng ngó ra, biết bị úm mà không dám cạnh khóe chửi bới, cái Dung bữa đó hăng lắm, mụ chỉ cần gọi chó gọi mèo nhà mụ là nó vật mụ ra đất ngay.

Con này lợi thế môn vật, nó mà đè xuống thì chỉ khi nào chán nó mới buông, trọng tài nếu có phải đếm đến một trăm là ít…

Hậu quả hôm đó nhà mụ ăn cơm với mắm vì không ra được chợ, từ ấy mụ bớt cay nghiệt đáo để, thỉnh thoảng hai chúng tôi dạo qua cổng nhà mụ đánh tiếng – “tao với mày ngồi đây chơi đê” rồi cười phá lên…

Nhớ nhất và cũng áy náy nhất lần ấy hai đứa trêu chọc bà Cường, thực ra tên bà không phải thế, Cường là tên con trai bà.

Bác Cường hơn mẹ tôi hai tuổi là bác sĩ trưởng trạm xá cơ quan mẹ tôi, một bác sĩ quân y người dân tộc Mường rất nhiều kinh nghiệm cứu thương chiến trường, bác chuyển về dân sự vì bà chỉ có mình bác lúc về già.

Bà Cường cực kỳ khó tính và hay chửi, bà gốc người Mường nhưng chửi tiếng Kinh giỏi lắm. Bà chửi ngày còn đỡ, bà chửi đêm hàng xóm mất ngủ. Chửi con chửi cháu, chửi chó chửi mèo, chửi cả những người đi qua cổng nhà bà mà không chào bà.

Bà là nhân vật chính để cả xóm thêu dệt những câu chuyện thật hư xung quanh tập tục người dân tộc, có khi lẫn lộn cả Thái, Tày, Nùng, Mán trong truyện cổ tích các dân tộc thiểu số qua sự thêm mắm thêm muối của những đứa lầng nhầng cực hiếu kỳ.
Nào là mỗi lần tắm bà phải cúng xin, mà một năm cũng chỉ được vài lần, nào là không bao giờ giặt chăn chiếu mà chỉ phơi đập bụi. Mỗi lần phơi bà giăng kín cái sân chung của xóm, khiến hai con giặc cái là tôi với con Dung tò mò lắm, rình xem bà rửa mặt thế nào, ăn uống ra sao có phải khấn múa gì không…

Chúng tôi né bà, cả xóm né bà, có lần đi qua nhà bà quên chào giật mình quay lại chào mới đi tiếp, sợ bà chửi bằng tiếng quê bà…

Bọn trẻ cả xóm ấm ức, hai đứa to đầu chúng tôi càng ấm ức, ấm ức quá mất khôn, ấm ức sinh liều, tôi rủ con Dung quyết xem bằng được bà hành lễ để tắm như thế nào.

Mà xui bà tắm làm sao được, khác gì xui ma rừng ma xó tắm, thế thì phải dùng hạ sách. Hết khôn dồn ra dại, tôi với con bạn cổ quái của tôi chiều hôm đó tôi nhớ là một buổi chiều thứ bảy, chúng tôi ăn mặc gọn gàng phong cách lễ độ rủ nhau sang nhà bà. Bà rất quý mẹ tôi nên chưa chửi gì hai đứa tôi dù bà biết chúng tôi rách giời rơi xuống. Tôi thưa, “thưa bà, ngày mai hai đứa cháu lên đường nhập ngũ nên tối nay chúng cháu mời bà sang nhà liên hoan chia tay với cháu… bla… bla”…

Bà ngồi trên tấm phản kê dưới hiên uống nước chè tươi, bà bảo hai đứa ngồi xuống cạnh, hai chúng tôi ngần ngại không dám ngồi, bà mới hỏi, “ô thế cả hai đứa cùng đi à?” – “dạ vầng, chúng cháu đi cùng cho vui…” (tôi cố nín cười làm vẻ mặt như sắp khóc, đi bồ đội chứ đi xem phim đâu mà vui)…

Bà cũng chẳng biết hai con này mới mười ba tuổi thì ai nhận, vả lại bà làm sao để ý đến tuổi của bọn tôi?

Khi ra ngõ cái Dung còn cố dặn, “bà phải sang với cháo đới…”

Khổ, hồi đó bọn trẻ ngu nào hiểu trong sâu thẳm lòng người mẹ có con là bác sĩ quân y bao năm ở chiến trường nên tình yêu với người lính là rất tự nhiên, bà cảm tình cả với những quân nhân xuất ngũ, với các tân binh lên đường nhập ngũ. Bà trò chuyện vui lắm, hỏi thăm rất nhiều cha mẹ hai đứa tôi. Còn chúng tôi thì hí hửng vì sự đùa cợt khốn nạn, tai ác của mình.

Chiều đó bọn tôi rình rập chẳng thấy gì, bà ở trong nhà đóng cổng, có sửa soạn hay thủ tục trước khi tắm hay không mãi mãi là điều bí mật, rồi bà qua nhà tôi trước, tôi với cái Dung nấp ở bờ rào thấy bà chỉnh tề lắm.

Mẹ tôi hơi ngạc nhiên, vì từ trước đến giờ bà không tới nhà ai nếu không có việc, mẹ tôi chào bà đon đả, “chẳng hay con Thư nhà cháu thất lễ gì để bà phải nhọc công ạ? Có gì bà cứ cho gọi cháu”. Hai con trời đánh chúng tôi từ chỗ nấp nhét cả vạt áo, ngón tay vào mồm để khỏi phát ra tiếng cười khi nghe bà hỏi “thế chuẩn bị cho cháu đi bồ đội hả, thôi bà sang chơi với nó tí chứ không ăn uống gì đâu… ”

Mẹ tôi ớ ra, rồi chợt hiểu lại trò quỷ quái đây, mẹ đành phải nói thác đi – ” Dạ cảm ơn bà sang với cháu, mà hoãn rồi bà ạ cháu nó chưa kịp báo lại với bà…” bà lại hỏi nhưng nói nhỏ lắm như tự nói với mình: “thế con Dung có phải hoãn không?”…

Lạy vong linh bà tha lỗi. Bà mất lâu lắm rồi…

Những trò bắn nhau, đánh bóng, đánh bi thì cái Dung không tham gia, nó ghét chơi cùng con trai, chỉ có tôi lộ cộ cầm đầu lũ nhóc phá phách những trò con trẻ tưởng không bao giờ ngừng…

Bác Cường xóm tôi hay kể những chuyện thời bác còn là một bác sĩ quân y ở chiến trường B, mỗi khi rảnh rỗi không có ai tới trạm xá khám bệnh để lấy ngày nghỉ. Thời đó công nhân đi khám bệnh chủ yếu được vài viên thuốc hạ sốt với mấy ngày nghỉ hưởng lương. Thuốc về vất đi, hoặc cho hàng xóm, chỉ cần lấy ngày nghỉ là sướng rồi.

Chuyện này do mẹ tôi hôm bị bệnh nằm điều trị ở trạm xá nghe được về kể lại, một câu chuyện gây ấn tượng với tôi nhất và gắn liền với tên tuổi bác Cường cùng cái xóm bãi cát ven sông Cấm ngày xưa. Chẳng biết bà có “sáng tác” thêm không, tôi nghi lắm…

Thời chiến, quân y viện luôn phải di chuyển theo yêu cầu nhiệm vụ, nên ngoài dụng cụ y tế được bảo vệ nghiêm ngặt như lính bộ binh bảo vệ súng đạn, tất cả nhu yếu phẩm phục vụ cho thương bệnh binh cũng được các y bác sĩ linh hoạt sáng kiến trong tình trạng thiếu thốn đủ thứ của chiến trường, mục đích tối ưu khi đó là làm tròn nhiệm vụ cứu chữa và xoa dịu vết thương cho các thương bệnh binh.

Lần đó do quân y viện di chuyển sâu sang vùng rừng núi giáp ranh nước bạn Lào, mọi sự tiếp tế của hậu phương gần như rất khó khăn. Đơn vị lúc đó thiếu nhiều thứ và một trong thứ cần thiết nhất là bô dùng cho những thương binh nặng, kho quân nhu thì lại dư một số liễn ủ cơm, (liễn hoặc âu là một đồ dùng được làm bằng gốm tráng men chuyên để đựng cơm hoặc thức ăn có tác dụng giữ nhiệt có hình khối giống như một cái hũ nhỏ).

Bác sĩ Cường lúc đó là đại úy thủ trưởng đơn vị, đề xuất sáng kiến huy động cơ số liễn còn dư đó phục vụ vào việc chứa đồ thải cho các thương binh nặng. Sáng kiến được thông qua toàn đơn vị, ai cũng hưởng ứng. Để phân biệt đồ dùng anh em lấy giấy viết rõ ” bô ỉa” rồi dán bên ngoài liễn, thở phào coi như đã giải quyết xong một công việc tưởng chừng nan giải.

Mỗi đồ dùng đương nhiên đều có tên của nó, thay tên đổi họ chứ chẳng thay được nhân diện, nhưng chiến tranh tàn khốc lắm, sinh tử chớp mắt nên mọi sự khác khi đó đều nhẹ hơn. “BÔ ỈA” nhập kho dự trữ một số và số còn lại được đưa vào phục vụ ngay.

Một hôm quân y viện nhận lệnh vinh dự tiếp đón đoàn cán bộ quân sự nước bạn Lào tới thăm và học hỏi đơn vị điển hình, bí mật quân sự nên chỉ được báo trước hai giờ.

Đúng bữa cơm chiều, các anh chị nhà bếp hối hả bày bàn dã chiến tiếp khách, do thêm lượng người nên các anh vào kho lấy thêm chén bát và liễn chứa cơm bổ xung. Khi chủ khách an tọa mọi người giật mình nhìn nhau, xen giữa những liễn cơm cũ, lẫn những cái mới có dán “mác”, cũng may, khách không đọc được tiếng Việt, thật là hú vía…

Mấy chục năm XÓM BÃI CÁT nay toàn người nơi khác đến ở, chẳng còn cây gạo, giếng nước. Đường ngõ cũng khác, sân tập thể thành lô nhà xa lạ.

Tôi bây giờ xưa như “cổ vật”, một buổi chiều trở về xóm cũ. Trăng non chịu cái lạnh đìu hiu trên bầu trời tháng chạp, “ma Tây đen” chẳng biết đi phương nào rồi khi không còn cây gạo già nua…

T.T.B.T