“Xuân bâng khuâng với mái trường xưa” – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh

781

(Vanchuongphuongnam.vn) – Vẫn trên con đường thân quen trong mấy mươi năm, thầy giáo Nguyên đi lại ngày ngày bao lần đến cơ quan chỉ cách nhà không xa. Nhưng cứ mỗi lần chiếc xe honda đời cũ rì rầm chạy đến nơi ngả tư giao thoa giữa hai con đường nhỏ bao quanh trường học, Nguyên không tránh khỏi bồn chồn trong lòng trước hình bóng ngôi trường cũ hiện ra trước mắt. Ký ức vàng son một thời tuổi thơ cấp sách đến trường và sau khi tốt nghiệp được trở về trường xưa dạy học, khiến Nguyên cảm thấy chảy ùa về trong lòng.

Sừng sững uy nghi cổ kính với ba dãy lầu cao một tầng kiến trúc theo phong cách Pháp, trường trung học hiện đã mang tên một nhà giáo yêu nước tọa lạc hơn trăm năm ngay trung tâm khu đất văn hóa mà Nguyên hay gọi đùa là khu La-Tin của đất Tây Đô.

Từ chính diện cổng trường xây dựng ngày xưa trên lề đường Xô-Viết Nghệ Tĩnh nhìn về không gian chiếc nôi chữ nghĩa nổi tiếng suốt cả mấy mùa chinh chiến, khách bộ hành có thể biết rõ được những dấu ấn cơ bản của cơ sở giáo dục Tây Đô. Sau lưng cổng là trường Mạc Đỉnh Chi, bên trái là trường Đoàn Thị Điểm, gần đó là trường Chu Văn An. Bên phải, chỉ cách con đường Trương Định là Trung Tâm Dạy nghề chỉ đi vài trăm mét cặp theo bờ đường bên trái là trường trung học Phan Ngọc Hiển, một thầy giáo yêu nước anh hùng khả kính quê quán ở Cần Thơ. Ngôi trường mang tên vị anh hùng họ Ngô mưu trí cắm cọc gỗ giết quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng nằm giữa không xa trường Lương Khê và ngôi trường mang tên nữ sĩ tác giả Chinh Phụ ngâm.

***

Nguyên mở mắt chào dưới một ngôi sao xấu. Ngày mẹ mới sinh ra, khi tới tới tuổi thôi nôi, Nguyên chỉ là cục thịt bé tí đỏ hỏn dù mẹ đã cưu mang với sự lo lắng chăm sóc của cha, thân thể Nguyên vẫn bị ghẻ lở đầy mình cho. Tới tuổi lên ba vừa hết bệnh, Nguyên đã một lần suýt chết đuối vì một mình đi tắm sông ban đêm, may nhờ cha cứu kịp. Trước khi vào học lớp sơ đẳng ở trường quê, Nguyên lại tiếp tục một lần bị chó có nọc dại cắn khiến cha mẹ nó vô cùng vất vả vì con cho đến khi nó được hết bệnh. Nhưng hệ lụy của nọc chó đã khiến Nguyên sau đó bắt đầu mắc bệnh suyễn và hành hạ nó cho tới khi vào học Đệ Nhị cấp. Mãi cho tới khi Nguyên hết dứt bệnh nhờ đi học thêm nhiều khóa võ thuật và học hành tiến bộ thì ba Nguyên mới nói rõ những điều kỳ lạ thuở nó còn liên tục bị bệnh hoạn.

Ba má không tin dị đoan nhảm nhí bao giờ. Nhưng trong suốt thời gian hơn mười lăm năm con bị hết rủi ro này tới bệnh tật nọ, sao lâu lâu vào giữa khuya ban đêm lại có những con chim cú, chim mèo, chim ục… và vài loài chim lạ khác như ác là, chim heo có tiếng kêu lạnh lùng không biết từ đâu bay đến nhà mình. Hình thù chúng trông khá dễ sợ. Mình hơi ngắn, tròn trục, mõ quắp nhọn bén ngót, mắt tròn to thò lỏ con nào cũng trông rất hung dữ, lông màu xám xịt lốm đốm đen. Chúng nó làm ra vẻ dạn dĩ bất ngờ bay đến đậu trên cành xoài, cành mận ngoài vườn nhà mình kêu lên những tiếng lạ lùng, âm thanh ban đêm nghe rất ra rả rợn người. Lúc đó ba mẹ chỉ tập trung chạy tìm thầy thuốc lo chữa trị cho con nên lại bỏ qua. Nhưng khi con đi ra tỉnh học thì bẵng đi một thời gian, bóng dáng những con chim đáng ghét trông ghê tợn kia cũng không còn thấy bay đến đậu trên cây ở vườn nhà mình nữa.

Đó cũng là thời gian Nguyên thăng hoa trong học tập. Từ tiểu học đến các lớp Đệ Nhất và Đệ Nhị Cấp, Nguyên là lá cờ đỏ đi đầu trong trường lớp, luôn được thầy cô và Hiệu trưởng, Giám học nhà trường phê bình xuất sắc về học tập và hạnh kiểm được cấp luôn học bổng nguyên. Khi sang giảng đường Đại học, Nguyên vẫn được nhiều giáo sư ngợi khen về học hành và năng khiếu văn nghệ. Ở quê nhà, chính Nguyên đã đỗ lần lượt trong một năm hai bằng Tú Tài II: Toán và Văn chương – Sinh ngữ Anh-Pháp. Nguyên là học sinh đầu tiên đã đăng khoa Trung học, Tú Tài, Cử nhân Văn khoa và Cao học Văn chương tại Viện Đại học Sài Gòn làm rạng rỡ mẹ cha, và bà con xóm làng.

***

Buổi sáng mùa xuân năm học mới. Da trời xanh trong màu ngọc bích, nắng sớm lung linh giải lụa khắp mặt sân trường lún phún cỏ may. Sau buổi sáng chào cờ đầu tuần, Nguyên và học sinh lớp chủ nhiệm làm cỏ trước sân trường. Trong âm thanh dòn tan tiếng nói cười reo vui giữa thầy trò, bầy chim sẻ bỗng bay rộ lên khỏi mặt đất. Bóng một con chim lạ không biết từ đâu bay sà xuống đậu trên cành còng già ở góc sân. Thân nó tròn trùn rục, lông xám xịt, mặt mèo với mỏ quặm nhọn hoắt trông rất dễ ghét. Gã chim lạ như đang đói, đưa đôi mắt thò lỏ dáo dác nhìn như để tìm mồi khiến các em nữ sinh tái mặt :

– Con chim gì trông lạ và hung dữ quá Thầy ơi, em sợ quá !

– Chim cú đó em.

Nguyên sống trong tuổi thơ ở làng quê, từng đi gác chim với cha trong những ngày nghỉ học nên biết khá nhiều các loài chim rừng, anh giải thích cho đám đệ tử.

– Chim chìa vôi đẹp mã có tiếng hót lảnh lót véo von dễ làm say người. Chim trao trảo liếng thoắng hay ăn trộm trái cây chín trong vườn. Tiếng chim bìm bịp với giọng áo não trầm buồn thường báo tin nước lớn cho khách thương hồ lãng tử tháng năm sống lênh đênh trên sông nước…

Sự xuất hiện tình cờ của con chim cú như người khách lạ không mời từ xa trong không gian yên bình của nhà trường khiến Nguyên cảm thấy thoáng dậy trong lòng một nỗi xót xa. Nguyên không bao giờ quên đi trong trí nhớ ngay tuổi thơ kém may mắn của mình về ấn tượng những hình thù dữ tợn của mấy loài chim lạ. Âm thanh tiếng kêu buồn thiên cổ như chim ục, chim cú, chim mèo, chim ác là, chim heo thỉnh thoảng bay về trường. Có con xù lông, xèo cánh, có con đuôi vễnh, giương đôi mắt nhìn quẩn quanh… trông không mấy thiện cảm với con người. Đó là lý do làm anh không thấy thích thú trở về lại mái trường xưa.

Suốt ba mươi năm học và dạy tại trường Lương Khê, do tình hình khó khăn của đất nước trong thời bao cấp, một ngày Nguyên tình nguyện về hưu non cho tổ chuyên môn được ổn định về nhân số và lương bổng giáo viên. Nhưng mấy người không thích anh đã nặng nề cho Nguyên bị nhà trường đình công tác. Nhưng thời gian có thể coi là gần một nửa đời người với đầy ấp bao nhiêu kỷ niệm không thề nào phai mờ trong ký ức Nguyên về tình bạn, lòng kính yêu thầy cô ở một tâm hồn đa cảm, dạt dào lòng yêu văn chương nghệ thuật. Những ngày bôn ba làm báo in, hì hục làm bích báo lại bắc thang vẽ khẩu hiệu làm theo Bác Hồ trên tường cao sau ngày thống nhất đất nước với học trò. Tâm hồn Nguyên đan xen với bao nỗi buồn vui trong cuộc đời của người làm nghề gõ đầu trẻ với mơ ước ngông nghênh mai sau mình được ngồi trên một ngai vàng giấy!

***

Tạm rời trường cũ, nhưng Nguyên vẫn không xa tuổi trẻ. Anh vẫn có học trò và bạn bè ở Trung tâm Ngoại ngữ – Dịch thuật và khách hàng tại cơ sở Mỹ thuật của mình. Công việc tất bật ngày lại ngày của Nguyên liền kề khít khao trên từng cây số, khiến con người bản tính say việc và năng động của anh ít khi nào cho phép người phụ trách vắng mặt tại tiệm chạp phô văn hóa của mình. Lấy cớ là theo chế độ ăn kiêng hoặc ăn chay, Nguyên từ chối sự có mặt ở mọi đám tiệc như cưới hỏi, lễ giỗ, sinh nhật,… tiệc tùng với rượu chè tại tư gia của bạn bè hay đồng nghiệp với sự thay thế vào đó một cách đầy đủ bổn phận bằng bao thơ gửi nhờ cho một bạn thân.

Liên tiếp trong nhiều năm kể từ ngày Nguyên đau đáu chia tay đồng nghiệp, tạm xa trường Lương Khê – chiếc nôi văn hóa ở tỉnh nhà, anh đã liên tục từ chối hiệu trưởng sự hiện diện của mình trong ngày Nhà Giáo, những ngày Lễ Tết hay buổi họp mặt của từng thế hệ học sinh của trường. Tội nghiệp những đứa học trò hiếu nghĩa của anh từ khắp miền đất nước hay ở hải ngoại xa cách muôn dặm trùng dương lặn lội bay về, đã thay mặt nhà trường mang bao thư đến tận cơ quan gặp mặt Nguyên ân tình mời anh về dự lễ. Một lần trong ngày lễ 20/11 cách nay không xa, với một gói quà e ấp cầm trong tay, Lê Trung Hiếu, một học trò Việt kiều Pháp của Nguyên giờ đã ở tuổi trung niên đi ôm cố tìm đến tận ngôi nhà cũ đơn sơ của anh trong một hẻm nhỏ ngoại ô thành phố và thỏ thẻ:

– Chúng em nhớ trường, về thăm thầy cô. Thầy rán có mặt với chúng em trong ngày họp mặt nhóm bạn học ngày xưa.

– Tụi em đưa ô tô đến đón thầy nhé.

Thấy Nguyên ốm yếu có tuổi, một em học trò cũ Việt kiều Pháp lớp dạy của anh ngày xưa đã chân thành với lòng tôn sư trọng đạo.

– Cứ xem như thầy có mặt vui vẻ với thầy cô và các em.

– Không có mặt trong cuộc vui nhưng thầy tò vẫn gần gũi ở trong lòng. Không vì hình thức bên ngoài hay khẩu hiệu, ta sống với nhau trong tình sư đệ cao đẹp đó em ! Nguyên chân thành nhìn học trò.

Tiễn học trò về, Nguyên trở vô nhà với suy nghĩ chủ quan là mình có lý.

Đứng trước ngôi trường cổ kính ba dãy một lầu với mái cụp chân xòe, tường quét vôi vàng sau lần chỉnh trang lại năm qua, Nguyên nhận ra nó may mắn vẫn còn giữ lại được nét trinh nguyên của trường cũ ngày nào. Trong ánh nắng thủy tinh ấm áp buổi sáng xuân, Nguyên cảm thấy bâng khuâng trong lòng vì nhiều năm qua đã trót từ chối hiệu trưởng, bằng hữu và học trò không trở lại trường. Rồi Nguyên lại bâng khuâng như tự an ủi trong lòng:

– Xa mà gần dù đã bao năm qua ta chưa về thăm lại mái trường xưa với bao kỷ niệm chưa hề phôi pha.

N.T