Miền quê mới – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Duyên

203

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi nói với bố: Bố cứ mang hết đi, cả mẹ nữa, con không đi đâu!

Tác giả Nguyễn Thanh Duyên

Cuối câu nói tôi chống to hai con mắt ngước lên cành khế, nơi có mấy con chào mào đang rỉa quả chín. Chú Hoán sang, chắc là mua đất, bố bần thần chỉ ra khoảng ruộng sau nhà.  Bố đi vào quê mới, lòng tôi vẫn ấm ức: Cái xứ xa xôi ấy có gì mà níu giữ gọi mời anh Thi rồi bây giờ lại là bố mẹ. Bố mẹ định bỏ tôi lại đây mà đi sao, tôi không đi, nơi này tôi lớn lên, tôi trồng cây bông bờ dậu, leo cây khế sau nhà, đi chăn trâu ngoài lũng, mẹ vẫn cần mẫn nhổ cỏ ruộng, xúc cơm cho cá dưới ao, sao mẹ tôi cũng đồng ý theo bố mà đi!

Trong nhà mẹ đang gấp gọn quần áo, nói không cần mang chăn mền mùng đi, để hết ở nhà cho con Thơ. Rồi hai người đi thu dọn bát đĩa, mấy cái bát có thời ông bà cố, bố cứ nâng lên hạ xuống. Chẳng nói nhưng như chia gia tài, cái gì bố mẹ cũng để lại một phần còn lại gói ghém cả vào mấy chiếc bì dứa. Mẹ lau lại bàn thờ, ra vườn hái   hoa bưởi mang vào thắp hương. Chập tối chú Hoán đánh xe trâu đến, bỏ cả đồ đạc lên xe, ba người ra ga Đồng Giang. Biết đến giờ này không thể níu giữ được bố mẹ nên đành xuống thang, tôi leo lên cái xe cọc cạch lăn bánh vào màn đêm. Bố chọn ra đi lúc tối trời để không phải thấy sự chia tay xóm giềng, mẹ tôi tưởng tôi đã đồng ý đi nên vui bừng lên trong khoé mắt.

Tiếng nhân viên nhà ga nhắc:

– Tàu SE2 sắp đến, tàu SE2 sắp đến, hàng khách lên tàu lưu ý, hành khách lên tàu lưu ý. Tôi giấu những giọt nước mắt, mang đồ đạc lên tàu. Mẹ dịu giọng:

– Con cùng đi với bố mẹ vào với anh Thi nhé!

– Con không đi, chúc bố mẹ đi bình an.

Bố không nói gì chỉ nhìn ra cửa sổ tàu. Con tàu hú lên những tiếng dài, nhân viên nhắc tàu sắp chuyển bánh. Tôi vội vàng rời tàu, người đi cũng đã đi, người tiễn cũng đã về, sân ga vắng ngắt đến đột ngột, đêm trở lại đen kịt, hơi hoảng khi không thấy chú Hoán đâu, tôi vội vàng chạy bổ về con đường sống trâu mấp mô tối thăm thẳm. Những bụi cây ven đường cứ y như con hổ, con chó gầm gừ nhe răng, đom đóm lập loè tạt cả vào mặt. Nhưng mà chúng cũng không làm tôi sợ, chỉ sợ không đuổi kịp chú Hoán. Tôi chồm lên, thụp xuống ngã dúi dụi theo tiếng lộc cộc, chú Hoán họ trâu khi thấy một bóng đen nhào đến:

– Chú tưởng cháu đã đồng ý đi với bố mẹ , thế mà chú đi xa không đuổi kịp thì mày đi làm sao trong đêm đen thế này?

– Bố mẹ cháu đi rồi về ấy mà.

Tôi trả lời gọn lỏn, chắc nịch rồi trèo lên xe ngồi bó gối im lặng lắng nghe âm thanh xa hút của con tàu đang xuôi phương Nam.

Tôi vẫn nhớ như in ngày ra đi của bố mẹ  như thế. Tôi đã thề, đã hứa là không bao giờ đến đó, tôi ghen tị nơi đó, vì nơi đó mà anh Thi, rồi ba má tôi tưởng đến với anh Thi vài năm rồi về nào đâu cũng bỏ quê, để tôi ở lại một mình.

Hơn mười năm chỉ bố và anh Thi trở lại quê mấy lần, hỏi sao mẹ không về, bố bảo mẹ giờ đi xa không được. Tôi nói: Bố mẹ về quê đi, con xây được nhà cửa rồi, mua lại đất vườn bố bán đi dạo ấy. Bố bảo:

– Nơi đâu trên đất nước mình cũng là quê hương, con cũng trưởng thành khôn lớn lo chồng con đi, anh Thi con gắn bó với trong ấy rồi.

– Anh ấy không về quê ư? nhà có vài người mà mỗi người mỗi nơi!

Bố nhìn tôi:

– Hãy để cho anh vui với việc làm của anh, vả lại nơi đó đang cần những con người như anh Thi con.

***

Anh Thi nói trong điện thoại:

– Lẽ ra anh nói cho út biết sớm, ba má  bịnh cả rồi, bây giờ đang dịch, anh có muốn út vào cũng khó mà đi được.

Tôi nghẹn ngào lên trong máy:

– Bố mẹ bị covid khi nào? Sao bây giờ anh mới nói cho em biết!

– Cả xã, cả huyện phong toả rồi út!

Bây giờ tôi muốn vào nơi đó, nơi người thân yêu mến ở thì đã không thể đi được. Dịch mỗi ngày một bùng phát mạnh. Mỗi ngày nhìn qua zalo cha mẹ già héo hon ôm ngực ho tôi ân hận vô hồi. Phải chi khi xưa tôi bớt ương bướng cố chấp mà theo bố mẹ có phải không, ước mình có cánh để bay đến  Bình Hoà Bắc kia. Tôi ra đường Một bắt xe nhưng chả có xe nào cho đi, bây giờ đi ra khỏi tỉnh đều phải có giấy cho phép của địa phương. Trên đường quốc lộ Một nhiều xe xuôi phương Nam chở các y bác sĩ, hoa quả, rau củ, thức ăn, đồ tiếp tế cho Thành phố Hồ Chí Minh. Không thể vào trong đó lúc này. Đành thế!

Thời sự mỗi ngày đều nóng lên, con số mắc covid tăng chóng mặt. Nhà máy đóng cửa, người trong thành phố ào ào đổ về quê gây nên một làn sóng hoang mang và dịch bệnh. Giữa lúc ấy mẹ tôi nằm xuống, những toan tính xuôi phương Nam của tôi dồn vào bế tắc! Anh Thi tất bật với đám tang mẹ, bởi phải cách li nên công việc tang gia thêm phần bối rối, người đến viếng và lo hậu sự hạn chế không được quá mười người. Anh đã mua được áo quan cho mẹ vừa chụp cho tôi xem thì nghe đánh rụp một cái đường truyền mất tín hiệu, Tôi gọi lại. điện thoại, zalo, fb đều anh đều không bắt máy. Lòng như đứng đống lửa, ngồi đống than. Đành quay máy sang chị Lài bạn hàng xóm của anh Thi. Chị nói ậm ừ rằng bố tôi cũng đang mệt, có lẽ chị không muốn tôi nghe tin dữ, lòng tôi rối tinh lên như có đống lửa ở trong bụng. Khuya, anh Thi nhắn tin vẻn vẹn ba chữ: Ba đi rồi!

Dịch COVID-19? Mày là ai mà tai nghiệt thế! Có đứa con nào bất hiếu như tao không? Có sự xa cách nào đau lòng thế này không! Tôi tìm ngậu xạ trong danh bạ, trên mạng những bạn bè của anh Thi, người thì bị cách li vì đang bệnh, chỉ còn Huy. Huy bảo: “ Huy tới từ hồi sớm, ở lại luôn cùng anh Thi lo cho hai bác, Thơ cứ yên lòng đi ha, rồi Huy gửi tin tức cho Thơ coi nè.” Tôi đã đưa tiễn bố mẹ tôi về nơi yên nghỉ cuối cùng như thế đấy!

***

Thành Phố Hồ chí Minh và các tỉnh Miền nam lưu thông trở lại việc đầu tiên là tôi đi về nơi cha mẹ mình. Người đón tôi tại bến xe miền Đông là Huy. Mừng húm khi thấy Huy, người duy nhất tôi quen biết nơi xứ sở lạ lẫm này. Huy nhận ra tôi ngay vì: “Thơ ở ngoài đó da trắng, môi hồng” Tôi nghĩ: “Lơ ngơ như con gà lạc giữa bến xe đông nhất miền Tây thì ai mà chả nhận ra”. Ra khỏi thành phố xe chạy miên man qua những đồng ruộng mùa này ngập nước, năm lác đứng lắt lay trên đồng. Đôi khi có những quán nước nhiều võng đong đưa, cảnh vật con người đều lạ lẫm nhưng dâng dần lên trong tôi tình cảm trìu mến.

Về gần nhà, Huy bảo: “Xem Thơ có nhận ra nhà anh Thi không nha” Con đường rải đất đỏ mới ướt nước hồi đêm mưa rào làm bánh xe trơn tuột, tôi cứ phải ôm riết lấy Huy, lúc lên xe tôi đã kịp chèn cái túi du lịch giữa hai đứa mà vẫn cứ xô dúi dụi vào lưng Huy. Huy nhắc tôi ôm xiết eo Huy khỏi ngã.

Nhìn từ xa thấy một người đứng cuối bờ lau, nhà anh tôi cuối ấp, có phải kia  không? Đã qua mấy cầu xi măng, chưa thấy cầu gỗ, nhà anh Thi phải băng qua kênh trên cây cầu gỗ.

Cuối cùng thì cây cầu gỗ cũng xuất hiện, một người đàn ông trung niên đứng bên cầu đợi sẵn. Anh Thi đấy, tôi nhào đến, anh lập cập giơ tay ra đón tôi, đôi tròng mắt đã mờ đục, một con mắt đã sập kín lại. Vẫn bộ quần áo bộ đội bạc màu, cử chỉ chậm chạp hơn. Anh dẫn tôi đi từng bước trên cây cầu khỉ bắc bằng các tấm bắp cày, cầu rung rung, rệu rạo, không có cây tre vịn tay nên tôi thận trọng dò từng bước. Vậy mà Huy vẫn phóng xe máy băng băng qua. Anh nói kênh này chảy ra Vàm cỏ Đông, dưới kênh con thuyền mui lớn nằm im lìm, nước lắng trong nhìn thấu đáy. Qua sân rộng là ngôi nhà xây mỗi mặt tiền, ken lá dừa hai bên hông, kiểu đặc trưng nhà vùng Nam bộ.

Tôi ôm lấy di ảnh cha mẹ nức nở hồi lâu, khi mở mắt nhìn sang kế bên là một bàn nhiều bát hương nhỏ đã được thờ phụng từ lâu, không tiện hỏi anh. Tôi ra bên hông có mái hiên nơi kê bộ bàn trà. Thấp xuống dưới mái tàu dừa là vạt cải xanh um, xa kia là cánh đồng đang mùa nước nổi, xế bên và  đằng sau nhà vườn cây trái chạy dài. Anh tôi chưa già nhưng trông yếu bởi những mảnh đạn, viên bom bi còn nằm trong người không thể lấy ra được. Chuyến này nhất định tôi kéo anh về quê, tôi giục anh đi ra thăm mộ bố mẹ. Đợi cho tôi xả cơn khóc thèm của đứa con gái không ở bên người thân giờ phút chia ly, anh đi nhặt từng cọng cỏ trên những ngôi mộ. Một nghĩa trang nhỏ nhắn chừng hai mươi ngôi. Tôi dè dặt hỏi:

– Thế ra nhà mình ở gần nghĩa trang hả anh?

Anh bảo:

– Đâu có, nghĩa trang của xã ở cánh đồng bên kia, đây là nghĩa trang của anh, ba má mất anh cũng đặt ba má ở đây cho gần gụi!

– Sao lại là nghĩa trang của anh?

Điều này thì bây giờ tôi mới biết, tôi thảng thốt lẫn ngạc nhiên! Buổi tối Huy đã về còn lại hai anh em giãi bày tâm sự:

– Lúc út ra đời thì anh đã nhập ngũ được mấy tháng, út có thể không rõ chứ anh thì biết, ba mình khi còn trẻ ông đã đi tuốt luốt vô tận trong này, rồi quen biết má, anh sinh ra ở mảnh đất Bình Hoà Bắc này. Hiệp định năm 1954 ba má về  Bắc, anh lớn lên vô bộ đội xui khiến hay duyên cớ chi anh lại đóng quân ngay chính nơi mình sinh ra. Vùng này giáp biên giới nước bạn Cam-Pu- Chia, thường sảy ra những cuộc chiến giữa ta và địch. Lực lượng không cân sức sau một tháng cầm cự. Lúc ấy chỉ còn anh, trung đội trưởng bị thương ở đầu gối, anh nuôi bị thương ngực phải, máu ra nhiều. Trung đội trưởng ra lệnh cho anh vượt vòng vây tìm về tiểu đoàn xin tiếp viện, không nỡ rời bỏ hai người ở lại trận địa. Nhưng quân lệnh như sơn, anh để lại phần cơm ít ỏi đã khô cứng lẫn đất bụi bám cho hai anh rồi rén theo ven sình về được tiểu đoàn. Khi quân ta tiếp viện đến bọn giặc đã rút lui, tìm mãi không thấy đại đội trưởng và anh nuôi. Chỉ thấy mỗi một cánh tay khô teo trên chạc ba cây sú. Mọi người cho rằng chúng đã bắt sống hai người đi. Cũng có khả năng hai người đã hy sinh. Sau giải phóng nhiều đơn vị chiến đấu tan tác nên gộp phiên chế mới, lại khó tìm nhau. Anh ra quân, nhưng có một điều cứ thôi thúc anh đi về miền chiến đấu năm xưa. Ban đầu anh chỉ tính đi thăm lại chiến trường, tìm đồng đội, bà con vùng chiến đấu còn sống, hay hài cốt anh em.

– Thế rồi anh không chịu về nữa, để bố mẹ lại cũng vào với anh?

Anh quay sang tôi:

– Thì đây cũng là quê hương, chỉ có con bé con này cứng đầu cứng cổ không chịu vô.

Tôi cự nự:

– Lúc ấy em mới lớn, Em không có kỉ niệm gắn bó với nơi này như anh với bố mẹ, quê hương ngoài đó gắn bó với em hơn, em nghĩ em không đi thì thế nào bố mẹ cũng quay về, thế mà…

Tôi nghẹn ngào bỏ lửng không nói nên câu! Anh véo má tôi:

– Anh không trách út, tuổi trẻ thường nông nổi, vả lại em là con gái, ai tính trước được, nào ngờ cô út lì lợm, tự lập quá ta.

Anh chỉ tay ra khu vườn chìm nghỉm trong màn đêm. Chậm rãi nói tiếp:

– Vùng này trước kia là căn cứ cách mạng, trong những lúc phát hoang trên giồng hay dưới sình anh phát hiện ra một số bộ hài cốt, có bộ còn tư trang, có bộ chỉ còn sót lại vài khúc xương óng, cứ gom góp từng cái rồi mang chôn cất. Một ngày anh thấy hai bộ hài cốt mà có ba xương óng tay trong một cái hầm sập, anh nhận ra hộp sọ, bộ xương của trung đội trưởng và anh nuôi. Khi hoàn thành xong khu vườn cây trái, đào ao thả cá, làm ruộng lúa nước là lúc anh cất bốc được mười tám hài cốt. Cả bên kia, bên mình, cả trẻ nhỏ, phụ nữ, chắc là chạy giặc trúng pháo.  Rồi anh cứ đào bới miết vì nghĩ biết đâu lại thấy hài cốt đồng đội. Thấy anh có khu đất đẹp có người hỏi mua, đi xem  vườn nhìn cái nghĩa địa nhỏ họ lại thôi.  Mấy lần ba bàn với anh đi về quê, người già lại muốn về quê cha đất tổ. Mỗi lần như thế anh lại nằm mơ thấy có người đứng đầu giường nói anh đừng  bỏ họ mà đi.

Anh vung hai tay khỏa khoả cho đỡ mỏi:

– Út xem đấy khí hậu và con người trong này rất ôn hoà, anh ngoài làm ruộng vườn cũng bận công việc hội cựu chiến binh xã nên ba má cũng phải trợ giúp anh nhiều.

Anh lau lau cái gọng kính đeo lên hai con mắt mờ đục, khẽ bấm bả vai. Tôi đến bên bóp vai cho anh rồi thắp thêm nén nhang trên bàn thờ bố mẹ, bàn thờ đồng đội anh, cả những người vô danh ngoài kia để họ khỏi hương tàn khói lạnh.

Anh em tôi cứ miên man câu truyện của nhiều năm, tới khi có tiếng gà gáy tắc te trong xóm. Ngoài kia có bước chân qua cầu. Anh bảo:

– Thằng Huy vô đó, coi bộ nó thương út từ hồi út chưa vô đây.

Tôi chống chế:

– Cái anh này!

Huy đã vào đến sân, tay xách một bịch nilon, đến bàn bên hông nhà bày từng thứ  ra.  Anh Thi bước ra hỏi:

– Huy đó phải hôn!

– Dạ, anh Hai, em mang đồ ăn đến sớm cho nhỏ Thơ, lỡ út chưa quen món ăn trong nầy nên em tự nấu đó anh Hai!

– Nhiệt tình ha, hôm nay cậu mắc công chuyện gì hông ta. Có thể ở lại đây cùng với nhỏ Thơ hai đứa lặt lá vườn mai cho anh đặng kịp Tết ha?

– Dạ anh! Thế thì hên quá ta, em  nhận ngay anh Hai à!

Tôi bước ra hiên, tóc tai chưa kịp chải, gặp ánh mắt Huy nhìn tôi, chàng trai đất phương Nam hiền hậu chân chất, mặt đỏ bừng, tay lóng ngóng, má tôi cũng nóng bừng, tôi ngập ngừng khẽ nói:

– Anh Huy bữa nay dạy em tuốt lá mai nhé!

– Ừa, rồi út ở lại đây cùng anh đón xuân sang nha!

Tôi không biết trả lời anh thế nào, thẹn thùng tránh ánh mắt ra ngoài hiên nơi có cây mai rung rinh lá, trên cao chợt nghe có tiếng vỗ cánh của bầy chim thiên di, đất trời phương Nam ửng ửng hồng.

N.T.D