Ba lần gặp ông “Trại trưởng sáng tác” – Tản văn Châu La Việt

578

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cái đời cầm súng, cầm bút của tôi, từ cái thuở ở chiến trường Cánh đồng Chum Lào 1970, cho đến hôm nay là cựu chiến binh, nói thật là cũng may mắn được đi dự nhiều trại viết trong và ngoài quân đội. Nhưng ấn tượng với tôi nhiều hơn cả, là một Trưởng trại so với chúng tôi còn trẻ măng – Đại úy Biên tập viên NXB Quân đội Nguyễn Xuân Hùng.


Các nhà văn TP.HCM ở trại viết.

Năm 2018, chúng tôi được mời tham gia Trại sáng tác văn học – nghệ thuật về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” do NXB Quân đội và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Nha trang. Được gặp ở đây nhiều đàn anh “cao thủ”, từ Nhà văn thầy giáo Chi Phan, nhà văn Nguyễn Trọng Tân, nhà thơ – họa sỹ NSND Lê Huy Quang, nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên… rồi các nhà thơ Đại tá Mai Nam Thắng, nhà văn biên kịch đại tá Nguyễn Minh Ngọc, các nhà văn nữ Trầm Hương, Trần Việt Nga… Phải nói toàn những gương mặt văn chương sáng giá và “dữ dằn”. Nhưng trại trưởng sáng tác lại là một anh lính có gương mặt trẻ măng, thoạt nhìn hiền khô và hay tủm tỉm cười. Đó là Đại úy Nguyễn Xuân Hùng, người Tĩnh Gia Thanh Hóa, nhiều năm là lính Quân đoàn 3 Tây Nguyên, từng tốt nghiệp khóa viết văn đầu tiên Đại học VHVN Quân đội và hiện là biên tập viên phòng văn nghệ NXB QĐ.

Nói thật buổi đầu, thấy trại viết về phía NXB QĐ là những Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện, Đại tá Giám đốc Kiều Bách Tuấn, Đại tá Trưởng phòng Văn nghệ Nguyễn Văn Sáu… cũng thấy “yên tâm” về phía nhà tổ chức. Nhưng những ngày sau khi các anh về Hà Nội, trại chỉ còn lại Trại trưởng Nguyễn Xuân Hùng, khuôn mặt tuổi đời lại trẻ như thế, thú thực tôi cũng có phần chờn chợn và ái ngại cho “trại viết”. Thôi thì chẳng nói những việc ngoại giao, xã giao lớn với địa phương, với những đơn vị chung quanh để lo cho trại viết hoạt động tốt, chỉ nội việc chăm sóc, phụng dưỡng, nói trắng ra là “hầu hạ” các bác có tuổi, nhất lại là giới văn chương văn nghệ, thật cũng là chuyện không đơn giản, nếu không nói nhiều rắc rối, phiền toái lắm. Nhất là các bác ấy, viết hay thì cũng là hay, nhưng lại hay hưng phấn, lại hay rượu, có khi uống rượu thâu đêm suốt sáng, và khi sướng lên là mắng, là chửi, là “vỗ bàn đập ghế”… với bất cứ ai nhiều khi cũng chẳng vì lý do gì!

Ấy vậy mà rồi với đồng chí trại trưởng Hùng, lúc nào như cũng có thừa sự nhã nhặn, nhiệt tình, một dạ hai vâng, chiều lòng và chăm sóc được hết mọi người. Nguyễn Trọng Tân bảo “Thằng này được quá”. Lê Huy Quang bảo: “Chú Hùng nhiệt tình, tốt tính”…Cơm tiểu táo ngày ba bữa, thuốc trà nước non đầy đủ, chiều lại kính mời các bác ra giỡn đùa sóng biển (Nhưng chớ ra xa). Đời nhà văn mà như thế quả đúng như là tiên. Và khi kết thúc trại viết, đã có 17 bản thảo tiểu thuyết, trường ca, tập truyện ngắn…được các nhà văn trên chẳng biết lia bút lúc nào, mà đều đóng tập dày cộm nộp cho trại, ngay tắp lự được Nhà xuất bản Quân đội đưa vào in ấn!

Đến năm 2018, Trại sáng tác văn học – nghệ thuật về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” được tổ chức tại TP Vũng Tàu. Thành phần tham gia xem ra có phần “dữ dội” hơn (cả về tuổi đời, tuổi nghề) với nhiều “Trưởng Thượng” như Hà Đình Cẩn – 75 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, Giải thưởng Nhà nước về VHNT; Nguyễn Ngọc Mộc – 76 tuổi đời, 20 năm quân đội, 20 năm công an, hai lần giải thưởng văn học sông Mê Kong; Trần Văn Tuấn, tuổi đời cũng ngoài 70 – Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM, Giải thưởng văn học ASEAN, rồi nhà văn Nguyễn Trường, nữ nhà văn Hải Hà cũng đều xấp xỉ U70… Và điều thú vị là “Trưởng trại sáng tác” chẳng là ai khác, vẫn là Đại úy Nguyễn Xuân Hùng, gương mặt trẻ măng so với các bậc cao niên, và xem ra công việc Trưởng trại của anh cũng đã có “thâm niên” kinh nghiệm hơn, phong phú hơn, không chỉ chăm lo giấc ngủ, bữa ăn, điều kiện sáng tác cho các bác “không thể chê vào đâu”, mà rồi còn năng động tổ chức tham quan, hội thảo, giao lưu, đàn hát… sôi nổi náo nức lắm. Cho nên mùa gặt năm ấy xem ra cũng bội thu hơn. Kết thúc trại viết, 20 tiểu thuyết, trường ca được hoàn thành, trong đó có những tác phẩm xuất sắc được NXB QĐ đưa vào xuất bản ngay, như Người từ chối vinh quang (Tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Mộc), Rừng hẹn (Tiểu thuyết của Hà Đình Cẩn), Dòng sông thơm hương cỏ xương Bồ (Trường ca của Châu La Việt), Cơm Bắc giặc Nam (Tiểu thuyết của Phùng Phương Quý), Vẫn là binh nhất (Tiểu thuyết của Trần Văn Tuần), Trăng cuối tháng (Tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hương)…

Năm 2020 này, cũng trại viết về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” do NXB QĐ và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Tại TP hoa Đà Lạt. Bên những gương mặt nhà văn gạo cội vẫn luôn đau đáu và thiết tha viết về người người lính, có những giáo sư tiến sỹ và lý luận phê bình, có những gương mặt trẻ lần đầu tham gia trại. Nhưng Trại trưởng vẫn là gương mặt thân quen, giàu uy tín Nguyễn Xuân Hùng. Và với sự chăm lo tốt của NXB mà đại diện là Nguyễn Xuân Hùng, vụ mùa năm nay của Trại viết cũng gọi là bội thu, với 16 bản thảo hoàn chỉnh, trong đó có 10 tiểu thuyết, một trường ca, 2 tập bút ký và truyện ký, 3 tập nghiên cứu phê bình văn học và 2 đề cương tiểu thuyết; trong đó một số đề cương bản thảo tiểu thuyết và trường ca có tính khả thi cao để NXB QĐ tiếp tục mời tác giả đi tiếp trại viết chuyên sâu của Nhà xuất bản từ 2 đến 3 tháng hoàn chỉnh tác phẩm..

Ngày kết thúc trại, tôi được lắng nghe rất nhiều cảm xúc của những nhà văn tham gia trại, những nhà văn có người đã 75, 77 tuổi đời (Nguyễn Ngọc Mộc, Hà Đình Cẩn), 52 tuổi Đảng (Hà Đình Cẩn), nhập ngũ từ những năm 60 thế kỷ trước (Nguyễn Ngọc Mộc, Hà Đình Cẩn, Châu La Việt), từng tham gia trại viết do NXB QĐ tổ chức từ 50 năm trước (1970) và đến nay vẫn bền bỉ tham gia trại viết này (Châu La Việt)… Họ nói lên tiếng nói trái tim mình, chân thành cảm ơn Cục tuyên huấn Tổng cục chính trị, Đảng ủy, Ban giám đốc NXB QĐ, cùng Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rất quan tâm đến đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng”, rất quan tâm tới các thế hệ nhà văn, nhà thơ tâm huyết với đề tài này, để tổ chức các trại viết, thu hút và chăm lo các nhà văn, nhà thơ thuộc nhiều thế hệ có những tác phẩm tốt. Họ chân thành cảm ơn Đại úy Trưởng trại Nguyễn Xuân Hùng, đã thay mặt Ban lãnh đạo NXB QĐ tổ chức và chăm lo rất tốt cho anh em trại viên trong quá trình ăn ở, sáng tác tại trại (Ăn uống ngon, sinh hoạt lành mạnh, tuy nhiều trại viên rất lớn tuổi nhưng không ai có diễn biến xấu về sức khỏe), có nhiều hoạt động giao lưu, hội thảo, trao đổi, tham quan bổ ích cho các trại viên trong nghề nghiệp và sáng tác. “Đồng chí Hùng nhiệt tình, tận tụy, trách nhiệm trong công việc, có năng lực tổ chức, nhiều sáng tạo trong công việc, cuộc sống giản dị, chân thật, lễ phép, nên được các trại viên tuổi cha tuổi chú đều rất yêu mến, tin cậy”, nhà văn Nguyễn Thanh Hương tâm sự…

Còn với tôi, xin được kể thêm một kỷ niệm nhỏ với Đại úy Trưởng Trại Nguyễn Xuân Hùng. Dịp ở Nha trang, có một chiều một bác lớn tuổi (85) ôm một chai rượu đến trại tìm Xuân Hùng. Anh mời tôi cùng anh ra một quán nhỏ để tiếp bác.Thì hóa ra đấy là một người lớn tuổi yêu văn học, 85 tuổi vẫn cầm bút thâu đêm suốt sáng để viết nên tiểu thuyết đầu tiên đời mình, Mắt biếc Hồ Tây gửi đến NXB QĐ và được Nguyễn Xuân Hùng biên tập thành sách in dày cộp giới thiệu với đông đảo công chúng. Nói thật cả bữa rượu ấy tôi nhìn cả hai – một già một trẻ mà hết sức cảm phục. Cảm phục tình yêu văn học của một người cầm bút lớn tuổi. Cảm phục lòng kiên trì và tận tâm của biên tập viên trẻ tuổi. Cạn nhau ly rượu, mà thấy lòng vô cùng lâng lâng, nhất là với chú Nguyễn Xuân Hùng…

Lại thêm một kỷ niệm nữa, cách đây ít tháng, Nguyễn Xuân Hùng gửi tôi một tập ký sự của anh mới in xong ở NXB Văn học “Sóng quê”, kèm theo lời tâm sự rằng, anh mong muốn được gia nhập Hội Nhà văn VN lần này. “Trước hết cháu vì công việc chú ạ. Vì làm Trại trưởng ‘thường trực’, làm biên tập sách văn học, nếu mình là Hội viên Hội Nhà văn VN thì cũng thuận lợi, tốt cho công việc hơn ạ…”

Tôi thiển nghĩ, một nguyện vọng chính đáng như thế, có ai nỡ khước từ “Ông Trại tưởng” trại sáng tác không phải chỉ của riêng tôi?

C.L.V