Bài thơ Bắt nạt tiếp tục gây tranh cãi khi đưa vào sách giáo khoa

409

Bài thơ “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh tiếp tục gây tranh cãi trên các diễn đàn. Đây là lần thứ hai tác phẩm này gây tranh cãi. Không ít phụ huynh, thi sĩ cho rằng bài thơ là “thảm họa” trong sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6.

Nguyên văn bài thơ Bắt nạt trong SGK Ngữ văn lớp 6

Tranh cãi nảy lửa

Bài thơ Bắt nạt (trích trong tập thơ Ra vườn nhặt nắng) của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh – được in trong sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục – gây ra tranh cãi suốt những ngày qua. Số đông cho rằng bài thơ tối nghĩa, từ ngữ nghèo nàn, không phù hợp để đưa vào SGK môn Ngữ văn lớp 6.

“Ngày trước có rất nhiều bài thơ hay và trẻ con vẫn hiểu, tại sao phải đưa một bài thơ có quá nhiều tranh cãi vào sách giáo khoa. Nội dung lủng củng, ngôn từ sáo rỗng, gieo vần không dễ nhớ. Bài thơ dở thật, nếu nó hay thì không ai ý kiến gì”, chị Hoàng My nhận xét.

“Hồi con tôi còn học lớp 6 con đã nói bài thơ này buồn cười, chỉ học qua thôi. Còn tôi hiểu rằng nó như một bài tham khảo nhưng nếu không có bài này trong sách thì sách sẽ hay hơn”, “Đây là hạt sạn rất lớn đối với một tác phẩm được chọn đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh”, “Hồi xưa đi học chỉ cần đọc là thuộc, hiểu ngay nội dung trong bài. Bây giờ các cháu đi học phải vò đầu, vắt óc ra suy nghĩ về mù tạt, sao bắt nạt lại bị hôi”… là một số phản hồi của phụ huynh về bài thơ này.

Các nhà thơ cũng không thể ngồi yên khi một bài thơ ít tính nghệ thuật, ý nghĩa không rõ ràng được đưa vào SGK Ngữ văn lớp 6. Nhà thơ Phùng Hiệu – Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, Thành viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ biên Văn chương phương Nam cho rằng bài Bắt nạt của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh không phải thơ bởi ngôn ngữ trong bài thô, khô cứng, cấu tứ lộn xộn, vụng về, lòng vòng, lủng củng.

“Có những khổ thơ làm xấu hình ảnh ngôn ngữ và mất hẳn tính thẩm mỹ của thi ca. Bài thơ này chưa đạt tầm hò vè, không thể nói là thơ”, nhà thơ Phùng Hiệu chia sẻ với Tiền Phong.

Ông bày tỏ sự bối rối khi một bài thơ có ngôn từ ngô nghê, lòng vòng, lủng củng, khó hiểu lại được đưa vào chương trình ngữ văn lớp 6. Đoạn thơ “Bạn nào bắt nạt bạn/Cứ đưa bài thơ này/Bảo nếu cần bắt nạt/Thì đến gặp tớ ngay/ Cứ đến bắt nạt tớ/Bị bắt nạt quen rồi/Vẫn không thích bắt nạt/Vì bắt nạt rất hôi?” được cho là phần lòng vòng khó hiểu nhất trong bài.

Bên cạnh những lời chê, bài thơ cũng nhận về những lời khen khi tác giả khai thác đề tài “nóng” trong xã hội là bạo lực học đường. Không ít phụ huynh cho rằng bài thơ ngô nghê bởi tác giả đang vào vai học sinh để làm thơ và kể lại câu chuyện của mình. Đây không phải lần đầu bài thơ này gây tranh cãi, bởi ngay từ khi có bản in thử nghiệm năm 2021 đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều.

 

Lựa chọn thiếu sót

Giữa muôn vàn ý kiến tranh cãi, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh lên tiếng chia sẻ trên trang cá nhân. Anh mong các bậc phụ huynh có thể đón nhận những “luồng gió mới” của văn chương hiện đại trên sách giáo khoa. Thực tế, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh sáng tác hàng nghìn bài thơ từ khi tuổi còn rất trẻ, nhiều bài thơ của anh được ngợi khen. Anh là tác giả tiểu thuyết Chuyện của thiên tài, từng gây nhiều tiếng vang trên văn đàn và đoạt giải thưởng.

Với những gì Nguyễn Thế Hoàng Linh có được, việc tác phẩm của anh được chọn đưa vào SGK là hợp lý tuy nhiên Bắt nạt không phải lựa chọn sáng suốt bởi đây không phải tác phẩm “đắt giá” của anh. Trước đó, câu chuyện về sự sáo mòn, cũ kỹ trong giảng dạy môn Ngữ văn nhiều lần được bàn luận.

Có thể nhận thấy phụ huynh, các tác giả, nhà văn, nhà thơ lên tiếng về bài thơ Bắt nạt không hoàn toàn chỉ trích, mạt sát tác giả mà phần đông hướng tới câu chuyện cải tiến, đổi mới sách giáo khoa. Đổi mới cách dạy, cách cảm thụ văn học, các tác phẩm văn thơ trong SGK là cần thiết nhưng một tác phẩm văn học cần đảm bảo cả tính nghệ thuật và ý nghĩa của nó.

Bắt nạt nằm trong tập thơ Ra vườn nhặt nắng của Nguyễn Thế Hoàng Linh (NXB Thế giới, 2017). Theo chia sẻ của tác giả, tập thơ này đã tiêu thụ 11.000 bản và ông chưa từng dính điều tiếng nào cho đến khi bài thơ được đưa vào sách ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục Việt Nam).

Nhà thơ Phùng Hiệu khẳng định việc chọn tác phẩm văn học để đưa vào sách giáo khoa và giảng dạy cho các em nhỏ cần sự thẩm định, chọn lựa kỹ càng.

“Việc chọn tác phẩm văn học đưa vào sách giáo khoa rất cần sự thẩm định, chọn lựa kỹ càng. Cần cân nhắc về đối tượng tiếp nhận và suy xét đến trường hợp tác phẩm được bộ phận hay nhóm nhà chuyên môn đồng thuận, nhưng việc giảng dạy về nó với lứa tuổi thiếu niên đã phù hợp hay chưa”, nhà thơ Phùng Hiệu nêu.

Nhiều người cho rằng đã nhiều năm trôi qua nhưng cách cách dạy văn cũ kỹ, sách giáo khoa không đổi mới, quanh đi quẩn lại chỉ xoay quanh một vài tác phẩm văn học giai đoạn chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ… Đến nay, loạt tác phẩm của Thơ Mới, của dòng Văn học hiện thực phê phán… vẫn được xem là những tác phẩm kinh điển của giai đoạn rực rỡ bậc nhất trong văn chương Việt Nam.

Theo Tiền Phong