Vũ Tuấn Hoàng
NXB Hội nhà văn 2009, 2018
Con lai – Những đứa trẻ không chỉ của hai chủng tộc mà còn của hai nền văn hóa. Sự va chạm đó luôn luôn là một hiện tượng bất thường không chỉ thể hiện ở ngoại hình pha trộn mà còn ở số phận của những cá nhân mang trong mình hai dòng máu. Tachiana Nguyễn – Một cô bé lai Nga – Việt bị bỏ rơi, không cha không mẹ, vươn lên trở thành một nghệ sĩ vĩ cầm quốc tế. Đằng sau những âm thanh du dương và vẻ ngoài yêu kiều, sang trọng, những mối quan hệ với giới thượng lưu Ukraine, Tachian luôn phải sống trong một nỗi cô đơn tột cùng vì không biết cha mẹ mình là ai? Thậm chí, số phận còn xô đẩy cô vào hoàn cảnh trớ trêu, cả trong vòng lao lý, tù tội. Ông trời đã an bài cho cô là con người của hai nền văn hóa. Cô đứng giữa hai sự lựa chọn và cảm thấy bất lực khi quyết định dứt khoát đứng hẳn về một bên. Một điều rất may mắn, chính cây vĩ cầm, chính nghệ thuật đã dung hòa hay nói chính xác hơn là cộng hưởng được hai nền văn hóa trong con người cô.
Làm sao Tachiana thoát ra khỏi được những cạm bẫy nham hiểm của người đời? Làm sao cô tìm thấy được ý nghĩa của đời mình?
Chương X
“Chắc không cần phải nhiều lời khi diễn tả tâm trạng một đứa trẻ lên sáu tuổi, chợt hiểu ra rằng, trên đời này mình không có một ai thân thích cả. Những buổi chiều thứ bảy mới nặng nề làm sao. Em đứng bên cửa sổ, chỉ dám he hé cái rèm cửa bụi bặm màu hồng nhạt ra để nhìn xuống cổng trường. Những đứa bạn cùng lớp đang ríu rít lao vào vòng tay của bố mẹ chúng đến đón trên những chiếc xe ô tô choáng lộn. Marina Trần, đứa bạn thân nhất với em, trước khi đóng cửa xe lại còn thò đầu ra vẫy tay về phía cửa sổ nơi em đang đứng. Em vội thụt người lại, giấu mặt vào sau tấm màn cửa mà cái mùi khen khét vì bụi và nắng của nó đến bây giờ vẫn không quên được. Những giọt nước mắt tủi thân cứ trào ra. Em quay trở lại phòng ngủ rộng mênh mông với những chiếc giường con xếp thành ba hàng thẳng tắp. Trên mỗi chiếc giường có đặt một chiếc gối xếp dựng lên như cánh buồm con. Cả một khoảng thời gian rất dài sau này, em luôn có mặc cảm với buổi chiều thứ Bảy. Đêm mới kinh khủng làm sao. Em hầu như không ngủ, chùm chăn kín cả đầu vì sợ ma, sợ những hình thù quái dị trên tường, trên trần nhà do bóng của mấy cành cây mơ dưới sân hắt lên. Em tưởng tượng ra lúc thì là đầu của con chó sói, lúc thì là mặt của tên kẻ cướp chột mắt trong cuốn phim vừa xem lúc chiều. Kinh khủng hơn nữa là những hôm gió to, chiếc đèn dưới sân bị chao đảo khiến những bóng cây trên tường như nhảy múa, rùng rợn hơn. Em cứ nằm im như vậy, mồ hôi lạnh túa ra khắp người, mãi đến sáng mới thiếp đi vì quá mệt mỏi, căng thẳng. Đến một hôm, đúng lúc em đang đứng nhìn xuống cổng trường thì chợt cảm thấy bàn tay ai đó đặt lên vai mình. Em quay đầu nhìn lại và đập ngay vào mắt là chiếc tạp dề cáu bẩn có thêu những bông hướng dương màu vàng nhem nhuốc. Em ngước mắt nhìn lên và nhận ra đó là bà Vera, người lao công quét dọn các phòng ở của khu nhà trẻ. Người bà to béo nhưng khuôn mặt lại rất thanh thoát, phúc hậu. Mỗi khi trong trường có ngày lễ hay ngày hội gì, bà thường đóng giả đàn ông và hát bằng một giọng ồm ồm rất vang. Bà chơi rất giỏi cả piano và đàn phong cầm. Khổ người to béo như thế nhưng bà nhảy rất điêu luyện, nhất là các điệu vũ dân gian Ucraina. Bà bị chứng viêm khớp nặng và ra mồ hôi tay. Cả trường biết bệnh này của bà, mà hình như bà còn lấy thế làm hãnh diện vì đó là bằng chứng thời con gái bà đã từng đi xây dựng công trình thanh niên thế kỷ BAM ở Siberia.
– Thôi hôm nay đến nhà bà chơi đi – Bà Vera vuốt tóc em và nói giọng an ủi. – Bà cũng có một mình thôi, ông ấy mới mất tháng trước.
Nhà bà Vera nằm cạnh khu chợ Trung tâm, thời Nga hoàng nơi đây bán ngựa giống nên tên chợ vẫn còn giữ lại đến bây giờ là “chợ Ngựa”. Bảy chục năm dưới thời chính quyền Xô Viết, người ta đã định đổi tên bao lần nhưng vẫn không được. Lòng dân không thuận. Ngôi nhà một tầng của bà nằm lọt thỏm trong một con phố nhỏ, đường vào gập ghềnh lồi lõm, rác rưởi vứt lung tung.
Bà Vera vừa tra chìa khóa vào ổ thì trong sân đã vang lên tiếng chó sủa nhặng xị, tiếng móng vuốt cào sàn sạt trên cửa, tiếng thở phì phò của một sinh vật đang muốn biểu lộ niềm sung sướng bị dồn nén. Hai người vào đến trong sân rồi mà chú chó lông xù vẫn còn nhảy chồm lên người bà Vera, đuôi ngoáy tít khiến bà phải quát lên:
– Thôi đủ rồi, Bim, mày đã chào khách chưa?
Con chó hiểu được tiếng chủ và ngước mắt lên nhìn em. Hai con mắt người và hai con mắt chó gặp nhau. Một tình cảm rất khó tả xâm chiếm toàn bộ cơ thể em khi nhìn sâu vào đôi mắt đen, to và ướt của nó. Bà Vera cho biết, nó là một con chó hoang, trong một đêm bão tuyết đã chạy vào nhà bà để trú rét. Hai ông bà xếp cho nó một chỗ ngủ cạnh lò sưởi, cho ăn và từ đó nó sống với ông bà như một thành viên trong gia đình. Bà kể rằng hôm chôn cất ông Sergay, bỗng nhiên cu cậu mất tích hai hôm liền. Bà phải xin nghỉ làm để đi tìm. Hóa ra, cu cậu ra tận nghĩa trang nơi chôn cất chủ, cách nhà hơn hai chục cây số và cứ nằm dài bên cạnh nấm mộ còn mới, mõm chúi xuống đất. Nước mắt chảy thành hai vệt trắng trên má. Ông bà có một đứa con trai làm việc ở Moscova, nhưng chỉ đánh điện về và nói là rất bận không về được, hỏi mẹ chi phí cho việc chôn cất hết bao nhiêu, anh ta sẽ gửi tiền về. Bà Vera buồn bã nói: “Chó nó còn tình cảm hơn người”.
Không hiểu sao, em cảm thấy chạnh lòng và nói với bà Vera:
– Con Bim nó cũng giống cháu, không cha không mẹ, đúng không bà?
Một hôm, có một cô bé xấu xí, bị điểm kém hơn em nên tức tối gọi em là “đồ con hoang, không cha không mẹ”. Đây là lần đầu tiên em hiểu thế nào là sự ghen tỵ của con người. Em đã không chịu nổi gào lên, lao vào giật tóc và đè cô bé đó ngã xuống hành lang ngay trước cửa phòng bà hiệu trưởng. Hai đứa vật lộn một lúc như hai con mèo con, tóc tai xõa xượi. Đúng lúc đó cánh cửa phòng hiệu trưởng bật mở. Bà hiệu trưởng không cần biết ai phải ai trái, bắt phạt em phải xin lỗi bạn kia và đứng vào góc lớp suốt cả buổi. Vì quá mệt mỏi, vì những nỗi oan ức đè nén trong tâm hồn trẻ thơ, em thiếp đi, dựa lưng vào chiếc tủ đựng đồ chơi và sách giáo khoa. Khi tỉnh lại, điều đầu tiên em nhìn thấy là khuôn mặt bà Vera. Em ôm chặt lấy bà và tủi thân khóc nấc lên. Học sinh ở trường đã về hết và người ta quên hẳn đứa bé bị phạt ở trong góc lớp học. Em thút thít kể lại câu chuyện bị phạt cho bà nghe. Bà Vera lau nước mắt cho em bằng vạt áo của mình và nói nhỏ: “Cháu có hiểu không, bố mẹ của bạn ấy rất giàu, bà hiệu trưởng vẫn thường xuyên nhận quà biếu của họ”.
Xã hội người lớn đầy cạm bẫy và bất công đã hé mở ra những ngóc ngách đen tối và hôi hám của nó trước mắt một con bé mồ côi dễ bị tổn thương.
Từ đó, chiều thứ Bảy nào bà Vera cũng đón em về nhà ở cho đến sáng thứ Hai mới quay lại trường. Ngôi nhà cũ kỹ và nhỏ bé của bà trở thành tổ ấm đầu tiên của em, và cũng là nơi em học những nốt nhạc đầu tiên trên chiếc đàn piano cổ lỗ sĩ của Đức để trong góc phòng khách, dưới bức tranh “Mùa thu vàng” của danh họa Levitan. Còn vì lý do vì sao em lại chọn cây đàn vĩ cầm thì đó lại liên quan tới một câu chuyện khá dài mà bà Vera đã kể cho em nghe trong một đêm đông lạnh giá, bên cạnh chiếc lò sưởi gang cháy đỏ nổ tí tách, tỏa ra mùi thơm thơm của những xúc gỗ anh đào.
Chuyện về mối tình cảm động giữa hai ông bà và kèm theo những bức ảnh đã cũ kỹ, ố vàng cất trong chiếc hộp gỗ để minh họa.
Em thực sự bị chấn động. Con người ta đúng là có số phận, việc làm quen rồi thân thiết với bà Vera, được bà dạy nhạc, được nghe bà kể câu chuyện về mối tình vô cùng cảm động của bà… tất cả những điều đó đã định hình trong em những cảm xúc thẩm mỹ đầu tiên trong thế giới huyền ảo của âm thanh. Chính trong tâm hồn cô đơn của một con bé mồ côi, những mầm non đó đã đâm chồi nảy lộc. Đến bây giờ em mới càng thấm thía và hiểu sâu sắc sự công bằng của tạo hóa: nếu con người ta bị mù thì các giác quan khác rất phát triển để bù đắp lại khiếm khuyết đó.
Âm nhạc đã làm thay chức năng của người cha và người mẹ trong tâm hồn em suốt thời thơ ấu…
Chương XI
…Sau thời gian phục vụ trên công trường thanh niên cộng sản, xây dựng tuyến đường sắt Baican-Amua, Vera được cử đi học đại học, khoa luật tại X. Gia đình cô sống chật chội trong căn hộ một buồng trên phố Bairon, ngoại ô thành phố. Việc cô được phân công về làm tại phòng cảnh sát hình sự của quận Kominter sau khi tốt nghiệp, đã hứa hẹn một tương lai khá sáng sủa. Cô gái có đôi mắt xanh và mái tóc vàng kiều diễm được vào biên chế ngay. Cô lại còn học thêm một bằng đại học tại chức nữa của ngành công an và ra làm thẩm phán. Chẳng bao lâu nữa, cô sẽ nhận được quân hàm trung úy… Một nơi ở mới rộng rãi, một công việc đầy thú vị mang đậm màu sắc quyến rũ ly kỳ kiểu Sholokhome cộng với đồng lương kha khá đang chờ đón. Năm 1970, mùa đông đến sớm hơn, đầu tháng mười một mà tuyết đã phủ trắng xóa đường phố. Vera khoan khoái hít thật sâu cái không khí lạnh, khô, khỏe khoắn thường chỉ có khi tuyết mới rơi. Những bông tuyết nhỏ xoay tít đáp khẽ lên chiếc mũ lông cáo xinh xắn trên mái tóc vàng óng ả của cô. Cô vui vì hôm nay là lần đầu tiên cô tự mua cho mình một chiếc mũ mới mà cô vẫn mong ước bấy lâu. Niềm vui nâng đôi chân nhỏ nhắn của cô bước thoăn thoắt trên bậc cầu thang dẫn lên tầng ba. Qua khe cửa hé mở của phòng làm việc, cô nhận ra giọng nói ồm ồm của thiếu tá Vitali, trưởng phòng của cô, đang nói chuyện qua điện thoại. “Chắc có việc gì gấp nên ông mới đến sớm như vậy”, cô chợt nghĩ trong đầu và đẩy cửa bước vào. Ông Vitali quay lại nhìn cô và lấy tay ra hiệu bảo cô ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Cô vừa treo áo và mũ vào tủ xong thì cũng là lúc cuộc nói chuyện điện thoại của ông chấm dứt. Ông xoa xoa hai bàn tay vào nhau và chống tay lên cằm ra chiều suy nghĩ. Trên bàn trước mặt ông là một tập hồ sơ dày cộp:
– Tôi suy nghĩ mãi và quyết định giao cho cô lấy khẩu cung của phạm nhân này. Cô đọc kỹ hồ sơ và tiến hành làm ngay cho tôi – nói đến đây, ông đẩy tập hồ sơ về phía Vera – Bên tòa án người ta vừa gọi điện sang giục. Tôi đã hứa trong vòng một tuần sẽ hoàn tất hồ sơ, cô thấy thế nào?
– Quả là cũng hơi gấp, nhưng tôi sẽ cố gắng, thưa thủ trưởng!
Thiếu tá Vitali không nói thêm một câu nào, đứng dậy và bước ra khỏi phòng.
Ngay chính lúc đó Vera không thể biết được rằng cuộc đời của cô đang đứng trước một bước ngoặt lớn mang tính định mệnh.
Vera chợt giật mình khi nghe thấy những tiếng chân bước lộp cộp ngoài hành lang. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên tiếp xúc với những tội phạm đặc biệt, song không hiểu sao cô vẫn có một linh cảm không bình thường. Tiếng gõ cửa vang lên khô khốc.
– Mời vào! – Vera chỉnh lại tư thế ngồi sau chiếc bàn làm việc màu nâu kê cạnh cửa sổ.
Cánh cửa bật mở. Thoạt tiên là người lính cảnh vệ to cao đeo súng tiểu liên bước vào. Anh ta giơ tay lên chào cô và bước tới đặt lên bàn một tờ giấy. Cô vừa ký nhận vào tờ giấy vừa nói với anh ta:
– Cho phạm nhân vào!
Đúng lúc cô ngẩng đầu lên và chìa tay ra để trả lại tờ biên lai cho anh lính áp giải thì trong khung cửa xuất hiện kẻ phạm tội dưới bộ dạng một thanh niên cao dong dỏng, trắng trẻo thư sinh. Ánh mắt hai người gặp nhau. Vera giật mình và cảm thấy như có một luồng điện chạy xuyên qua người, gai cả sống lưng. Cô tuột tay làm rơi tờ giấy xuống sàn nhà. Người lính áp giải cúi xuống nhặt rồi hất đầu về phía chiếc ghế kê sát tường:
– Ngồi xuống kia! Mở khóa tay cho anh ta! – cô ra lệnh và cảm thấy không hiểu sao từ giây phút phạm nhân bước vào phòng, tâm trạng cô đột nhiên thay đổi một cách khó hiểu. Cô cố tình tránh ánh mắt nhìn thẳng của anh ta bằng cách lật giở những trang hồ sơ để trên bàn. Anh lính áp tải tra chìa khóa vào chiếc còng số tám và giải phóng đôi tay cho phạm nhân. Chắc chiếc còng quá nhỏ nên phạm nhân cứ xoa xoa vết hằn đỏ ở cổ tay mãi. Bàn tay với những ngón dài thon mảnh, nhạy cảm như tay con gái đập vào mắt cô.
“Người có bàn tay kia mà lại là một tay ăn trộm cao thủ, thật không thể tin được!”- Vera nghĩ thầm trong bụng và có cảm giác rằng mình đã gặp chàng trai mắt xanh, tóc đen này ở đâu đó rồi.
Cánh cửa sau lưng người lính áp giải đóng lại. Trong phòng chỉ còn lại hai người. Một người đàn ông và một người phụ nữ. Họ sẽ còn phải làm việc với nhau như vậy hàng ngày, có thể là một tuần hoặc còn lâu hơn nữa. Tất cả những gì thuộc về cảm tính ban đầu đều qua đi, nhường chỗ cho những cuộc hỏi cung, biên bản, các xét nghiệm nghiệp vụ… Không còn thời gian cho những suy nghĩ lãng mạn. Sergay năm đó hai mươi tám tuổi, sinh trưởng tại Odessa, có một cá tính hoàn toàn trái ngược với Vera. Trong vòng bảy năm, anh ta đã phải ngồi tù hai lần, lần cuối cùng với án ba năm tù cải tạo chế độ đặc biệt. Là một người chuộng các cảm giác mạnh, anh đã đào tạo bản thân trở thành một tay đào tường khoét vách thuộc loại cao thủ. Một đặc điểm riêng là không bao giờ “đập hộp” những căn hộ thấp dưới tầng năm. Việc hỏi cung kéo dài gần một tháng trời. Chính vào thời điểm đó, mẹ của Vera lại ốm nặng. Người ta mổ cho bà lần thứ hai. Vừa làm việc, Vera vừa trông mẹ ốm trong bệnh viện, bản thân lại bị những cơn đau dạ dày từ hồi sống ở Sibiria tái phát hành hạ. Vera gầy đi gần chục cân, hai mắt thâm quầng. Song, không một ai trong giới lãnh đạo để mắt xem chuyện gì đang xảy ra với nhân viên dưới quyền mình. Còn Sergay, trong những lần hỏi cung thường kỳ, rất ân cần thăm hỏi: “Hình như chị có chuyện không vui thì phải, trông chị xanh xao quá?” Tại thời điểm này, mối quan hệ giữa bị cáo và thẩm phán đã chuyển sang tình bạn bè thân hữu. Sergay bộc bạch rằng, lần đầu tiên ăn cắp là để mua thuốc cho người yêu đang nằm trên bàn mổ. Sau khi anh bị bắt và ra tù thì cô ấy chết. Khi đó anh mới mười tám tuổi. Từ đó ăn cắp đã thành quen tay. Từ lâu anh đã định bỏ nghề, nhất là khi bị bắt lại lần thứ hai, anh đã ao ước được ăn một viên đạn để không phải bị ngồi tù. Sergay rất tốt bụng và cởi mở. Cung cách đối xử của anh với bà mẹ mỗi khi mang đồ tiếp tế vào khiến Vera cảm phục và xúc động. Đến một lần, sau khi mẹ Sergay đưa đồ ăn vào cho con về, người lính áp tải xồng xộc chạy vào trong phòng cô và chìa ra một băng giấy xé từ mép tờ báo hàng ngày, được cuộn lại cẩn thận như một điếu thuốc con con. “Hắn định tuồn lá thư này cho bà mẹ, tôi phát hiện được và thu lại cho chị đây”. Vera cảm ơn tinh thần trách nhiệm của anh lính và bỏ dở việc đánh máy biên bản, bóc lá thư ra đọc. Càng đọc, hai má cô càng ửng đỏ lên, nhất là đến đoạn: “Con đã phải lòng một cô gái, song cô ấy hoàn toàn khác con. Con cũng không hy vọng là cô ấy hiểu con. Song, con sẽ làm mọi cách để chinh phục được cô ấy. Giữa chúng con là một khoảng cách lớn và phía trước là một tương lai không rõ ràng. Không phải bất cứ người phụ nữ nào cũng dám hy sinh khi trói buộc số phận mình với một tên tù. Cô ấy tên là Vera, người hiện đang thẩm vấn con”.
Vera ngồi thừ ra một lúc lâu và trong thâm tâm cô cũng tự thú nhận với chính mình rằng, trái tim cô đã thuộc về kẻ phạm tội từ bao giờ mà cô không hay. Cô không nói ra nhưng chính cô cũng nóng lòng chờ đợi đến giờ thẩm vấn như đến cuộc hò hẹn. Trước đó cô đã kín đáo trang điểm lại khuôn mặt cũng như quần áo sau cánh tủ đựng tài liệu ở góc phòng làm việc. Vera định đốt lá thư đó đi nhưng không biết nghĩ sao, cô lại dụi que diêm đã cháy được một nửa vào chiếc gạt tàn trên bàn, nhét mẩu thư xuống dưới lớp lót của hộp trang điểm.
Tháng Mười Một, cây cối đã trút gần hết những chiếc lá vàng, chỉ còn để trơ lại những cành cây khẳng khiu, đâm tua tủa lên bầu trời xanh nhạt của thành phố được điểm xuyết bằng những gợn mây trắng hình đàn cừu trên thảo nguyên. Vera chuyển toàn bộ hồ sơ sang bên tòa án. Lúc tạm biệt, cô đã để lại địa chỉ nhà mình ở cho can phạm. Ngay trong bức thư đầu tiên, Sergay đã yêu cầu cô hãy mở loa truyền thanh đúng vào ngày sinh nhật của cô, mùng Tám tháng Mười Hai. Hôm đó, cô đang ở trong bệnh viện trông nom mẹ. Cô lúi húi cắt quả táo trên chiếc bàn con duy nhất trong căn phòng nơi mẹ cô nằm, bày ít đồ hoa quả, bánh ngọt và chai rượu sâm banh. Lễ sinh nhật thật khiêm nhường. Đột nhiên mẹ cô kêu lên thất thanh và chỉ tay về phía chiếc loa truyền thanh treo ở trên tường: “Verotrka, bản nhạc đề tặng con nhân ngày sinh nhật kìa”. Bà vừa dứt lời thì tiếng vĩ cầm vút lên, tràn ngập trong không gian yên ắng của căn phòng trắng toát. Vera xúc động quá đánh rơi cả con dao đang cầm trên tay xuống nền nhà. Cô lặng lẽ đi đến bên mẹ và ngồi xuống, vòng tay ôm lấy thân hình gầy gò của bà. Hai mẹ con yên lặng lắng nghe như nuốt lấy từng âm thanh huyền diệu đang nhảy nhót lung linh cùng với những tia nắng rực rỡ trên nền tuyết trắng tinh ngoài cửa sổ. Ánh mắt mệt mỏi của người mẹ bỗng vụt trở nên tinh anh, làn da trắng xanh như hồng lại và một nụ cười sung sướng, hạnh phúc nở trên đôi môi khô héo của bà. Bản nhạc kết thúc mà hai mẹ con vẫn ngồi bất động một lúc để lắng nghe lời giới thiệu của người phát thanh viên: “Các bạn vừa thưởng thức nhạc phẩm tự sáng tác và trình bày của tù nhân Sergay Nikolaievich, trại giam số 7 nhà tù Khalodna Gara nhân ngày sinh nhật của người yêu”. Vera giật mình về lời giới thiệu đồng thời cũng là lời tỏ tình của Sergay qua đài phát thanh thành phố. Cô lặng lẽ lau những giọt nước mắt hạnh phúc đang trào ra trên má. Cô quay sang nhìn khuôn mặt mẹ, cũng thấy những giọt nước mắt lặng lẽ chảy trên làn da nhăn nheo của bà. Mãi một lúc sau, bà khẽ lắp bắp: “Tùy con quyết định lấy hạnh phúc của đời mình”.
Sang năm mới, anh viết thư ngỏ lời cầu hôn cô. Đến cuối tháng Giêng, vụ án lại mở ra những hướng điều tra mới. Cần phải tái hiện lại hiện trường. Trong câu chuyện về gia đình mình, Vera vô tình để lộ cho anh biết chuyện bà mẹ ốm nặng, cần một khoản tiền để tiến hành phẫu thuật. Sergay yêu cầu thẩm phán cho phép mình được về thăm nhà. Vera không thể từ chối được. Sau đó còn một cuộc gặp gỡ nữa được xem như một món quà sinh nhật của Sergay. Hai người ở lại trong ký túc xá của trường đại học sư phạm nơi mẹ anh làm kế toán. Bà mẹ cho con trai ăn uống xong thì bỏ đi để đôi uyên ương ở lại với nhau. Tất nhiên, nữ thẩm phán hiểu rằng cô đang dung túng cho một tội lỗi. Song, cô còn trẻ, cô không thể chiến thắng được bản thân mình.
Thế rồi, đến một hôm như thường lệ, hai người gặp nhau ở ký túc xá, Sergay nhờ nữ thẩm phán cắt tóc hộ. Sau đó, anh bước ra ngoài sân để rũ chiếc khăn phủ lên vai dính đầy tóc con, rồi… không thấy quay lại nữa. Một giờ sau, cô gái cả tin mới hiểu rằng, người yêu đã biến mất. Những người bạn đồng nghiệp sau khi biết được tin này rất lấy làm kinh ngạc. Cuối cùng, người ta quyết định bắt nữ thẩm phán để làm sáng tỏ tình hình. Vera phải ngồi mười lăm ngày trong xà lim. Trong đó nhốt cả những nhân viên cảnh sát bị mắc các tội khác nhau. Họ ở tầng trên. Nhiều hôm, họ chuyển cho cô những túi thực phẩm căng đầy. Người ta còn đưa thêm vào phòng giam một bà giám đốc trại thiếu niên nhi đồng vì tội thâm thụt công quỹ và một nhân viên nhà băng. Chính thời điểm này, cô biết mình đã có mang. Vera được đưa khỏi trại giam ba tháng sau đó. Một ngày nắng đẹp, cỏ cây đã nhú mầm xanh biếc. Những người qua đường ngạc nhiên quay lại nhìn cô gái vẫn khoác trên người bộ đồ mùa đông nặng trịch. Cô không còn đến một xu trong túi. Mãi sau cô mới lê về được đến nhà, mệt mỏi rã rời, người hôi hám mùi nhà tù. Vừa nhìn thấy mẹ, cô không kìm nổi nước mắt, bật lên những tiếng nức nở như thời nhỏ bị đòn oan. Một tuần sau khi Vera được phóng thích, mẹ cô trút hơi thở cuối cùng ở tuổi năm mươi hai. Sergay bị bắt ngay sau đó một tuần vì bị con nợ của mình báo cho công an khu vực. Gã bạn thân kia bảo Sergay ngồi chờ ở nhà để đi lấy tiền và một lúc sau thì công an ập đến. Đối với nữ thẩm phán, bản án được khoan dung nhân đạo: ba năm tù treo. Kẻ phạm tội bỏ trốn: năm năm tù cải tạo đặc biệt. Hai người quyết định chính thức hóa mối quan hệ ngay khi Vera tới thăm anh lần đầu tiên trong trại cải tạo. Cô viết lên mảnh giấy mấy chữ nguệch ngoạc: “Em đã có mang” và đẩy về phía Sergay ngồi đối diện. Anh chộp ngay lấy mảnh giấy đó và chồm cả người qua bàn để ôm hôn Vera, mặc cho người nữ quản giáo bước lại gần dùng chiếc dùi cui đập khẽ lên vai anh mấy cái nhắc nhở.
Đám cưới diễn ra ngay trong nhà tù, không có áo voan trắng. Nhẫn cưới chỉ làm bằng bạc rất đơn giản. Cứ ba tháng một lần, Vera lại được vào thăm chồng ba ngày liền. Sergay vừa làm thợ vừa biểu diễn đàn violon vào các dịp lễ tết trong nhà tù. Anh có đôi bàn tay vàng nên có thể kiếm được chút tiền để trang trải phòng khách sạn trong nhà tù. Anh lao động tốt và được giảm án. Đứa con đầu tiên và duy nhất của hai người chào đời. Ngay trong đêm đó, dưới ánh đèn tù mù của phòng giam chật chội, trên chiếc giường tầng hôi hám vì rận rệp, Sergay đã sáng tác một bản nhạc dành cho violon tuyệt vời đến mức anh được bộ văn hóa can thiệp để ra tù sớm và được nhận vào nhạc viện mà không cần qua thi tuyển…
Em đã bập bẹ kéo những nốt nhạc đầu tiên trên chính cây đàn vĩ cầm cũ kỹ của ông Sergay để lại. Em không quên được những giọt nước mắt cảm động làm nhòa đi đôi mắt trẻ thơ của em lúc đó, khi nghe lại băng ghi âm bản nhạc ông già đã sáng tác và biểu diễn trong nhà tù. Đúng hơn là những giọt nước mắt sung sướng, biết ơn của một đứa trẻ cô đơn, dễ bị tổn thương đã tìm được một chỗ dựa tinh thần chắc chắn. Âm nhạc của ông tràn ngập tâm hồn em như những dòng nước mát chảy về lênh láng trên những mảnh đất khô cằn nứt nẻ vì cảnh côi cút, tủi thân. Em gục đầu vào ngực bà Vera và thốt lên: “Cháu sẽ chơi đàn như ông Sergay, bà ạ”.
Những thanh củi cháy đỏ trong lò sưởi đã tàn lụi dần phủ một lớp tro dày, nhưng trong lòng em có một ngọn lửa khác bắt đầu được nhen nhúm lên giữa một đêm đông lạnh giá. Những nhũ tuyết rũ xuống long lanh ngoài cửa sổ và đâu đó vọng tới dăm ba tiếng còi tàu lạc lõng, mơ hồ. Một bông tuyết rơi ngập ngừng, lơ lửng trong khoảng sáng của ánh đèn hắt qua cửa sổ ra ngoài khoảng sân lầy lội…
Crimea 2009
V.T.H