Nguyễn Thanh
Đoàn Văn Cừ (1913-2004) là nhà thơ mới tiền phong, thuộc thế hệ của Anh Thơ (1921-2005). Bàng Bá Lân (1912-1988) theo khuynh hướng tả thực (realism). Là nhà giáo, nhà thơ Đoàn Văn Cừ tham gia phong trào Việt Minh từ sau Cách mạng tháng Tám: nhập ngũ vào bộ đội, tham gia Hội đồng Nhân dân và hoạt động văn nghệ. Tác phẩm: Thôn ca I (1944), Thơ lửa (1947), Việt Nam huy hoàng (1948), Quân dân Nam Định anh dũng chiến đấu (1953), Trần Hưng Đạo, anh hùng dân tộc (1958), Thôn ca II (1960), Dọc đường xuân (1979), Đường về quê mẹ (1987), Tuyển tập Đoàn Văn Cừ (1992). Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001).
Đoàn Văn Cừ – Ảnh: Internet
Tôi nhớ lại, thuở nhỏ khi còn học Sơ đẳng ở trường làng Tân Quới, tôi đã có dịp làm quen và chép kỹ vào tập những bài thơ tả cảnh ngày Tết và lễ hội ở làng quê của thi sĩ Đoàn Văn Cừ trong các sách Tập đọc Tiểu học. Vốn bẩm tính yêu thơ, trong những ngày nghỉ học, tôi thường ra sau vườn nhà có bóng cây mát mẻ, leo lên ngồi vắt võng trên cành măng cụt, và ê a thích thú đọc thuộc lòng những bài thơ hay đã học. Trong không khí trong lành miền quê, hiu hiu cơn gió nhẹ, văng vẳng từ xa tiếng chim rừng véo von lảnh lót, những bài thơ: Trường học làng tôi của Nguyễn Bính, các bài: Chợ Tết, Đám hội… của nhà thơ Đoàn Văn Cừ… tôi nghêu ngao đọc say sưa sảng khoái mà như không còn biết gì đến không gian ngoại vật chung quanh. Những thầy dạy tiểu học tận tụy của tôi thuở ấy như thầy Nguyễn Văn Quế (bút danh Văn Quê – một nhà thơ), cũng như ba tôi, một lão nông mộc mạc suốt năm chân lấm tay bùn, cũng là người yêu thơ ca và làm thơ. Tất cả những người ấy đã cơ hồ đã dọn đường cho tôi lân la, sớm đến với khu vườn văn học. Riêng thơ của Đoàn Văn Cừ đã tạo cho tôi một ấn tượng là nội dung lành mạnh, lạc quan và nghệ thuật điêu luyện, giàu nhạc tính, và lời thơ đầy màu sắc nên người đọc dễ cảm thụ và dễ nhớ.
Từ lúc phong trào thơ mới ra đời (1932), một số lớn nhà thơ có thiên hướng lãng mạn trữ tình, thường ca ngợi tình yêu đôi lứa như Xuân Diệu (1916-1985), Lưu Trọng Lư (1912-1991), T.TKh (?)… hoặc lòng yêu kháng chiến và đất nước như Tố Hữu (1920-2002), Nguyễn Đình Thi (1924-2003), Nguyễn Bính (1918-1966), Quang Dũng (1021-1988)… Cùng một khuynh hướng sáng tác về chủ đề quê hương như cảnh thiên nhiên, sinh hoạt ở nông thôn như Anh Thơ, Bàng Bá Lân… đặc biệt, Đoàn Văn Cừ đã đi theo một con đường riêng là hay sáng tác về cảnh lễ hội ở làng quê. Bài thơ mới viết theo lối thơ mới 8 chữ: Chợ Tết là một tiêu biểu. Cả bài thơ gồm có 44 câu trong đó nhà thơ – với thị quan nhạy bén và cảm nhận tinh tế của một nghệ sĩ hội họa, đã vẽ ra trước mắt người đọc quang cảnh đi chợ Tết ở một làng quê ở miền Bắc: một bức tranh quê về cảnh chợ Tết phấp phới sắc màu ngày xuân tươi thắm, vô cùng sinh động và được bố cục rất chặt chẽ và kinh điển bằng đủ loại vần: cước vận, yêu vận và liên vận.
Khung cảnh phiên chợ quê – Ảnh: Internet
Bằng thái độ và cảm quan của người thưởng ngoạn nghệ thuật, ta dễ nhận ra trước tiên ở bài thơ Chợ Tết là không gian toàn cảnh của bức tranh về phiên chợ ngày xuân là con người – chủ thể trung tâm của xã hội! Trong khổ 1 (câu: 1-15). Tác giả muốn nói lên: Trong cảnh bình minh, từng đoàn người đi chợ Tết, từ các nẻo đường quê, nhộn nhịp đổ về chợ, hiện diện đủ những khuôn mặt tươi vui rạng rỡ: từ những thằng bé lon xon chạy theo mẹ, đến cụ già lom khom với chiếc gậy tre rồi những cô gái áo thắm, lòng phơi phới nở hoa, gánh đủ gà, lợn, và cả con bò, cùng lũ lượt kéo về… phiên chợ mộc cách triền miên. Đón tiếp những con người hăm hở như chứa chan nhựa sống đó là cái không gian bao la của trời mây, hùng vĩ của núi rừng và cảnh nhà cửa nhà san sát thể hiện sự sống mãnh liệt và niềm hy vọng đang vươn tới: Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi? Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh? Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết? Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/ Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ/ Thằng em bé ép đầu bên yếm mẹ/ Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu/ Con bò vàng ngộ nghĩnh chạy theo sau/ Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa/ Tia nắng tía nhảy hoài trên ruộng lúa/ Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh/ Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh. Phải là người có bộ óc quan sát kỹ lưỡng, tài dùng chữ ghép giàu âm thanh, từ lóng tượng thanh, tượng hình vô cùng tinh tế, chọn vần thích đáng: tranh-xanh (vần bằng)/ Tết – biếc (vần trắc), cộng với nghệ thuật nhân hóa đặc biệt bén nhạy, Đoàn Văn Cừ mới biến được những sự vật vô tri giác thành những con người sinh động khiến cho bài chợ Tết trở nên một bài thơ tả cảnh giàu tính họa có hồn: bức tranh thơ hiếm có trong khu vườn nghệ thuật nước nhà. Con người và sự vật đã đủ đầy, tập trung cho một sự hoạt động tưng bừng rộn rịp trong phiên chợ truyền thống của năm theo phong tục có từ muôn đời của tổ tiên.
Quang cảnh chợ Tết (khổ 2: câu 16 – 38) thực sự diễn ra. Nhà thơ đã dành trọn 23 câu khoảng giữa bài thơ để tả cảnh họp chợ Tết đông vui, có đủ người mua bán, khách hàng, chú bán tranh, thầy khóa (ông đồ viết câu đối), bà lão, lũ trẻ con lẫn thú vật, gia cầm… Với lòng yêu đời, tinh thần lạc quan, nhà thơ đã vẽ lên cảnh chợ Tết nhộn nhịp rộn ràng, có con trâu hiền lành mà quái quắc, đôi mắt giã vờ lim dim ngủ, để lắng nghe chuyện của con người! Thật là hóm hỉnh. Trong phần chính giữa bài thơ, tác giả dành trọn sự tập trung quan sát để mô tả con người qua cử chỉ, dáng điệu, âm thanh (cười, nói) trong hoạt động chung của họ. Ở khổ 1, số lượng câu mô tả thiên nhiên trước để làm nền chuẩn bị cho sự xuất hiện của con người chủ thể từ trước đến nay luôn được coi là trung tâm vũ trụ, thì sang khổ 2, tứ thơ đều xoay quanh việc mô tả sinh hoạt cảnh chợ Tết với đối tượng chính là con người. Đoạn thơ mang tính thuật sự bằng nhận xét tinh tế và bút pháp tài hoa của một nhà thơ có tài giàu tâm hồn nghệ sĩ. Quan hệ thứ tự không gian rạch ròi được chỉ rõ qua các trạng từ chỉ nơi chốn: trên, dưới, trong, ngoài… giao thoa cùng những từ ngữ phong phú chỉ màu sắc, âm thanh, hình tượng: kĩu- kịt, bô -bô, hí- hoáy, phau- phau, rũ- rượi, đỏ chót, như núi tuyết, như cục tiết…, và bút pháp điêu luyện của nhà thơ không khác nào nghệ thuật phối màu tài tình, lão luyện của một họa sĩ tả cảnh nhà nghề (paysagiste): Người mua bán ra vào đầy cổng chợ / Con trâu đứng vờ dim đôi mắt ngủ? Để lắng nghe người khách nói bô-bô/ Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ/ Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán/ Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên, hí hoáy viết thơ xuân/ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ/ Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau/ Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu/ Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu/ Áo cụ lý bị người chen sấn kéo/ Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra/ Lũ trè con mãi ngắm bức tranh gà/ Quên cả chị bên đường đang đứng gọi/ Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi/ Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa/ Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha/ Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết/ Con gà trống màu thâm như cục tiết/ Một người mua cầm cẳng dốc lên xem. Không gian bức tranh chợ Tết ở thể tĩnh chuyển sang không gian động, thân mật gần gũi với sinh hoạt con người nhờ tác giả khéo dùng từ thích đáng và biện pháp tu từ nhân hoá sinh động: Tia nắng tía nháy hoài…/ Núi uốn mình…/ Đồi thoa son… Đọc kỹ lại phần hai của bài thơ, người đọc nhận ra được là trong sinh hoạt mua bán ở đây, người bán hàng nhiều hơn người mua. Bức tranh chợ Tết với người đi xem tạo ra một giai điệu nhiều cung bậc sum vầy, rực rỡ sắc màu.
Như một định luật tuần hoàn của tự nhiên: có hợp là có tan. Khổ 3 (6 câu cuối cùng) bài thơ diễn tả cảnh chợ tan. Đoạn kết bài thơ trở thành một dấu lặng chấm dứt bản nhạc miền quê trong ngày lễ truyền thống của dân tộc. Trong cảnh ngày tàn khắc lụn, văng vẳng từ xa tiếng chuông chùa, trên những con đường quê quen thuộc vàng vỏ ánh tà dương, lả tả những chiếc lá đa rơi rụng, đoàn người đi chợ Tết thong dong, lũ lượt kéo nhau trở lại nhà để chuẩn bị cho bao nhiêu công việc ngày Tết bận rộn khác khi đêm về: Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm/ Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh/ Trên con đường đi các làng hẻo lánh/ Những người quê lũ lượt trở ra v / Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê/ Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.
Bài Chợ Tết của nhà thơ Đoàn Văn Cừ đẹp như một bức tranh cổ, trầm lắng mà thâm thúy, rực rỡ thắm tươi mà dịu dàng hồn nhiên, như chứa đựng được cái hồn quê đã tồn tại tự muôn đời của dân tộc. Đánh giá bài thơ Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã viết : “Những bức tranh trong thơ Đoàn Văn Cừ không phải chỉ đơn sơ vài nét như những bức tranh xưa của Á Đông. Bức tranh nào cũng đầy dẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui. Mỗi bức tranh là cả một thế giới linh hoạt”. Những bài thơ về chủ đề thôn quê như: Đám hội, Đám cưới mùa xuân, Ngày xuân chơi đồng quê,…và đặc biệt là phiên Chợ Tết miền quê, với màu sắc tươi tắn, hình ảnh ngộ nghỉnh, xúc cảm dạt dào của nhà thơ Đoàn Văn Cừ, ắt sẽ còn đọng mãi qua thời gian trong lòng những người thích thi ca và yêu mến nông thôn.
N.T