Hành trình thiện nguyện – con đường không dễ dàng

534

Việc kêu gọi, vận động các Mạnh Thường Quân góp tiền, góp vật chất mà giới nghệ sĩ, người nổi tiếng đã làm để cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, khó khăn trong cuộc sống là hành động nhân ái, cần được tuyên dương, lan toả. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư luận cả nước rất quan tâm đến việc làm từ thiện của người nổi tiếng.

Trong đó “nổi cộm” ,“ồn ào” nhất vẫn là việc minh bạch “sao kê” tài khoản, minh bạch số tiền họ đã nhận, minh bạch số tiền họ đã chi cho công tác cứu trợ như thế nào? Liệu những người đứng ra kêu gọi ủng hộ từ thiện, họ có nghĩa vụ phải “sao kê” tài khoản, phải giải trình trước dư luận hay không? Hay việc “sao kê”, công khai các khoản thu – chi và minh bạch toàn bộ việc làm từ thiện là “tùy tâm” nghệ sĩ?

Nghệ sĩ bị tố ăn chặn từ thiện, chuyện không chỉ ở Việt Nam

Trước hết phải nói rằng: Cụm từ “Nghệ sĩ nổi tiếng ăn chặn từ thiện” không còn xa lạ hay mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Drama xấu xí này đã từng khuấy động làng giải trí thế giới. Showbiz thế giới không thiếu phốt bê bối từ thiện ngàn tỷ. Những nhân vật vướng scandal tiền bạc không minh bạch này rơi vào toàn ngôi sao hạng A như Lý Liên Kiệt, Thành Long, Lý A Bằng, Hàn Hồng, Kanye West, Kim Kardashian… Làng giải trí Hoa ngữ đã và đang chịu mối nhục trước hàng loạt bê bối từ thiện của các nghệ sĩ nổi tiếng.


Các nghệ sĩ bị nghi ngờ về tính minh bạch trong hoạt động từ thiện.

Hẳn mọi người vẫn còn nhớ sự kiện năm 2016 sau trận động đất lịch sử Tứ Xuyên, Lý Liên Kiệt bị tố biển thủ 54 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng tiền quyên góp cứu trợ và tái thiết cuộc sống của người dân sau thảm họa. Trước cáo buộc, ngôi sao võ thuật lên tiếng giải trình. Nam diễn viên khẳng định không ăn chặn tiền từ thiện, thừa nhận mệt mỏi vì thị phi. Tuy nhiên, Lý Liên Kiệt chỉ thanh minh bằng miệng, không đồng ý sao kê giấy tờ giải ngân, hay minh bạch các khoản thu chi. Với sự kiện này, báo chí Hoa ngữ đã giật tít “Nỗi nhục của Lý Liên Kiệt, Thành Long và đồng nghiệp khi gian dối việc làm từ thiện”.

Chưa hết, bên cạnh đó, ngôi sao Hàn Hồng hai lần bị điều tra minh bạch tiền cứu trợ. Năm 2020, nữ ca sĩ bị blogger Tư Mã Tam Kỵ tố ăn chặn hơn một nửa trong khoản quyên góp 38,5 triệu USD cho tâm dịch COVID-19 Vũ Hán. Và mới nhất là khoản chênh lệch lên đến 10,8 triệu USD tiền đóng góp cho vùng lũ Hà Nam. Khán giả phát hiện số liệu bất thường trong giấy tờ kê khai từng khoản chi của Ái Tâm và danh sách đóng góp bao gồm tiền mặt và vật tư của Mạnh Thường Quân…

Trở lại vấn đề liên quan đến Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh, Trấn Thành, những nghệ sĩ hiện bị nghi ngờ gian lận và biển thủ tiền từ thiện. Với lùm xùm và bê bối kiện tụng đang diễn ra gây ồn ào dư luận, tác động tiêu cực đến xã hội, thiết nghĩ chúng ta hãy tin tưởng chờ đợi một sự điều tra kết luận rõ ràng từ phía cơ quan chức năng. Sự rõ ràng này không những minh định được trắng đen; nếu nghệ sĩ bị tố oan thì cần phải minh oan cho họ để lấy lại thanh danh, trả lại niềm tin cho công chúng và trừng phạt những người vu oan giá họa cho nghệ sĩ.

Nếu nghệ sĩ dính chàm, thì đây cũng là một dịp quan trọng để làm thanh sạch giới nghệ sĩ, và cũng mở ra một con đường cần có cho những nghệ sĩ trẻ đã, đang và sắp bước chân vào thế giới showbiz. Ngoài tài năng, họ cần trang bị cho mình một nền tảng văn hóa và đạo đức mới có thể trở thành những ngôi sao lớn, xứng đáng là thần tượng của công chúng. Việc cơ quan điều tra làm rõ đúng sai, còn là để dẹp yên dư luận xấu ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Chính phủ và toàn dân đang căng mình “chống dịch như chống giặc” trong giai đoạn cam go này.

Trong khi chờ đợi pháp luật làm rõ, phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an có cuộc trao đổi xung quanh câu chuyện hành trình từ thiện – con đường không dễ dàng.

“Sao kê” và cách “sao kê” – PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội

– Câu chuyện ồn ào nhiều tháng qua với việc nghệ sĩ và từ thiện đã được nhắc đến quá nhiều trên các phương tiện truyền thông, ông nghĩ sao về việc này?

Bắt đầu bằng tấm lòng và niềm tin, nghệ sĩ nổi tiếng có một vị trí thuận lợi, đó là sự hâm mộ, tình yêu của công chúng khán giả nên khi họ đứng lên kêu gọi từ thiện thì dễ có được sự quan tâm, đóng góp của nhiều người. Đấy chính là lý do tại sao nhiều nghệ sĩ huy động được số tiền lớn, thậm chí nhiều hơn một số cơ quan, tổ chức.

Xuất phát điểm của tất cả các câu chuyện có thể đều là như thế cả. Bản chất của từ thiện là thể hiện lòng tốt, sự từ tâm của những người mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Khi làm từ thiện, có thể người nghệ sĩ không tính toán gì, chỉ mong được làm điều tốt, thể hiện lòng trắc ẩn, giúp ích những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, từ đó tâm trạng của chính người nghệ sĩ sẽ nhẹ nhàng, thư thái hơn.

Tuy nhiên, có tấm lòng chưa chắc đã giúp cho việc từ thiện trở thành chuyện tốt đẹp. Cũng giống như câu chuyện chúng ta hay nói về “của cho không bằng cách cho”, việc từ thiện thiếu chuyên nghiệp, không thể hiện được sự minh bạch, thiếu cơ sở pháp lý, lại được nối dài bởi những tranh cãi, nhắc nhở, cãi vã hàm ý giữa những người nổi tiếng, khiến những câu chuyện về từ thiện, lòng tốt bị nghi ngờ. Người nổi tiếng cộng hiệu ứng lan tỏa của mạng xã hội càng cuốn câu chuyện đi xa hơn.

– Thật ra, với một người làm từ thiện chân chính, xuất phát từ tâm từ bi thì việc minh bạch các khoản tiền vào, tiền ra, tiền chi là việc làm đầu tiên, tiên quyết, song hành hằng ngày như một nhật ký hành trình từ thiện để công khai các khoản thu chi cho “Mạnh Thường Quân” và cả những cá nhân được hỗ trợ nắm rõ, đối chiếu thông tin. Thế nhưng nghệ sĩ mình không làm từ thiện theo nguyên tắc tối thượng đó. Hoặc trước đòi hỏi yêu cầu công khai thì họ công khai rất qua loa, chỉ trong một trang A4 gây phản cảm và dẫn đến sự nghi ngờ trong công chúng. Đó có phải là điểm yếu của nghệ sĩ khi đi làm từ thiện không? 

Vì số tiền của người nghệ sĩ kêu gọi được khá lớn, lại bị thắc mắc bởi người nổi tiếng khác, khiến cho mọi người, từ việc niềm tin vô điều kiện vào các nghệ sĩ, giờ đặt thành câu hỏi về sự minh bạch. Ở đây, chúng ta cũng phải suy nghĩ theo hướng thế này, đa phần các nghệ sĩ làm việc thiện từ tâm và chúng ta có thể tin là họ minh bạch. Nhưng cũng có thiểu số nghệ sĩ liên quan sẽ không minh bạch, gây mất niềm tin của công chúng, những dư luận râm ran, ý kiến trái chiều về số tiền không minh bạch của nghệ sĩ khi đi làm từ thiện, chính vì thế công chúng đòi hỏi phải có sao kê. Câu chuyện nghệ sĩ thiểu số này bị đẩy lên và trở thành dư luận nóng, lùm xùm trong thời gian qua.

Sao kê là một chỉ báo cho thấy công chúng đang nghi ngờ về tính minh bạch, sự trong sáng. ”Búa rìu” dư luận ấy mới thực sự là tai hại đối với người nghệ sĩ. Vì nghệ sĩ thì phải sống bằng niềm tin và tình yêu của công chúng. Khi công chúng không còn đặt niềm tin nữa, cụ thể là họ muốn ”sao kê”, điều đó khiến nghệ sĩ mất rất nhiều, thậm chí là mất tất cả hình ảnh, uy tín, sự nghiệp chỉ sau một đêm. Các nghệ sĩ luôn mong muốn phải minh bạch để lấy lại hình ảnh, chính vì vậy họ đã cố gắng làm bằng nhiều cách để mong mọi người hiểu.

Do bản chất nghệ sĩ như trên đã nói dẫn đến việc muốn sao kê cũng khó. Và điều quan trọng, đến nay hành lang pháp lý vẫn chưa thực sự rõ ràng để một cá nhân khi làm từ thiện như thế nào cho đúng, minh bạch, phù hợp. Giải quyết được cả hai bất cập trên thì mới tránh được những lùm xùm xung quanh hoạt động từ thiện của nghệ sĩ nói riêng, của các cá nhân hảo tâm khác trong xã hội nói chung. Nếu không, không rơi vào nghệ sĩ A sẽ có nghệ sĩ B, không ở hoàn cảnh này, sẽ có hoàn cảnh khác. Đấy chính là bản chất của vấn đề và chúng ta cần thay đổi từ gốc rễ của vấn đề. Thay đổi được, chúng ta không chỉ trả lại môi trường minh bạch, lành mạnh cho hoạt động từ thiện, mà còn giúp cho mọi người trong xã hội có thêm động lực để làm thiện nguyện, giúp những hoàn cảnh đang gặp bất lợi trong cuộc sống, góp phần cùng đất nước vượt qua khó khăn.

– Vâng, vậy thì theo ông, người nghệ sĩ khi đi làm từ thiện họ cần có những yếu tố và điều kiện gì để có thể làm tốt nhất công việc của mình mà không bị nghi ngờ là lợi dụng làm từ thiện để kiếm tiền bất chính.

Đầu tiên phải nói đến bản chất của nghệ sĩ, đó là những người sống thiên về cảm xúc, dễ rung động về tình cảm, thường hay tuỳ hứng. Với tính cách nghệ sĩ như thế sẽ dễ dẫn đến hành động cảm tính, tuỳ hứng, thiếu chuyên nghiệp trong việc làm thiện nguyện. Họ có thể ít khi quan tâm đến quy định của pháp luật về từ thiện nên đến khi bị chất vấn, họ thực sự lúng túng. Ví dụ như đưa tiền cho người nghèo thì cần phải có bằng chứng. Bằng chứng muốn được thừa nhận thì nhiều khi cần đến dấu đỏ của cơ quan chính quyền địa phương, nhưng như những gì chúng ta đã thấy, nhiều khi họ không quan tâm, nhiều khi chỉ viết tay số tiền lớn trên một tờ giấy A4… Ở đây chính vì sự chủ quan, sự không chuyên nghiệp, sự “vô tình đơn giản” dẫn đến thiếu tôn trọng công việc của mình nên lòng tốt của họ bị nghi ngờ.

Trong khi đó, những quy định của pháp luật chưa phải đã thật sự rõ ràng. Thậm chí, không có quy định cho cá nhân làm từ thiện. Nghị định 64/2008/NĐ-CP về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn chỉ mới bàn đến các tổ chức đoàn thể chứ không có quy định, điều khoản rõ ràng dành cho cá nhân. Đây chính là khoảng trống về luật pháp mà chắc chắn sau việc này, chúng ta cần phải chỉnh sửa, bổ sung vào Nghị định 64 để cho các cá nhân hoạt động thiện nguyện có hành lang pháp lý rõ ràng, giúp cho chuyện từ thiện được tốt hơn, tránh được sự lùm xùm như hiện nay.

Cần phải minh bạch để tránh hệ lụy – Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc điều hành Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư Hà Nội)

– Sau đợt lũ lụt thiên tai, một số nghệ sĩ đứng ra kêu gọi từ thiện đã bị vướng lùm xùm những điều tiếng không hay. Dưới góc độ pháp lý, xin luật sư cho biết việc cá nhân dùng tên tuổi của mình để kêu gọi tiền từ thiện phải có những điều kiện cần và đủ gì?

Trước hết, việc kêu gọi đóng góp tiền từ thiện là một quan hệ dân sự. Người làm từ thiện cần trung thực, công khai. “Luật pháp nước CHXHCN Việt Nam đã có Nghị định 64/2008/NĐ-CP về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Mặc dù Nghị định không liệt kê cá nhân, nhóm người như người nổi tiếng được phép đứng ra kêu gọi, vận động, đóng góp từ thiện, cứu trợ nhưng trong nội dung Nghị định cũng không hề cấm họ kêu gọi từ thiện, cứu trợ. Do đó, hoạt động kêu gọi đóng góp tiền để làm từ thiện, để cứu trợ của người nổi tiếng được xác định là một quan hệ dân sự ghi nhận tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể quy định tại Mục 3 chương XVI về tặng, cho tài sản, theo đó những Mạnh Thường Quân là bên tặng, cho, và những hoàn cảnh được cứu trợ là bên được tặng, cho.

Nhưng do không có điều kiện trực tiếp đi cứu trợ, nên Mạnh Thường Quân lúc này xác định là bên uỷ quyền cho người kêu gọi (người nổi tiếng). Như vậy, căn cứ Điều 565, 568 Bộ luật dân sự năm 2015 thì Mạnh Thường Quân hoàn toàn có quyền yêu cầu và những người nổi tiếng đó phải có nghĩa vụ thông báo lại những công việc đã thực hiện. Nếu đã được yêu cầu mà họ không thực hiện thì Mạnh Thường Quân có quyền nghi ngờ họ khuất tất, thậm chí vi phạm pháp luật và có thể làm đơn tố giác đến cơ quan có thẩm quyền để xác minh, xử lý theo quy định.

Biết rằng đa số những người nổi tiếng đi làm từ thiện bằng cái tâm, bằng tấm lòng nhân ái, bằng sự tín nhiệm cá nhân đối với cộng đồng, nhưng đâu đó cũng không tránh khỏi những trường hợp lợi dụng từ thiện để tư lợi vật chất cho cá nhân. Vì vậy, trong việc này những người nổi tiếng cần minh bạch mọi thứ liên quan đến công tác từ thiện, và sao kê tài khoản là việc làm không khó để chứng minh mình trong sạch, chứng minh Mạnh Thường Quân gửi gắm đúng người. Trong một số trường hợp, những người nổi tiếng không thể giải trình được dòng tiền nhỏ, hay giải trình được nhưng thiếu chứng từ như việc: “Họ có thể gặp một số cảnh đời khốn khó mà rút ví cho dăm triệu, ba triệu, hay trong hành trình từ thiện họ có thể phải chi những khoản thiết yếu ăn, uống, xe cộ … thì khó để thu thập chứng từ hay sao kê”. Bởi chúng ta biết rằng nhiều người nổi tiếng họ thường hành động theo cảm tính, cảm xúc.

– Như vậy việc ”sao kê” minh bạch sẽ gặp vấn đề, thực ra con số không phải lúc nào cũng có thể nói hết được. Ý tôi muốn nói là việc sao kê chỉ mang ý nghĩa tương đối chứ không tuyệt đối.

Nhưng công chúng đòi hỏi thì họ vẫn phải làm, đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của người đứng ra kêu gọi. Ngược lại, nếu họ cứ im lặng, hoặc thực hiện thông báo, sao kê tài khoản theo kiểu đối phó cho qua thì dư luận, những Mạnh Thường Quân sẽ quay lưng với họ, không còn tin họ nữa. Những hoàn cảnh khó khăn đang chờ đợi được họ cứu trợ cũng hao hụt niềm tin, lúc này thiệt hại của họ sẽ không chỉ giới hạn ở một vài bài viết trên mạng xã hội, hay một vài bài báo mà đó là tiếng xấu, tiếng dữ cho mai sau. Mặt khác, trong công tác từ thiện, nếu để xảy ra sai phạm pháp luật nghiêm trọng như sử dụng sai mục đích cứu trợ, sử dụng sai đối tượng cứu trợ, gây dư luận xấu trong nhân dân thì cơ quan chức năng có thể vào cuộc để xác minh, điều tra dấu hiệu sai phạm về hành vi như “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, hoặc hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

– Mọi chuyện vẫn đang là phỏng đoán, chưa hề có kết luận của cơ quan chức năng, nhưng một số người đã liên tục công khai xúc phạm, mạt sát và quy chụp cho người nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện. Vậy người nghệ sĩ có thể đề nghị khởi tố hình sự những ai bịa đặt về mình?

Hiến pháp hiện hành quy định về quyền tự do ngôn luận, quyền tự do bày tỏ ý kiến nhưng ranh giới giữa sự tự do phát ngôn, tự do phán xét về người khác đó là quy định của luật pháp. Đặc biệt, chúng ta có Bộ luật Hình sự năm 2015 điều chỉnh về hành vi nói sai sự thật, vu khống, hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm quyền, lợi ích người khác, hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Và trong khi chưa có chứng cứ, hoặc chưa có kết luận từ cơ quan chức năng thì tất cả chúng ta cũng hãy tạm dừng phán xét, tạm dừng quy chụp thiếu căn cứ.

Sự quay lưng của công chúng là hình phạt lớn nhất với người nghệ sĩ – Tiến sĩ Khoa học Phan Đình Tân (Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương)

– Từ góc độ của nhà quản lý, ông có nhận xét gì về những drama ồn ào xung quanh việc nghệ sĩ làm từ thiện vừa qua?

Chúng ta đã và đang ban hành các thông tư, nghị định, quy tắc để cho nghệ sĩ trong các đơn vị công và kể cả những nghệ sĩ hành nghề tự do cũng cần phải có chuẩn mực nhất định. Như vừa qua, chúng ta hoàn thiện dự thảo “Bộ quy tắc ứng xử” của người nghệ sĩ trong các hoạt động xã hội. Dự thảo nhấn mạnh nghệ sĩ phải có trách nhiệm minh bạch trong các hoạt động xã hội từ thiện, khi một số nghệ sĩ vướng ồn ào từ thiện trong thời gian qua. “Bộ quy tắc ứng xử” dành riêng cho giới nghệ sĩ hoạt động trong đơn vị công lập và tư nhân với mục đích nhằm gìn giữ và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, nâng cao ý thức trách nhiệm, hình thành chuẩn mực đạo đức trong ứng xử của nghệ sĩ.

“Bộ quy tắc ứng xử” đặt ra những quy ước và có những chuẩn mực; nghệ sĩ căn cứ vào đó để không vượt quá giới hạn và có được sự kìm chế nhất định đối với những hoạt động, phát ngôn sống theo phong cách tự do và bản năng quá. Mọi điều luật đưa ra của quy định để cho người nghệ sĩ tuân thủ. Quy tắc ứng xử còn phải kèm theo chế tài nhất định. Có chế tài thì mới có biện pháp hữu hiệu, còn nếu như chúng ta chỉ mong chờ sự tự ý thức của mỗi người thì chuyện đấy phải trau dồi dài dài, chưa có ngay.

Đối với các nghệ sĩ, người của công chúng thì sự quay lưng của công chúng là hình phạt lớn nhất.

Theo Trần Mỹ Hiền/VNCA