Hoài niệm trường xưa

1418

Diệp Linh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cảm ơn trường đã cho tôi có nơi chốn để trở về, để nhớ lại những khoảnh khắc thật đẹp đã qua và hân hoan chào đón một diện mạo mới của trường theo những chặng đường sau này.

Nhà văn Diệp Linh

Tôi trở lại trường vào những ngày đầu tháng 9 khi các em đã đến trường, mùa khai giảng bắt đầu. Con đường làng nóng lên và hắt vào mặt bằng những tia nắng lung linh làm lóa cả mắt. Đã rất lâu tôi mới trở lại thăm trường cũ. Dù có bạn ra trường về quê làm việc vẫn qua lại thường xuyên trên con đường này, chạm phải hình ảnh ngôi trường thân quen hàng ngày. Vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền cuốn con người vào để rồi quên mất đi những điều thiêng liêng mà ta đã từng có.

Tôi vội bước vào trường xem bao nhiêu năm tháng trôi qua trường có gì đổi thay không? Tôi ngồi một góc bên hàng ghế đá, hình như trường không thay đổi nhiều dù trường cũ đã khoác màu áo rực rỡ hơn xưa. Cuộc sống vốn là như vậy, luôn luôn thay đổi không ngừng theo thời gian. Giờ ngồi đây tôi nhớ khoảng thời gian đầy ấp những kỉ niệm bên mái trường xưa, bằng những hoài niệm không thể nào quên được.

Ngày chủ nhật yên bình, ngồi bên hàng ghế đá vắng lặng thênh thang, ánh mắt gặp phải những hàng cây phượng vỹ, nhành bằng lăng tim tím, gốc bàng già đã thay màu đổi lá sau một mùa hoa rực rỡ giữa mùa hè. Mười năm trước những hàng cây ấy chúng tôi đã trồng và khắc chữ vào từng cây, bây giờ nhìn lại chữ vẫn còn và hàng cây thì nay đã già. Tôi nhớ con đường đá đỏ ngày xưa đầy bụi phủ thế nhưng bây giờ là con đường bê tông sạch đẹp bởi những luống hoa mười giờ hai bên đường khoe sắc trong nắng mới. Nhớ lắm những buổi tan trường con đường lấp lóa tà áo dài trắng, trắng cả một trời chiều. Một thời thanh xuân đầy ấp những kỉ niệm mà mỗi khi nhớ lại làm lòng ai cũng rưng rức, bồi hồi…

Tôi bước nhanh qua dãy hành lang, trộm nhìn qua ô cửa kính, tôi tìm thấy chỗ ngồi cũ của mình nhưng bàn ghế trông mới hơn. Tôi ước, giá như có thể quay lại cái ngày xưa ấy, vì tiếc sao ngày xưa mình không tận dụng hết sức để vùng vẫy, để vui tưng bừng, để cười đùa rộn rã cho thỏa chí tan bồng một thời tuổi trẻ.

Nhưng nào có được đâu, chúng tôi đã qua thời tuổi trẻ sôi động ấy, thầy cô dạy tôi giờ tóc điểm pha sương, những nếp nhăn in hằn trên khuôn mặt từng người thầy người cô. Tất cả chỉ còn là kỉ niệm, một kỉ niệm khó phai.

Tôi vẫn nhớ lời trầm nồng ấm thầy đã truyền đạt cho lớp chúng tôi suốt những năm học, cùng học, cùng lắng nghe, cùng lớn lên, cùng bước ra khỏi cổng trường với bao ước mơ, hoài bão bay cao, bay xa.

Thấm thoát mà gần 10 năm trôi qua tôi rời xa mái trường xưa. Dòng chảy thời gian làm nhòa mờ, cuốn theo nhiều thứ, nhưng cũng có giá trị đậm màu hơn, thiêng liêng hơn. Điều thiêng liêng ấy là sự yêu thương, kính trọng mà chúng tôi mãi mãi dành cho thầy. Con đường học vấn là dòng sông rất dài và vô tận, có lúc lặng lờ, có lúc mãnh chảy xiết, thầy là người lái đò còn chúng tôi là những con thuyền nho nhỏ ấy. Người lái đò sẽ buông tay chèo khi thuyền cập bến, đến lúc nào đó người lái đò lại cạn dần sức lực nhưng vẫn kiên cường vượt qua trăm ngàn sóng ghềnh cho dù con sông ấy có rộng có dài bao xa. Tôi vẫn nhớ từng lời trong bài hát

“Lớn lên, lớn lên, lớn lên
Con làm gì?
Con làm thi sĩ
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn…”

Cánh cò trắng sẽ lại chở những lớp học trò sau, cứ thế, cứ thế…

Tôi chia tay trường lúc ánh nắng đã khuất dần khi chiều buông, thoáng chút bâng khuâng, xao xuyến. Cuộc đời là một hành trình rất dài, ví như chuyến tàu thời gian nhưng mỗi giai đoạn, mỗi quãng đường chúng ta đi sẽ có những trạm dừng chân hạnh phúc rực rỡ.

Tôi thật sự may mắn vì đã có chuyến tàu chở đầy những kí ức tươi đẹp bên trường cũ. Hoài niệm về trường như một cách để tri ân thầy cô. Cảm ơn trường đã cho tôi có nơi chốn để trở về, để nhớ lại những khoảnh khắc thật đẹp đã qua và hân hoan chào đón một diện mạo mới của trường theo những chặng đường sau này.