Khi nghệ sĩ lão làng dùng mạng xã hội

513

Không như người trẻ, đa số nghệ sĩ lớn tuổi khá thờ ơ với mạng xã hội. Thế nhưng thời gian gần đây, rất nhiều “sao già” thử chơi Facebook, lập kênh YouTube, thậm chí lấn sân sang cả TikTok. Từ thử cho vui, họ dần biến nơi đây thành công cụ hữu hiệu để quảng bá con đường nghệ thuật của mình…

Mới đây NSND Kim Cương ra mắt hồi ký Sống cho người, sống cho mình dưới định dạng sách nói (audio book). Sách được phát hành rộng rãi trên kênh YouTube mang tên “Kỳ nữ Kim Cương”. Nhân dịp này, bà giới thiệu thêm trang web và fanspage cùng tên trên Facebook. Đây là lần đầu tiên NSND Kim Cương dấn thân vào mạng xã hội. Dù đã rời sàn diễn từ lâu nhưng bà vẫn mong muốn những sản phẩm nghệ thuật lẫn hoạt động vì cộng đồng của mình sẽ được lưu giữ và cập nhật trên các nền tảng này. Từ đó kết nối bà gần hơn với khán giả ái mộ gần xa.


Sách nói hồi ký của NSND Kim Cương được phát hành trên kênh YouTube mang tên bà.

Không chỉ NSND Kim Cương mà vài năm gần đây còn có rất nhiều nghệ sĩ lão làng khác tập tành “chơi” mạng xã hội. NSND Thanh Tuấn lập kênh YouTube mang tên “Danh ca Thanh Tuấn”. Mới ra mắt hồi cuối năm ngoái nhưng kênh đã có kha khá khán giả đăng ký theo dõi.

Cũng tận dụng sự lan tỏa của YouTube, NSƯT Thanh Điền lập kênh mang tên ông và vợ – NSƯT Thanh Kim Huệ. Đây là nơi ông lưu giữ ký ức, kỷ niệm về người vợ quá cố. Ngay cả “đệ nhất đào võ” một thời – NSƯT Diệu Hiền, dù đã rời xa sân khấu từ lâu do sức khỏe yếu, bà cũng không ngại lập kênh YouTube để nhìn lại chặng đường cũ. Ở nền tảng Facebook, NSND Lệ Thủy sở hữu trang fanspage đăng tải trích đoạn cải lương và cập nhật hình ảnh hoạt động đời thường.

Tiên phong cho phong trào “sao già” chơi mạng xã hội phải kể đến NSND Bạch Tuyết. Bà lập kênh YouTube, fanspage và trang web riêng từ nhiều năm trước. Gần đây, bà còn chuyển sang cả TikTok – một kênh thời thượng mà giới trẻ rất ưa chuộng. Video cải lương, vọng cổ của Bạch Tuyết đăng tải trên các ứng dụng này đều được khán giả trẻ đón nhận nhiệt tình bởi sự trẻ trung, mới lạ. Bà không ngại làm mới các sản phẩm ca nhạc đang gây bão trên thị trường bằng phong cách cải lương. Hàng loạt bản hit như Lạc trôi của Sơn Tùng M-TP, Em gái mưa của Hương Tràm, Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu, Người lạ ơi, Đừng hỏi em… đều được NSND Bạch Tuyết cover (hát lại) bằng kiểu vọng cổ, mang đến màu sắc độc đáo, thú vị cho công chúng.

NSND Bạch Tuyết được coi là “sao già” nhanh nhạy nhất với xu hướng của giới trẻ. Thời điểm bọn trẻ quay cuồng với Rap Việt, bà sẵn sàng “trẻ hóa” vọng cổ, cải lương bằng cách kết hợp nó với rap. Đầu tháng 4 vừa qua, Bạch Tuyết bắt tay với ca sĩ trẻ Hoàng Dũng thực hiện MV Về nghe mẹ ru. Nhạc phẩm là lời tâm sự của người con sau nhiều năm bôn ba vẫn “hai bàn tay trắng”. Chàng trai thèm được trở lại ngày thơ bé, muốn về nhà để “được nghe mẹ ru ơi à”. Mở đầu, Hoàng Dũng hát trên nền nhạc R&B giàu tiết tấu. Sau đó Bạch Tuyết cất giọng ca cổ. Xen lẫn MV là đoạn rap bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Chỉ sau một ngày ra mắt, MV đã đạt hơn 350 nghìn lượt xem, nhanh chóng lọt top thịnh hành YouTube. Nhiều bạn trẻ để lại lời cảm ơn ở phần bình luận vì nhờ MV độc đáo này mà họ được tiếp cận với cải lương – bộ môn nghệ thuật vốn trước đây xa lạ với họ. Khâm phục cách làm của NSND Bạch Tuyết, khán giả Thanh Khương nhận định: “Đây là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để thế hệ trẻ yêu thích và giữ gìn một loại hình văn hóa dân tộc”.

Bên cạnh việc quảng bá cải lương, đờn ca tài tử bằng kiểu cover hay kết hợp mới mẻ, NSND Bạch Tuyết còn rất hăng hái đăng tải những trích đoạn cải lương kinh điển cũng như video nói về lịch sử, cái hay cái đẹp của bộ môn nghệ thuật này trên các nền tảng. Bà tâm sự: “Từ lâu, tôi đã chú ý đến tiềm năng và lợi thế rất lớn của mạng xã hội. Đó là nơi kết nối không biên giới, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị… Đặc biệt, đó là nơi hội tụ hầu hết người trẻ. Do vậy, khi có cơ hội và đủ kinh phí, tôi bắt tay thực hiện ngay các dự án. Tôi tâm niệm: muốn đến với người trẻ, chúng ta phải bước trên con đường mà họ đang đi. Đó là điều không thể khác”. 

Ở lĩnh vực âm nhạc, cuối năm ngoái, nhạc sĩ Quốc An khai trương kênh YouTube mang tên mình. Dù nổi lên từ thời trai trẻ với những bài hát ăn khách trên sóng Làn sóng xanh như Cây đàn sinh viên”, “Hát với dòng sông”, “Tình phiêu lãng”… nhưng hơn 20 năm sau, khi trên đầu đã hai thứ tóc thì anh mới tập tành lập kênh YouTube. Ý định lập kênh bắt nguồn từ sự nổi tiếng của ca khúc Cảm ơn con nhé – nhạc phim truyền hình đình đám Về nhà đi con hồi năm 2019. Nhiều người thắc mắc sao thời điểm phim đang hút khách, Quốc An không tranh thủ tận dụng cơ hội ra mắt kênh YouTube luôn mà lại để đến bây giờ? Ai chơi thân với Quốc An sẽ hiểu rõ lý do: anh không phải là người hám danh. Anh quan niệm hữu xạ tự nhiên hương, cái gì hay tự khắc nó sẽ đến được với công chúng.


NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Hoàng Dũng trong MV “Về nghe mẹ ru”.

Những ngày Về nhà đi con khiến người người nhà nhà ngóng chờ mỗi tập, nhiều người thân của anh vẫn không biết tác giả lẫn người thể hiện nhạc phim chính là anh. Đến khi biết thì ai cũng té ngửa, bảo sao anh im ắng quá. Từ đây, quan niệm về sự nổi tiếng của anh có chút thay đổi.

“Ngày xưa, tôi không quan trọng việc nổi tiếng lắm nhưng bây giờ thì thấy nó cực kỳ quan trọng với người nghệ sĩ. Từ trường hợp ‘Cảm ơn con nhé’, tôi nhận ra nếu bài hát của mình không được quảng bá rộng rãi, dù có nhiều người yêu thích thì nó cũng không có cơ hội tiếp cận”. Với suy nghĩ này, anh quyết tâm ra mắt kênh YouTube riêng để quảng bá các sản phẩm âm nhạc mới nhất. Ngoài nhạc phim Về nhà đi con, loạt MV trên kênh YouTube “Nhạc sĩ Quốc An” còn có Cách ly”, Ngộ, Ôi thương quá miền Trung, Sóng gió vô thường, Tình bạn là mãi mãi, Xin lỗi mẹ, Như ánh sao đêm, Đồng tiền ma quái, Thầy giáo trẻ, Việt Nam tuyệt vời… Các ca khúc khai thác đa dạng đề tài: từ tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu trai gái đến tình thầy trò, tình yêu quê hương đất nước…

Lâu nay, NSND Kim Cương nói không với Internet lẫn ứng dụng mạng xã hội bởi bà không rành công nghệ cũng như rất ngại sự hỗn tạp, thị phi ở môi trường số. Cùng suy nghĩ như bà, rất ít nghệ sĩ lão làng thử dùng mạng xã hội. NSƯT Diệu Hiền tâm sự bà vốn không hề biết chút gì về YouTube. Mãi sau này, NSND Bạch Tuyết cho bà xem kênh của một số đồng nghiệp rồi chỉ ra cái hay, cái được của việc có kênh riêng, Diệu Hiền mới gật đầu. Một nghệ sĩ giấu tên cho biết: “Lớp già chúng tôi không rành Internet, thao tác cái gì cũng chậm chạp chứ không nhanh nhạy, cập nhật như giới trẻ. Ngoài ra, không ít người như chúng tôi thấy mình đã hết thời, nên không có nhu cầu chia sẻ, tương tác với công chúng. Nhỡ mình có vạ miệng hay phát biểu thiếu sáng suốt thì mang tiếng cả đời”. E ngại của họ hoàn toàn có cơ sở khi mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Nếu biết cách sử dụng thì nó là cầu nối rất hữu ích cho giới nghệ sĩ và khán giả. Nhưng cũng chính vì họ là người nổi tiếng nên nhất cử nhất động trên Facebook, YouTube, Instagram… đều bị khán giả dò xét kỹ càng.

Hiểu mặt trái của nó nên khi tập tành dùng mạng xã hội, các nghệ sĩ lão làng đều cẩn trọng từng chút một. Để an tâm khi mình không mấy thạo công nghệ, một số nghệ sĩ thuê hẳn ekip chăm sóc trang và kênh cá nhân cho mình. Đơn cử như NSND Kim Cương, NSƯT Diệu Hiền… Tuy vậy, ekip của họ chỉ hỗ trợ khâu kỹ thuật là chủ yếu. Phần nội dung, chủ đề vẫn do chính họ cầm trịch, định hướng. Riêng NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Điền, NSND Thanh Tuấn… thì tự mình vận hành, quản lý kênh và tương tác với fan.

Trang mạng xã hội của những nghệ sĩ kỳ cựu đã và đang níu giữ khán giả trở lại một thuở vàng son. Khán giả không chỉ được thưởng thức giọng ca lẫn tác phẩm vang bóng một thời mà còn gìn giữ và nối dài ký ức ấy với nghệ sĩ. Trang cá nhân không chỉ thuộc về nghệ sĩ đó mà còn là của chung của cộng đồng, được cộng đồng chăm sóc, lưu giữ và phát triển. Đó là điều mà NSND Diệu Hiền tâm niệm khi đăng tải từng cuộn băng ghi âm giọng hát lên YouTube giữa lúc sức khỏe của bà ngày càng giảm sút rõ rệt.

Theo Mai Quỳnh Nga/VNCA