Nguyễn Vũ Quỳnh – Chép lên khoảng trời

725

Đi tìm quán rượu bờ sông
Mà sao say giữa cánh đồng Giêng Hai”

Nhà văn Cao Chiến

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có rất nhiều lối để giới thiệu về bản thân, có người tự trào “Dáng đi có lỗi với đời/ Cái đầu cúi xuống thay lời hỏi han” (Phạm Công Trứ). Gần hơn thì “Nhà tôi hai bốn Cột Cờ/ Ai yêu thì đến hững hờ thì qua” (Xuân Diệu). Với Nguyễn Vũ Quỳnh thì: “Tháng Mười năm một ngàn chín trăm bảy mốt/ Của tôi năm tháng binh nhì/ Trên đoàn tàu lao lên phía trước/ Tiếng còi vang vọng núi Cung” (Ký ức binh nhì), lối viết này cũng kiêu hãnh lắm, khiến tôi cảm thấy thích thú…

Tập thơ Chép lên khoảng trời

Cuối 2016, nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh tặng tôi tập thơ Chép lên khoảng trời khá dày dặn, với lời giới thiệu của thi sỹ Xuân Trường. Chép lên khoảng trời (Nxb Hội nhà văn 2016) là tác phẩm thứ năm của nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh, trước đó anh đã cho xuất bản: Khúc hát xa quê (thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2006), Hai mươi năm sau (tập truyện ngắn, Nxb Văn hóa – Thông tin 2008), Ru lời yêu em (thơ, Nxb Thanh niên, 2011), Đối thoại với thời gian (thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2013). Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chi mạn phép có đôi dòng cảm nhận về tác phẩm Chép lên khoảng trời của anh.

Nguyễn Vũ Quỳnh Chép lên khoảng trời gì đây và liệu “khoảng trời” kia có vui vẻ để cho anh “chép” lên hay không? “Ta đưa khát vọng thời đương đại/ Về lại bến quê thăm miền cổ tích/ Chép lên khoảng trời xanh màu ngọc bích/ Chuyện ngày xưa đối thoại với bây giờ” (Chép lên khoảng trời), giờ thì đã rõ, tác giả có ý đưa cái bộn bề hôm nay rong ruổi về miền ký ức cho chúng “đối thoại” với nhau. Trước khi có thể lý giải sâu hơn về thứ mà tôi mạo muội gọi là cảnh giới trong thơ Nguyễn Vũ Quỳnh, tôi xin được dẫn ra đây một số câu thơ của anh: “Trên bàn đám cưới hoa dong/ Con sông trở dạ đục trong đôi bờ” (Cánh đồng mẹ tôi); “Nghe người hát xẩm chợ quê/ Bỗng dưng nhớ lại tái tê một thời/ … Mắt huyền ngấn nước làn mi/ Tố Như ơi viết làm chi Truyện Kiều”(Chiều ba mươi); “Bắt đền nỗi nhớ/ của nhau/ Dòng sông khát nắng tím màu hoàng hôn/ Mấy ai biết được dại khôn/ Có ai hôn nửa nụ hôn bao giờ/ Bần thần lạc mất tuổi thơ/ Đêm về tìm lại giấc mơ bắt đền” (Giấc mơ bắt đền).

Thứ nhất là thơ Nguyễn Vũ Quỳnh vẻ như thiên về triết lý. Thơ viết theo lối này đòi hỏi dụng công rất nhiều, không chỉ là cấu tứ và ngôn ngữ chắt lọc, mà ẩn sâu phía sau là suy tư trăn trở về cuộc đời ta gọi nôm na là tư tưởng, chưng cất để làm bật ra điều mình muốn nói. Ví dụ ở câu thơ về đám cưới ngày trước chỉ có hoa dong, vế trên vừa hé ra “Trên bàn đám cưới hoa dong” thì ở vế dưới tác giả đã lập tức khép lại bằng“Con sông trở dạ đục trong đôi bờ” (Cánh đồng mẹ tôi). Thật may mắn tác giả đã không để cho người đọc thất vọng mà còn thấy sự tài tình của người cầm bút đã khắc họa lại một đám cưới nhà quê thời xa vắng vẫn coi giờ tốt và hoa tươi như vậy. Khi anh viết “Trên bàn đám cưới hoa dong/ Con sông trở dạ đục trong đôi bờ”, tôi hình dung ra những đám cưới của một thời ở quê, thay vì trắng muốt lay ơn, hay hoa hồng đỏ thắm thì cô dâu chú rể “chơi” hoa dong, thứ hoa dễ kiếm có thể quờ tay hái ở ngay hàng rào.

Nhưng tôi phải nói thêm thế này, hoa dong đẹp lắm, màu tím xen lẫn màu đỏ tía rất đặc trưng của làng quê, cánh mỏng manh đến độ nếu đặt mạnh tay có thể nát bấy ngay. Đẹp lung linh thế nhưng hoa dong vẫn chỉ là hoa của một thời khốn khó. Ở thì hiện tại chẳng đám cưới nào chơi hoa dong nữa, cũng bởi vậy với Nguyễn Vũ Quỳnh hoa dong không chỉ là ký ức mà đã trở thành một thứ rất riêng của quê một thời để nhớ, anh lấy đó đối thoại với bây giờ. Còn nữa, đám cưới vào cái giờ con sông trở dạ, là cái giờ con nước sinh sôi ấy. Anh đã đưa hình tượng thiên nhiên vào cái ngày giờ sang trọng linh thiêng ấy, làm cho bài thơ giàu tính nhân văn, đầy thi ảnh và ý nghĩa sinh sôi sâu sắc trong cái thời khốn khó ấy.

Với Chiều ba mươi thì lại là một không gian ký ức theo chiều ngược lại. Đã nhiều người viết về cái không gian này, thậm chí có hẳn một tác phẩm tôi không nhớ chắc lắm là phim hay ca khúc về người hát rong, nhưng với Nguyễn Vũ Quỳnh thì cách tiếp cận hơi lạ. Nghe người hát rong hát trong buổi chiều ngày ba mươi, bỗng anh buột thành lời: “Mắt huyền ngấn nước làn mi/ Tố Như ơi viết làm chi Truyện Kiều” (Chiều ba mươi). Tôi tự hỏi Nguyễn Vũ Quỳnh có liều lắm không khi anh bộc phát như vậy? Bởi từ lâu Truyện Kiều đã là tiếng Việt, tâm hồn Việt? Và tôi ngộ ra điều này, Chép lên khoảng trời là đối thoại của “ngày xưa với bây giờ” chẳng qua Nguyễn Vũ Quỳnh muốn gửi gắm một chút gì gọi là nỗi niềm thương cảm đối với thân phận người mà thôi, cũng bởi chút tình ấy mà câu thơ đứng được trong suy tư người đọc. Với “Mấy ai biết được dại khôn/ Có ai hôn nửa nụ hôn bao giờ” (Giấc mơ bắt đền) thì lại là một trạng thái lý tính khác. Không thiếu những nụ hôn gãy lưng chừng, khiến nửa kia ngẩn ra, nhưng hôn thế thì còn tệ hơn là không hôn. Vậy là, từ cái hành vi “hôn” Nguyễn Vũ Quỳnh đã biến thành một triết lý Có ai hôn nửa nụ hôn bao giờ. Tôi nói thơ anh vẻ như thiên về triết lý sâu sắc là bởi vậy.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh

  • Điều thứ hai tôi muốn nói về cuộc đối thoại giữa “Chuyện ngày xưa đối thoại với bây giờ” trong Chép lên khoảng trời là mặc dù giọng điệu thơ Nguyễn Vũ Quỳnh vẻ như thiên về lý tính nhưng chẳng thiếu vắng không gian trữ tình sâu lắng. Có những bài chất trữ tình hết sức đằm thắm khiến cho người đọc, trong trường hợp là tôi, bị ám ảnh, xúc động. Có thể kể ra đây những bài như: Trả lại cánh đồng, Còn không, Tìm xưa, Tản mạn quê nhà, Đồng đội ơi, Lời ru tháng Tư, Hoàng Sa phía mặt trời… và một số bài thơ khác…
  • Tôi xin dẫn một số câu thơ trong các bài kể trên để minh họa, chính xác hơn là cảm nhận của mình về thơ Nguyễn Vũ Quỳnh: Đường biên giới chưa cắm bằng cột mốc/ Mà do bằng nhịp đập của trái tim. (Hoàng Sa nơi phía mặt trời). Và “Thương những bắp chân nõn nà con gái/ Vội vàng chao giữa cầu ao/… Bây giờ còn đầy kỷ niệm/ Chìm trong khúc hát nỗi niềm/ Người quê tìm đi nơi khác/ Còn đâu cái thuở vun trồng” (Trả lại cánh đồng). “Bếp chiều con tép bờ sông/ Chạy qua hành mỡ ngoài đồng cũng thơm” (Qua miền kí ức)… “Còn không quán rượu bờ sông/ Mà sao say giữa cánh đồng Giêng, Hai” (Còn không). Ngôn ngữ hình tượng thi ca được chắt chiu như vậy là rất đắt, tạo cho người đọc món ăn tinh thần độc đáo, hấp dẫn, đẹp đẽ không lẫn vào đâu được mà Nguyễn Vũ Quỳnh đã chắt lọc, nuôi dưỡng, hun đúc trong tâm hồn mình.

Hình ảnh những bắp chân con gái… nõn nà chao giữa cầu ao trong Trả lại cánh đồng của Nguyễn Vũ Quỳnh khá ấn tượng. Theo lẽ thường, người ở trong quê có gì đó kín hơn người ở thành phố, khi các em vén ống quần rửa chân ở bờ ao, chuôm, những con sóng chao qua chao lại, khiến cho chân cô gái sáng lên như gương, bỗng có sức hút ma quái khiến nhiều anh chàng đứng tim. Nhưng nếu chỉ có như vậy thì chưa hẳn là đặc sắc, người khác cũng viết được nhưng Nguyễn Vũ Quỳnh đẩy chúng đi xa hơn và đây mới chính là hồn cốt của Trả lại cánh đồng: “Bây giờ còn đầy kỷ niệm/ Chìm trong khúc hát nỗi niềm/ Người quê tìm đi nơi khác/ Còn đâu cái thưở vun trồng”. Có chút gì như là hờn giận, đau đáu buồn khi quê hương đẹp thế mà người quê lại theo nhau bỏ đi hết. Còn không, Tìm xưa, Tản mạn quê nhà cũng đi theo mô-típ như vậy, rất đẹp và nhiều suy tư.

Với: Đồng đội ơi, Hoàng Sa phía mặt trời, Lời ru tháng Tư, tình cảm của binh nhì Nguyễn Vũ Quỳnh của năm một ngàn chín trăm bảy mốt và nay là nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh của năm hai ngàn không trăm mười bảy như cô đọng lại với: “Hương vị mặn mơn man từng thớ thịt /Giữa biển trời kiêu hãnh Tiến quân ca. Và, Những người con đang canh giữ Biển Đông/ là chiền binh sống giữa vùng mắt bão/ Họ đi qua trập trùng gươm giáo/ Tin mặt trời không lặn phía Hoàng Sa” (Hoàng Sa phía mặt trời), khiến cho nhiều người phải suy ngẫm về cuộc chiến đấu chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Viết cho đồng đội, cho những người cầm súng bằng những lời gan ruột như vậy khiến cho ai đọc qua cũng phải xúc động đó là tâm huyết của người cầm bút Nguyễn Vũ Quỳnh. Rất nhiều lần ngồi uống rượu với các anh tôi trong những dịp người ta gọi là lễ lạt, họ đều từng cầm súng và may mắn sống sót đi qua cuộc chiến, không dưới một lần tôi chứng kiến các anh tôi im lặng và khóc. Phải chăng lúc đó họ: “Kéo nhau về thời tuổi trẻ/ Mang theo ký ức binh nhì”. 

Chép lên khoảng trời không chỉ gói gém với chừng ấy tâm tư, nó gợi cho người đọc những khoảnh khắc trách nhiệm của mình với đất nước, với đồng đội và người thân yêu, nhưng thôi, tôi sẽ xin dừng ở đây để người đọc tự đi khám phá thơ Nguyễn Vũ Quỳnh nhiều hơn nữa.

Cá nhân tôi rất thích “Còn không quán rượu bờ sông/ Mà sao say giữa cánh đồng Giêng, Hai” (Còn Không). Bởi cái khoảng lặng này chẳng thể “diễn sâu” được, phải có một tình yêu quê hương đằm thắm, cùng một biểu cảm sâu sắc, với những hình tượng đẹp mới viết ra được những bài thơ như vậy. Với Nguyễn Vũ Quỳnh trong Chép lên khoảng trời, thơ anh như cánh cò trắng muốt, như dòng sông quê hương, như câu dân ca, nó cứ ngân nga trên cánh đồng lãng mạn, mặn mà thấm đượm nghĩa ân tình. Thơ của anh đôi lúc có những bài lãng đãng như áng mây trôi, lênh đênh trên bầu trời kí ức, rồi tích tụ in bóng xuống bến bờ sông quê. Thơ Nguyễn Vũ Quỳnh là tâm sự, ân tình, nhẹ nhàng sâu lắng với người quê, người lính, ngược lại với tính hào sảng, hoạt bát ngoài đời thường của anh.