Nhà văn, trung tá Phạm Vân Anh ra mắt tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế”

223

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày 16/12/2023, Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh ra mắt tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” tại Bắc GiangTiểu thuyết này là tác phẩm văn học thứ 15 của Phạm Vân Anh.

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh phát biểu tại lễ ra mắt tiểu thuyết.

Đến dự buổi ra mắt có ông Bành Thế Đoàn, Tham tám văn hóa, đại diện Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam; Thầy thuốc Ưu tú Thân Văn Nhã, nguyên mẫu trong tiểu thuyết; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; một số cựu chiến binh, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo và đông đảo bạn bè, đồng nghiệp tham dự.

 

Trung tướng Phùng Khắc Đăng phát biểu và chúc mừng tác giả tại buổi ra mắt

Tiểu thuyết Biên khu Việt Quế với kết cấu 7 chương, trên 70.000 chữ, viết về một giai đoạn lịch sử cách đây hơn 70 năm, cụ thể năm 1949, theo mệnh lệnh của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Bộ tổng Tư lệnh, quân đội ta đã cử một số đơn vị gồm 4 tiểu  đoàn và 3 đại đội độc lập chia làm hai cánh sang Trung Quốc để cùng với các đơn vị Giải phóng quân Trung Quốc tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, truy quét những nhóm quân Quốc dân đảng cuối cùng tại một số khu vực ở miền Nam Trung Quốc. Ngay sau khi mệnh lệnh được phát ra, đầu tháng 5/1949, hàng trăm chiến sĩ ưu tú từ các đơn vị đã hành quân về hội tụ tại làng Bằng (nay thuộc phố Bằng, xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Tại đây, trong sự cưu mang đùm bọc của nhân dân, vượt qua tai mắt của quân Pháp, các chiến sĩ Thập Vạn Đại Sơn được chỉnh huấn tư tưởng, học tập về nhiệm vụ quốc tế, rèn luyện yếu lĩnh quân sự, kỹ năng chiến đấu.

Tháng 6/1949, từ làng Bằng, các đơn vị vượt núi rừng qua huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn (Lạng Sơn) để tiến về hai mặt trận. Đêm hành quân, ngày ẩn nấp, lấy ánh lân tinh từ củi mục để tránh lạc đường, đại quân đã vượt biên giới sang hội quân cùng bạn tại Long Châu (Quảng Tây) và Khâm Châu, Phòng Thành (Quảng Đông).

Trong suốt 4 tháng, các chiến sĩ Giải phóng quân Việt Nam và Trung Quốc đã chiến đấu không ngừng nghỉ với tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả, chiến thắng trong 9 trận chiến lớn, hàng chục trận chiến nhỏ, bức rút nhiều cứ điểm địch, nối liền hai khu Thập Vạn Đại Sơn và Lục Vạn Đại Sơn, ngăn được Quốc dân Đảng cát cứ tại biên khu Việt Quế. Với tinh thần không sợ kẻ địch mạnh, không ngại khó khăn gian khổ, không tiếc xương máu, quân đội hai nước đã mang lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân biên khu, được lưu trong sử sách đấu tranh cách mạng của nhân dân khu Thập Vạn Đại Sơn

Chiến dịch kết thúc thắng lợi ngay trước khi Cách mạng Trung Quốc thành công, nước CHND Trung Hoa ra đời (1-10-1949). Đây được coi là một trong những sứ mệnh quốc tế đầu tiên mà quân đội ta thực hiện khi điều kiện trong nước đang diễn ra cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ và ác liệt chống thực dân Pháp.

Từ trái sang: Tác giả Phạm Vân Anh, Thầy thuốc Ưu tú Thân Văn Nhã (nguyên mẫu nhân vật trong tiểu thuyết) và Trung tướng Phùng Khắc Đăng

Phát biểu tại buổi ra mắt, Thầy thuốc Ưu tú Thân Văn Nhã (94 tuổi – nguyên mẫu nhân vật trong tiểu thuyết), hiện trú tại TP Bắc Giang, chiến sĩ liên lạc tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn chia sẻ: “Có thể nói chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn là niềm tự hào của những chiến sĩ QĐND Việt Nam và Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa. Chiến dịch này đã thể hiện tình đoàn kết giữa hai dân tộc, quân đội hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông”.

Vui mừng được đến dự lễ ra mắt tiểu thuyết, ông Bành Thế Đoàn – Tham tán văn hoá ĐSQ Trung Quốc bày tỏ sự xúc động và cảm ơn nhà văn Phạm Vân Anh, cảm ơn Đại tá Thân Văn Nhã và các chiến sĩ QĐNDVN đã hy sinh xương máu giúp đỡ cách mạng Trung Quốc trong những năm tháng khó khăn. Ông hy vọng tác phẩm này sẽ được phổ biến rộng rãi để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 Đảng, QĐ và nhân dân 2 nước để phát triển mối quan hệ hữu nghị trong tương lai. Ông mong muốn quan quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc ngày càng gắn bó, sâu sắc, nhất là sau các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước thời gian qua. Và để phát triển mối quan hệ đó cần có những tài liệu sinh động, được bạn đọc yêu mến như cuốn tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế”.

Với góc nhìn từ “Liên văn hóa”, PGS-TS, nhà văn Nguyễn Thanh Tú (Tạp chí văn nghệ Quân đội) cho rằng, Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thi hành, đây là điểm tựa văn hóa bằng “vàng” để nhà văn Phạm Vân Anh cắm mốc về tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc thông qua văn học. Thông qua tiểu thuyết đã thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, hữu nghị, đó cũng chính là đích hướng đến của “Liên văn hóa” trong tác phẩm. Những người lính trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn đã đổ máu vì độc lập dân tộc, những giọt máu ấy chính là điểm tựa của “Liên văn hóa” đã được thể hiện trong tiểu thuyết.

Tham tán văn hóa, Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Quốc Bành Thế Đoàn

Tại buổi ra mắt, nhiều đại biểu đánh giá, bằng tâm huyết với lịch sử và văn chương, bằng sự tri ân quá khứ, biết ơn các thế hệ cha anh, nhà văn Phạm Vân Anh đã triển khai thi pháp của “Biên khu Việt Quế” một cách chân thực, sinh động, với giọng văn giàu chất thơ, mở được không gian quá khứ cùng cảnh vật, con người, suy nghĩ, cách nói… của giai đoạn kháng chiến chống Pháp.

Với tiểu thuyết này, nhà văn Phạm Vân Anh đã triển khai khắc họa thành công về một trong những sứ mệnh quốc tế đầu tiên mà quân đội ta thực hiện khi điều kiện trong nước đang diễn ra cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ ác liệt chống thực dân Pháp.

Phát biểu tại buổi ra mắt tiểu thuyết của mình, nhà văn Phạm Vân Anh cảm ơn những tình cảm nồng ấm của đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp trong ngành báo chí, văn học cũng như mảnh đất Bắc Giang, nơi xuất kích của chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn; cũng là nơi có những nguyên mẫu nhân vật để khắc họa thành công tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế”, bài ca về tình đoàn kết chiến đấu giữa QĐND Việt Nam và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Nhà thơ, trung tá Phạm Vân Anh Sinh ngày ngày 13 tháng 01 năm 1980 tại Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Cử nhân Tiếng Anh, Thạc sỹ Quản lý hoạt động Tư tưởng – Văn hóa.

Hiện công tác tại Phòng Tuyên huấn – Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng, Phó Giám đốc Điện ảnh – Truyền hình Biên phòng (Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng), Phó Chủ tịch Chi hội nhà văn Quân đội.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam 

Chị đã có 15 tác phẩm văn học được ấn hành và được trao nhiều giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam cùng nhiều tác phẩm báo chí được trao giải thưởng Báo chí quốc gia, Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”, Giải thưởng của Liên hoan truyền hình toàn quốc.

Phùng Hiệu – Trung Anh

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi lễ ra mắt: