Những “Chiến sĩ áo blouse trắng”: Kiên cường nơi chảo lửa

504

Thu Hiền

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đảm nhận “sứ mệnh” chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng có nghĩa là ở nơi đó, những “chiến sĩ áo blouse trắng” đang thực sự bước vào cuộc chiến vì sức khỏe cộng đồng. Trong cuộc chiến đó, họ đang nỗ lực chăm sóc, chữa trị cho người bệnh bằng tất cả tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm cao cả, bất chấp hiểm nguy…

Năm 2021 là năm thứ 2 không có Lễ kỷ niệm chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 do tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, năm nay là năm đáng nhớ của các thầy thuốc vì có đến 365 ngày được cả thế giới tôn vinh khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức chọn năm 2021 là Năm của thầy thuốc (Year of the Health and care workers) trên toàn thế giới.

Bác sỹ CK II Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, là một tập thể trong tuyến đầu chống dịch, tại thời điểm dịch COVID-19 bùng lại ở TP.HCM trước Tết Nguyên đán, nhiều y bác sĩ đã tạm gác lại công việc cá nhân, gia đình, luôn trong tâm thế sẵn sàng về lực lượng, vật chất, trang thiết bị, chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh khi cần thiết.

Kể lại những kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình và đồng đội trong cuộc chiến với dịch COVID- 19, bác sĩ Thanh Phong cho biết, bệnh nhân Phi công người Anh (BN91) được xem là một kỳ tích trong y khoa, bởi trong suốt 65 ngày bác sĩ Phong cùng tập thể y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị trực tiếp cho BN91, tất cả đã phải trải qua chuỗi ngày với muôn vàn gian nan để cứu bệnh nhân, không còn khái niệm về thời gian khi luôn có một ê kíp túc trực 24/24 gồm một bác sĩ và hai điều dưỡng, và nhiều lần họ đã phải “thót tim” khi giành lại sự sống cho bệnh nhân từ “tử thần”.

Ngày nhận nhiệm vụ tình nguyện vào khu cách ly, những y, bác sĩ trẻ chỉ được nghe bảo là sẽ đi đến “mút mùa”, rồi cứ thế lên xe và… đi chứ không một phút chần chừ.

“Lúc đầu khi xung phong đi, mình cũng không biết cụ thể công việc như thế nào, thời gian đi chính xác là bao lâu, chỉ biết khối lượng công việc ở khu cách ly khá nhiều và nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nhưng lúc đó mình chỉ nghĩ, nghề mình học 6 năm qua, đã đến lúc xã hội cần và mình phải cống hiến”, bác sĩ Nguyễn Đăng Quang (26 tuổi, Khoa Tai mũi họng – liên chuyên khoa Bệnh viện Q.4, TP.HCM) bày tỏ.

10 bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Q.4 đảm trách 3 dãy nhà tại khu cách ly Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, đều là những y bác sĩ còn rất trẻ, chưa ai lập gia đình. Họ tự nguyện đăng ký xin đi thay cho những bác sĩ lớn tuổi, vì nghĩ mình trẻ, sức khỏe, dẻo dai, sức đề kháng cũng tốt hơn để tham gia chống dịch bệnh…


10 bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Q.4 – Những chiến sỹ tuyến đầu trong tâm dịch.

Là thành viên được xếp vào nhóm lớn tuổi của đội, bác sĩ Nguyễn Thị Hà Tiên (28 tuổi) đảm trách nhiệm vụ đội trưởng. Một ngày, đội của Tiên sẽ 2 lần đi kiểm tra, đo thân nhiệt, hỏi thăm sức khỏe của người cách ly. 3 bác sĩ trong đội được phân công mỗi người phụ trách một khu để xử lý tất cả những tình huống khẩn cấp xảy ra. Rồi sáng, trưa, tối lại cùng dân quân đi từng phòng đánh thức, phát cơm cho gần 500 người cách ly, khi đó, bữa ăn của họ mới bắt đầu…

Nhưng khổ nhất có lẽ vẫn là những ngày lấy mẫu xét nghiệm, vì mặc đồ bảo hộ vào 5 phút là mồ hôi đã tuôn ra như suối. Có những ngày phải cùng một lúc lấy đến 6.600 mẫu xét nghiệm, làm từ sáng sớm đến tận 10 giờ đêm, nên khuya đó xong việc đi về phòng, ai cũng như muốn lết về.

Trong tình hình dịch bệnh nên công việc ở đây cứ thay đổi từng ngày, từng giờ và không có ngày nào giống ngày nào. Sáng mở mắt ra là có công văn mới, công việc mới, toàn họp khẩn, chỉ đạo khẩn, triển khai khẩn và không ai đoán trước được điều gì sẽ xảy ra”, BS Tiên nói.

Cuối tháng 1/2021, dịch bệnh Covid-19 lại một lần nữa bùng phát mà tâm điểm là 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương…Và như một trận chiến mới, đội ngũ y bác sĩ TP.HCM lại lên đường để chi viện, chia lửa cho tuyến đầu.

Là một trong 3 người đầu tiên chi viện cho Đà Nẵng, bác sĩ trẻ Ngô Việt Anh vẫn nhớ như in chuyến công tác dài nhất mình từng trải qua. Anh kể, 12 giờ nhận được lệnh điều động thì 3 giờ đội phản ứng nhanh đã phải có mặt ở sân bay để chi viện cho Đà Nẵng. Không kịp chào gia đình, bác sĩ Việt Anh đã đến với “chảo lửa” Đà Nẵng và cùng chia lửa với các đồng nghiệp dằng dẵng trong suốt 40 ngày đêm.


Các Bác sĩ TP.HCM vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 nặng

Không còn “son rỗi” nhưng bác sĩ Bùi Thị Hạnh Duyên -Trưởng Khoa Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng gác lại việc gia đình, xếp lại công việc ở cơ quan để tiến vào tâm dịch. Chưa từng điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nên với bác sĩ Duyên, đây là đợt “thử lửa” đầu tiên của cuộc đời. “Khi vào tâm dịch, chứng kiến đồng nghiệp vất vả, nhìn thấy ngày càng có nhiều bệnh nhân nhập viện thì chúng tôi dường như quên hết mọi khó khăn, gác lại hết tất cả những mối bận tâm khác, chỉ quyết tâm làm sao điều trị cho bệnh nhân khỏi bệnh để họ được trở về nhà”, bác sĩ Duyên chia sẻ.

Điều đặc biệt trong chuyến công tác vào “tâm dịch” của đội ngũ y bác sĩ TP.HCM là những tờ giấy điều động công tác bỏ trống thông tin ngày về. Đây là điều hi hữu, chưa từng có tiền lệ trong những chuyến công tác trước đây nhưng họ đều không bận lòng. “Điều đó không quan trọng bởi chúng tôi luôn tự hứa với mình, bao giờ Quảng Nam- Đà Nẵng hết dịch, bao giờ trả lại sự bình yên cho người dân chúng tôi mới trở về”, Th.S-BS Nguyễn Phú Quốc, Bệnh viện Nhân dân 115 trải lòng.

Rạng sáng ngày 3/2, đội phản ứng nhanh đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy lên máy bay “chi viện” cho tỉnh Gia Lai- Địa phương bắt đầu có dấu hiệu bùng phát Covid-19 khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai phải tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh. TS.BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn- Đội trưởng Đội phản ứng nhanh số 1 chia sẻ: “Tinh thần của các thành viên đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy là luôn sẵn sàng tư trang, hành lý để đi hỗ trợ chống dịch cho các địa phương, chỉ cần có lệnh là chúng tôi lên đường”.

Là thành viên nữ duy nhất, bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới cho biết, chị và các đồng đội của mình lên đường đến Gia Lai chỉ sau 2 giờ đồng hồ nhận lệnh. Cũng thời điểm này của Tết năm ngoái, bác sĩ Thơ và các đồng nghiệp của Khoa Bệnh Nhiệt đới đã phải “trực chiến” điều trị cho hai bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Việt Nam. Suốt một năm qua bằng kinh nghiệm của mình,  bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ đã trở thành thành viên chủ chốt của đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy, sẵn sàng lên đường hỗ trợ các địa phương khi có dịch như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận…

Đến ngày 4/2, Đội phản ứng nhanh số 2 của Bệnh viện Chợ Rẫy lại tiếp tục lên đường đến với Gia Lai. Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Đội trưởng Đội phản ứng nhanh số 2- Người được mệnh danh là “Bác sĩ 91” khi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 91 (phi công người Anh) và cũng là một trong những người đầu tiên chi viện cho “chảo lửa” Đà Nẵng lại tiếp tục lên đường. Anh tâm sự: “Dịch bệnh bùng phát những ngày qua và khi các đồng nghiệp ở khắp nơi phải gồng mình chống dịch, chúng tôi sẽ giúp cho các đồng nghiệp ở Gia Lai ổn định được tình hình thì mới trở về”…


TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy căn dặn bác sĩ Nguyễn Thanh Linh trước khi lên đường chi viện cho tỉnh Gia Lai.

Đêm 30/4, đang trong kỳ nghỉ lễ nhưng toàn bộ y, bác sỹ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo lại bước vào cuộc huy động tổng lực cho một chiến dịch mới.

3 ca bệnh dương tính đầu tiên của đợt dịch thứ 4 được chuyển đến bệnh viện để điều trị vào lúc 3h sáng; 3 trường hợp tiếp xúc gần đồng thời được chuyển đến để cách ly, theo dõi sức khỏe.

BS Nguyễn Công Tâm – Trưởng khoa Khám bệnh, BVĐK KV Cầu Treo chia sẻ: Mặc dù mọi thứ đều sẵn sàng, nhưng tôi vẫn hồi hộp và có chút lo lắng. Xác định phải ở lại bệnh viện lâu dài, tôi gọi điện về động viên mẹ già 80 tuổi, 2 con và vợ để sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Được biết, 7 bác sĩ của BVĐK KV Cầu Treo đều được huy động, chia làm 3 ca chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Các anh cho biết, lo nhất là đợt dịch này vi-rút biến thể phức tạp, khó lường, số lượng các ca bệnh dương tính nhiều hơn các đợt trước, vì vậy, việc theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và điều trị những triệu chứng cho bệnh nhân không cho phép một phút lơ là.

Trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, đội ngũ điều dưỡng, hộ lý là những người tiếp xúc nhiều và đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn.


10 bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Q.4- Những chiến sỹ tuyến đầu trong tâm dịch.

Trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, thực hiện y lệnh của bác sĩ, hằng ngày, các điều dưỡng phải có mặt ở phòng cách ly, mặc bộ quần áo bảo hộ 7 món kín mít hàng giờ đồng hồ giữa thời tiết nóng nực. Thế nhưng, họ đã nỗ lực thích nghi với môi trường làm việc, phục vụ, chăm sóc bệnh nhân với trách nhiệm cao nhất.

Điều dưỡng Võ Thị Hồng Thoa bộc bạch: “Đây là lần thứ hai tôi tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Qua tiếp xúc, tôi đều đọc được ở họ tâm lý e ngại, có người cảm giác rất cô đơn khi điều trị bệnh mà không có người thân bên cạnh. Chia sẻ với bệnh nhân, chúng tôi luôn xem họ là bạn, là người nhà để chăm sóc, hướng dẫn họ thực hiện tốt các phác đồ điều trị, sớm vượt qua bệnh tật”.

Làm bạn với bệnh nhân COVID-19 nơi bệnh viện vùng cửa khẩu xa xôi còn có những nhân viên hộ lý với công việc lặng thầm nhưng hết sức đặc biệt.

Dọn rác, thay đồ, giặt là toàn bộ chăn, ga, gối; Xử lý rác thải của bệnh nhân và vệ sinh trong, ngoài khu điều trị ở nơi chữa trị căn bệnh nguy hiểm là công việc đòi hỏi sự chịu khó và hy sinh rất lớn. Chỉ sơ sểnh một chút trong cả núi công việc hằng ngày thì dịch bệnh rất có thể lây nhiễm cho bản thân và cộng đồng.

“Công việc dù vất vả, nhưng đặt hoàn cảnh của mình vào bệnh nhân và xem mỗi việc làm dù rất nhỏ của người hộ lý cũng là một viên gạch xây nên pháo đài chống dịch, nỗi mệt nhọc của chúng tôi cũng được xoa dịu”- Hộ lý Nguyễn Thị Hồng Lê chia sẻ.

Bị phong tỏa vì là ổ dịch Covid-19, bệnh viện giống như một chiến trường và mỗi khoa, tầng đều là một pháo đài, bác sĩ, nhân viên y tế là chiến sĩ phải bảo vệ bệnh nhân an toàn, không lây nhiễm dịch – Đó là chia sẻ từ bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều sau những ngày bám trụ làm việc tại bệnh viện chăm sóc bệnh nhân.

“Khi dịch ập đến, mặt trận này có rất nhiều tình huống căng thẳng. Bộ quần áo bảo hộ mặc trong thời tiết oi nóng, không được bật điều hòa càng trở nên bí bách, ngột ngạt. Bác sĩ phải thích nghi để bảo vệ chính mình. Bệnh nhân ung thư bình thường sức khỏe đã yếu, tâm trạng đã nhiều căng thẳng. Dịch Covid-19 tràn vào lại càng đáng lo hơn, bảo vệ an toàn và động viên bệnh nhân là nhiệm vụ số 1 được ưu tiên cao nhất”, bác sĩ Giang nói.

Vừa trải qua 18 ngày chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến Vĩnh Phúc, thì Ths.BS Trần Giáp – Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc nhận thông báo mình được tỉnh tin tưởng, lựa chọn cử đi tăng cường cho tâm dịch Bắc Giang.

Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 của Vĩnh Phúc trong giai đoạn cao trào, hàng ngày, trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, bác sĩ Giáp miệt mài đi bộ từ tầng một đến tầng năm để thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Bác sĩ Giáp cho biết: “Chúng tôi đã làm việc không quản ngày đêm, có những lúc mồ hôi trên người túa ra, ướt đẫm, đôi mắt cay xè mà không dám đưa tay lên lau. Nhưng thấy người bệnh khỏe lên từng ngày, tình trạng dần ổn định chúng tôi lại động viên nhau cố gắng hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để góp phần nhỏ bé chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.

Những ngày này, mỗi ngày làm việc 20 giờ, chỉ ngủ 2-3 giờ, nghe 200 cuộc điện thoại, chân không chạm đất… là những gì mà nhiều nhân viên y tế tại Việt Yên trong tâm dịch COVID-19 ở Bắc Giang đang phải trải qua.

Rạng sáng ngày 9/5 là dấu mốc đặc biệt đối với rất nhiều cán bộ y tế sau khi lấy mẫu cho toàn bộ công nhân làm việc ca đêm tại Công ty TNHH ShinYoung Việt Nam.

Việc lấy mẫu xét nghiệm, truy vết COVID-19 yêu cầu khẩn trương, thần tốc hơn bao giờ hết. Những cán bộ y tế tại Bắc Giang trong nhiều ngày qua đã không có một giờ ăn ngon ngủ yên. Họ gác lại tất cả các chuyện riêng, bỏ qua mệt mỏi để gồng mình chạy đua với COVID-19.

Được phân công phụ trách lĩnh vực truy vết nên Dược sĩ Nguyễn Thị Kim Anh – Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên ngày nào cũng phải làm việc từ sáng tinh mơ đến đêm muộn.

Để thuận tiện cho việc báo cáo tình hình dịch, chị Kim Anh đã công khai số điện thoại của mình trên trang thông tin địa phương. Vậy là đủ các tin về dịch dã báo về. Mỗi ngày chị phải nghe hơn 200 cuộc điện thoại, lãnh đạo hỏi công tác truy vết, tình hình dịch, người dân hỏi khai báo y tế, hỏi về cách ly, dấu hiệu bệnh tật.

Số ca COVID-19 trên địa bàn tăng nhanh, đồng nghĩa với các F1, F2 cần truy vết, lấy thông tin ngày càng nhiều. 3 người ở Trung tâm Y tế huyện làm không xuể. “Công việc cứ quay cuồng. Điện thoại cấp trên chỉ đạo liên tục, nhiều lúc nghe tăng thêm từng này, từng kia ca bệnh mà tim đập mạnh, lồng ngực như muốn vỡ ra”- Dược sĩ Kim Anh chia sẻ.

Cũng trong cảnh “quay cuồng” với công việc, Bác sĩ Hoàng Văn Luận (khoa Xét nghiệm- Trung tâm Y tế Việt Yên) cho biết, đêm thứ Bảy (ngày 15/5), anh em trong khoa Xét nghiệm đi lấy mẫu ở Khu công nghiệp đến 23h đêm mới xong. Đến hôm nay, dù trời nắng gay gắt, anh em vẫn cặm cụi trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi chảy cạn, cắm mặt vào lấy mẫu, xét nghiệm trong nhiều giờ.

Là trưởng khoa Xét nghiệm nên từ khi có dịch anh vừa phải đi làm, vừa nghe điện thoại phối hợp với cơ quan chuyên môn kể cả nửa đêm hay tinh mơ sáng. Cứ thêm các ca dương tính, anh lại cùng các cán bộ của trung tâm Y tế chuẩn bị các máy móc, phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, bình phun, đồ bảo hộ…khẩn trương lên đường làm nhiệm vụ giữa tâm dịch.

Còn theo chia sẻ của BS Diêm Đăng Đích (Trưởng khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Việt Yên), hàng ngày lúc chuông điểm 5 giờ sáng, các bác sĩ và điều dưỡng đã có mặt để chuẩn bị bắt đầu cho một ngày mới của mình.

Công việc của mình là vậy, dịch bệnh ập đến, không còn cách nào khác. Mình bảo vợ chẳng may có trở thành F0 trong quá trình làm việc cũng phải chấp nhận thôi. Thế nên chuyện mình đi làm nhiều ngày không về nhà vợ chẳng trách móc gì”, BS Đích chia sẻ. BS cho biết, nhà anh cách bệnh viện chưa đầy 1km nhưng lại thấy đường về nhà xa vời vợi…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, tính đến 17h30 ngày 30/5 tỉnh đã ghi nhận 2.216 ca mắc COVID-19. Ngoài ra, có trên 17.100 trường hợp F1 cùng hàng chục ngàn người phải cách ly tập trung.

Dự báo F0 sẽ tiếp tục tăng, đời sống người dân đang bị đảo lộn khi 8/10 huyện thị của Bắc Giang phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 16…

Từ khi dịch bùng phát, các y bác sĩ tại chỗ đã phải căng mình ra chống dịch. Thiếu nhân lực, vật lực, tỉnh phải huy động cả sinh viên trường Y vào cuộc. Và trong những ngày khó khăn này, rất nhiều Y, Bác sĩ từ Yên Bái, Hải Dương, Quảng Ninh, TP.HCM, Nha Trang… đã đến chi viện cho Bắc Giang.

Bắc Giang đang khoanh vùng dịch dần, những điểm nóng lớn nhất đang có dấu hiệu đỡ hơn – Tin vui ấy từ Bắc Giang đang làm bớt đi những lo lắng.

Nhưng đằng sau những tin tức tích cực ấy là sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu – Những “chiến sĩ” áo trắng tình nguyện xa nhà chống dịch, xa cha mẹ già, con thơ, chống chọi với cái nóng hầm người, rát da, nóng đến mất nước trong bộ đồ bảo hộ kín mít…

Nhiều người kiệt sức ngất xỉu, có người mệt nhoài ngã bên vệ đường mà ngủ. Có người để lại con nhỏ ở nhà, đứa trẻ thấy mẹ trên tivi đã bật khóc: “Mẹ ơi sao mẹ chưa về”!

Tất cả họ đều đang phải tạm biệt gia đình, “cấm trại” tại bệnh viện và các điểm ăn ở tập trung chống dịch, nguy cơ lây nhiễm rình rập hằng ngày. Có người đã đi “thường trực chống dịch” đến lần thứ 4, thứ 5 trong 1 năm qua, mỗi đợt hàng tháng trời.

Không thể kể hết được những công sức, sự đóng góp của từng thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch. Với sự cống hiến âm thầm của họ, dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát.

Mặc dù thường xuyên phải đối mặt với vất vả, hiểm nguy nhưng điều làm họ ấm lòng bởi họ biết ngoài kia, cả cộng đồng đều đang hướng về tuyến đầu chống dịch. Tin rằng, những nỗ lực, hy sinh của những “Chiến sĩ áo Blouse trắng” sẽ góp phần cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh. Và trong cuộc chiến này, chúng ta nhất định sẽ thắng!

T.H