(Vanchuongphuongnam.vn) – Câu nói truyền đời từ một địa phương rằng: “Cô cũng như bố”, ở giữa nơi quần cư đủ mọi vùng miền này có thể sẽ trở nên dị biệt với nhiều người nhưng dẫu sao với Hoan thì thấy nó thật đủ cho riêng anh. Cái bến đậu vĩnh hằng mang cô đi đã giải thoát cho một số phận nhỏ nhoi, bất hạnh giữa thế nhân, đưa lại cho anh nỗi hoang hụt mênh mông với sự xót thương, ám ảnh. Rồi tự nó kéo về để lấp vào bằng kí ức trình tự cuộc đời bà cô anh: Một con người.
Tranh minh họa – Tác giả Minh Châu Nguyễn
Từ nhỏ lớn lên Hoan đâu có biết mặt cha, nhiều lần thấy các cô bác hàng xóm bảo: “Cái thằng này bố nó đi buôn muối rồi”. Dần dà cu cậu cũng mơ hồ hiểu được bố đã mãi mãi chẳng về. Mẹ cậu thì “đầu tắt mặt tối” với công việc đồng áng. Sáng dậy bà đã không còn ở nhà cùng chị cả, quá trưa về ăn vội bát cơm lại đi, có hôm tới khuya mới về. Bà cô cũng bận rộn lắm nhưng bao giờ vẫn dành đủ thời gian chăm sóc chu đáo cho đứa cháu út trong nhà: Từ giặt giũ quần áo, đến tắm rửa, mớm cho Hoan ăn rồi bế cậu lên võng khe khẽ đong đưa, khe khẽ hát ru:
“Gió đưa hoa cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”
Cái giọng ca sâu buồn thăm thẳm ấy, từ cô thẩm thấu suốt cuộc đời Hoan; những lúc trống vắng nó âm âm trong anh như thôi miên, như day dứt. Có phải đâu cái tình tiết ngẫu nhiên lại đi trói chặt số phận mỗi con người; ngay cả các tên gọi người ta đặt cho cô chỉ nghe thôi đã thấy éo le thân phận. Thời kháng chiến chống Pháp trên đường dân công phục vụ chiến dịch; bố Hoan gặp cô bé nằm gục trên đường trong đói lả giữa cuộc chạy loạn thất lạc lang thang; ông nhai gạo bón cứu được sau mang về cho mẹ Hoan nuôi. Dò hỏi mãi cô bé chẳng nhớ nhà mình là đâu, anh chị em, bố mẹ là gì duy nhất mỗi một điều biết mọi người gọi cô là: Cái Tý. Bố Hoan lại vội vàng đi ngay cho kịp đoàn, mọi chuyện để lại cho mẹ cậu tự lo liệu. Bà cho mời bác cả đến bác đặt tên và từ đấy xóm làng đều gọi cô là: Cái Nhặt đó là những điều Hoan biết về cô do mọi người kể lại còn cậu chỉ nhận biết từ khi: mỗi lần cô nghe ai đấy nhắc tên mình như đánh thức tủi buồn, như réo gọi côi cút lạc loài trong cô khiến nét mặt ràu ràu trĩu nặng ưu tư, mờ khuất đi sự hồn nhiên thơ trẻ. Cứ mỗi lần như thế mẹ Hoan lại động lòng xót xa bà lựa ý bác cả cải tên là Lượm cho cô. Cô lớn dần cùng ông chú và chị em Hoan trong thấp thỏm chờ mong ngày bố cậu trở về; từ sau đợt ra đi ấy ông đã đi vào biệt tích. Những năm sau mỗi sáng mẹ Hoan cố kéo sụp cái khăm mỏ quạ che lấp đi khóe mắt hõm sâu thâm quầng phờ phạc. Mãi rồi mọi người cũng dần dần quen đi với sự thiếu vắng hiu quạnh, buồn lo. Cái không gian nặng nề ấy cũng chẳng cản được cô tới tuổi dậy thì phổng phao, và cô lại vẫn thấy chạnh lòng buồn cho tên gọi, so với cái tên trước đó đâu có hơn gì. Mẹ thương cô quá bà âm thầm đến gặp ông trưởng họ đặt lại tên rồi cô mang tên Thu cho đến cuối đời.
Ngày bố đưa cô về giăng giăng ánh vàng của mùa hoa cải ngồng đu đưa trong gió heo may. Rồi những mùa hoa cải cứ về để cô Thu thêm mà mặn thôn nữ. Hoan cùng mấy đứa thường túm năm túm ba chơi đừa nghịch ngợm với nhau, cũng đã cắp sách đến trường. Tối đến sau bữa ăn ba chị em cụm đầu vào ngọn đèn dầu ê a học bài, thỉnh thoảng chị Thiêm lại khảo lên đầu Hoan vì tội:
– Cái mồm cứ quàng quạc không để ai học được.
Cu cậu xoa xoa đầu lảng qua hỏi mẹ:
– Hôm nay sân đình không đánh trống mà cô Thu có phải đi phụ trách thiếu nhi nữa đâu lại không ở nhà mẹ nhỉ?
Câu hỏi vô tình đụng tới nỗi âu lo cho cuộc sống bếp bênh của một gia đình mà người đứng mũi chịu sào là mẹ, bà bất trắc thở dài thườn thượt:
– Chỉ cô ấy mới biết thương chị với các cháu thôi. Có bao giờ nó rảnh rỗi đâu, không đi học bình dân thì tranh thủ sáng trăng đi làm phân xanh, hay nhân việc làm khoán lấy công điểm đấy mà. Có như ông chú ruột của chúng mày đâu, tệ quá đi ăn chơi lêu lổng lại còn học đòi. Lấy mấy tháng lương ăn của cả nhà bán đi mua đồng hồ: Vi-cờ-le, áo Zi-lê, quần ka ki nữa. Bóp mồm bóp miệng các cháu để chơi, có nói ra lại bảo: Vốn chị dâu ai chả ghét em chồng – bà chép miệng nghe buồn rười rượi.
Đến khuya mọi người đi ngủ cả, cô mới về tắm táp xong cô vào nằm nhẹ nhẹ bên Hoan sẽ sàng ve vuốt đầu vai cu cậu. Trong đêm tối dù gắng kìm nén cô vẫn không giấu nổi sụt sùi, những gọt nước mắt ấm nóng cứ vô tình rơi xuống ngực Hoan. Cậu biết cô thương lắm mấy đứa cháu mồ côi nhất là đứa út trong nhà. Cô làm lụng vất vả sớm khuya rồi những cuộc cãi vã giữa cô và ông chú ruột của Hoan là chú Kiên thỉnh thoảng lại diễn ra bởi hai tính cách hai lối sống trái chiều nhau.
Một hôm nửa đêm rồi mà vẫn chưa thấy chú Kiên về nghỉ; Hoàn thức giấc trong đêm tối nghe mẹ cậu và cô thì thầm bàn bạc, cô bảo:
– Nghe nói anh ấy đang theo đuổi cô Lụa ở làng bên, em thấy không tốt đâu nhưng thôi. Cái ngữ anh ấy người ta có nhầm mà rước cho thì nhà mình may rồi. Cứ để đôi bên lấy nhau ở riêng ra cho chị thoát tội.
Vài ngày sau thấy cô thong thả đi mời các ông, các bác chủ chốt trong gia tộc về nhà họp họ bàn việc lo cưới vợ cho chú Kiên. Sau lễ cưới lập tức chú đòi chia chác để mang về bên nhà vợ. Mẹ bảo:
– Xưa nay chỉ có phận gái theo chồng chứ ai lại đàn ông đi theo vợ. Làm như vậy làng xóm chê chị trước, cười chú sau. Cứ để từ từ chị em mình kiếm chỗ làm nhà, chú thím ra ở rồi chia sau.
Chú quay lại trơn mắt:
– Đứa nào dám cười; ông về bên nhà vợ nhà cao cửa rộng… hay là tiếc mấy cái nồi méo, ba cái bát mẻ mà úp úp, mở mở.
Mẹ với cô nhìn nhau lắc đầu ngán ngẩm, bà tắc lưỡi:
– Chị muốn chú theo phải lẽ đời thôi chứ có tiếc gì đâu. Thôi có gì mà phải chia, chú mang đi được cái gì thì cứ mang.
Mấy chị em Hoàn đứng sững sờ nhìn chú thím và mấy người bên nhà thím nhặt nhạnh khuân vác đồ đạc đem đi. Căn nhà vốn đã trống hơ trống hoắc giờ lại càng tiêu sơ. Một lát cô về cùng ông trưởng họ; ông định cho người đi lấy lại nhưng mẹ Hoan nài xin thôi cho êm chuyện, ông tuyên bố:
– Họ này kể từ hôm nay không còn thằng ấy, cấm mọi người không lai vãng.
Từ đó những ngày bình yên thực sự đã về với căn nhà nhỏ ấm áp, thương yêu. Cô lại càng bận rộn vì sự quấn quít của mọi người quanh cô; nhiều bạn trai đến vì yêu, nhiều bạn gái đến vì mến, lớp đàn em cũng không bỏ lỡ cơ hội quấn lấy chị phụ trách vì quí. Dáng cao thanh tròn lẳn, trắng ngần, khuôn mặt đẹp như trăng rằm, mái tóc mượt dài đen nhánh mới chỉ là một nửa cho sức lôi cuốn của cô! Cái còn lại là đôi lúc sự mạnh mẽ dứt khoát cần thiết thay cho sự dịu dàng, nết na, thơm thảo vốn có. Chỉ riêng nói năng có duyên hay giọng hát mê hồn của cô cũng đã kéo hết thanh thiếu niên đi sinh hoạt đoàn thể. Tự nhiên Hoàn được các đàn anh để ý chiều chuộng để ghi điểm với cô. Cu cậu thấy dương dương khoái trá. Nhiều lần mẹ Hoàn giục cô:
– Em xem có đám nào vừa ý chị lo cho. Cứ để đông đám thanh niên đi lại thế mang tiếng, cứ kén mãi muộn rồi lỡ thì, chị chỉ muốn em có nơi có chốn để chị nở mặt với anh, với xóm làng nữa chứ.
– Chị kệ em, các cháu ngày càng lớn cứ như tằm ăn rỗi, lại còn phải cho chúng học hành bằng người, mình chị chịu sao nổi. cứ để em cáng đáng với chị nuôi các cháu lớn hãy tính.
Qua mấy năm mẹ cứ giục, cô cứ tìm lí do để ở nhà cùng chị nuôi các cháu. Rồi những đám thanh niên cũng thưa dần. Số ít xây dựng gia đình phần đông đều đã đi bộ đội. Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt không ở miền Nam, ngoài Bắc địch cũng đưa máy bay ra ném bom bắn phá. Chiều ngày ấy mẹ Hoàn vừa đi làm đồng về, bước vào sân, cô lẩn ra ôm lấy chị từ phía sau lưng, dí môi vào tai chị nũng nịu:
– Chị cho em đi bộ đội nhé, ở các nơi họ đi nhiều lắm.
Bà đứng tần ngần đưa hai tay nắm lấy tay cô đang choàng trước bụng đắn đo:
– Cô thương chị đừng để chị lo, mấy năm cứ đắm đuối vì các cháu chẳng chịu lấy chồng, chị đã sốt ruột quá rồi bây giờ lại đòi đi, biết bao giờ mới để chị ngủ yên đây? Bố các cháu chê chị không ở với vợ con rồi còn cô cũng như bố ở nhà xây dựng gia đình cho các cháu có chỗ giữa chứ.
Cô ôm chặt chị dâu năn nỉ:
– Chị ơi; em nghĩ đến các cháu mới thế chứ. phải có người đi chặn giặc thì các cháu mới có nơi để ăn để học. Với em cũng muốn đem lại vết hồng trong lý lịch cho các cháu sau này. Cho em đi nhé, đi chị… các cháu cũng đã lớn cả rồi mà chị.
Và thế! Cô với bao phụ nữ khác rủ rê nhau xung phong, tình nguyện từng lớp ra đi. Trong làng đồn rằng: “Cô với anh Thái ở thôn Trung Hà hai người say nhau lắm. Anh ấy đi bộ đội cô cũng vào bộ đội họ rủ nhau cùng ra chiến trường. ’’Những tháng đầu ở nhà thư cô gửi về rất đều đặn, lần nào cô cũng kêu nhớ và hỏi han cặn kẻ đến từng đứa cháu. Về sau đơn vị cô càng đi sâu về phía nam những cánh thư ngày ngày mong đợi cứ thưa dần, thưa dần.
Đất nước có một thời máu lửa! Tình người gắn với một thời qua những trang thư! Vài năm ở nhà bặt vô âm tín. Nỗi lo lắng bồn chồn chất lên từng ngày dồn nén, rồi bất chợt vỡ òa vào một buổi chiều khi anh bưu tá đột ngột xuất hiện như trên trời rơi xuống, một lá thư cô viết không dài, cả trang thư lẫn phong bì lem nhem ẩm ướt ngả vàng, chẳng biết do nước mưa hay ngấm mồ hôi từ nhiều chuyển nữa. Cả nhà tưng bừng như đám cưới, hàng xóm xúm xít chuyền tay nhau đọc thư xem ảnh. Cô đã lấy chồng! Thật may mắn cho cô đám cưới dã chiến ở một góc rừng phía nam, ẩn dưới tán cây mà ai cũng thấy cái không khí vui nhộn lâng lâng. Họ hàng quây quần về. Vui quá, mẹ Hoan quên khấy vội bảo mấy người đun nồi nước lớn làm thịt con lợn đang nuôi ăn mừng. Hôm sau bà bị gọi lên xã phạt vì sát sinh trái phép.
Gần một năm sau, nhà nhận tiếp một thư nữa của cô báo tin cô mất sứt khỏe được an dưỡng ở tỉnh bên chờ ngày sinh cháu. Mẹ cùng chị Thiêm tất tả thu xếp đi thăm mang theo những thứ để cô bồi dưỡng. Về đến nhà bà buồn lắm, bà sai Hoan đi mời ông trưởng họ đến bàn việc lo cho cô, bà nói:
– Bác ạ! Đúng là hồng nhan bạc phận! Ở nhà có thiếu gì đâu, trời đất xui khiến thế nào lại đi lấy chồng ở nơi mưa bom, bão đạn. Chú rể còn đi đánh giặc tận chân trời góc biển, nay sống mai chết ai mà lường. Chú viết thư về cho gia đình bên ấy bảo đi đón cô dâu sắp sinh cháu ở trại an dưỡng. Họ chẳng được điều làm sao lại con nói bắn tin: Biết có phải con nó hay không? Để bao giờ nó về hãy tính. Cô nó buồn và yếu lắm! Theo bác ta phải liệu thế nào?
Suy ngẫm một lát ông lưỡng lự:
– Nó là người nhà nước để nhà nước lo. Mình không có điều kiện như nhà nước được, cứ để sau bước đến đâu hay đến đó.
Thời gian cứ nằng nặng trôi đi, hằng đêm Hoan vẫn bắt gặp những tiếng thở dài từ bên giường mẹ. Nhà cứ vắng dần đi chị Thiêm cũng đã đi lấy chồng, rồi sau đấy anh trên Hoan là anh Diễn cũng nghỉ học rồi đi bồ đội. Mẹ con Hoan nhận được tin cô đã có em bé, đơn vị giải quyết cho cô được về phục viên. Hai mẹ con đi đón cô về, không khí trong nhà lành lạnh. Trên bàn thờ gia đình cạnh đấy là một bát nhang và một ảnh đen trắng, chân dung chồng cô mắt nhìn sâu thẳm, quân phục trang nghiêm. Còn đôi mắt trong sáng đẹp mê hồn của cô ngày nào nay trũng xuống ảm đạm. Trên ngục áo cô và đứa con hơn một tuổi chiếc nào cũng đính mảnh vải đen. Cô đặt tên cho em là Chung. Sao nó lớn thế mà vẫn không ngồi dậy được. Mỗi lần em ấy muốn trở mình cứ húm cả tay chân, toàn thân run rẩy miệng phát ra tiếng mà không biết em khóc hay cười. Nhìn em xót xa đến đứt ruột! Cả nhà ai cũng thương em. Những lúc như thế cô vừa nặn bóp, vừa hát ru câu dân ca ngày xưa cô ru Hoàn khi vắng mẹ, vì cô e ngại bà nghe được lại chạnh lòng tủi phận: “Gió đưa hoa cải về trời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”. Vẫn câu ca ấy, giọng ru ấy mà sao giờ đây Hoan nghe lại thấy sống mũi cay cay. Phải chăng lời ca đó chỉ dành cho những đứa trẻ mồ côi? Nhiều hơn thế là tiếng lòng của những người mẹ đơn thân, lỡ phận.
Rồi một ngày kia với cô cả bầu trời như sụp xuống, do di chứng của chất độc màu da cam từ bố em truyền lại. Bây giờ em cũng lại theo chú ấy mà đi. Nửa tháng trời như cái xác không hồn bất động; cô không khóc nổi, không ăn gì ngoài uống nước, chẳng nói gì cư nằm im. Chỉ thấy cô thoi thóp thở là biết cô còn sống. Sau đợt ấy thân hình cô xơ xác và không còn bình thường nữa, chuyện của quá khứ cô nhớ như in và cứ kể đi nhắc lại, chuyện mới đây thôi và đang xảy ra thì cô hoàn toàn không biết. Thật khổ với cô cứ sáng sớm thúc mẹ con Hoan chạy quanh sân miệng hô: một, hai, ba, bốn, đêm đang ngủ ngon cô lật người kéo dậy báo động chiến đấu. Nhà cửa phải sạch sẽ ngăn nắp, chăn màn phải xếp vuông vắn thẳng hàng. Lúc nào cô cũng ôm chiếc gối bên sườn hôn hít lôn mồm nựng “Mẹ yêu thằng Chung của mẹ, thằng cún con của mẹ đây”. Mỗi lần như thế mẹ Hoan lại ứa nước mắt, cuối cùng bà đi đến quyết định đi tìm hỏi xin về một đứa bé cũng gọi là Chung để lấp bớt tang thương trống trải cho cô. Từ đó cô ăn được, ngủ được lúc nào cũng tíu tít chăm mẫm đứa con. Thằng bé khỏe mạnh ăn thun thún lớn như thổi. Cô không còn tiều tùy nữa đôi lúc cô cười cả nhà rộn ràng trở lại. Cả nước rầm rập ra trận với khí thế thắng lợi tưng bừng. Tiền tuyến đang cần thêm quân, Hoan yên tâm đi bộ đội để lại mẹ và cô cùng thằng Chung ở nhà…
Đất nước yên bình anh Diễn trở về xây dựng gia đình chăm sóc mẹ, làm trụ cột cho cô với em dựa dẫm. Thằng Chung được cô dồn hết tình cảm, sức lực chăm sóc, chiều chuộng chỉ tập trung vào học nên cũng khá; đôi lúc nó quạu vì sự tận tình thái quá của cô khiến mẹ với anh Diễn dè chừng ái ngại.
Sau những tháng ngày làm quân quản lại đến biên giới tây Nam, Hoan cùng đơn vị rút về vùng Tây Nguyên đóng quân và xây dựng. Anh ra quân rồi chuyển ngành sang nông trường cà phê. Anh lấy vợ và lập nghiệp tại đây đời sống quanh anh là đủ sắc màu mọi vùng quê nhưng sao câu dân ca cô Thu hát ru năm xưa luôn văng vẳng bên anh. Nhiều lần anh về quê, qua bao đổi thay, qua bao biến cố, lần này anh về canh cánh bên lòng một trách nhiệm, không hẳn thế nó chứa đựng cả nỗi niềm trộn rộn có cả tri ân.
Mẹ anh ngồi đó tóc bạc phơ, cháu nội, cháu ngoại xúm xít, vậy mà bà nhìn cô tần ngần buông tiếng thở dài đến nao lòng:
– Trăm đường tránh chẳng qua số phận! cứ tưởng kiếm cho em đứa con nuôi để về già lấy nơi dựa dẫm, nào ngờ lại đi nuôi con tu hú.
Việc này anh cũng đã biết và trằn trọc nhiều đêm. Thằng Chung đỗ đạt lấy vợ có hơi xấu nhưng lại là con đại gia nó ở luôn Hà Nội. Vì không muốn ai biết có bà mẹ nhà quê lại không bình thường nên nó bỏ hẳn. Cô nhớ con, cô gào, cô khóc, cô bỏ ăn bỏ uống đi tìm. Ở nhà mẹ Hoàn, anh Diễn phát hoảng đi kiếm cô về sau hơn tuần lễ, nhờ cả công an, chính quyền mới tìm thấy cô cách nhà gần 50 cây số. Một lần nữa mẹ anh lại phải nói dối cô:
– Cô về nhà ở đây với chị với các cháu, con cô nó đi tìm bố trong Trường Sơn lúc nó về không thấy cô thì sao?
Thế rồi cô ngoan ngoãn nghe theo chịu ở nhà nhưng cứ thoáng cái cô lại ra ngoài cổng đứng nhìn về hướng Nam, tìm bóng núi Trường Sơn mà đâu thấy. Gặp ai cô cũng níu tay hỏi “Trường Sơn ở chỗ nào có thấy thằng Chung với bố nó không?”…
Nhìn vào góc giường thấy cô nằm thiêm thiếp bất động vô hồn mà tay cô còn cầm bức ảnh thằng Chung, Hoan đang từ xót thương cô, chuyển sang phẫn uất kẻ vong ân bội nghĩa anh bất giác lên tiếng:
– Cái thằng chó chết kia có cái gì làm cho nó bỏ cả người nuôi nấng yêu thương nó.
Anh Diễn vội đưa ngón tay lên miệng ra hiệu cho Hoan nói nhỏ kẻo kinh động đến cô. Xưa nay anh vẫn điềm đạm nhưng mỉa mai:
– Thì vì ông bố vợ làm quan xếp lớn,nhà giàu.
Hoan vẫn chưa hạ nhiệt:
– Cái loại quan xếp ấy chắc nhân cách cũng cùng giuộc với thằng chó chết ấy mới “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, lũ ăn cháo đá bát” mới không cần biết đến mẹ nó thế kia!
– Thôi chú những loại người thế tính toán làm gì cho mệt. Thế nào tình cảnh cô như thế đấy chú có cách gì giúp cô quên đi để sống hay không?
– Em tính thế này mẹ với anh coi có được thì em làm luôn, lấy cái đậm để che bớt cái nhạt, gợi cảnh Trường Sơn trước đây để thu hút tâm trí cô thì cô sẽ bỏ qua cái hiện tại. Em đưa cô vào chỗ em chí ít cũng có dãy Nâm Nung cho cô thấp thoáng bóng dáng Trường Sơn có lẽ ổn.
Suy nghĩ một hồi anh diễn nói:
– Cũng có lí, trước mắt cũng chẳng còn cách nào hơn đành gió chiều nào che chiều ấy cái đã. Chứ ở nhà đã đưa cô đi cả viện thần kinh cũng không được đâu…
Trên xe dọc quốc lộ 14 cô tươi tỉnh hẳn lên, thấy đất đỏ cô cười như gặp người quen, nhìn núi rừng cô vui như gặp bạn bè, đồng đội. Về đến nhà anh chỉ lên đỉnh Nâm Nung bảo cô: “Trên đó là đỉnh Trường Sơn, thằng Chung và bố nó đang ở trên đấy, mai mốt nó cùng chú sẽ về”. Từ hôm cô vào cả vợ chồng Hoan và các cháu phải thay đổi nếp sống do cô chỉ huy, gọn gàng, sạch sẽ, giờ giấc không được lề mề. Ngày nào cô cũng chú mục lên Nâm Nung miệng lẩm bẩm câu gì chỉ riêng cô biết, cô ăn uống thều thào nhiều hôm chỉ uống nước. Thân cô võ vàng, gầy sọp. Đưa cô đi viện còn tệ hơn, bác sĩ tư vấn “Tốt hơn là đưa thuốc dưỡng bệnh tại nhà cho cô. Dạng thần kinh của cô khá đặc biệt. Đừng để cho cô nhìn thấy những gì gây kích ứng như thiết bị y tế, hay những chuyên môn mặc đồ trắng chẳng hạn”. Về nhà vợ chồng anh luôn tận tụy bên cô nhưng cô ngày một yếu.
Đã mấy tháng rồi bữa hôm bỗng dưng thấy cô ăn cơm ngon miệng, lặng lẽ lên giường bật tung cửa sổ nằm yên ngắm đỉnh Nâm Nung. Hoan ngồi rất lâu bên cô gục đầu thiếp đi mơ màng, thấy lại ngày thơ bé cô khe khẽ hát ru: nơi sâu thẳm xa xưa câu ca dao “Gió đưa hoa cải về trời…” như lang thang đi tìm bến đậu. Từ đỉnh núi mờ xa mây phủ kia, có một anh bồ đội lưng đeo ba lô con cóc, đội mũ tai bèo, khoác khẩu AK, tay chống gậy, tay dắt theo cậu bé. Họ đi, chân không chạm đất, mỗi người dắt một tay cô, họ đưa cô về nơi xa mờ khuất bóng. Chỉ còn văng vẳng lời ca dao rưng rức năm nào với hoa cải ngồng quyện sắc quì vàng nương gió heo may.
L.V.D