PHÙNG VĂN KHAI
Nhà văn Trần Kim Trắc là một “ca” hết sức đặc biệt. Ông viết rất hay từ những truyện đầu tiên tới những truyện cuối cùng. Văn của ông, mọi người đều ngay lập tức cảm mến và tìm thấy ở đó sự trong sáng, chân thành, sâu sắc. Ông xuất hiện trở lại với truyện ngắn “Ông Thiềm Thừ”, sau đó in thành tập và đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 1995.
Nhà văn Trần Kim Trắc tại Lễ tổng kết hoạt động năm 2012 của Hội Nhà văn TPHCM
Trong số các nhà văn tập kết ra Bắc năm 1954 được điều về phòng Văn nghệ quân đội, nổi tiếng nhất có lẽ là hai người: Trần Kim Trắc và Hoàng Việt. Hoàng Việt với các bản: “Tình ca”; “Nhạc rừng”; “Lên ngàn”; “Lá xanh”… rất nổi tiếng thì Trần Kim Trắc cũng nổi tiếng với truyện “Cái lu” (Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955).
Truyện viết về mối quan hệ ruột thịt giữa đồng bào Nam bộ và các chiến sĩ bộ đội trong những ngày đầu chống Pháp với một văn phong giản dị, lý lắc đặc giọng điệu miền Nam. Câu chuyện đã lột tả được tâm trạng, và nhất là tâm hồn, vẻ đẹp của tình quân dân cá nước. Mọi người đều trầm trồ, xuýt xoa trước các nhà văn miền Nam tập kết. Ai cũng dễ gần, dễ mến, và nhất là giỏi đàn hát, thơ văn.
Cũng thật không ai ngờ, văn nghệ sĩ tài năng cỡ Hoàng Việt, Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi ở giữa cuộc chiến cam go nhất đã xung phong trở lại chiến trường và hi sinh, để lại biết bao nuối tiếc cho người còn sống. Và cũng có người, sau chuyện xảy ra đột ngột, đáng tiếc, đã biệt dạng một mạch vài chục năm có phần bí ẩn mới trở lại làng văn trong sự đón nhận nồng nhiệt cả con người và tác phẩm. Đó là Trần Kim Trắc.
Nhà văn Trần Kim Trắc là một ca hết sức đặc biệt. Ông viết rất hay từ những truyện đầu tiên tới những truyện cuối cùng. Văn của ông, mọi người đều ngay lập tức cảm mến và tìm thấy ở đó sự trong sáng, chân thành, sâu sắc. Ông xuất hiện trở lại với truyện ngắn “Ông Thiềm Thừ”, sau đó in thành tập và đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 1995.
Câu chuyện có lẽ chỉ Trần Kim Trắc sau hàng chục năm ở rừng như một người thợ sơn tràng chính hiệu mới có thể viết ra. Truyện viết về ông Thiềm Thừ – một ông cóc cụ trong rừng sâu chuyên đi săn bắt loài ong độc. Càng loại cực độc càng ưa thích mặc cho chúng, trong lúc sinh tử đã đốt ông thừa sống thiếu chết. Ấy vậy mà cứ khi tỉnh lại, ông Thiềm Thừ lại tiếp tục đi săn.
Cuộc đi săn kỳ lạ và độc đáo diễn ra trước mặt đám thợ săn trong rừng, và một kẻ quyết định truy tìm giết ông. Tay thợ săn đã dùng súng giết được ông còn đặt lên đường ray xe lửa cho tàu chẹt. Vắng ông, lũ ong độc, trùng độc bắt đầu hoành hành và kết cục là tay thợ săn đã bị quả báo.
Truyện viết cứ tưng tửng như vậy mà đọc tới đâu thấm thía đến tận cùng đạo lý sống ở đời. Các bạn văn trong Đại hội nhà văn năm 1995 gặp một Trần Kim Trắc khi đó đã gần 70 tuổi đầu tóc bạc phơ, lông mày trắng cước, da mặt đỏ au tươi tắn cười hiền. Không ai hiểu bốn mươi năm qua Trần Kim Trắc đã đi đâu, ở đâu mà viết thì hay thế.
Ông xuất hiện bằng các văn phẩm: “Cái bót” (truyện ngắn, 1989); “Con cá bặt tăm” (truyện ngắn, 1990); “Ông Thiềm Thừ” (truyện ngắn, 1994); “Hoàng đế ướt long bào” (tiểu thuyết, 1996); “Học trò già” (truyện ngắn, 1997); “Trăng đẹp mình trăng” (truyện ngắn, 1997); “Con trai ông tướng” (truyện ngắn, 1998); “Truyện nàng Mimo” (truyện ngắn, 1999)… càng khiến mọi người tò mò về một nhà văn biệt dạng mà tác phẩm thì truyện nào cũng rất đặc sắc. Trong Đại hội nhà văn năm ấy, Trần Kim Trắc như một hiện tượng khiến mọi người xúm xít hỏi ông đủ thứ chuyện. Trần Kim Trắc chỉ cười trừ, vẫn nụ cười tươi tắn hồn nhiên như ngày mới tập kết ra Bắc.
Mọi người càng biết ít hơn việc ông tham gia bộ đội từ năm 17 tuổi trong đội trừ gian diệt ác tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Cũng ít ai biết ông từng bị địch bắt đi tù. Khi ra tù, ông xung phong vào bộ đội trong đội hình Tiểu đoàn 307 lừng danh với bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bính sau này trở thành bài hát: “Ai đã từng qua Cửu Long Giang/ Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy/ Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn/ Tiếng tiểu đoàn 307…”
Có lẽ thơ văn đã ngấm vào ông từ rất sớm, từ những ngày bưng biền sình sạp 17 tuổi cho tới khi ông cầm bút viết văn. Những người con dù Nam hay Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà gian lao anh dũng ngay buổi đầu cách mạng đều đã đem hết trí tuệ và niềm tin, tâm hồn và xương máu của mình phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Ngay như một người ở Bắc vào chiến khu Nam bộ là thi tướng Huỳnh Văn Nghệ với những câu thơ nổi tiếng hào sảng: “Ai về Bắc, ta theo với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…”
Cái không khí văn nghệ chiến khu ngày kháng Pháp nó là như thế.
Sau này, một người cùng thời với Trần Kim Trắc, từng tham gia sáng tác và lãnh đạo văn nghệ Quân giải phóng, đó là nhà thơ Hoài Vũ, trong các câu chuyện với chúng tôi, mỗi khi nhớ về những ngày tháng tươi đẹp đó đều như sôi nổi hẳn lên. Hoài Vũ với “Đi trong hương tràm”; “Vàm Cỏ Đông”; “Chia tay hoàng hôn”… ở tuổi gần 90 vẫn hồn nhiên, vẫn nhớ những người bạn, người anh văn chương hào hoa mà cuộc đời nổi chìm như Trần Kim Trắc.
Nhưng cũng chính Trần Kim Trắc đã chọn một thái độ sống để tìm lại chính mình. Ông viết văn hồn nhiên và nhân bản. Những truyện ngắn của ông đều hướng về đức tính chân, thiện, mỹ của con người. Giọng văn ông trong trẻo, lý lắc, hài hước mà rất sâu sắc. Trách nhiệm của nhà văn, trách nhiệm của công dân từng chịu bước ngoặt đột ngột đã cho ông sự điềm tĩnh khác thường. Điềm tĩnh trong sự hiểu biết của một trí thức biết cách dùng ngòi bút của mình lặng thầm đóng góp vào sự sum suê, đa tầng, nhiều màu sắc của nền văn học nghệ thuật cách mạng. Đó chính là hành trạng và hành xử của Trần Kim Trắc.
Trong các câu chuyện ở “Cái bót”, “Con cá bặt tăm”, “Hoàng đế ướt long bào”, “Con trai ông tướng”… đều nổi lên ở đó một vẻ đẹp gần gũi, bình dị đến sáng trong khiến người đọc tìm thấy ở trong đó những âm thanh hữu ích với chính cuộc đời mình, tâm hồn mình.
Trần Kim Trắc thuần thục không chỉ lời ăn tiếng nói các vùng đất, nhất là vùng miệt vườn Nam bộ; mà ông, với bản năng là một người gốc gác nhiều đời ở phương Nam, đã thật tự nhiên, quấn quýt từng câu văn trong các truyện khiến bạn đọc khâm phục. Văn của Trần Kim Trắc là một thứ văn được chắt ra từ chính đời sống thực tế muôn màu mà ông đã trải qua. Tâm tư của đám thợ sơn tràng nào có khác gì tâm tư của một nhà văn từng cầm súng vào sinh ra tử. Nó đâu có cao xa, càng không đòi hỏi bất kỳ thứ gì cho riêng mình. Chính bởi vậy nó luôn còn lại mãi.
Nhà văn Trần Kim Trắc sinh năm 1929 tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông mất ngày 17 tháng 11 năm 2018 tại chùa Hưng Phước, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Ông mất lặng lẽ. Chỉ vài người thân biết ông đã mất ở chùa. Ông dặn rằng sau 49 ngày mới báo cho bạn bè được biết.
Ôi Trần Kim Trắc, lại vẫn chỉ là ông mới có những căn dặn vào giây phút cuối đời khác thường như thế. Thời gian trước, khi ra mắt các cuốn sách của ông, ông vẫn nói cười thoải mái lắm kia mà. Vậy tại sao lại dặn người nhà như thế? Có những câu hỏi chúng ta cũng đừng cố tìm mãi câu trả lời, bởi chẳng có câu trả lời nào giải quyết được một cuộc đời, một con người như Trần Kim Trắc. Đó chính là số phận của ông.
Nhà văn Trần Kim Trắc – chúng tôi, mỗi khi nhìn thấy di ảnh của ông, ảnh của các vị Thu Bồn, Nguyễn Khải, Văn Thảo Nguyên, Gia Dũng… trên bức tường tĩnh lặng đều thấy nhói lên một cái gì khó tả. Thế hệ các ông đã khởi ra và hoàn tất cuộc đời thăng trầm mà đẹp đẽ của mình với những trang văn sáng trong hữu ích. Thế hệ chúng tôi đã đi mà còn chưa đến, còn đang ở trên đường, nhưng cũng thật tự tin và tự hào được bước tiếp con đường của các ông.
Trong các câu chuyện ở “Cái bót”, “Con cá bặt tăm”, “Hoàng đế ướt long bào”, “ Con trai ông tướng”… đều nổi lên ở đó một vẻ đẹp gần gũi, bình dị đến sáng trong khiến người đọc tìm thấy ở trong đó những âm thanh hữu ích với chính cuộc đời mình, tâm hồn mình. Trần Kim Trắc thuần thục không chỉ lời ăn tiếng nói các vùng đất, nhất là vùng miệt vườn Nam Bộ; mà ông, với bản năng là một người gốc gác nhiều đời ở phương Nam, đã thật tự nhiên, quấn quýt từng câu văn trong các truyện khiến bạn đọc khâm phục. Văn của Trần Kim Trắc là một thứ văn được chắt ra từ chính đời sống thực tế muôn màu mà ông đã trải qua. Tâm tư của đám thợ sơn tràng nào có khác gì tâm tư của một nhà văn từng cầm súng vào sinh ra tử. Nó đâu có cao xa, càng không đòi hỏi bất kỳ thứ gì cho riêng mình. Chính bởi vậy nó luôn còn lại mãi.