Lão, một người tôi thực lòng thán phục, thương cảm, nhưng đồng thời tôi lại chán ghét, khinh miệt. Chẳng hiểu vì sao hai dòng tình cảm trái ngược lại song tồn trong tôi.
Nhà văn Hà Hương Sơn
***
Mưa rơi lịch bịch xuống mái tôn nghe chát chúa. Lão loay hoay tìm một góc nhỏ trong xưởng sản xuất, nơi lão có thể cảm thấy hài lòng nằm nghỉ giải lao giữa ca làm việc. Hết rà chỗ này lại mò chỗ khác, chẳng có chỗ nào làm lão yên tâm. Trời mưa càng dữ. Mái tôn nhà xưởng đã gỉ mục, lỗ chỗ những giọt nước tứ tung, ướt hết khu đốt lò.
– Chú kiếm tấm bạc, giăng lên như cháu đây!
Tôi nói, giọng khô khốc.
– Treo lên rồi lấy xuống, nhọc công quá. Nằm có tí đỉnh mà làm thế thì mệt lắm.
Giọng lão bạc nhược, từng âm tiết phát ra tuồng như một nhúm tro tàn, yếu ớt, rệu rã.
Năm nay, lão sáu mươi, ở tuổi lão, tham gia làm việc nặng nề như bọn trẻ trâu tụi tôi thì thật khốn khổ.
– Cố gắng để nuôi hai đứa con học đại học.
Nhà văn trẻ Hà Hương Sơn
Giọng lão não nuột. Lúc nói chuyện, tôi nhìn khuôn mặt đen đúa già nua teo tóp, hơi cộc cằn, làm tôi ái ngại. Ánh mắt lão nhìn ra phía sau lưng tôi, hướng về một nơi xa xăm vô định nào đó. Đôi mắt trũng sâu cứ ám ảnh mãi tôi, vì đôi khi tôi cũng có cái nhìn như lão, một sự buồn bã thê lương. Đó là ánh mắt của những kẻ nghèo, liệu không biết những gì mình cố công gầy dựng có nhận lại được thành quả?
Trời mưa, nước chảy xối xả. Bầu trời chung quanh khu sản xuất chỉ có một màu tối. Từng khối đen đặc như muốn nuốt chửng chúng tôi, vùi vào cõi đêm bất tận.
– Chú có bị ướt không?
Tôi quan tâm, như một đồng nghiệp.
– Kệ mẹ nó! Tí nữa lại làm việc thôi mà.
Tính cách cố chấp cứng nhắc của một người nông dân cả đời sống với ruộng đồng, thực sự làm tôi tức bực. Ở đời, nhiều khi người ta cứ cố bám giữ những điều mà tự bản thân cho rằng mình hay, đôi khi, với người khác, lại thật khốn nạn. Tại sao lão lại cứ xem thường những điều tưởng chừng như vặt vãnh ấy, có khi, cái vặt vãnh lại là cái quyết định sinh mệnh một con người. Dù nghỉ ngơi giữa ca mười lăm phút, hay ba mươi phút, thì cố nằm chỗ khô ráo tí chút để lấy lại sức khỏe chứ?
Làm ở đây đã hơn bảy năm, từ khi công ty mới thành lập, quanh đi quẩn lại lão cũng chỉ là một người công nhân phụ.
– Đồ yêu!… Mấy cái máy điều khiển dễ ợt, chỉ là do chú không muốn làm thôi.
Tôi biết, lão nói dóc. Bản tính cổ lỗ tự cao tự đại, đôi khi là điều thật gàn dở. Tôi mến lão, vì chịu thương chịu khó làm lụng nuôi con ăn học, đó là cái đức cao cả của một người đàn ông chân tay lấm lem bùn đất, là tấm lòng hi sinh tuyệt vời của một người cha dành cho con mình. Trong công việc, dù gì thì lão vẫn là đồng nghiệp. Việc làm được, hoặc không làm được, đối với tôi là phải trung thực. Lời lão nói, làm nên một vết khứa trong tim tôi, mỗi lần như thế, vết khứa càng sâu hơn, làm tấy sưng hình ảnh đẹp đẽ tôi dành cho lão.
– Làm ở đây, người ta chửi quá trời. Chú mà không vì…
Nhiều lúc lão than vãn. Lão không nhận ra rằng, với một người công nhân, làm việc cho công ty có công tác quản lý còn mang nặng tính phong kiến, chuyện người lao động vì sơ suất trong quá trình làm việc mà bị chửi nặng lời không phải là hiếm. Cớ gì lão lại khằng khịa, cằn nhằn, trách cứ? Tôi cũng thế, nếu có điều kiện hơn, thì tôi đâu có đi làm công nhân, để bị chửi.
***
Trời vẫn mưa, chúng tôi lại tiếp tục công việc.
Chúng tôi làm đốt rác thải cho một công ty môi trường, là một công việc có nhiều rủi ro, nguy hiểm, nên tuyệt đối nghiêm ngặt về vấn đề bảo hộ lao động. Nếu hóa chất độc hại thấm vào cơ thể, hậu quả thật khó lường.
***
– Cháu nên tìm một công việc khác, làm ở đây, tiếp xúc với hoá chất như vầy, sau này cưới vợ, rất dễ vô sinh.
Đôi khi, lão tỏ ra là người đi trước, khuyên điều hay lẽ phải. Tôi lắng nghe.
***
Tôi không có chọn lựa nào khác. Một kẻ cù bất cù bơ, không bằng cấp chuyên môn, thì có thể xin vào làm ở đâu? Hoặc có thể, tôi chưa có chọn lựa nào khác thích hợp hơn, vào lúc này. Tôi đã trải qua quá nhiều sai lầm trong suốt khoảng thời gian tuổi hai mươi, đôi khi tự hỏi, không hiểu vì sao mình lại mắc nhiều sai lầm đến vậy. Sự kém hiểu biết, tính háo thắng, tự đắc ý, hay vì sự không kiên định? Ý chí kiên định của một người trẻ với những khó khăn luôn là điều cần thiết để vượt qua khó khăn, tôi đã không làm được. Tôi có khác nào như con thỏ kia, tưởng mình nhanh, hoá ra thua một chú rùa.
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Ngày đỗ đại học, bầu trời trong tôi sáng rực rỡ. Ngờ đâu, hai năm sau đó, tôi bỏ học. Bao nhiêu kì vọng vào tương lai tươi đẹp tan biến. Tám năm qua, tôi đã làm gì? Tôi đã làm gì, để đến hôm nay lại đi làm một người công nhân đốt rác thải? Một công việc có thể nguy hiểm đến tính mạng, tương lai mịt mờ. Khát vọng tuổi hai mươi tan tành theo chiếc lá mục, rụng xuống đất, phân hủy và tiêu vong.
Nơi tôi làm việc nằm trên một ngọn núi cách xa khu dân cư tầm tám ki-lô-mét, qua hai khu nghĩa địa, gần một khu nghĩa địa thứ ba. Nhiều đêm khuya, đang làm việc, bỗng đâu có âm thanh lạ phát ra từ khu nghĩa địa kế bên, nghe rợn người. Khi màn đêm buông xuống, những cơn mưa bất chợt, mây che phủ, tôi nhìn lên bầu trời, bóng đen gói trọn tâm tưởng.
– Tâm ơi! Vì cớ gì? Vì cớ gì kia chứ?
Nhiều khi, tôi tự tra vấn chính mình.
Ngày rời bỏ giảng đường đại học, tôi lang bạt kì hồ trong Sài Gòn đến năm năm, trải qua vô vàn cay đắng. Tôi cũng nếm được đôi phần vị ngọt của cái gọi là khát khao được mãn nguyện. Album đầu tay ra đời, bán hơn vạn đĩa, trang online hơn triệu lượt nghe, tôi được mời đi biểu diễn nhiều nơi. Từ bỏ con đường trở thành kỹ sư, tôi đã thực hiện được giấc mơ trở thành nhạc sĩ – ca sĩ. Nhiều ca sĩ thị trường đặt mua bài hát do tôi sáng tác, giá vài chục triệu. Sau bao nhiêu gian khổ, nước mắt, tôi đã khóc, vì ước mơ của mình đã thành. Nhưng rồi một ngày, tất cả những gì tôi dày công kiến tạo nên, phút chốc tan thành mây khói. Con người, ai mà không có lòng tham, tôi cũng không ngoại lệ. Một vụ đầu tư thất bại, tôi bị bạn bè (người mà tôi xem là bạn bè), lừa một cách không thương tiếc. Giờ gã đã ra nước ngoài, tạo dựng sự nghiệp, tôi trắng tay, về quê làm ruộng. Cú sốc quá lớn, tôi không còn khả năng sáng tạo như xưa, bài hát tôi viết ra không còn hay nữa, giai điệu rỗng không, lời ca đầy oán thán. Tên tuổi vừa mới nổi trên thị trường âm nhạc, ngay lập tức bị dìm xuống dưới đáy. Vì đam mê nghệ thuật, tôi đã cá cược tất cả những gì mình có (do ba tôi để lại) vào việc thực hiện album đầu tay. Giờ đây, chỉ còn lại hai bàn tay trắng, hai mươi tám tuổi đời, tôi thấm thía nỗi cơ hàn. Một đôi lần, rơi vào cơn tuyệt vọng không lối thoát, tôi muốn tự vẫn. Chết là hết. Nhưng làm sao tôi có thể chết, trong khi tôi còn một người mẹ già phải chăm lo. Ông trời khéo đùa với tôi quá, cho tôi một chút tài năng, nhưng lại không cho tôi tính cách cẩn trọng để nâng niu. Bi kịch này là do tôi cả tin, khát vọng làm giàu nhanh chóng đã đưa tôi đến đây, xưởng đốt rác này.
– Dạ! Cháu biết là như vậy, nhưng con đường cháu đi gần như đến ngõ cụt rồi, chú ạ! Giờ đây, cháu không muốn xa mẹ nữa.
Tôi trả lời lão, nỗi niềm trong tôi như vơi đôi chút.
– Cháu có thể xin làm gỗ, hoặc làm công việc khác.
Lão gợi ý.
Hình ảnh những ngày tháng vùi đầu vào nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu hiển hiện trong trí tưởng, những câu chuyện về tai nạn lao động luôn ám ảnh tôi. Tại sao chứ? Một đất nước công nghiệp tiên tiến hiện đại, mà sao lao động chỉ là thủ công lạc hậu, chủ đầu tư có nghĩ gì đến công nhân hay không, mọi rủi ro đều là người lao động hứng chịu. Tôi nhớ tới những người bị mất cánh tay, bị đứt lìa những ngón tay, số phận thay đổi đầy bi kịch, sau một lần tai nạn. Và kí ức về một lần tôi gần như sắp bị máy cắt đôi cù lẳng, bao năm rồi vẫn còn chờn vờn trong tâm trí. Lúc từ bỏ giảng đường đại học, tôi không bao giờ nghĩ đến những tháng ngày lênh đênh, cơ cực như vậy.
– Tạm thời, cháu chấp nhận công việc này, chú ạ! Ngày mai, để ngày mai tính.
Tôi buông thỏng câu nói, sau một hơi thở dài, lòng tôi dâng lên một nỗi buồn khôn tả. Nửa tỷ bạc trong tay tôi bay sạch, giờ tôi phải làm sao?
***
Thời gian dần trôi, những chiếc lá đã bao lần rời khỏi thân cây, càng tiếp xúc lão bao nhiêu thì hai dạng đối cực tình cảm trong tôi đều cùng phát triển. Tôi chẳng hiểu cuộc đời có nghĩa lý gì. Cách ứng xử, lời ăn tiếng nói cùng tư tưởng của lão, làm cho tôi không nhìn rõ được đâu là giá trị cốt lõi hay ho để cho tôi học tập. Lão sáu mươi, hơn tôi ba mươi hai năm có mặt trên trần thế. Ba mươi hai năm cuộc đời, người ta làm gì? Người ta sẽ trở thành một con người như thế nào, có còn lương thiện được không? Tôi không hình dung được về chính con người thực tại của tôi. Chẳng hiểu vì sao hai dạng thức suy tưởng trái ngược mơ hồ mãi chiếm cứ hồn tôi, mỗi khi làm việc cùng lão. Cuộc đời con người phải chăng là do hoàn cảnh quyết định? Kiểu như những lời than vãn bung ra từ miệng lão, bay đến tai tôi, rồi một ngày, tôi trở thành một con người như chính lão? Không. Không đời nào tôi cam chịu như vậy.
***
Sáu giờ sáng, hết ca. Sau cơn mưa đêm, trời trở nên êm dịu, nắng lộ lên những mảng trong suốt lạ kì. Tiếng chim ríu rít. Một bình minh lại đến, biết đâu, ngày mai tôi lại xanh tươi như ngọn cây đang vươn mình ra đón nắng mới!…
HÀ HƯƠNG SƠN
(Trích từ tập truyện ngắn “Dòng sông mùa giông bão” phát hành năm 2022)