Sóng sánh yêu thương

1056

Bích Ngân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lê Giang – Lư Nhất Vũ, hai cuộc đời bên nhau, làm việc, sáng tạo, không ngừng sáng tạo, sáng tạo trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chiến tranh và hòa bình; tuổi xuân và tuổi già; sung sức và bệnh tật; niềm vui và nỗi buồn; thăng hoa với biết bao cung bậc của cảm xúc.

Các nhà văn quây quần bên nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trong ngôi nhà của ông bà ở Bình Dương – Ảnh Bích Ngân

Năm 2009, trong bài viết “Còn khóc ngon lành” mà nhà thơ Lê Giang lấy làm tên cho cả tập tản văn, lòng bà dào dạt khi thấy mình vẫn còn khóc ngon lành. “Ôi, sao ta càng già càng thèm bật khóc thế này? Ta có sao không? Không! Cứ yên tâm mà khóc! Mi hãy còn nhạy cảm trước yêu thương và giận hờn, trước phải quấy tình đời, mi hãy còn phân biệt sự chân thật hay giả dối…”. Rồi nhà thơ nhắn nhủ “Nước mắt còn đẫm thì máu còn hồng, nước mắt cạn thì máu đông”

Mười năm sau, cùng với những tập tản văn mới, tập thơ mới và những bộ phim tài liệu, những công trình ca dao dân ca mà nhà thơ Lê Giang cùng chồng, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sưu tầm và biên soạn; bà vừa có thêm hai quyển sách mới.

“Nâng niu” là quyển sách khổ lớn dày gần 500 trang được chia làm hai phần. Phần một, là chọn lọc và tập hợp bài viết của nhiều tác giả viết về những đóng góp không nhỏ của nhà thơ Lê Giang đối với văn chương và âm nhạc với sự trân quý tài năng và tình cảm nâng niu: Khúc Aria của một đời người (Nguyễn Thị Thanh Xuân), Lê Giang – một tâm hồn rộng mở (Phạm Tường Hạnh), Người đi tìm ngọc (Viễn Phương), Lê Giang và thơ (Nguyễn Quang Sáng), Bộ hành với ca dao (Nguyễn Duy), Văn của trái tim giàu tình đời, tình người (Tô Hoàng), “Nghiêng tai dưới gió” hay là một cách thế ở đời (Nguyễn Nhật Ánh), Vẫn là chị Năm của em (Nguyễn Đông Thức), Má Năm Lê Giang của tui (Nguyễn Bính Hồng Cầu)…Phần hai, là những tản văn chọn lọc. Nhà thơ Lê Giang viết về một thời để nhớ với tất cả sự nâng niu yêu thương về xứ sở, con người, nơi chốn, kỷ niệm, buồn vui, mất mát… còn lưu lại ký ức; viết về bạn bè, về đồng nghiệp, về những chuyến cùng chồng đi dọc dài đất nước để đãi cát tìm vàng – vàng trong nguồn cội ca dao dân ca. Tản văn nào cũng giàu cảm xúc, nhiều chất thơ, đầy ắp nghĩa tình.

Nhà thơ Lê Giang – Ảnh Bích Ngân

“Bỏ qua rất uổng” tạp tản văn ra mắt độc giả khi nhà thơ Lê Giang sắp bước sang tuổi 90.  Văn Lê Giang vẫn trẻ trung, vẫn long lánh chất thơ. Cảm xúc vẫn tươi mới.

“Bỏ qua rất uổng”, ở cái tuổi gần đất xa trời, có lẽ nhà thơ chợt nhận ra rồi giật mình trước cái quỹ thời gian còn lại cũng mong manh như vạt nắng cuối ngày. Rồi bà thản thốt nói với chính mình, không được bỏ qua, không thể bỏ qua, bỏ qua thì uổng lắm.

Đó ký ức đẹp của một thời, của nhiều cuộc đời, nhiều số phận… là uổng, là tiếc, là day dứt, là khó nhắm mắt xuôi tay, khi ký ức đó không chỉ là của riêng mình, mà còn của thời đại mình, bè bạn mình, đồng đội mình, đồng bào mình.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), tôi cùng các nhà văn trong Ban Nhà văn nữ – Hội Nhà văn Tp.HCM đến thăm nhà thơ Lê Giang và chồng của bà, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, ở ngôi nhà ông bà tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Hai nghệ sĩ dù ở tuổi đã rất cao vẫn tiếp tục sáng tác. Nhà thơ Lê Giang khoe, bà và chồng đang chuẩn bị một bản thảo cho một quyển sách mới với cái tên “Sóng sánh” gồm thơ, tản văn và bút ký. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ mang tập bản thảo ra, giải thích thêm: “Sóng sánh là đầy ắp nhưng không bao giờ tràn ra ngoài, không hao hụt”.

Lúc các nhà văn tuổi con tuổi cháu ngồi quanh bàn ăn, nhà thơ Lê Giang bỗng “nổi hứng” nói: “Giờ tui xin được đọc bài thơ mà tui vừa làm để mừng chồng tui khỏe lại sau khi nằm bệnh viện. Bài thơ có tên “Có một cặp đôi già”, rồi bà đọc: Có một cặp đôi già/ Chạy sô hát song ca/ Giọng nam trầm rửa chén/ Giọng nữ cao quét nhà… Ít khi họ giận dai/ vì ngán chiến tranh lạnh/ Nàng hay nói khía cạnh/ Ngày mai chia tay anh/ Biết quá chàng làm lành/ Anh theo em tới bến/ Ngày mai sẽ không đến/ Nàng cảm động làm thơ/ Chàng liền chớp thời cơ/ Thơ nàng đem phổ nhạc/ Thành bài ca đất nước/ Kể chuyện những dòng sông… Thơ nàng đem phổ nhạc/ Thành bài ca đất nước… Không dễ gì kể ra hết những bài thơ của Lê Giang được nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (Ông nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật). Nhiều ca khúc đi vào lòng người, có thể kể, như: Khúc hát người đi khai hoang, Hãy yên lòng mẹ ơi, Nhớ em câu hát đưa đò, Bài ca đất phương Nam, Tình đất Củ Chi, Cánh đồng tuổi thơ… Gần đây, bản giao hưởng hợp xướng Câu chuyện về những dòng sông của Lư Nhất Vũ đoạt giải thưởng 5 năm lần thứ 2 về Văn học Nghệ thuật TP.HCM, cũng lấy cảm hứng từ nhiều bài thơ của Lê Giang.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ – Ảnh Bích Ngân

Trước khi chia tay hai bậc trưởng lão nghệ sĩ, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tặng tôi đĩa nhạc “Đời có thế mà thôi” – Chương trình ca nhạc tháng 9-2019 do Đài truyền hình thành phố thực hiện nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của người nhạc sĩ tài hoa trong sự nghiệp phát triển âm nhạc nước nhà, trong đó chiếm hơn hai phần ba là những ca khúc phổ thơ của Lê Giang.

Cầm hộp đựng đĩa nhạc, tôi cảm ơn nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, cảm ơn nhà thơ Lê Giang và nói: “Đời như thế thật vui!”

Hai cuộc đời bên nhau, làm việc, sáng tạo, không ngừng sáng tạo, sáng tạo trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chiến tranh và hòa bình; tuổi xuân và tuổi già; sung sức và bệnh tật; niềm vui và nỗi buồn; thăng hoa với biết bao cung bậc của cảm xúc.

Bằng thơ và bằng nhạc, nhà thơ Lê Giang cùng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã và đang đem lại bao niềm vui, bao hữu ích cho cuộc đời.

Hai cuộc đời sóng sánh. Sóng sánh với bao tác phẩm cho đời.  Và, sóng sánh yêu thương.