Khi hỏi: “Cuốn chuyên khảo Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật có nội dung nào là của TS Đỗ Hải Ninh không?”, bà Trang khẳng định: “Không có”. “Phần TS Ninh viết là nội dung nằm trong bản nghiệm thu đề tài (đó là khái niệm tự truyện, tương tác giữa tự truyện với hồi ký, tiểu thuyết dài gần hai chục trang), phần này tôi đã bỏ hết khi in sách của mình vì nó không phải hướng của phê bình phân tâm học…”
Thông tin chuyên khảo Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật (Vũ Thị Trang) bị tố vi phạm quyền tác giả đang nhận được nhiều sự chú ý của dư luận, đặc biệt giới học thuật Việt Nam.
Sách nhận Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, được Tặng thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, dày 415 trang, gồm 4 phần, trong đó Phần III: Ám ảnh tự do – xung đột giữa những cái tôi trong tự truyện Việt Nam đương đại bị TS Đỗ Hải Ninh (Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học) tố lấy của bà.
Bìa cuốn chuyên khảo bị tố đạo văn.
TS Đỗ Hải Ninh là một trong ba tác giả khác cùng tham gia vào đề tài cấp Bộ Tiểu thuyết và tự truyện Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học do TS. Vũ Thị Trang làm chủ nhiệm, nghiệm thu năm 2019 tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam.
Sau đó, bà Trang đã đưa công trình tập thể này in tại Nhà xuất bản KHXH bằng nguồn kinh phí của Viện dành cho đề tài nghiệm thu xuất sắc với tên sách là Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật, Nhà xuất bản KHXH, 2020 nhưng chỉ đề tên một mình bà là tác giả trên bìa sách.
TS Ninh: “Đây là vi phạm bản quyền nghiêm trọng”
TS Đỗ Hải Ninh nói “trong cuốn Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật, nội dung Phần III (từ trang 206 – 272), có sử dụng nhiều phần viết của tôi trong đề tài cấp Bộ”.
Theo bà Ninh, dù trong thuyết minh và dự toán kinh phí, bà được phân công viết hai chuyên đề nhưng thực tế, bà đã viết toàn bộ chương 2 Tự truyện Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học để bà Trang có thể hoàn thành đúng tiến độ nghiệm thu. “Trong báo cáo tổng hợp của đề tài cấp Bộ khi đưa ra nghiệm thu tại Hội đồng cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, dù chị Trang có điều chỉnh tên một số tiểu mục nhưng toàn bộ chương 2 trong đề tài này là do tôi viết”, bà Hải Ninh khẳng định.
Bà Ninh nói thêm, nội dung Chương 2 mà bà viết đã bị TS Vũ Thị Trang đổi tên, đảo vị trí các đoạn văn và thêm thắt một vài chỗ. Có hơn 40 đoạn văn, với hơn 11.700 chữ, chiếm hơn 60% dung lượng từ chương 2 mà bà đã viết; trong đó có đoạn bà đã công bố trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 10/2015 và trong bài trả lời phỏng vấn báo Zing ngày 11/6/2018. Nhưng Vũ Thị Trang không có chú thích về việc sử dụng các phần viết của bà.
Từ 24/01/2022, TS Hải Ninh đã gửi đơn đến các cơ quan liên quan đề nghị xem xét. Sau đó, bà nhận công văn phúc đáp từ phía Học viện KHXH. Trong đó cho rằng TS. Hải Ninh đã không thực hiện toàn bộ Chương 2 của đề tài Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học mà chỉ thực hiện 2 nội dung. Không đồng ý, bà Ninh làm đơn kiến nghị lần 2.
TS Trang: “Không có nội dung nào của TS Ninh”
Bà Vũ Thị Trang nói bà không lên tiếng vì nghĩ “đâu còn có đó, còn có nhiều giấy tờ liên quan đang lưu ở Học viện KHXH và viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam”.
Theo bà Trang, những gì bà Ninh đưa ra là “hoàn toàn không đúng”. Cụ thể, “những nội dung đó đã có từ trong bản đề cương đề tài gửi Học viện KHXH từ tháng 2/2017, do tôi là chủ nhiệm đề tài, lúc đó tôi còn chưa mời TS Đỗ Hải Ninh tham gia”.
Vì sao phải mời TS Đỗ Hải Ninh tham gia viết phần nội dung đã có từ trước? Bà Trang nói, “theo quy trình đề tài cấp Bộ, chủ nhiệm sẽ gửi một bản sơ thảo các nội dung nghiên cứu chính, đến cơ quan chủ quản trước khi được phê duyệt. Trong đề cương đó, tôi là người đề xuất đề tài, hướng nghiên cứu. Bản đề cương chi tiết của tôi khi mới sơ thảo có đủ các nội dung, dài 50 trang. Sau đó tôi có mời TS Ninh tham gia, có bản hợp đồng và đề cương chi tiết tôi yêu cầu TS Ninh viết trong chuyên đề. Lúc đầu chị Ninh đồng ý, nhưng sau đó TS Ninh có tham gia một đề tài cấp Bộ khác ở Viện Văn học và từ chối không viết. Sau đó chị Ninh có gửi cho tôi nội dung 2 chuyên đề nhưng nó không đúng hướng phê bình phân tâm học. Sau này khi viết xong chương 2 tôi có nhờ chị đọc giúp. Thực tế, cuốn sách này trước khi in chính thức, tôi có gửi cho một số thầy cô bạn bè đọc góp ý, không ngờ sau này lại thành chuyện”, bà Trang giải thích.
Phúc đáp của Học viện KHXH khiến bà Ninh cảm thấy không thỏa đáng.
Bà Trang nói thêm, trước khi in sách, bà đã xin phép qua điện thoại cả bốn tác giả cùng tham gia đề tài cấp Bộ. “Thứ nhất, đề tài do tôi đề xuất và viết chủ yếu; thứ hai, nó cũng cùng hướng với luận án tiến sĩ của tôi (Sáng tác của Vũ Trọng Phụng từ phê bình phân tâm học) nên tôi muốn cắt phần nội dung tôi viết trong đề tài cấp Bộ, ghép cùng luận án tiến sĩ để thành một chuyên khảo dày dặn. Cả bốn đều đồng ý. Giờ TS Ninh nói không xin phép, tôi không còn gì để nói”.
Khi hỏi lại: “Cuốn chuyên khảo Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật có nội dung nào là của TS Đỗ Hải Ninh không?”, bà Trang khẳng định: “Không có”. “Phần TS Ninh viết là nội dung nằm trong bản nghiệm thu đề tài (đó là khái niệm tự truyện, tương tác giữa tự truyện với hồi ký, tiểu thuyết dài gần hai chục trang), phần này tôi đã bỏ hết khi in sách của mình vì nó không phải hướng của phê bình phân tâm học. Nếu ai thực sự quan tâm đến cuốn sách này khi đọc đều biết, cả bốn phần đều rất chặt chẽ với nhau về cấu trúc, cách triển khai. Trong đó phần 1 và phần 2 tôi đã thực hiện từ năm 2012” – Bà Trang cho biết, bà sẽ làm việc theo quy định, sẽ làm đơn kiến nghị Học viện giải quyết, vì đây không chỉ là danh dự của cá nhân bà, mà còn liên quan đến uy tín của giải thưởng.
Được biết, hồ sơ của vụ việc đã được chuyển lên Viện hàn lâm KHXH Việt Nam. Một hội đồng đánh giá sẽ được lập ra để có kết luận về vụ việc này sớm nhất trong thời gian tới.
Theo Đậu Dung/PNO
Theo TS Ninh, “nghiên cứu khoa học là hoạt động đặc thù diễn ra trong một quá trình nhất định. Trên thực tế, khi triển khai không tránh khỏi việc điều chỉnh, thay đổi về nội dung và nhân sự. Từ thuyết minh đến báo cáo tổng hợp đề tài Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học khi đưa ra nghiệm thu tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có thay đổi hoàn toàn tên chương 2 và các tiểu mục của chương này, nên không thể chỉ thuần túy dựa trên các văn bản hành chính mà còn phải dựa trên thực tế của quá trình triển khai đề tài để đi đến kết luận chính xác”.
Bà Ninh đặt câu hỏi: Sao khi in đề tài cấp Bộ theo kinh phí của Nhà nước cấp cho đề tài cấp Bộ thành sách, lại chỉ để tên một tác giả trong khi đề tài có cả nhóm thực hiện? Sao sách in bằng kinh phí của nhà nước dành cho đề tài cấp Bộ, lại in kèm cả 2 chương của luận án tiến sĩ Sáng tác của Vũ Trọng Phụng nhìn từ phê bình phân tâm học của Vũ Thị Trang? Gộp 1 nửa đề tài cấp Bộ và 1 nửa luận án tiến sĩ trong một cuốn sách in từ kinh phí cấp cho đề tài cấp Bộ như vậy có đúng quy định về xuất bản hay không?
Ts Đỗ Hải Ninh cũng đề nghị Học viện làm rõ hành động đạo văn và mức độ vi phạm quyền tác giả của Vũ Thị Trang trong sách Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật để có hình thức xử lý thích đáng nhằm đảm bảo liêm chính khoa học và đạo đức nghề nghiệp của người làm nghiên cứu khoa học.