‘Tàn thu hoa cúc ẩn vàng vào đông…’

987

Sơn Nguyên

(Vanchuongphuongnam.vn) – Và từ độ, “Cỏ non dậy thì rũ tấm thảm mùa đông” (Cuối năm rồi)… Nhà thơ khởi sự bước đi. Phía trước là phương trời thênh thang mở ra khu vườn thi ca kỳ ảo. Phía sau là “Nhịp điệu vĩnh hằng đánh thức trái tim xuân”. Thi ca đã trở thành sứ mệnh, là sự cứu rỗi bí ẩn bắt nguồn từ nỗi cô đơn vô hạn của con người. Đã về từ lúc bước đi, cái vòng tròn ma trận lẩn quẩn. Về đâu? Về với “cung đàn xưa thánh thót”, với cõi tình đã mênh mang từ một kiếp nào, khúc mở đầu thi phẩm Thắp nến tôi để dành của thi sĩ Nguyên Bình mới đẹp làm sao:

“Nơi ra đi cũng là chốn quay về

mùa nhung nhớ nụ đầu cành xanh biếc

mây lang thang một mình em nhật nguyệt

nắng vỗ tình đôi cánh lụa là yêu.” (Quay về)


Bìa tập thơ “Thắp nến tôi để dành” của Nguyên Bình.

Hành trình đầy mê hoặc. Dẫu biết trước là sẽ có tổn thương, có xót xa đau đớn. Nhưng hề gì, bi kịch của tình yêu là không có bi kịch nào trên đường đi của nó. Vết thương ngày hôm nay, biết đâu sẽ trở thành những bông hoa tươi thắm của ngày mai. Những thương tích trong hiện tại sẽ hồi sinh khao khát và xóa đi những vết chém lưu đày:

“Nếu có thể em hãy là manh áo

khoác lên ta là lụa của đêm trường

nếu có thể em hãy là ngọn giáo

đâm vào ta vài nhát chém đau thương” (Quán trọ mùa đông)

Ôi, thương quá! Cuộc chơi này mới nghiệt ngã làm sao! Tình yêu, trò đùa của trái tim hay định mệnh? Không, đúng hơn là cuộc chiến gay go không khoan nhượng dù chẳng có đấu trường. Nơi chứa đựng những cơn ác mộng và cả những giấc mơ hồng. Nhà thơ đến với cuộc tình, sắm vai kẻ lữ hành giữa mù sương đêm tối, tìm cách chinh phục đỉnh núi chênh vênh, để rồi bâng khuâng hồn phách:

“Một chút lạnh se se ngoài sân vắng

một chút hương lưu dấu buổi hẹn hò

một chút nhớ tủi hờn sau ngực áo

một chút buồn khe khẽ rắc tàn tro.” (Hoang vu)

Lật tung tiền kiếp soi tìm
thì ra mắc nợ lời nguyền xửa xưa. (Lời nguyền xưa)

Tiếng lòng tha thiết quá! Anh, người thắp nến, đã du dương từ ngàn năm trước, bổng trầm theo từng nhịp đập của trái tim, trải lòng mình vào vũ trụ của sự rung động với dạt dào cung bậc khác nhau: cám dỗ, đắm say, hoài nghi, khổ đau, tiếc nuối… Một sự hiến dâng tuyệt đối. Để rồi, khi giấc mơ lặng lẽ đi qua, đã tự vỗ về mình như đứa trẻ thơ:

“Dù sao

cũng nắng cũng mưa

cũng rơm rớm nhớ

cũng lưa thưa buồn

dù sao

cũng chút tình suông

ngày tôi vẽ mộng

lên tường rêu xanh.” (Như chưa bao giờ)

Mộng nào? Không, Thượng đế phán rằng: hiện thực đấy chứ! Và ngài bảo: con đường chân lý luôn băng qua đá sỏi gập ghềnh. Cuộc đời, tự nó đã là giấc mộng lớn lao. Vậy thì, hà cớ gì mà không chiêm bao, không mơ mộng, những đứa con xinh đẹp bước ra từ trong tâm tưởng, thôi mà!

Ta qua chín núi mười đèo
bàn tay trắng
mộng
ngã theo bóng gầy (Qua ngõ thuôn này)

“Đêm qua

trong mớ chiêm bao

gió mưa cuồn cuộn

chống sào em qua”

(Nhốt trái tim gầy…)

Con đường ngắn nhất dẫn đến tình yêu là con đường quanh co nhất? Không biết phải thế không mà cuộc phiêu bồng trong thơ anh: yêu mà không bi lụy, buồn mà không tuyệt vọng, đau đớn mà không bàng hoàng… “Không có gì vĩnh cửu thuộc về chúng ta, chúng ta là con sóng dâng trào để vừa với bất kỳ hình thái nào nó tìm thấy” (Emil Sinclair)

“Thôi

đừng tiếc nữa

mùa sang

tàn thu hoa cúc

ẩn vàng

vào đông.” (Nhắn tin)

Hai câu thơ tuyệt hay và sâu thẳm. Tiếc gì, muôn một là đây, tinh thần Hoa nghiêm vằng vặc, tiếng nói sơ nguyên vẫn vang vọng mãi trong hòa âm trùng ngộ. Xuân Hạ Thu Đông quấn quít vào nhau như bóng với hình. Tuệ Trung Thượng Sĩ đã viết:

“Trăng sáng đêm qua vẫn là trăng đêm nay
Hoa nở năm mới cũng là hoa năm cũ”

“Ẩn vàng vào đông”, lắng nghe tiếng dương cầm sang trọng và thanh âm pha lê vỡ, cơ hồ tiếng mưa rơi thánh thót nhỏ giọt rồi vỡ ra trên vạn lá ngàn hoa. Hình ảnh đẹp quá khiến tôi liên tưởng đến một khía cạnh khác của hiện sinh, thật thú vị! Số phận, suy cho cùng là người anh em sống chung dưới một mái nhà, phải đâu là vị khách đường xa. Em_ Nàng thơ, hay Em_ Cuộc sống, liệu có khác gì nhau:

“Em đi ra từ sau cánh cửa điệp trùng
ngục tù số phận
và tiếng dương cầm
và thanh âm pha lê vỡ
nở thành những đóa hoa.” (Nốt nhạc tự do)

Đã cháy rồi những cuồng điên thơ dại, những lãng mạn thiết tha, những chiều thu vàng lá. Mỗi viên sỏi, mỗi cọng cỏ, côn trùng… thảy đều thơ mộng. Vạn hữu hoàn hảo trong từng giây phút. Dẫu mây khói đã tan bay và nằm lại phương trời nào đó thì có hề gì, một bông hoa tàn úa vẫn để lại cho đời hơi thở của làn hương. Tiếng thơ là dòng sông vô hình tuôn chảy dạt dào, “Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo” (Hàn Mặc Tử), thì cớ chi mà lỏng mái buông chèo!

Thế cho nên, lửa than vẫn còn đó, vẫn ngun ngún đỏ, cho dù:

“Này Kim*
thơ anh viết cho em
ngữ ngôn tắt lửa
tro than rồi
chập choạng những ngày vui” (Chìm khuất)

Chập choạng, mờ mờ, những vần thơ vẫn đang cháy dở dưới lớp tàn tro kia. Ngữ ngôn nào tắt lửa? hay chỉ là giây phút nghỉ ngơi dừng chân bên bờ suối. Thế rồi, như ngọn gió hoang vu trườn mình trên lá cỏ, gom nhặt hương hoa về một miền xa nào đó trước khi khuất chìm vào cõi hư vô. Nhà thơ lại tiếp tục cuộc hành trình:

“Thơ chảy về sông Tương
không gian chảy về muôn phương
thời gian chảy về hôm qua
tình yêu chảy về mãi mãi…” (Thời gian chảy về hôm qua)

Sáng tạo thi ca là cưới hỏi nỗi buồn, là đối diện khói sương. Niềm vui thì qua mau, nỗi buồn thì dai dẳng, và chỉ có nỗi buồn mới bộc lộ hết vẻ đẹp tinh túy của thi ca. Những mất mát, hy sinh, chia lìa, đau khổ… đã là những chất liệu muôn đời cho nhịp đập thăng hoa:

“Em… ơi… ngày chị sang ngang
chàng như con nước bàng hoàng trôi xa
dặm trường vó ngựa bôn ba
gió sương đâu có về qua chốn này…

Ơ kìa… thi khách vẫy tay
phong trần nhuốm vạt áo ngày chia phôi
chị tôi… cởi chiếc quai rồi
lại nghiêng che nón cho người… quay đi…” (Nghiêng nón)

“Cởi chiếc quai rồi”, sao không nhìn thẳng mà lại nghiêng che? Hình ảnh trữ tình và thơ mộng quá! Hỡi chàng lãng tử hoang vu/Có nghe trong gió nghìn thu vọng về? Mơ gì vần tóc xô nghiêng, môi mềm dâng hiến. Chỉ “một vòng tay ấm” thôi, đã là tất cả! Giấc mơ tưởng chừng đơn sơ mà xa xỉ quá cho kẻ phiêu bồng rất mực rong chơi. Phải không anh, thi sĩ Nguyên Bình?

“Em dung nhan

ngàn năm xưa diễm tuyệt

vành trăng non

cong vút nét môi mềm

Ta hoang đàng

mơ một vòng tay ấm

Chở mơ mòng

về khắc bóng thời gian.” (Bóng thời gian)

Có không đan quyện, ảo thực tương duyên là cái nhìn thấu cảm của thi sĩ trong tình yêu. Khi yêu, ảo ảnh là ánh hào quang lung linh bừng lên từ trái tim lửa cháy. Nhà thơ, với ước muốn riêng tư nhảy múa đã trở thành kẻ thấu thị, bước đi trong đêm tối, giơ tay hái một vì sao lạc bước cuối trời:

“Thì nhớ là quên từ mới gặp
thì quên là nhớ tự bao giờ
thì em ảo ảnh tà lụa trắng
lãng đãng muôn đời trong ý thơ…” (Nhớ-Quên)

Một cách chơi chữ tài tình giữa Nhớ-Quên, một tà lụa trắng lãng đãng hóa thân xuất thần vào mối giao cảm mong manh:

“Đêm nay mình chung giấc ngủ
ta cùng khép cửa chờ mong

phương anh kéo buông màn gió
phương em thổi tắt nến hồng” (Giao cảm)

Ôi ngọt ngào và lãng mạn làm sao, hai phương trời ngây ngất. Thổi tắt nến hồng đi em, mình khiêu vũ với trăng sao cho nồng nàn giao cảm, hạnh phúc là đây, cái bây giờ… Chợt đến khi ký ức cất lời kêu gọi, thi sĩ mới giật mình tỉnh dậy bước đi. Đi đâu? Đi về. Về đâu? Về dưới ánh trăng mờ, với cõi lòng rộn rã hoang sơ:

“Mắc chiếc áo màu tình yêu vừa phai
tôi phơi kí ức
dưới ánh trăng mờ.” (Phơi áo)

Về, để hình dung và tưởng tượng. Hành trình không tưởng tượng là bước đường của gỗ đá vô tri. Tưởng tượng, không phải để vỗ về, mà để hy vọng, để mong chờ:

“bắt đầu từ bóng ngã
hai người đã hóa thành nhau…” (Bắt đầu)

Về với tình yêu và thân phận trong ngôi đền huyền nhiệm của thi ca. Tình yêu thì bao la, thân phận thì nhỏ bé. Trong hữu hạn đã chứa đựng vô cùng, vậy chăng, khi nói về thân phận, hẳn nhà thơ đã ẩn mật trong đó khát vọng của tình yêu.

“Thần thánh đánh cướp bài thơ
hủy diệt ngôn ngữ
thập giá của giấc mơ
con người mong manh
cúi xuống.” (Ướt sũng)

Ngôn ngữ bị lưu đày phải chăng là bi kịch của thế giới văn minh? Phi lí đã là một phần tất yếu của cuộc sống, vậy hà cớ gì mà loay hoay chờ nó xảy ra? Có lẽ, do không ai sống trên đời này mà không sợ hãi. Dù sao mây vẫn bay, nước vẫn chảy. Cốc rượu của đời sống vẫn không ngừng vơi đi và luôn chờ được rót đầy. Nên dẫu cho:

“héo mòn thần thoại
ngã đổ đền thiêng…

Đúng sai bây giờ đã khác
văn minh hủy diệt
tự kỉ trái tim
tôi không biết phải làm gì
loay hoay chờ những điều phi lí.” (Tự kỉ)

Thì, với tâm hồn dạt dào cảm xúc như anh, hiến dâng cho tình yêu và cuộc sống vẫn luôn là phẩm hạnh. Không thể nói điều khẳng định về tình yêu, bởi bản thân nó, và cả những điều phi lý kia là bất khả tư nghì. Cuộc sống vô thường nên mọi thứ trôi qua đều chỉ là giả tạm. Sống cho hôm nay chứ không phải cho cái bóng của hôm qua hay của ngày mai. “Dòng sông chảy, ai người xin níu lại?” (Bùi Giáng). Anh tự nhủ mình: cứ thong thả mà đi, cho đường dài dặm gió, cho cạn bước hoang vu, cho phù du trảy hội… Trống vắng ư! có hề gì, gặp gỡ nào mà chẳng có chia ly:

“Anh muôn trùng,
lừng lững chợt về đây
ấm bờ môi
tóc vương làn sương mỏng
tựa vai anh
em ngã vào trống vắng
giấc mơ xa
ai níu lại cho gần?” (Ban mai thơm)

“Nắng mưa trời đất thả rong
thì tôi chăn dắt tình không về mình…” (Vô cớ)

Cuối cùng,

“Và tôi yêu đến cuồng điên
một trăm năm nữa lụy phiền em không?” (Lụy phiền em không)

Vâng, đời sống không có tình yêu thì tẻ nhạt biết chừng nào. Dẫu có là tình không chăng nữa, thì ắt hẳn nó cũng đã trải qua bao cung bậc thăng trầm, đã mang lại cho ta bao phút giây say đắm, bao nồng ấm hương hoa. Thôi thì hãy vui vẻ mà sống chung với nó, như một phần không thể thiếu của kiếp người.

Suy cho cùng, cuộc phiêu lưu vào thế giới tình yêu và thân phận cũng chính là cuộc phiêu du bất tận vào giữa hồn mình, như lời Henry Miller nhắn nhủ:

“Chỉ có một cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất mà thôi, đó là đi vào bên trong tâm hồn sâu kín, thăm thẳm trong lòng mình – và đi vào giữa lòng mình – thì thời gian, không gian, ngay đến hành động cũng không quan trọng gì cả.”

Xin cảm ơn tác giả đã cho tôi thưởng thức những vần thơ hay và trân trọng giới thiệu Thi phẩm Thắp nến tôi để dành đến bạn đọc yêu thơ.

S.N

Ghi chú: Thơ in nghiêng trong ngoặc kép là thơ trích trong thi phẩm.