Thủ thỉ cùng xuân – Tản mạn của Phùng Việt Hùng  

172

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mùa xuân – mùa của sự trưởng thành, mùa của hương sắc ngàn hoa lá, mùa của bao điều hứa hẹn đẹp như thơ!

Mà thơ thì lại là: Sự hiện thân của những gì sâu sắc, thầm kín nhất của con tim và sự huyền diệu, thiêng liêng nhất của tâm hồn (Lamartine)

Người thơ xin thưa chuyện về một tác giả và một bài thơ gắn liền với một thiên tình sử:

Thôi Hộ (tự Ân Công) là một danh sĩ đời Trung Đường (nước Trung Hoa), ông đậu tiến sĩ năm 796.

Thôi Hộ ít làm thơ tình, nhưng lại có một bài thơ tình nổi tiếng, đó là bài Đề Đô Thành Nam Trang (hay còn gọi là Đề Tích Sở Kiến Xứ) viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt;                     nội dung bài thơ đó như sau:

Phiên âm:   

Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong

Dịch nghĩa: Ngày này năm ngoái tại cửa đây/ Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng/ Gương mặt người xưa, bây giờ không biết chốn nao?/ Hoa đào thì vẫn như cũ, cười với gió đông!

Thiên tình sử đó là: Một lần nhân tiết thanh minh, Thôi Hộ dạo chơi phía nam đô thành Lạc Dương, thấy một khuôn viên trồng đào đang nở hoa rất đẹp, liền đến gõ cửa xin nước uống. Cửa mở, ánh mắt Thôi Hộ bắt gặp một thiếu nữ diễm lệ, e ấp, thấp thoáng trong vườn đào.

Năm sau, cũng tiết thanh minh, Thôi Hộ trở lại chốn cũ nhưng cửa đóng then cài, gọi mãi không thấy ai thưa; chàng bèn viết bài thơ đó, ký tên mình rổi dán lên cổng.

Ít lâu sau, nhà thơ trở lại, nghe thấy tiếng khóc từ trong nhà vọng ra (!) Một ông lão đến hỏi chàng có phải là Thôi Hộ không? Rồi cho biết người con gái duy nhất của lão sau khi đọc xong bài thơ thì bỏ cả ăn uống và thức trắng nhiều đêm không ngủ, nay đã chết, xác vẫn còn ở trong nhà.

Thôi Hộ vội vào, đến bên xác người con gái, thấy nàng chưa lạnh hẳn và mặt mày vẫn hồng nhuận; chàng quỳ xuỗng cầm tay nàng, than khóc thảm thiết (!) Ngạc nhiên thay, người con gái sống lại, rồi… sau đó họ trở thành vợ chồng (nàng có tên là Đào Phụng Trinh, còn cha nàng là Đào Bạch Phụng).

Gần 1300 năm đã trôi qua, không còn ai nhớ cặp uyên ương đó hạnh phúc ra sao ?, chỉ có bài thơ tỏ tình đầu tiên ấy là bất tử!

Trong Truyện Kiều có một khổ lục bát với câu 2745 và 2746 là Đầy vườn cỏ mọc, lau thưa / Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời. Đại thi hào Nguyễn Du dùng hai câu cuối trong bài thơ nói trên của Thôi Hộ và dịch rất tài tình để nối tiếp: Trước sau nào thấy bóng người , Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (câu 2747 và 2748) tả nỗi buồn của Kim Trọng khi trở lại vườn Thuý nhưng không gặp Kiều, bởi nàng đã bước vào con đường lưu lạc.

Kẻ hậu sinh này xin được mượn ý cụ Nguyễn Du để thủ thỉ cùng xuân Giáp Thìn – 2024 như sau:

Xuân mới Giáp Thìn tiễn gió đông                                         

Cây đào năm ngoái nở nhiều bông                                  

Trong Nam, ngoài Bắc đầy hương Tết                              

Rực rỡ bình minh toả ánh hồng!

Xin cảm ơn bạn đọc và chân thành chúc: một năm mới dồi dào sức khoẻ, thành đạt, an lành, hạnh phúc!

                                                                                     P.V.H

                                                                           (Năm tuổi 80)