Tình quê – Tản văn của Lê Văn Huân

710

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiều 29 tết, tôi nhận được điện “Cháu ơi! Tết này chú không về được, ở nhà có chi thì giúp chú với, con nhớ ba mươi làm lễ rước ông bà về ăn tết cho vui và vái hộ giùm chú là tết này chú không về được, còn nếu có ai hỏi thì con lựa lời nói hộ” và chú không quên gửi lời chúc tết bà con ở quê nhà…


Tác giả Lê Văn Huân

Không hiểu sự tình của chú ra sao mà lại không về, điều này lâu nay hiếm có xảy ra, nhất là từ khi tôi trụ ở nhà từ đường. Nội tôi chỉ có hai người con trai ba tôi mất sớm trong kháng chiến, từ nhỏ tôi ở với nội và chú đã là như cha, khi chú trưởng thành và lập gia thất ở trên phố, thì cũng chính là lúc nội tôi ra đi giao lại ngôi từ đưòng cho tôi. Chú hiểu và thương lắm nên những ngày giỗ kị, tết nhất không bao giờ chú quên.

Lòng như có lửa nên khi tết vãng, bàn với vợ  phải ra phố thăm gia đình chú thím với mấy em, trước lúc đi hai vợ chồng nghĩ mãi không biết lấy chi làm quà. Gà, vịt, bánh trái ư? Không được, vì nó quá thừa mứa sau những ngày tết, hơn nữa mấy thứ này chú thím đâu có thiếu gì, toan tính mãi rồi cũng nhớ ra một món quà mà chú tôi rất thích, đó là khoai lang tháng giêng ở ngay quê mình, nghĩ sao làm vậy bèn bảo vợ qua nhà bác Năm hàng xóm mua ít khoai lang, vợ giãy nảy “quà chi thứ ấy”, nhưng tôi vẫn quyết.

Hai vợ chồng, cố gắng chọn những củ ngon nhất. Rồi sáng mai tôi lè kè hơn chục kí khoai lang tươi với hi vọng rằng đây cũng là một món quà có giá trị.

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ ngồi trên ô tô cuối cùng tôi bước xuống bến xe trung tâm thành phố với cái túi khoai lang to lềnh kềnh, phải khó khăn lắm sau bao lần mặc cả tôi mới tìm được một mối xe ôm với giá phải chăng sáu chục ngàn đồng để chở túi khoai lang giá trị không quá mười lăm ngàn đồng đến nhà ông chú.

Chú đi công tác xa nên khi đến nhà tôi không gặp. Thím và mấy người em con của chú đưa món quà của tôi mang từ quê lên để vào gầm bếp rồi chẳng ai ngó ngàng chi tới nữa, lòng tôi buồn lắm.

Ngày cuối cùng tôi ở lại chơi cũng là ngày chú đi công tác về. Nhớ lại chuyện má kể ngày xưa… nên tôi khoe ngay với chú là tôi có mang khoai lên biếu làm quà. Chú tôi có vẻ mừng lắm, cám ơn và liền bảo người con gái lớn đem khoai rửa luộc, con gái chú có vẻ không thích thú gì khi làm chuyện này, nó còn nói “Khoai luộc họ bán đầy đường thích ăn thì ra mua vài chục, chứ nấu làm chi cho nhọc sức mà lại tốn ga”… Chú đượm buồn, một làn mây trôi nhanh qua mắt. Nói là thế, chứ biết không thể nào cưỡng lại được ý cha, nên em gái tôi phải tuân hành.

Khoai vừa chín bưng lên, chú tôi vừa ăn vừa kể cho tôi nghe khi còn nhỏ, chú và ba con rất thích được ăn khoai lang nhất là khoai tháng giêng ở quê, đó là thứ khoai trồng trên đất cát trắng trồng ngay trong vườn nhà, củ khoai vừa bùi vừa bột nó khác với thứ khoai đất ruộng là củ ướt ít bột. Ờ mà cũng khoai lang thế nhưng khoai lang quê mình có một hương vị đặc biệt; ngày đó chú thường luộc khoai lang với lá dứa thơm mọc ở đồng quê. Vào những buổi sáng của mùa khoai, trong túi xách đi học của chú  bao giờ cũng ấm mùi lang hay là vào những đêm trăng thanh, gió mát các cụ thường ngồi với chiếc chỏng tre, ăn khoai lang luộc, uống  nước chè xanh bao quanh nó là những câu chuyện đời. Sau này lớn lên đi đâu chú cũng nhớ… Tết này chú không về được vì thím và mấy em theo lời mời của một người bạn dắt nhau ra Hà Nội để ăn Tết và vui xuân một lần, chú có bảo đi thì đi nhưng phải ở nhà một đứa để còn về nội. Chúng bảo về quê buồn quá còn ai nữa mà về, chú không đồng ý nhưng ngày hết Tết đến không muốn ồn ào, làm mất không khí ngày xuân, nên chú không ép chúng nó. Chú còn kể cho tôi biết chiều 29 khi gọi điện cho tôi xong, chú ra ga tàu hoả; để tiễn ai – không tiễn ai cả chỉ muốn nhìn đoàn tàu vội vã mang đoàn người ly hương về với các miền quê ăn Tết. Nhìn đoàn tàu để gởi một chút gì về với quê hương.

Nghe chú tôi kể chuyện về những củ khoai lang của quê hương mình, về tình cảnh của chú trong những ngày Tết, sự mặc cảm trong tôi về món quà rẻ tiền biến đâu mất, nhường chổ cho niềm xúc cảm về những củ khoai lang mang nặng tình quê.

L.V.H