Tinh thần sử thi của văn học Việt Nam

1030

14.12.2017-07:00

NVTPHCM- Gần đây, lại xuất hiện một số ít ý kiến lạc lõng muốn phủ nhận giá trị, ý nghĩa, thành tựu của văn học giai đoạn 1945-1975, họ cho rằng phải phục vụ chính trị nên nhiệm vụ của văn học thời đó đơn thuần chỉ là miêu tả đời sống chiến đấu, đánh giặc.

 

Họ cố tình không hiểu rằng, các nhà văn khi ấy không chỉ làm nhiệm vụ “minh họa” chân thật hiện thực của cuộc sống, mà còn thể hiện tinh thần sử thi chống kẻ thù xâm lược vì độc lập, tự do của dân tộc ta. Đó cũng là dòng chủ lưu của văn học Việt Nam trong 30 năm đó, là kết quả tất yếu của tính cách dân tộc và tiếp biến văn hóa Việt Nam.

 

Lịch sử cho thấy, người Việt luôn phải chống chọi với giặc ngoại xâm nên rất tôn thờ những anh hùng đánh giặc giữ yên bờ cõi. Cho nên dễ hiểu Đền thờ Đức Thánh Trần có ở rất nhiều nơi trên đất nước ta. Có thể nói phẩm chất anh hùng của sử thi có ở trong máu của mỗi người Việt, nhất là mỗi khi có kẻ thù xâm lăng thì phẩm chất ấy càng trỗi dậy mạnh mẽ.

 

Sử thi phương Đông luôn tôn thờ, nhấn mạnh những phẩm chất cao cả, nhất là trong sử thi Ấn Độ mà tiêu biểu là MahabharataRamayana. Mahabharata dài 22 vạn câu, gấp 7 lần IliátÔđixê của Hy Lạp cộng lại. Ramayana dài gần 5 vạn câu. Sử thi Ấn Độ vừa miêu tả chiến tranh vừa rất coi trọng miêu tả sự xung đột giữa cái thiện và cái ác, giữa đạo lý và phi đạo lý. Mục đích của chiến tranh là hòa hợp. Điều luật của chiến tranh là lẽ công bằng. Những điều ấy góp phần tạo ra một “tinh thần Ấn Độ” đặc sắc. Tinh thần Ấn Độ đi cùng với con đường truyền bá đạo Phật ảnh hưởng tới và cùng với văn hóa bản địa góp phần tạo ra một tính cách Việt khoan hòa, nhân ái, hướng thượng, không thích chiến tranh, nếu buộc phải chiến tranh thì cũng vì mục đích hòa giải, hòa hợp, hòa bình. Đó cũng chính là cái mà văn học hướng tới để miêu tả, phản ánh. Cũng đúng với quy luật, trong thời có chiến tranh thì tính cách kia thể hiện rõ hơn và văn học phản ánh sâu đậm hơn.

 

Phía Bắc giáp ngay nước ta là nước Trung Hoa rộng lớn, nơi sản sinh ra những bộ tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng về chủ đề chiến tranh như Tam Quốc diễn nghĩa mà hầu như người Việt ai cũng biết đến những nhân vật chính. Bậc kỳ tài về binh pháp là Tôn Tử có ảnh hưởng lớn đến các chiến lược, chiến thuật đánh du kích trong kháng chiến toàn dân chống ngoại xâm của nhân dân ta ở nhiều thời kỳ lịch sử. Văn học Việt Nam viết về chiến tranh có quan hệ tiếp biến với văn học Trung Quốc cùng đề tài là lẽ đương nhiên, nhưng chỉ tiếp nhận những gì là tinh hoa, những gì là phù hợp. Không ngẫu nhiên trong số các cây đại thụ thơ Đường Tống thì Đỗ Phủ được người Việt ưa thích hơn cả. Vì Đỗ Phủ là nhà thơ dân đen, nhà thơ hiện thực và nhất là nhà thơ phản chiến với những bài thơ đẫm nước mắt như: Binh xa hành, Tam lại, Tam biệt… nổi tiếng.

 

Như vậy, tính chất sử thi luôn là một đặc tính, thuộc tính của văn học Việt Nam từ trước tới nay và mãi về sau. Chỉ nên phát triển nó, phát huy nó chứ không thể và cũng không phủ nhận được nó. Những ai “dị ứng” với văn học sử thi cần nên có một suy nghĩ khác. Quy luật vận động và phát triển của văn học sử thi luôn gắn liền với những biến động của lịch sử. Có thể lý giải điều này ở mấy góc độ như đặc điểm thể loại, chủ thể sáng tạo (nhà văn), không khí sáng tác, bạn đọc. Nước Nga phải đợi gần nửa thế kỷ sau chiến tranh mới gọi được cảm hứng cho “con sư tử của văn học Nga” là L.Tolstoyviết bộ sử thi Chiến tranh và hòa bình bất hủ. Không khí đổi mới của xã hội ta hôm nay đã và đang gặt hái nhiều thắng lợi, hứa hẹn những triển vọng đầy lạc quan. Tất cả những điều ấy phả vào chủ thể nhà văn, kích thích họ sáng tạo ra những tác phẩm sử thi mới vừa mang âm hưởng hào hùng của ngày hôm qua vừa có không khí sống động của hôm nay. Những điều ấy cho phép chúng ta hy vọng những mùa gặt mới của văn học cách mạng trong một tương lai gần.

 

NGUYỄN THANH/QĐND

 

 

>> XEM TIẾP DỌC ĐƯỜNG VĂN HỌC…