‘Về thăm phụ tử’ của Lê Chí

938

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tình cờ đọc tuyển tập thơ “Bạn và Thơ” (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh – 1995), tôi gặp bài “Về thăm phụ tử” trong chùm thơ của Lê Chí. Điều ghi nhận trước hết ở đây là, trái với ý kiến của một số người cho rằng thơ Lê Chí giàu chất ảo về nội dung và thiên về hình thức tự do. Bởi lẽ bài “Về thăm phụ tử” thuộc dạng thơ mới bảy chữ gồm nhiều khổ bốn câu, tức là một thể thơ mà hầu hết các thi sĩ nổi tiếng từ trước năm 1945 thường sử dụng. Gọi là mới, thực ra loại thơ này vẫn mang tính thơ truyền thống về vần điệu và âm hưởng bình trắc, từ đó trực tiếp tạo được nhạc tính trong thơ, như các bài “Tràng giang” (Huy Cận), “Đây mùa thu tới” (Xuân Diệu), “Nắng mới”(Lưu Trọng Lư).


Hòn phụ tử (Kiên Giang) trở thành nguồn cảm hứng thi ca.

Hành trình vào không khí của thi phẩm Về thăm phụ tử, ta dễ nhận ra chủ đề của bài thơ trữ tình này. Đó là nỗi lòng đau đáu nhớ thương và nuối tiếc những gì đẹp đẽ đã mất khi tác giả về thăm lại vùng đất máu thịt đã chịu lắm đổ nát, khổ đau và mất mát do đế quốc Mỹ và ăn theo gây nên.

Khúc mở đầu bài thơ là giai điệu trầm buồn về hồi ức, nhắc lại bối cảnh quạnh hiu trống trải với tiếng súng đồn giặc vang vọng từ xa:

Về thăm phụ tử đêm hôm đó
Bãi cát đìu hiu, sóng thở dài
Thốt nốt trơ mình xao xác gió
Súng đồn giặc vọng vọng bên tai.

Tạo vật vô tri như đồng cảm, muốn san sẻ bao nỗi đau thương cùng tác giả. Vận dụng tinh tế từ ghép, từ láy cùng biện pháp tu từ, nhà thơ đã sớm gieo ấn tượng ngậm ngùi vào tâm hồn người đọc. Tác giả dọn đường đưa chúng ta vào thế giới hoang sơ im lặng, ngập tràn nhớ thương và kỷ niệm. Tác giả không khỏi bâng khuâng hồi tưởng lại bầu trời thanh bình một sớm mai nào chập chờn những cánh chim rừng:

Tôi bước nhẹ nhàng trong lặng im
Hay không, phụ tử vẫn im lìm
Bâng khuâng bỗng nhớ ngày xưa ấy
Buổi sáng quanh hòn xanh cánh chim.

Tự vấn đồng nghĩa tự siêu thoát cho dòng cuồng lưu tình cảm ứ đọng, nhà thơ bàng hoàng bước theo lối cũ dẫn đến ngôi chùa vắng vẻ, lạnh tanh nhang khói:

Lần theo lối cũ đến chùa Hang
Cũng văng tanh người, chẳng khói nhang.

Phải chăng nỗi đau của Phật bà cũng là nỗi đau của con người:

Đang nghĩ suy gì cau nét mặt
Hỡi bà Phật mẫu ngự tòa sen.

Đó cũng là những ưu tư trước “các vị La Hán chùa Tây Phương” của Huy Cận mà không được ai giải đáp:

Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng, hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Tình cảm người thơ mỗi lúc càng đậm đặc nỗi nhớ nhung, u buồn nên giọng thơ ở khổ bốn và khổ năm giống như lời độc thoại trầm lắng. Những hình ảnh cảnh vật, con người quen thân ùa về tràn ngập tâm trí mình. Từ suối nước mát trong đến nhịp cầu xưa rêu phủ, cả buổi ăn vui vẻ giữa ngày nơi phiến đá thuở tuổi thơ cũng đã biến thành những hố bom phũ phàng bên góc cây dương cành gãy tiêu điều:

Vẫn suối rì rào tuôn mát rượi
Mà người quen trước đã đi đâu?

Giờ hố bom đào sâu nhức mắt
Mấy cành dương gãy, gió đung đưa.

Nhạc thơ âm vang giai điệu hoài thương, thể hiện tâm trạng đau buồn của tác giả, như chàng Thôi Hộ hay Lamartine trong lần về thăm lại cảnh xưa:

Nhân diện bất tri hà xứ khứ?
Người xưa giờ chẳng biết nơi đâu?
Thôi Hộ (1)-

Nơi đây trên mỏm đá này
Cùng ai hằng đã sánh vai ngắm hồ.
Lamartine(2)

Nỗi nhớ của nhà thơ mang theo từng âm ba của những câu thơ giàu nhạc điệu, làm rung động bồi hồi người đọc. Điều không thể không nói tới là tác giả đã kết thúc bài thơ bằng niềm tin, hy vọng như là một tất yếu:

Giục giã chân trời giăng chớp đỏ
Mai về phụ tử giữa mùa xuân.

Tóm lại, có thể nói Về thăm phụ tử của nhà thơ Lê Chí đã cho người đọc những vần thơ hay, dễ cảm thụ và đáng nhớ. Tứ thơ không lạ và nghệ thuật mang hơi hướng thơ truyền thống, nhưng thi khúc thực sự đã rung cảm được người đọc. Bài thơ đã thể hiện lòng hoài cảm trong sáng, cao đẹp của tác giả. Bởi lẽ tình cảm, xúc động của nhà thơ cũng chính là tâm tư tình cảm của bao nhiêu người Việt Nam ở những vùng đất quê hương từng hứng chịu nặng nề bom đạn, tóc tang bởi giặc Mỹ. Hình ảnh chọn lọc gợi tả, lời thơ trong sáng, truyền cảm, bài thơ Về thăm phụ tử đã xâm nhập sâu lắng vào tâm hồn người yêu thơ. Trong “gò đống ngổn ngang” những bài thơ “đủ dạng, lắm kiểu” về hình thức và nội dung trong thế giới văn chương chữ nghĩa hôm nay, Về thăm phụ tử như một ly nước mát thơm trong cơn khát của người thích đọc và yêu thơ như tôi.

Những ngày thu 2020
N.T

(1) Thôi Hộ (772-846): Nhà thơ đời Trung Đường, Trung Quốc, là tác giả bài tứ tuyệt nổi tiếng Đề tích sở kiến xứ (Đề vào chỗ này năm trước).

(2) Lamartine (1790-1869): nhà thơ Pháp thuộc trường phái lãng mạn, được nhắc nhiều với bài Le Lac (Cái Hồ).