Báo cáo tổng kết Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021

494

Như đã đưa tin, Lễ trao Giải thưởng Văn học và kết nạp hội viên mới năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội ngày 14/02/2022. Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch thay mặt Ban Chấp hành Hội đã viết và trình bày báo cáo tổng kết về giải thưởng. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của ông nhân Chuyên đề về Giải thưởng Văn học năm 2021.


Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Vam năm 2021

Tổng số các tác phẩm mà hội nhà văn nhận được đề cử xét giải văn học năm nay là 216. Trong đó, văn xuôi là 70 tác phẩm. Thơ 91 tác phẩm, lý luận phê bình 16, văn học dịch 20 và văn học thiếu nhi 19.

Qua đọc vòng loại, hội đồng Sơ khảo đã đề cử lên Hội đồng Chung khảo những tác phẩm đạt quá bán số phiếu. Hội đồng Chung khảo đã đọc kỹ các tác phẩm vào chung khảo và dành hai ngày để bàn luận kỹ càng từng tác phẩm, sau đó bỏ phiếu quyết định.

Ở thể loại thơ có 3 tập vào chung khảo gồm: Xứ rung một ngọn mây của Trần Lê Khánh, Hoa linh thảo của Nguyễn Linh Khiếu và Ghi chú sau mây của Hữu Thỉnh. Rất tiếc là đến phút cuối, tác giả Ghi chú sau mây đã xin rút. Hai cuốn còn lại không có cuốn nào đạt quá bán để đoạt giải. Vì thế thể loại THƠ năm nay để trống. Cho dù Giải thưởng năm 2021 của Hội nhà văn không có thơ nhưng 3 tập thơ vào chung khảo cho thấy thơ ca đang trên đà chuyển động đáng mừng. Với Ghi chú sau mây, nhà thơ Hữu Thỉnh một lần nữa cho thấy trải nghiệm sống quan trọng với thơ ca như thế nào. Thơ ông tinh kết những vẻ đẹp và triết lý đời sống mà ông đã sống, suy ngẫm và khám phá. Tập thơ là đặc trưng ngôn ngữ và thi pháp mang tên Hữu Thỉnh nhưng vẫn làm cho người đọc nhận ra những đổi mới không ngừng của chính ông. Xứ, rung một ngọn mây của nhà thơ Trần Lê Khánh là một bất ngờ, một nhà thơ chưa được biết tới nhiều. Tập thơ này là một sự dấn thân cho thể loại thơ lục bát. Để làm mới lục bát là một thách thức quá lớn với mọi nhà thơ. Nhưng Trần Lê Khánh đã chọn con đường đầy thách thức ấy. Đây là một tập thơ với những câu thơ, bài hay và mới bất ngờ, chứa đựng những tầng sâu và phong phú của tâm hồn Việt, văn hóa Việt.

Ban chấp hành thống nhất đề cử tác phẩm Xứ, rung một ngọn mây của nhà thơ Trần Lê Khánh cho giải thưởng của Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam vì tác phẩm có số phiếu cao nhất của Hội đồng Thơ và cả Ban Chấp hành Hội Nhà văn cho Giải thưởng Hội Liên hiệp. Và tập thơ Xứ, rung một ngọn mây đã đã được trao Giải thưởng xuất sắc của Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Còn Hoa linh thảo của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu giống một dòng chảy cuồn cuộn cuốn vào đó mọi đời sống của lịch sử, tâm linh, triết học, văn hóa. Cả 3 nhà thơ ở 3 thế hệ khác nhau và mang tới 3 giọng nói riêng biệt và các khuynh hướng của thơ ca đương đại. Nhưng thơ ca luôn là một văn bản nghệ thuật khắc nghiệt với cả người sáng tác và người đọc. Việc cảm nhận thơ ca luôn là sự thách thức và đa chiều. Chính sự khắc nghiệt này mà Ban chấp hành cũng là ban chung khảo chưa chọn được một tác phẩm thơ để trao Giải Hội nhà văn năm 2021. Nhưng chúng ta tin tưởng rằng: với sự sáng tạo đầy cảm hứng, nghiêm túc và đầy mới mẻ, chúng ta sẽ có giải thưởng cho thơ vào những năm tới.

Ở loại hình văn xuôi, Hội đồng Sơ khảo đề cử lên hội đồng Chung khảo 2 tác phẩm, một tiểu thuyết và một truyện ngắn. Đó là Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương và Nhà thánh của Vũ Thanh Lịch. Tiểu thuyết Một ví dụ xoàng do nhà sách Tao Đàn và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, Một ví dụ xoàng có tính khái quát rất cao một thực trạng không thể chối bỏ của xã hội chúng ta. Từ vụ án một người buôn bốn cân chè mà mất hai mạng người từng rúng động đất Thái Nguyên thời bao cấp, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã dựng lại cả một thời đói khổ, vô lý, ấu trĩ, khốn đốn, nghiệt ngã, cái ác đã lên ngôi. Đặc biệt qua nhân vật chính, tác phẩm đã khai thác sâu sắc về thân phận của một con người. Ở anh ta đã tập hợp đủ các tính cách, trí thức có, giang hồ, anh hùng hảo hán có, tình yêu đích thực có, sấp ngửa với cơm áo gạo tiền…và cuối cùng phải cay đắng chấp nhận cái chết vì một lý do vơ vẩn không thể chấp nhận được ở bất cứ thời đại nào. Cả tiểu thuyết chỉ có mấy nhân vật, những tác giả đã tạo dựng từng nhân vật một cách độc đáo. Tiểu thuyết dựng lên một không gian mà cái ác bao trùm khiến người đọc bị cuốn theo mê trận, đau đớn, xót xa và bừng tỉnh. Cuộc truy tìm đến tận cùng nguyên nhân của một cái chết, cái kết của vụ án là một cuộc truy tìm thời cuộc. Cái chết của một con người cho dù con người ấy như thế nào cũng không thể là một ví dụ xoàng. Vụ án hình sự có thể chỉ kết thúc trong một phiên tòa, nhưng vụ án lương tâm vẫn tiếp tục mở ra ngày ngày để phán xử sự vô cảm và giá lạnh của con người trước sinh mệnh của con người đan có nguy cơ mỗi lúc một lan rộng.  Một ví dụ xoàng là một bản luận tội một thứ tội ác không có bản án. Mỗi một tác phẩm của Nguyễn Bình Phương là một sáng tạo với nhiều nét độc đáo, mới mẻ và hiện đại. Nguyễn Bình Phương đã dựng lên một giọng điệu riêng biệt của tiểu thuyết đương đại Việt Nam qua từng tác phẩm cho tới Một ví dụ xoàng.

Nhà thánh cũng là tập truyện ngắn đào xới, lột tả nỗi đau, sự dằn vặt của con người, khai thác sâu văn hóa làng, tín ngưỡng dân gian, như một cô gái mê muội, đau đớn, điên lên vì tình, chuyện một làng quê yên bình song sục sôi chống lại sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, một làng quê nghĩa tình dẫu có đăng cay, lầm lỗi song không bỏ rơi ai, vẫn giữ được nếp làng, hoặc sự mê muội đàng yêu của một cô gái làng. Văn kỹ lưỡng, kể cả khi viết về người bị số phận đẩy đến cùng đường đến những người thành đạt, uyên bác. Có thể coi tập truyện ngắn này như một công trình nghiên cứu về văn hóa làng theo một góc riêng của nhà văn hay một cuốn luận văn bàn về thực trạng văn hóa tín ngưỡng ở nông thôn trong giai đoạn hiện nay. Sau khi thảo luận, phân tích, đánh giá, hội đồng bỏ phiếu và tác phẩm Một ví dụ xoàng của nhà văn Nguyễn Bình Phương đạt số phiếu tuyệt đối cả ở Hội đồng văn xuôi và Hội đồng chung khảo là 11 thành viên Ban chấp hành để đoạt giải.

Về lý luận phê bình. Đây là thể loại dồi dào nhất và độ chênh theo thang bậc chứ không đứt đoạn như với thơ hoặc văn xuôi. Trong số 15 cuốn thì có 4 cuốn lọt vào chung khảo với số phiếu quá bán. Qua bỏ phiếu, cuốn Văn bản văn học và sự bất ổn của chữ của Trương Đăng Dung đã hội tụ số phiếu tập trung cao nhất và đoạt giải. Đây là công trình tập hợp những suy tư của một nhà lý luận văn học có thiên hướng lý thuyết, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến văn bản, tiếp nhận và cơ chế tạo nghĩa của văn bản trong đời sống tiếp nhận. Công trình đạt chất lượng khoa học cao, có tính chuẩn mực về học thuật khi người viết tiến hành phân tích, luận giải các vấn đề khoa học văn học xuất phát từ nền tảng nền tảng triết học và mĩ học. Sức tác động của công trình này không nằm ở tính tức thì mà là tác động mang tính thay đổi nhận thức, trên cơ sở nhận ra những giới hạn của mô hình văn học phản ánh hiện thực đơn giản để hướng đến mô hình kiến tạo trên tinh thần của mĩ học và lý luận văn học hiện đại. Công trình mang tính khoa học chuyên sâu, hiếm quý trong đời sống lý luận phê bình văn học hiện nay. nó chứng minh giá trị của mình trong việc soi sáng, ở khía cạnh nào đấy, những quy luật của sáng tạo và từ đó tạo ra những đánh giá hết sức chuẩn xác, trong phạm vi có thể, và cũng tạo ra những bổ ích nhất định trong giới sáng tác.

Ở hạng mục văn học dịch, Hội đồng sơ khảo bỏ phiếu đưa lên danh sách quá bán gồm ba cuốn, đó là: Tàn ngày để lại, của Kazuo Ishiguro do An Lý dịch, Mông Cổ bí sử, do Ngô Trần Trung Nghĩa dịch và Châu Phi nghìn trùng, do Hà Thế Giang dịch. Từ ba cuốn đưa vào chung khảo, hội đồng đọc và bỏ phiếu đánh giá, số phiếu cũng tập trung cao cho cuốn Châu Phi nghìn trùng, của dịch giả Hà Thế Giang. Đây là cuốn hồi kí của nhà văn nữ nổi tiếng người Đan Mạch Isak Dinesen, người từng được hai lần đề cử giải Nobel Văn học vào năm 1954 và 1957. Châu Phi nghìn trùng kể về khoảng thời gian Isak Dinesen sinh sống tại châu Phi (1914 – 1931); cuốn sách mở đầu bằng câu: “Tôi có một đồn điền tại châu Phi, dưới chân rặng Ngong.” và kết thúc bằng câu: “Cũng bởi nhìn từ xa, dáng núi dần trở nên mềm mại và thanh thoát hơn”. Và cũng chính cái “nhìn từ xa” đó, tác giả có cái nhìn uyển chuyển, bao quát về một châu Phi rộng lớn. Câu chuyện của tác giả xoay quanh một đồn điền cà phê rộng 4000 mẫu Anh gần Nairobi của đất nước Kenya, nhưng qua đó, người đọc có thể hình dung được về thiên nhiên, con người và bản sắc văn hóa độc đáo của châu Phi. Tuy nằm trong bối cảnh thực dân – thuộc địa, nhưng rất khác với nhiều tác phẩm viết về châu Phi trong thời kì này, Châu Phi nghìn trùng cho ta cái nhìn khác: không chính quốc – bản xứ, không thực dân – thuộc địa, không da trắng – da màu, không chủng tộc thượng đẳng – hạ đẳng, không khinh khi, đố kị, không hận thù, chém giết…quan hệ giữa con người với con người là quan hệ bình đẳng, bao dung, nhân tính. Châu Phi nghìn trùng nhất quán một cái nhìn nhân văn, chan chứa tình người. Đó là cái lớn lao và đặc sắc của tác phẩm này. Nghệ thuật đặc sắc nhất của Châu Phi nghìn trùng là nghệ thuật tả cảnh: thiên nhiên hoang dã đẹp đẽ nhưng cũng khắc nghiệt và tàn nhẫn; con người châu Phi có vẻ đẹp hình thể, nguyên sơ và đáng yêu. Dịch giả Hà Thế Giang đã chuyển ngữ thành công tác phẩm này: chuyển tải đúng nội dung văn bản gốc, lời văn tiếng Việt tự nhiên, trong sáng với ngôn ngữ văn chương chau chuốt, tinh tế. Độ chính xác của diễn đạt và ngôn ngữ cũng như nhịp điệu của tác phẩm này khiến người đọc bị chinh phục bởi sự lôi cuốn đến mê hồn về văn phong. Đây là một trong số những tác phẩm dịch mà không nhìn thấy sự vấp váp của ngôn từ và người đọc có thể cảm nhận vẻ đẹp của ngôn ngữ tương xứng với vẻ đẹp mà nó diễn tả.

Về thể loại văn học thiếu nhi. Đây thực sự là sự đợi chờ của Giải thưởng Hội nhà văn 2021. Sau hơn chục năm, tác phẩm văn học thiếu nhi vắng bóng trong Giải thưởng Hội nhà văn hàng năm. Hội nhà văn quyết định lập ra Giải thưởng văn học thiếu nhi để thúc đẩy sáng tác văn học về đề tài đặc biệt và cần thiết này. Căn cứ vào đề cử của hội đồng sơ khảo, hội đồng chung khảo đã bổ sung thêm một cuốn để xét. Đó là cuốn Mùa tiểu học cuối cùng của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa. Tác phẩm này được số phiếu quá bán của Hội đồng văn học thiếu nhi. Sau khi phân tích đánh giá kỹ lưỡng ba tác phẩm: Cà nóng chu du ở Trường Sa của Bùi Tiểu Quyên, Cá voi Eren đến Hòn Mun của Lê Đức Dương và Mùa tiểu học cuối cùng của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa, hội đồng chung khảo đã bỏ phiếu kín. Kết quả, cuốn Mùa tiểu học cuối cùng của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa đã hội đủ số phiếu đoạt giải. Mùa tiểu học cuối cùng mang một cách kể giản dị nhưng xúc động bởi tính chân thực và một giọng văn phù hợp với các nhân vật ở lứa tuổi. Những câu chuyện thường nhật của những đứa trẻ được nhà văn biến thành những ký ức không thể quên trong tâm hồn một con người. Những ký ức đó đã làm hiển lộ tâm hồn trẻ thơ và với tâm hồn tươi trẻ, trong sáng ấy, chúng sẽ lớn lên để làm một con người tử tế.

Có thể nói rằng, Giải thưởng năm nay đã lựa chọn một cách khá chính xác những tác phẩm tiêu biểu và những tác phẩm này phần nào phản ánh thực trạng, thực lực của các thể loại văn học trong năm. Tất cả các tác phẩm được giải Hội nhà văn 2021 đều truyền tải cái đẹp của nghệ thuật và thông điệp nhân văn của thế giới con người. Xin chúc mừng các tác giả đoạt giải. Hy vọng những tác phẩm đoạt giải năm nay không phải chỉ nhận được sự đồng cảm, đánh giá cao của các Hội đồng chuyên môn, của Hội đồng Chung khảo HỘI NHÀ VĂN mà tiếp tục đến được với đông đảo bạn đọc cả nước và có sức sống lâu dài…

BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM