Trang Nguyễn – Tác giả cuốn sách “Chang hoang dã – Gấu” – Tác phẩm vừa đoạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam lần thứ tư, năm 2021.
Trang là một tiến sĩ chuyên ngành quản lí đa dạng sinh học, hiện là nhà sáng lập và giám đốc tổ chức bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam WidAct. Cô cũng là 1 trong 30 gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi do tạp chí Forbes Châu Á bình chọn năm 2020. Cô đã có nhiều tác phẩm về bảo vệ môi trường và bảo vệ động vật hoang dã. Cuốn sách vừa đoạt giải A Sách Quốc gia đã được bán bản quyền toàn cầu sang một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ…
Hoang dã và… hoang dã
Chang hoang dã- Gấu (Trang Nguyễn – Jeet Zdung, Nxb Kim Đồng, 2020) là một cuốn trong loạt truyện tranh về chủ đề bảo vệ động vật hoang dã. Cô bé Chang, người tự nhận mình bảo vệ động vật hoang dã, kể lại câu chuyện giải cứu cô gấu chó Sorya, đưa cô bé trở lại cánh rừng hoang dã – quê hương của cô. Trong cuốn sách có những hiểu biết về loài gấu; những tổn thương loài gấu phải chịu đựng khi bị nuôi nhốt và khi bị mất những thói quen, tập tính hoang dã của loài gấu trong tự nhiên. Bên cạnh đó cuốn sách cũng cung cấp cho người đọc cả những hiểu biết về rừng rậm nhiệt đới Việt Nam; những kĩ năng cần thiết để làm việc trong rừng. Tác giả còn chu đáo chia sẻ những bước cần làm để trở thành một nhà bảo tồn động vật hoang dã.
Tác phẩm “Chang hoang dã – Gấu” đoạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ tư năm 2021.
Qua các ghi chép và kí họa trong suốt chuyến đi, Chang chia sẻ những ước mơ nho nhỏ và hoài bão của mình, muốn tìm hiểu thêm về thế giới mình đang sống, sống hài hòa với vạn vật, trân trọng tự nhiên. Rất nhiều tình tiết hấp dẫn, thông tin thú vị, chi tiết đáng yêu về rừng già Việt Nam và loài gấu được thể hiện bằng tranh và những ghi chú bằng chữ in, đặc trưng của thể loại sách tranh truyện, có thể tạo được sự quan tâm ở các độc giả nhỏ tuổi.
Vì là những kí họa nên các bức tranh nhiều chi tiết, có màu sắc trầm, không sặc sỡ. Tuy nhiên, tranh không tạo cảm giác u ám mà tạo được cảm xúc cho các bạn trẻ, khiến các em có thể suy nghĩ nghiêm túc về thái độ sống của mình đối với môi trường, con người, loài vật, đặc biệt là khái niệm “tôn trọng” và “tự do”.
Trước đó, Trang đã có một cuốn sách khác. Trở về nơi hoang dã (Trang Nguyễn, Nhã Nam và Nxb Hội nhà văn, 2018) là cuốn sách mà theo lời Trang, kể về hành trình của cô trong vòng 5 năm, “từ lúc bắt đầu là một cô bé sinh viên thạc sĩ mới 21 tuổi đến khi cuốn sách kết thúc là một “người lớn” trưởng thành hơn và chững chạc hơn ở tuổi 26.
Cuốn sách “Trở về nơi hoang dã” của Trang Nguyễn.
Trong cuốn sách, Trang kể về ước mơ của mình và quá trình ước mơ thành hình, vạch ra một lộ trình rõ ràng cho tương lai. Chuyến đi của cô không chỉ là cuộc quan sát, nghiên cứu các loài động vật để phục vụ cho ngành bảo tồn mà cô đã chọn, đây còn là cơ hội cho những suy ngẫm đồng hành cùng bước chân một người trẻ, cảm nhận của cô về cuộc sống, con người, về mình trong vòng tay vâm váp và hoang dã của rừng già. Những ghi chép của Trang không tô vẽ, không khoe khoang, chân thật đến từng chi tiết lặt vặt trong sinh hoạt, va chạm trong các mối quan hệ khiến cho người đọc rung động mà cũng nghĩ về mình. Mình đã và đang sống thế nào? Mình có hoài bão gì? Mình có dám làm điều gì đó mạnh mẽ để tận hiến cho công việc và thế giới này?
Như Trang và nhiều người khác đang làm.
Đương nhiên, giữa những dòng lan man của Trang có cả nỗi sợ. Trang đã nói về nó rất chân thành: Cô sợ cuốn sách được đọc để giải trí rồi bị bỏ rơi vào quên lãng. Cô còn sợ hơn nếu cuốn sách trở nên phổ biến và tạo thành một phong trào để người trẻ vào rừng thử cảm giác mạnh nhưng lại không chuẩn bị đủ kiến thức sinh tồn để bảo vệ mình cũng như sự hiểu biết để không làm tổn hại đến môi trường hoang dã.
Có tiếng hay có miếng?
Tôi vừa bật cười rồi lại rưng rưng khi đọc về giải thưởng Quốc tế (có tiếng) không được người trong nước công nhận để được cộng thêm nửa điểm một điểm gì đó khi thi đại học (có miếng) của Trang thời cô học lớp 10 chuyên Sinh trường Hà Nội – Amsterdam. Người thân, bạn bè lắc đầu, trách cô sao không tập trung học để thi học sinh giỏi mà lại làm “những thứ linh tinh”… Nhưng rồi Trang đã hiểu, điều thôi thúc cô trong những việc cô làm không phải vì “tiếng” hay vì “miếng” – mà là hoài bão, ước mơ, sự kiên định lựa chọn một nghề mà vì nó, cô sẵn sàng dấn thân, không bỏ cuộc. Chỉ cần mình muốn, biết chắc mình rất muốn làm một việc và bắt đầu tìm hiểu, trang bị kiến thức hướng tới việc ấy, những người xung quanh mình sẽ cảm nhận được quyết tâm ấy và ủng hộ.
Ước mơ của Trang bắt đầu từ những mơ mộng thời thơ ấu và được hình thành rõ nét qua những hoạt động sống, trải nghiệm. Một cuốn sách về thực vật mẹ mua cho thời nhỏ, ấn tượng về cây mít, cây bao báp… Trang viết: “Tôi tưởng tượng ra mình đang đứng trước cây bao báp, sờ vào vỏ cây thô cứng, áp tay vào thân cây mát rượi và ngước mắt lên nhìn ánh mặt trời chói chang của đất nước châu Phi…”. Sau này, cô không chỉ tới châu Phi mà còn đến hàng chục nước khác ở các châu lục để làm công việc góp phần bảo vệ động vật hoang dã.
Tôi đặc biệt tâm đắc với cuốn sách của Trang Nguyễn ở giá trị kêu gọi giới trẻ ấp ủ, xây dựng, bồi đắp cho ước mơ của mình. Ước mơ của Trang bắt đầu từ những mơ mộng thời thơ ấu và được hình thành rõ nét qua những hoạt động sống, trải nghiệm. Một cuốn sách về thực vật mẹ mua cho thời nhỏ, ấn tượng về cây mít, cây bao báp… Trang viết: “Tôi tưởng tượng ra mình đang đứng trước cây bao báp, sờ vào vỏ cây thô cứng, áp tay vào thân cây mát rượi và ngước mắt lên nhìn ánh mặt trời chói chang của đất nước châu Phi…”. Sau này, cô không chỉ tới châu Phi mà còn đến hàng chục nước khác ở các châu lục để làm công việc góp phần bảo vệ động vật hoang dã.
Và rồi sau này, Trang đã đi, đã đến, đã ngắm nhìn, đã cảm nhận, đã nghiên cứu, đã lên tiếng bảo vệ… đã làm được thật nhiều việc vì ước mơ, cho ước mơ ngày nào của mình. Và còn tiếp tục làm thật nhiều điều nhờ nó. Bây giờ thì tên của cô đã gắn với “Chang hoang dã”. Tất cả đã bắt đầu từ mơ mộng từ thuở nhỏ của cô gái Hà Nội.
Con trai tôi cũng mới bước vào ngưỡng cửa đại học, cháu cũng chọn học bác sĩ thú y. Tôi thầm mong con trai tôi cũng đọc hết cuốn sách này và nhận được lời chia sẻ của tác giả để con đường phía trước con dấn bước ít phân vân hơn, không sợ ổ gà, không la cà hoa lá, hạnh phúc với những gì mình chọn.
Đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng thay mặt Trang Nguyễn nhận giải tại Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ tư năm 2021 do Bí thư Trung ương Đảng – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao, vì cô đang ở Tây Bắc, dang dở với công việc.
Trang Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Thu Trang, sinh năm 1990 tại Hà Nội. Cô là sáng lập và giám đốc điều hành WildAct – tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tại Việt Nam từ năm 2013.
Ở tuổi 23, Trang đã nhận được học bổng toàn phần của ĐH Cambridge, ngành bảo tồn động vật hoang dã.
Tháng 11/2017, Trang có mặt trong Top 5 mục cống hiến xã hội của giải thưởng The Women of Future Khu vực Đông Nam Á.
Năm 2018, Trang Nguyễn nhận giải Chiến Binh Xanh do Elles Vietnam bình chọn.
Năm 2019, Trang Nguyễn là một trong 100 nhân vật nữ tiêu biểu thế giới do BBC bình chọn. Cũng trong năm này, Trang Nguyễn hoàn thành xuất sắc Luận án Tiến sĩ ngành Bảo tồn Động vật hoang dã tại Anh.
Vượt qua nhiều ứng viên khác, cuốn sách tranh Chang hoang dã – Gấu do cô viết lời, họa sĩ Jeet Zdung vẽ đã giành giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ tư, năm 2021, là 1 trong 2 giải A của Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay.
Theo Thụy Anh/VNQĐ