Chuyển trường – Truyện ngắn của Phạm Thị Thanh Hoa

719

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cha mẹ tôi sinh được ba chị em gái, tôi là gái út. Từ nhỏ tới lớn, dường như chúng tôi chưa bao giờ bị ăn roi của mẹ. Cha thường lấy mẹ làm gương mà răn chúng tôi: “Con gái ấy à, con nên nhớ, đức hiền tại mẫu đấy!”. Cha nói nhiều đến nỗi tôi không còn chú ý xem nó đúng hay không nữa. Nhưng lớn lên và tiếp xúc nhiều, va chạm nhiều, tôi lại thấy băn khoăn, có khi tục ngữ vẫn có sai số!

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Chiều nay, khi cả trường đang lao động dọn dẹp chuẩn bị cho năm học mới, Vân nhận được tin bất ngờ. Cô có quyết định thuyên chuyển công tác. Cái tin ấy bất ngờ đối với Vân nhưng không bất ngờ với bất cứ giáo viên nào trong huyện này, bởi lẽ từ lâu cứ đến tháng tám hàng năm, mọi giáo viên trong huyện đều hồi hộp chờ đợi. Kẻ xin thì hồi hộp được duyệt, người không xin thì hồi hộp lo lắng bị điều đi nơi xa hơn, khó khăn hơn. Mỗi năm, tính ra cả huyện có hàng trăm quyết định như thế. Nên việc có quyết định của Vân là điều bình thường. Vân cũng xem đó là điều bình thường, dù hơi buồn. Con của Vân còn nhỏ, chồng làm xa, giờ lại dạy xa nữa…

Nhưng với bà Hà – mẹ Vân – thì điều đó không bình thường, con bà cũng không bình thường nốt. Bà giãy nãy lên khi nghe tin từ Vân. Bà tròn mắt, kinh ngạc, thở dài, giận dữ… đủ các cung bậc cảm xúc của một người nghe tin không lành. Bà mát mẻ:

– Tao nói mày rồi, không nghe tao là chết thôi con ạ. Thời đại này là thời nào rồi mà mày không chịu hiểu. Mà thời nào cũng thế, làm đứa nhân viên quèn ý thì phải biết luồn lụy, biết dựa cậy, biết nghe lời. Cấp trên thế nào thì cũng cho họ đúng đi, muốn bức xúc thì mày cứ đem về nhà xả cho tao cũng được. Người ta bảo, “bò đẻ bên hông thì thưa ông phải phải”, mà “bò đẻ dưới dái thì cũng phải phải thưa ông”, thế mới thích nghi được. Ý kiến ý cò cho lắm vào. Giờ thì sáng mắt chưa?

Vân đang ôm cho con bú, lặng nghe mẹ chì chiết. Dù hơi khó chịu nhưng không phải mẹ nói không đúng. Biết sao được, cha mẹ sinh con trời sinh tính. Ai bảo bà Hà sinh con không giống tính bà?

– Rồi lại khổ cái thân già này thôi. Đem em đây mà đi nấu ăn đi mà còn nghỉ.

Nói cho cùng thì con vẫn là con, tức mấy thì tức nhưng không thể không thương được. Vân tuy đã lấy chồng nhưng lại công tác gần nhà mà nhà chồng lại xa nên cô ở lại luôn với bố mẹ. Trong nhà cũng chẳng còn ai, ở với cha mẹ không chỉ vui mà còn đỡ đần được song thân khi trái gió trở trời. Bà Hà tức thì nói cho bõ nhưng nhìn thấy bóng lưng Vân khuất vào nẻo bếp lòng bà thấy buồn mênh mang. Vân giỏi nhưng hiền quá, ngốc nữa. Cái miệng không được dẻo, cái đầu ngẩng cao quá, cái tôi lại lớn…

Ngày Vân đi nạp quyết định sang trường mới, cô bận bộ đồ giản dị, tóc búi cao, ra đi còn tranh thủ vắt ít sữa để lại lỡ con đói. Dù sao cũng ngày đầu, biết đâu họ cần trao đổi nhiều phải ngồi lâu.

Ông hiệu trưởng trường mới là một người gần về hưu, tóc bạc gần hết, khổ người to cao, khuôn mặt vuông vắn, giọng trầm, thoạt tiếp xúc rất dễ gần. Ông cầm tờ quyết định thuyên chuyển của Vân, đọc xong, ngẩng lên cười hỏi Vân:

– Con thấy tiếc không?

Vân nhíu mày như để hiểu ý câu hỏi của sếp mới. Sau chừng hiểu ra, cô mỉm cười, đáp:

– Dạ, không đâu thầy ạ! Con xem đó như là của hoa thơm, mỗi người hưởng một ít. Mình có rồi thì cũng phải nhường người khác với chứ ạ!

Ông hiệu trưởng cười sảng khoái:

– Tốt! Con nghĩ thông được như thế thì tốt rồi

– Dạ. Con nghĩ sao nói vậy thôi ạ!

– Ừ. Thầy chỉ sợ về nhiệm sở mới con không thoải mái rồi làm việc thiếu hứng thú thôi.

– Dạ, không sao đâu ạ

– Thầy cũng nghe nói trước là con hay tham gia các phong trào văn nghệ và là cây văn nghệ của trường?

Vân cười bẽn lẽn:

– Dạ, con biết sơ sơ thôi thầy ạ!

– Biết là tốt rồi. Nhà trường có thêm nhân lực văn nghệ đây.

Cuộc nói chuyện cũng chỉ có thế. Nhanh hơn Vân tưởng. Cô thấy nhẹ nhàng, nhưng là nhẹ nhàng của cái bóng bay mất chỗ níu giữ bay lơ lửng giữa không trung, mọi thứ xung quanh cứ nhàn nhạt, thiếu sắc, thiếu vị. Cô vào văn phòng lớn chào mọi người một cách xã giao rồi về luôn, không nấn ná gì. Cũng chẳng phải để về với con, cũng chẳng phải vì quá buổi. Con đường đến trường giờ đây là hơn 10km nhưng cô chạy xe chậm rãi như đi dạo, đầu óc rỗng. Chợt đi qua chỗ quen, Vân rút điện thoại ra gọi. Đầu kia đổ chuông được hai hồi thì nghe tiếng:

– A lô! Mày à

– Ừ, có nhà không? Tao đang ở gần trước cổng nhà mày nè

– Vào đi, tao ở nhà

– Thôi, ra đây đi uống nước với tao lát

– Ô kê. Đợi tao 5 phút

Hiền hiện ra đầu ngõ sau mấy phút chờ. Nó trùm tùm hum như ninza vì sợ nắng. Vân vỗ vỗ vào yên xe, quay đầu xe chạy vào quán nước gần đó.

Hiền vừa cởi đồ vừa hỏi:

– Mày đi đâu đây?

– Tao chuyển về trường xã này

– Hả? Thật à? Sao con nhỏ thế xin chuyển làm gì?

Vân cười như mếu:

– Mày nghĩ tao thần kinh có vấn đề hay sao xin chuyển đến đây?

Hiền nhìn lom lom vào Vân rồi phì cười:

– Ừ ha. Chắc tại trường mày ngon quá mà. Địa thế gần như nhau, đi lại thuận tiện thế mà được 135, lương cao gấp đôi trường lân cận thì hỏi sao chúng không xâu xỉa vào. Gặp tao, tao cũng bon chen về đó. Mày bị đẩy đi là đúng rồi!

– Mày nghĩ họ đúng sao?

– Đúng chớ sao không? Mày ngốc thế thì không đẩy mày đi thì đẩy ai?

– Sao mày không nghĩ trường tao thừa giáo viên đi?

– Ha ha! Đứa khôn khéo thì thừa nó cũng được ở lại. Cái bánh ngon thế phải chia nhau chứ.

Vân nghe bạn nói cũng chẳng buồn, chẳng vui, chỉ trầm ngâm uống cốc nước mía lạnh tê đầu lưỡi.

Hiền thấy vậy, vỗ vai bạn:

– Thôi, buồn làm gì nữa

– Tao có buồn đâu

– Không buồn thì vẻ mặt gì đấy?

– Tao chỉ thấy mất hứng thôi

– Tao nói mày nghe, mày giỏi chuyên môn nhưng khoản khác mày kém quá. Mày không biết cạnh tranh, hơn thua. Mà cuộc sống này không cạnh tranh nghe khó tồn tại. Miếng ngon bị cướp hết.Từ xưa đến nay vậy rồi, phải chịu thua thiệt thôi. Tao mà được đi dạy như mày thì đố ai dịch chuyển được tao!

– Mày thì ngon rồi!

Vân liếc mắt, trề môi trêu Hiền. Hiền vênh mặt:

– Tất nhiên! Tiếc là họ đã bỏ sót nhân tài!

– Haha

Hai cô gái vui vẻ phiếm chuyện linh tinh nhà cửa, chồng con rồi về khi trời bắt đầu gắt nắng. Vân về nhà, tấp xe vào sân thấy tối hết mắt mũi. Nắng quá! Đúng là nắng tháng tám rám trái bòng. Hoa hết cả mắt.

Bà Hà chạy ra, lấy ngón tay đặt lên môi suỵt khẽ ra hiệu bé Mây mới ngủ. Đợi con cởi hết đồ đi đường, bà hỏi:

– Sao con? Thuận lợi không?

Vân bật cười:

– Thuận chứ sao không mẹ? Con chuyển đến chứ có đi xin việc đâu mà mẹ lo thế?

– Ơ hay, con này! Chuyển đến thì chuyển đến nhưng mình cũng phải chú ý xem họ đón tiếp thế nào chứ? Có thoải mái không? Có bắt bẻ gì không? Mình là nhân viên phải biết lấy ấn tượng đẹp từ đầu chứ con. Các ông sếp mà có mới đến cơ quan mới cũng phải lấy lòng nhân viên nữa là. Mày không thấy trên phim à?

– Mẹ! Phim là phim thôi mà

– Tao biết. Nhưng thái độ họ thế nào?

Vân thuật sơ cho mẹ nghe. Bà Hà nghe xong, chưng hửng:

– Thế mày không biết hỏi han xếp à? Cũng không biết giới thiệu thêm gì về bản thân à?

– Mẹ, vậy không coi là lắm chuyện sao?

– Sao lại lắm chuyện?

– Thôi, con đi tắm đã

Vân bỏ vào trong nhà, mặc mẹ ở đó với chút bực mình đang tăng. Rút cục thì cô vẫn thấy mình kém cỏi.Cái bản tính vừa trầm lặng, vừa thẳng thắn ít đem lại cho cô sự thuận lợi trong giao tiếp. Giao tiếp tốt luôn là lợi thế của mỗi người trong mọi nghề. Sự ứng biến linh hoạt, biết cách chiều lòng người khác sẽ tìm được điểm thuận cho mình. Vân không được như thế. Không chỉ vậy, sự hiểu biết về các vấn đề nhạy cảm của cô cũng hạn chế. Người ta hay gọi là ngây thơ. Vân không biết rằng, để ở lại hoặc chuyển được đến những trường có chế độ đãi ngộ cao mà không quá cách trở về địa lí thì rất nhiều giáo viên phải có cách, nếu không phải là người nhà của các vị quan lớn, nhỏ. Sự chen đua là điều bình thường trong cuộc sống. Kẻ thiếu ma mãnh sẽ chậm chân, thua thiệt.

Bữa ăn trưa. Bố động viên Vân cố gắng, ông bảo:

– Gắng một năm mà xin về gần nhà con ạ. Dù sao chồng con cũng là quân nhân. Mình nói khó tí chắc được

– Ôi dào, ông tưởng đây là thời năm năm mươi chắc? Quân nhân mà không nhờ bác giúp đỡ thì cũng lời thừa!

– Bác nào?

– Bác Hồ chứ bác nào nữa?

– Bà này! Nói linh tinh gì đấy? bà tưởng ai cũng như bà à?

– Thì ông thấy rõ rồi còn gì. Bố con ông lạc hậu, giữ tư tưởng cộng sản thì thiệt thân thôi. Ông coi đấy, mỗi năm nó ở lại trường cũ lương cũng gấp đôi trường mới. Giáo viên mà tự nhiên một năm thêm cả mấy chục triệu bạc như thế, làm gì ra? Tôi hỏi ông, không chạy chọt  thì của tự chạy vào túi mình chắc?

Ông Hải trầm ngâm. Miếng cơm trong miệng ông khô hơn rơm, ông quay sang nhấp ngụm nước sôi  Một cựu chiến binh Trường Sơn, 20 tuổi được đứng dưới lá cờ Đảng thiêng liêng thề nguyền, hạnh phúc sung sướng khi là đảng viên làm sao hiểu hết được hai từ “cơ chế” khi tuổi đã bước sang bát tuần? Thật ra không phải ông không biết, mà là không muốn công nhận, không muốn tin. Điều mà ông luôn tin là chủ trương, chính sách của Đảng, là những cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền. Cái xấu, cái tiêu cực thì thời nào chả có, cái đó ông biết, nhưng chỉ là cá biệt, riêng lẻ chứ đâu phải phổ biến như bà xã ông nghĩ. Họ phiến diện quá, phụ nữ luôn nhìn gần, biết một mà không biết hai, ông nghĩ vậy.

Bữa cơm tự nhiên tẻ ngắt. Mỗi người đuổi theo một ý nghĩ của riêng mình và cho rằng đó là điều đáng nghĩ nhất.Vân buông bát trước rồi đứng dậy vào ngó con, sợ con lật khi ngủ mà rơi xuống võng. Nhóc tì đang ngủ say, đôi môi chúm chím thỉnh thoảng nhóp nhép bú mơ, cái lưỡi đánh ra như thật, nhìn yêu hết chỗ nói. Vân đứng lặng lẽ ngắm con, mọi ý nghĩ, ưu tư lúc nãy còn dâng lên mênh mang bỗng chốc tan biến, đôi mắt cô say mê nhìn thiên thần nhỏ trước mặt. Với cô, chỉ cần mẹ con cô bình yên thì khó khăn thế nhưng khó khăn nữa cô cũng cam lòng.

P.T.T.H