(Vanchuongphuongnam.vn) – Truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm, nhà văn trẻ đến từ Sài Gòn như Cầu thang tối, Tử tội, Mắt đỏ…, bằng bút pháp hiện thực, đã dẫn chúng ta đến một thế giới tâm linh bàng bạc trong những câu chuyện của cô và tùy từng câu chuyện mà nổi bật lên với những hồn ma bóng quế, sự hiển hiện của luật nhân quả và lòng tin vào sự nhiệm mầu của Phật pháp…
Tác giả Võ Đào Phương Trâm
Với truyện ngắn Cầu thang tối, trong bối cảnh vô minh của căn nhà mà nhân vật chính, một kế toán viên mà nghề nghiệp là những con số khô khan đã thuê ở phòng 203, hồn ma của cô họa sĩ Vy ở phòng 204 như một tín hiệu của thế giới tâm linh trong những truyện ngắn của Phương Trâm, thì những nén hương cô thắp cho Vy là tín hiệu của tín ngưỡng của đạo Phật từ bi. Chưa hết, sự sống còn của cô kế toán khi bị người chủ cho thuê nhà và thằng con trai sát hại vì động cơ tà đạo sau khi đã bị đưa vào nhà xác cũng là sự tin tưởng vào phép nhiệm mầu của Phật pháp, vào số kiếp con người.
Trong truyện Tử tội, Đông “sát nhân, giả tử” theo quy định của pháp luật và cũng là theo luật nhân quả của nhà Phật. Thế nhưng, lời khuyên của người quản giáo với Đông: “– Ừ, gây ra tội ác, đoạt mạng người thì vong linh người ta thường đeo bám, anh cố gắng cầu nguyện và niệm Phật, khấn thành tâm bằng lòng ăn năn sám hối, mong họ tha tội mà đừng quấy nhiễu, cầu nguyện cho họ siêu thoát về cõi Phật, anh niệm Phật và sám hối để lòng thanh thản, bớt đi cảm giác ám ảnh tà ma.” là một tình tiết tuy có vẻ siêu thực nhưng cũng hết sức hiện thực, là sự tăng tiến của lòng tin vào phép nhiệm màu của Phật pháp so với Cầu thang tối.
Phải nói rằng truyện ngắn Mắt đỏ của nhà văn Sài Gòn Phương Trâm là sự minh họa nổi bật nhất cho luật nhân quả lẫn phép nhiệm mầu của Phật pháp. Cả hai quy luật tâm linh này đã chứng tỏ sự hiển hiện của chúng ngay trong cuộc đời của kẻ có nghiệp báo: Vượng Cầy Tơ làm nghề giết chó lấy thịt bán cho dân nhậu. Trong thời gian hành nghề, hắn đã giết hàng ngàn con chó, trong đó, có cả chó có mang. Thế rồi, đứa con trai duy nhất của hắn ta bị tai nạn giao thông chết thảm vì chạy xe nhanh cán qua một con chó. Chưa hết, đứa cháu nội “đức tôn” (chữ dùng của tác giả) của hắn mới sinh ra vài tháng người đã mọc đầy lông lá và mọc răng nanh. Cũng may, hắn gặp được một Phật tử và một sư thầy hướng dẫn đọc kinh, niệm Phật và ăn chay. Kỳ diệu thay, một thời gian sau đứa cháu nội của hắn rụng hết lông và răng nanh. Từ đó, hắn từ bỏ nghề đồ tể và phát tâm tu tập.
Có thể tuy chỉ phát tâm đảnh lễ qua những sáng tác của mình, tuy chỉ thành tâm sử dụng nghệ thuật đầy hiện thực tính, những truyện ngắn của Phương Trâm mà tiêu biểu là những cậu chuyện được trích dẫn trên, đã thể hiện một thế giới tâm linh với những nhân vật tuy không tiêu biểu của xã hội chúng ta – cô kế toán, Đông, Vương – qua đó, dù ít, dù nhiều đã hướng độc giả đến những giá trị có tính chân lý của cuộc sống.
Từ lâu, luật nhân quả nhãn tiền và sự nhiệm mầu của những đức tin về thiện-ác, tức làm điều lành, tránh điều ác đã thấm đượm vào tâm thức của những người đọc sách. Và những truyện ngắn của Phương Trâm, theo tôi nghĩ, cũng đã góp phần tô đậm thêm những dòng nghĩ suy tốt đẹp ấy…
T.D.T