Ngọc trong đá

1076

Nhà văn Nguyễn Bá Thế (1925 – 1996)

Bận rộn công tác cơ quan hoặc lo đời sống gia đình, anh em văn nghệ sĩ lâu ngày có dịp gặp lại nhau, tha hồ hàn huyên tâm sự. Trong giờ giải lao thư thả trước hành lang phòng họp, nhà văn Nguyễn Đông Vũ nhìn tôi, siết mạnh tay, mỉm cười thân tình nhắc nhở:

– Nguyễn Thanh còn nợ anh Nguyễn Bá Thế đó!

Trong thời tiết oi ả của mùa hạ miền Nam và cảnh ồn ào trò chuyện bên ngoài hội trường, cái bắt tay ấm áp của Vũ khiến tôi nhớ đây là món nợ tinh thần với nhà văn Nguyễn Bá Thế, nguyên là Phó Chủ tịch hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Cần Thơ *. Tôi vốn ở cách nhà anh Thế không xa quá ba trăm mét trong cái hẻm Vú Sữa nhỏ bé thuộc nội ô thành phố – hẻm 15 đường Duy Tân (nay là hẻm 15 Hoàng Văn Thụ) gần cầu Cái Khế, Cần Thơ.

Ngày ấy, ngôi nhà nhỏ khiêm tốn của anh ở cạnh khu mả hoang âm u cây dại mọc um tùm, gần miếu Bà Chúa Xứ, đối diện với một lạch nước tù đọng xanh rờn. Ngay từ khi còn học Cấp 2, do thói quen hay đọc báo chí hằng ngày và sách vở, từ lâu tôi đã nghe tiếng, quý mến và ngưỡng mộ nhà văn Nguyễn Bá Thế. Tôi hiểu biết khá rõ về gia đình, nhân cách, thân thế và sự nghiệp văn chương của anh, tác giả của gần ba mươi bộ sách văn học được biên soạn rất công phu xuất bản từ thập niên đầu của nửa sau thế kỷ hai mươi.

Tác phẩm chính của anh thuộc thể loại sưu khảo trong giai đoạn đầu cuộc đời cầm bút, hầu hết do nhà xuất bản Tân Việt (Sài Gòn) ấn hành, gồm có :

 – Về sưu khảo: Bùi Hữu Nghĩa (1956), Huỳnh Mẫn Đạt (1956), Phan Văn Trị (Ký tên Nhất Tâm, 1956), Sương Nguyệt Anh (1956), Huỳnh Thúc Kháng (Ký tên Thế Nguyên, 1956), Võ Trường Toản (phụ lục: Gia Định Tam Gia, 1956), Nguyễn Đình Chiểu – thân thế và thi văn

(1957), Phan Thanh Giản (1957), Tôn Thọ Tường (1957), Nguyễn Văn Vĩnh (1957), Học Lạc(phụ lục Nhiêu Tâm, 1958), Phan Bội Châu (1958), Phan Chu Trinh (Ký tên  Thế Nguyên, 1959).

 – Về tiểu thuyết: Nhà văn Nguyễn Bá Thế đã trình làng ngay từ thuở mới bắt đầu sự nghiệp văn chương trong thập niên 60 tại Sài Gòn những tiểu thuyết như: Lá cờ hồng thập, Lột vỏ, Tình và nghĩa vụ, Son sắt một lòng. Theo nhận định của Nguyễn Q. Thắng, tác phẩm loại này của Nguyễn Bá Thế có giá trị thường thường bậc trung (1).

 – Về từ điển: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (hợp soạn, Văn Hóa, Hà Nội – 1993), Từ điển nhân danh Trung Quốc (hợp soạn).

 – ThơMột kiếp tầm tơ (1996)

 – Một số bản thảo chính: Chí sĩ trên đường duy tân cứu nước, Gương nữ lưu, Gương nghĩa liệt, Cao hiền xử sĩ, Giai thoại văn chương… và những di cảo mang chủ đề: Gương chí sĩ, Tinh hoa nòi Việt…

 – Chủ trương tạp chí văn học Miền Tây thăng hoa ấn hành tại Cần Thơ (1971) – Tạp chí văn học địa phương có lập trường dân tộc rõ nét, với sự cộng tác của những cây bút quen thuộc tại Cần Thơ như Nguyễn Thanh (Ngũ Lang), Lê Hoàng Viện (Huyền Vân Thanh)…

Ngoài ra, anh từng là cộng tác viên của các nhật báo và tạp chí tại Sài Gòn: Việt Thanh, Đuốc Nhà Nam (chủ biên: Trần Tấn Quốc), Phổ thông (Nguyễn Vỹ), Văn nghệ Miền Tây (Ngũ Lang)…  của thế kỷ trước và Văn nghệ Giải phóng Thành phố Cần Thơ, Văn nghệ Cần Thơ sau ngày giải phóng.

Nguyễn Bá Thế (1925-1996), là tên thật. Khi sáng tác, anh còn ký với các bút danh: Thế Nguyên, Nhất Tâm, Nam Xuân Thọ… là nhà văn được biết đến nhiều ở Nam bộ từ những năm kháng chiến chống Pháp cùng thế hệ với các nhà văn: Lý Văn Sâm, Sơn Nam, Kiên Giang, Thẩm Thệ Hà, Vũ Anh Khanh, Vương Hồng Sển…

Nhà văn Nguyễn Bá Thế sinh ra tại làng Thường Thạnh, quận Cái Răng, tỉnh Cần Thơ, cùng quê quán với nhà văn Hồ Hữu Tường (2), nay thuộc Thành phố Cần Thơ. Thuở nhỏ, khi còn là học sinh trường trung học Phan Thanh Giản (Cần Thơ), Nguyễn Bá Thế đã tỏ ra yêu văn chương và ưa sưu tầm văn học dân gian như ca dao, tục ngữ…

Xuất thân trong một gia đình lao động ở nông thôn, anh không may bị khó nghe ở tai từ lúc bẩm sinh, tay chân yếu và cơ thể không thật sự khỏe mạnh. Nhưng tương phản với những bất hạnh nghiệt ngã gánh chịu từ nhỏ là một nghị lực hiếm thấy thể hiện trong suốt cuộc đời anh qua cuộc sống và sự gắn kết thủy chung với nghệ thuật văn chương. Khi anh thực sự bắt đầu sống bằng ngòi bút, thu hoạch của anh cũng bất thường và không có là bao nhiêu từ cái nghiệp chướng của một phu chữ (3) như lời một nhà thơ đã cay đắng ví von. Do không đảm bảo ổn định đời sống thường ngày cho gia đình nên chị Thế hằng ngày phải dậy khuya về trễ, tần tảo buôn bán vặt chao tương tại chợ Ninh Kiều để cáng đáng việc cơm áo cho chồng con mặc dù bản thân chị cũng là một phụ nữ yếu đuối không hơn không kém. Thật cảm động và đáng trân trọng.

Hình ảnh chị Thế khá gần gũi với nhân vật Liên trong tác phẩm Gánh hàng hoa của Khái Hưng và Nhất Linh hằng ngày phải lao động vất vả sớm chiều để nuôi Minh, chồng nàng ăn học và theo đuổi sự nghiệp văn chương. Thấy được hoàn cảnh cực nhọc của vợ và nỗi khó khăn truyền kiếp khó tránh của người cầm bút, anh Nguyễn Bá Thế có lúc phải tạm theo con đường kiếm sống của nhà thơ Tản Đà ngày trước. Anh cam đành âm thầm lấy số Tử vi cho một số người quen biết có nhu cầu. Không công khai nhưng cái nghề hơi khó coi này đôi lúc cũng gỡ gạc cho anh việc giải quyết vấn đề tiền nong lặt vặt hằng ngày. Nghe không rõ khi tiếp xúc với bạn bè văn nghệ và khách quen, đành phải dùng lối bút đàm, nhưng lúc nào cũng vui vẻ, niềm nỡ trước người đối diện, nên anh Thế vẫn được anh em bà con quý mến, gần gũi đổi trao tâm sự, tham vấn ý kiến vì tin anh là người đọc nhiều thấy rộng. Điều này bà con rất có cơ sở vì ngoài sở trường lưu loát tiếng Việt, anh Thế còn đọc hiểu được cả tiếng Pháp và tiếng Hoa. Tủ sách lớn ở ngay tiền sảnh nhà anh với mật độ dày đặc tác phẩm văn học cổ kim cả từ điển đủ loại ngôn ngữ mà tôi vẫn hay đến tham khảo trong quá trình soạn bài dạy học hay viết lách.

Nhờ có kiến thức sâu và phong cách thoải mái, anh Nguyễn Bá Thế được nhiều tầng lớp sinh viên học sinh và trí thức tìm đến anh để trao đổi giao lưu về văn học. Giới cầm bút, nhà văn nhà báo, bác sĩ, giáo sư đại học, nghệ sĩ…: nhà báo Nguyễn Tử Quang, nhà sưu khảo Huỳnh Minh, BS Lê Văn Khoa, giáo sư Đại học (Nguyễn Quyết Thắng), Giáo viên Trung học và cả quần chúng địa phương đã coi nhà anh như là một địa chỉ đỏ thân quen. Do vậy, anh Thế ở tại một nơi khá hẻo lánh nhưng căn nhà nhỏ của anh ít khi vắng bóng những người thuộc thành phần lao động và trí thức tốt trong xã hội. Chân yếu nên mỗi khi đi uống cà phê hay hội họp, tôi và các bạn văn nghệ hay đi máy xe đến tận nhà để rước anh. Dù đồng tiền khiêm tốn anh kiếm được không phải dễ dàng nhưng bản tính hào phóng, mỗi lần đi quán uống nước, anh đều hăng hái dành phần trả tiền trước cho tất cả anh em. Những buổi họp mặt tiệc tùng với bạn bè, anh Nguyễn Bá Thế luôn sốt sắng đóng góp đầy đủ trong khi các bạn văn nhiều người có hảo ý muốn trả thay khẩu phần cho anh.

Trong ứng xử với anh em, nhà văn Nguyễn Bá Thế là một người thực sự tốt bụng. Trong thập niên đầu sau ngày giải phóng, do hoàn cảnh khách quan của xã hội, đời sống mọi tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trí thức, nhà giáo, lao động còn phải sống trong thời kỳ bao cấp . Nhiều gia đình đông con càng thêm ngặt nghèo trong đời sống kinh tế vật chất, hằng ngày phải chịu cảnh bữa đói bữa no, phải ăn cơm độn khoai trộn bắp là chuyện thường ngày. Gia đình tôi cũng không khác. Lần lữa, tôi phải cam lòng lấy ra từ trong tủ sách chất đầy những tác phẩm văn học giá trị đem bán cho những điểm buôn sách cũ. Đó là những bộ sách quý, gáy dày bìa cứng in chữ mạ vàng trang trọng bên trong có đóng dấu chủ nhân tủ sách gia đình. Không tránh được nỗi e ngại, tôi phải gói kín sách, sai con tôi đem đi bán, đôi khi ngặt nghèo phải xé bìa, cân ký bán giấy vụn cho mấy chị quang gánh mua ve chai lông vịt, để đổi lấy chút ít tiền còm cân gạo. Dù hoàn cảnh anh lúc ấy cũng không thực khá giả nhưng thông cảm sâu sắc với hoàn cảnh giáo viên của tôi ngoài giờ dạy học mỗi ngày còn phải thức sớm chạy xe đạp ôm để kiếm thêm chút thu nhập, anh Thế chân tình:

– Nguyễn Thanh đem sách để tôi giữ cho và tôi sẽ gởi tiền lại anh.

Anh Thế nhìn tôi ra vẻ như tiếc số sách quý tôi đem bán lấy tiền mua gạo với thái độ rất thân tình, tự nhiên để tôi khỏi ngại. Lòng thương bạn của anh khiến bây giờ nhắc lại tôi cảm thấy thương anh vô cùng.

Đối với gia đình, vợ con anh Nguyễn Bá Thế cũng là người mẫu mực trong tình nghĩa chồng vợ, cha con. Anh lúc nào cũng tỏ ra hết mực san sẻ, yêu thương người vợ đã tảo tần cực nhọc suốt ngày để anh yên tâm cầm bút. Con cái anh cũng được chăm sóc, giáo dục bằng tấm gương lao động trong sáng và cần cù của người cha trót vương mang nợ bút.

Nghệ sĩ đa tài ắt đa tình. Xưa nay, chuyện vấn vương tình cảm giữa danh sĩ với giai nhân là định luật đời thường ở cõi nhân gian. Trong số những người đẹp bốn phương hâm mộ văn chương nhân cách anh, trừ những đọc giả thầm lặng đơn phương tơ tưởng đến nhà văn, tất nhiên cũng từng có bóng giai nhân khơi dòng cảm xúc cho nhà văn. Có dịp gần gũi anh, tôi được biết H. cô gái trẻ ở tuổi đôi mươi có một dạo là nàng Thơ của Nguyễn Bá Thế. Dáng vóc người tầm thước, nhưng H. duyên dáng nhờ sở hữu một màu da tươi thắm hồng hào với khuôn mặt trái xoan ưa nhìn. Ấn tượng ở nàng là đôi mắt u hoài mi kép trữ tình với nụ cười duyên rất dễ làm xiêu lòng những trang tao nhân mặc khách đa tình! H. ngưỡng mộ văn chương và nhân cách nhà văn, hay tìm dịp đến với anh để trao đổi văn thơ khiến bút lực anh càng thêm sung mãn….

Nhận định khái quát về sự nghiệp văn chương của Nguyễn Bá Thế, dựa vào cảm nhận của dư luận quần chúng văn học, ta có thể khẳng định anh đủ tầm vóc của một người cầm bút đích thực trên văn đàn. Sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh đất nước chưa được giải phóng và riêng bản thân cũng không phải là một người hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng anh đã phấn đấu hết sức mình để theo đuổi nghiệp văn và đạt nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực văn học chân chính của nước nhà. Tính tình đôn hậu, hiền lành sẵn có từ lúc nhỏ, anh viết sách báo với một văn phong trong sáng, tự nhiên, không trau chuốt nhằm chuyển tải hiệu quả chủ đề lành mạnh, xây dựng mang tính nhân văn của nội dung tác phẩm dù anh uyên bác về kiến thức. Hầu hết tác phẩm văn học thuộc loại sưu khảo phong phú của nhà văn Nguyễn Bá Thế viết về các nhà văn và danh nhân lịch sử Nam bộ – một vùng đất mới chưa có cơ hội được khám phá và nói đến nhiều trên lĩnh vực văn học Việt Nam – đã được đánh giá cao, vượt trội hơn hết so với những thể loại khác của anh.

Với Nguyễn Bá Thế, tôi chỉ là người bạn nhỏ cầm bút sau anh, hay gần gũi với anh, nhưng có một khoản thời gian trong ngót hai mươi năm, do bận việc áo cơm phải đi làm việc xa nên tôi ít khi về nhà. Khi hay tin trong những ngày nhà văn Nguyễn Bá Thế trở bệnh nặng, tôi có đến thăm anh… Nhưng trong buổi tiễn đưa anh Nguyễn Bá Thế đến cõi vĩnh hằng của thế giới văn chương, tôi có mặt cùng bà con anh và các bạn văn hâm mộ mến thương anh. Giờ đây nghĩ đến anh cảm thấy lòng chạnh lòng, tôi xin mượn những dòng tâm tưởng trong bài viết này làm những nén tâm hương bày tỏ lòng nhớ thương anh – nhà văn Nguyễn Bá Thế như một viên ngọc trong đá,  đã sống mài miệt âm thầm trọn một đời văn.

29.01.2020

Nguyễn Thanh

 * Hội VNGP TP.Cần Thơ (1975-1979): Chủ tịch: Nhà thơ Hoài Nam Tử

Phó CT: Nhà văn Nguyễn Bá Thế, Tổng thơ ký:  Ngũ Lang (Nguyễn Thanh)

(1) Nguyễn Q. Thắng: Văn học Việt Nam: Nơi miền đất mới, tập 3 – NXB Văn học, 2008

(2) Hồ Hữu Tường: tác giả tiểu thuyết: Thu Hương, Chị Tập, Thằng Thuộc con nhà nông, Bốn mươi năm nói láo… chủ biên tạp chí Hòa Đồng (Sài Gòn) trong thập niên 70.

(3) Từ dùng của nhà thơ Phùng Quán