Người viết bằng Tổ quốc ghi công

1127

10.10.2017-23:30

Nhà văn Trần Quốc Toàn

 

>> Trần Quốc Toàn & Trung thu Nam Bộ

>> Quà trung thu từ một trại viết ở rừng Mã Đà

 

Người viết bằng Tổ quốc ghi công

 

TRUYỆN NGẮN CỦA TRẦN QUỐC TOÀN

 

NVTPHCM- Mùa hè, cụ giáo Chế đón đứa cháu nội từ Hà Nội lên Sơn Tây nghỉ với mình.

      

Con nhỏ nắm tay ông, từ bến xe ngòai chốt, theo những dãy phố tối bóng bàng, đi sâu vào lòng thị xã cổ. Chốc chốclại có người dừng xe đạp, ngả mũ, đứng nghiêm trước ông nội nó, bẽn lẽn “ Em chào thầy ạ”. Mà toàn người lớn! Điều đó khiến người ông vốn là thầy giáo đã về hưu thêm uy nghi trước đứa cháu mới học lớp hai. Uy nghi không kém gì ngôi thành cổ xù xì đá ong đứng trầm mặc bên bờ hào kia.

     

Bởi vậy, sáng hôm sau, khi ông nội bảo lấy vở ra học bài thì cái Hằng làm theo tức thì. Cụ giáo Chế thật hài lòng về tính hiếu học của đứa cháu. Nhưng mới thấy cháu viết vài chữ cụ  đã sa sầm nét mặt. Cụ cố mềm giọng:

 

– Sao cháu viết chữ “hát” thế kia. Để ông sửa lại!

 

Nói rồi, cụ cẩn trọng đưa bút. Ấy vậy mà ngòi bút già vẫn đụng ổ kiến lửa non!

 

– Ông làm xấu vở của Hằng. Cô giáo của Hằng viết chữ “hờ” không có cái bụng. Ông viết thế cô của Hằng chỉ cho hai điểm! Hằng bắt đền…

         

Cụ giáo toan gắt lên với cái người cho mình điểm hai đang ở mãi đâu đâu nhưng kịp ghìm lại được, cụ chưa bao giờ nặng lời về một người thầy trước mặt học trò của người ấy. Cụ đành nuốt cục hận vào bụng. Chữ nghĩa thế này là hỏng rồi. Nét chữ, nết người, viết gì mà ngộc nghệch. Chữ này chữ nọ lênh khênh như ba cậu choai choai mặc quần đùi may ô chạy láo nháo ngòai sân vận động. Chữ hát với chữ en lờ lùn như thế, lép kép như thế, coi chừng thầy đọc chính tả con cò bay lả bay la trò lại viết thành con cò bay ỉa bay ia!

        

Đang đầy bụng tức thì nhà có khách. Một anh bộ đội chẳng cần gõ cửa đã bước thẳng vào nhà, vừa quạt quạt cái mũ cối vừa nói:

 

– Kiếm đỏ mắt mới gặp được cụ giáo. Thưa cụ, cụ có phải thầy giáo Chế?

 

– Dạ thưa… anh có việc gặp tôi. Anh là…

 

– Con là cán bộ chính sách mới về, cụ giáo chưa biết. Con thì con biết cụ từ hồi còn trên tỉnh đổi. Về thị là con kiên quyết giữ việc cho cụ. Báo cáo cụ. Nhờ cụ viết gấp  số bằng Tổ Quốc ghi công này cho kịp lễ Quốc Khánh. Con xin nói để cụ giáo mừng, công viết đã tăng năm mươi xu một bằng. Bây giờ biên giới đang đánh lớn, cũng sẵn việc để…

 

– Cám ơn – cụ giáo dằn mạnh cái tách xuống mặt bàn lót kính, khác hẳn với tính nết nhu mì hằng ngày- tôi cũng sẵn việc lắm rồi, mời anh về. Về ngay!

    

Anh bộ đội đi giật lùi ra cửa, tập bằng ghi công như tấm khiên che trước ngực. Con Hằng cũng tót vào buồng. Chỉ còn cụ giáo Chế buồn rũ rượi. Sao người ta dạy dỗ cháu mình như thế! Sao người ta nỡ nói với mình như thế! Sao người ta không biết, kể từ ngày được tin cẩn giao việc viết bằng Tổ Quốc ghi công mình đâu dám nhận một đồng xu! Lẽ nào có thể kiếm lời trên những cái chết vinh quang! Lẽ nào vui mừng giữ lấy một công việc như thế!

        

Cái công việc ấy, cụ giáo đã làm bao năm nay, đã âm thầm gánh chịu cùng cả thị xã này con số những cái tên vinh quang ấy. Nói âm thầm là vì chưa bao giờ cụ giáo đặt con dấu cộng nối số lượng những tấm bằng tay cụ viết. Người ta nhờ đến cụ không phải là mướn người làm công mà là chọn mặt gửi vàng. Bởi vì cụ giáo Chế viết đẹp có tiếng. Ở thị xã này, có con học cụ giáo Chế là một vinh hạnh. Cũng ở thị xã này người ta còn truyền tụng câu chuyện có một vị tướng nhờ chữ cụ giáo mà tìm được đứa con chưa biết mặt. Chuyện rằng hồi chiến tranh giải phóng miền Nam đang hồi ác liệt, có một lần, vị tướng xuống hầm coi bích báo của chiến sĩ rồi nói tướng lên “cậu này học cụ giáo Chế” và đòi gặp bằng được tác giả bài báo. Cậu bộ đội ấy đúng là người Sơn Tây, đúng là học trò cụ giáo Chế. Và kì lạ thay, đúng là đứa con mà khi vị tướng ra đi nó còn nằm trong bụng mẹ.

    

Tiếng chuông kính coong đưa một người khách nữa tới. Ấy là ông bạn đồng nghiệp còn tại chức, lực lưỡng như một võ sĩ, tóc ca rê, râu ca rê, cái ghi đồng xe đạp dắt tay cũng ca rê. Cụ giáo Chế được dịp dốc bầu tâm sự. Người bạn già an ủi:

 

– Xin cụ bớt giận. Cả thị xã này hiểu cụ. Cụ cũng thể tất cho, đôi khi bọn trẻ vì hăng hái mà hóa vô tâm. Mới lại, ngôn phong chỉ là tiểu tiết.

 

– Không tiểu sao thành đại. Cái nhỏ đã bôi bác thì cái lớn ắt rồi nhòe nhọet. Đây cụ coi, cháu cụ giáo Chế viết thế này đây. Người ta dạy con nít không còn mẫu mực gì nữa!

 

Cụ giáo râu ca rê đỡ quyển vở, nheo mắt coi:

 

– Ủa! Nó viết thế này cụ còn đòi gì hơn. Đúng chữ cải cách.

 

– Cải cách rồi sao? Xin lỗi, tôi mới hưu mà đã… Nhưng thưa cụ, chữ cái là chữ mẹ, thuộc phái đẹp, đẹp nhờ eo, nhờ lưng. Mấy mẫu tự này không giữ lấy bụng dạ, làm sao còn eo lưng. Tôi là tôi chưa chịu…

     

Nói vậy chứ đêm hôm ấy, đợi cái Hằng ngủ rồi, cụ giáo vẫn lén mở vở của cháu, rồi theo đấy mà tập viết bằng cây bút bi không có nét thanh nét đậm. Việc làm này chỉ có con trai cụ, ba của bé Hằng là biết. Bởi vì đêm nào anh cũng thức trong khung ảnh treo cạnh tấm bằng ghi công có hàng chữ tên anh do chính cụ giáo Chế viết bằng ngòi bút rông.

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Những ngày mưa – Nguyễn Minh Ngọc

>> Bức tử hiện tại – Hoà Bình

>> Sương hồng – Lê Minh Khuê

>> Cuộc tìm nhau – Lê Quang Trạng

>> Táo cắn dở – Nguyễn Vũ Hồng Hà

>> Trung thu của cu Tin – Y Nguyên

>> Bóng đổ nơi chân sóng – Hoàng Việt Hằng

>> Lặng yên ngưng đọng – Vĩnh Thông

>> Kiếp hoa – Vũ Minh Nguyệt

>> Phép mầu từ chiếc nhẫn – Trương Tri

>> Người săn côn trùng – Tống Ngọc Hân

>> Thế hệ thứ ba – Bùi Tự Lực

>> Vá đồng – Nguyễn Hồng

>> Giải cứu – Vũ Thị Huyền Trang

>> Tân Cảng – Nguyễn Thị Thu Huệ

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…